Top 10 nhạc cụ được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam

“Hoạt động âm nhạc trong suốt cả đời có thể trở thành một bài tập về nhận thức, khiến cho não của bạn khỏe mạnh và có khả năng thích ứng với những thách thức của tuổi già” – Nhà nghiên cứu Brenda Hannay Pladdy.Brenda Hannay Pladdy, một chuyên gia thần kinh – tâm lý lâm sàng thuộc Khoa Thần kinh – Trường thuộc Đại học Emory (một trong những trường Đại học danh giá Thế giới thành lập năm 1836, tại ngoại ô lâu đời của Atlanta thuộc Druid Hills, được chứng nhận quốc tế là trường chuyên ngành nghệ thuật tự do danh tiếng, một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực đông nam), bà đã thực hiện nghiên cứu và đã cung cấp thêm bằng chứng rằng so với các hoạt động khác, chơi nhạc cụ có thể làm giảm sự tác động của suy giảm trí nhớ và lão hóa nhận thức. Brenda Hannay Pladdy cho rằng: “Do việc học một nhạc cụ đòi hỏi nhiều năm luyện tập, nên nó có thể tạo ra một kết nối khác trong não có thể bù đắp cho sự suy giảm nhận thức khi chúng ta già đi”. Ngay cả những người hiện không còn chơi nhạc, cũng làm tốt bài tập về nhận thức. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh vào ích lợi của thời gian học nhạc đối với não bộ của con người.

Đúng vậy, âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người chúng ta, có thể gọi nôm na là gia vị cuộc sống, là những gam màu đa sắc khiến chúng ta chìm vào đó mà quên đi những mệt mỏi của thực tế. Không thể phủ nhận rằng, ông bà ta từ thuở xa xưa đã nêm nếm thật tuyệt vời những món “gia vị” này để có thể sống kiên cường, sống vui – sống khỏe suốt những năm tháng chiến tranh và nghèo khổ, vượt qua những khó khăn và để lại cho đời một bề dày âm nhạc truyền thống Việt đáng tự hào.

Nền âm nhạc của Việt Nam mang đậm tính dân tộc, nó được phát triển và truyền từ đời này sang đời khác. Từ các điệu quan họ Bắc Ninh cho tới những bài ca cổ Nam bộ, đâu đâu cũng phát triển một nền âm nhạc riêng của từng vùng miền. Và trong nền âm nhạc nước nhà, tuy phong phú đa dạng nhưng cũng không thể nào thiếu được sự góp mặt của các loại nhạc cụ dân tộc.

Đàn bầu
Đàn ​có tên chữ là độc huyền cầm, là loại đàn một dây của người Việt, thanh âm phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy vào dây. Dựa theo cấu tạo của hộp cộng hưởng, đàn bầu chia hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ. Đàn bầu có mặt phổ biến ở các dàn nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Các nhạc sĩ Việt Nam đã biên soạn và chuyển soạn một số tác phẩm dạng “concerto” để nghệ sĩ sử dụng đàn bầu trình tấu cùng với dàn nhạc giao hưởng thính phòng như Vì Miền Nam, Ru con, Tình ca…

(Nguồn Internet)

Đàn bầu không chỉ được người Việt Nam ưa thích mà còn được nhiều khán thính giả trên thế giới hâm mộ. Nhạc cụ phù hợp với những giai điệu trữ tình, êm dịu, tuy nhiên những nghệ nhân xẩm có thể sử dụng nó để diễn những bài hát vui như xẩm xoan hoặc những ca khúc mới, giàu chất tươi tắn và khỏe mạnh. Ca dao Việt Nam có câu “Đàn bầu ai gãy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” ý nói tiếng đàn dễ dàng thu hút được tình cảm người nghe.

(Nguồn Internet)

Trước đây đàn bầu giữ nhiệm vụ độc tấu hoặc đệm hát, tham gia những ban nhạc cổ truyền cùng với đàn nguyệt, đàn tam, nhị hay tỳ bà… Ngày nay một số cây được gắn thiết bị điện, tăng âm nên có thể độc tấu ngoài trời hoặc hòa tấu với dàn nhạc lớn, nhiều nhạc cụ. Nhiều nghệ nhân tài năng đã dùng tiếng đàn bầu mô phỏng giọng nói của cả ba miền Nam, miền Trung, miền Bắc và giọng nam, giọng nữ hoặc ngân nga như ngâm…

(Nguồn Internet)

Sáo
Sáo trúc có lẽ là loại nhạc cụ lâu đời nhất trong các loại nhạc cụ dân gian Việt Nam. Bắt đầu từ những thân tre mảnh mai trong vườn nhà tiếng sáo trỗi lên như ru trẻ trong những giấc trưa oi ả, sáo theo trẻ ra đồng réo rắt trên lưng trâu, cho tới khi tiếng chiều rơi chậm hồn quê. Tiếng sáo thanh bình, ngọt ngào và đầy ắp tâm hồn Việt Nam ấy đã và đang sống cùng chúng ta từ mái tranh nghèo cho tới những căn phòng máy lạnh nơi thành thị. Sáo trúc Việt Nam sẵn lòng chia sẻ buồn vui mà chưa bao giờ cảm thấy thua thiệt vì thân phận đơn giản của nó. Thân sáo chỉ là một khúc trúc hay nứa có chiều dài từ 40cm tới 55cm. Ở đầu ống có một lỗ hình bầu dục là lỗ thổi, thẳng hàng với lỗ thổi là 6 lỗ bấm, chỉ có vậy mà khi thổi lên nó làm mê mẩn bao người.

(Nguồn Internet)

Người Việt thích ngâm thơ mà tiếng sáo có lẽ là nhạc cụ chính nâng tiếng ngâm lên một cung bậc khác. Tiếng sáo trong dân ca làm cho không khí hội hè đình đám nhộn nhịp hẳn lên do tiết tấu nhanh và réo rắt của nó. Thế nhưng nói tới buồn thì không gì buồn bằng tiếng sáo, cứ quanh quẩn chung quanh nỗi buồn của người nghe như vuốt ve cảm xúc, như tạo sự cảm thông hay dẫn dắt nỗi nhớ nhà trên đường cô quạnh. Tiếng sáo hầu như có mặt trong mỗi lần giận dỗi hay hờn ghen và biết đâu tiếng sáo lại chính là mối lương duyên khi cả hai người yêu nhau đều thích cái âm sắc đậm đà hồn dân tộc ấy.

(Nguồn Internet)

Học từ những ngày đầu trên lưng trâu như những chú mục đồng thì chỉ vài hôm là xong nhưng để viên mãn với sáo thì có thể suốt cả cuộc đời người nghệ sĩ. Sáo cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, phải để hồn vào với nó như mẹ ấp ủ cho con để từ đó nghe rõ từng âm sắc bỗng trầm, dài ngắn, khi thiết tha lúc hạnh phúc hay bất chợt đớn đau. Có lẽ vì vậy mà kẻ chơi sáo thì nhiều nhưng nổi tiếng và tên tuổi dính liền với cây sáo trúc lại không có mấy người.

(Nguồn Internet)

Đàn tranh
Hay còn gọi là đàn thập lục, là loại đàn trước kia có 16 dây, nay đàn thông dụng có 17 dây để tăng khả năng diễn tấu. Âm sắc đàn tranh trong trẻo, sáng sủa, thể hiện tốt các điệu nhạc vui tươi, trong sáng. Đàn tranh ít thích hợp với những tính cách trầm hùng, khoẻ mạnh. Ngoài khả năng diễn tấu giai điệu, ngón chơi truyền thống của đàn tranh là những quãng tám rải hoặc chập và ngón đặc trưng nhất là vuốt trên các dây là ngón á. Đàn tranh là nhạc khí dùng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho hát, ngâm thơ và được chơi trong nhiều thể loại âm nhạc như các dàn nhạc tài tử, cải lương, chèo, nhã nhạc, dân tộc tổng hợp.

(Nguồn Internet)

Nguồn gốc đàn tranh Việt Nam là đàn tranh giống từ Trung Quốc, truyền sang nước Việt có thể từ đời nhà Trần hay trước nữa, dùng trong dân gian dưới dạng 9 dây, 15 dây, 16 dây và từ xưa đến giờ thay đổi số dây từ dây tơ sang dây cước (dây đồng) đến dây thép.

(Nguồn Internet)

Qua bảy, tám thế kỷ, người nước Việt dùng và bản địa hoá nó, tạo cho nó một phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức, biến nó trở thành một loại nhạc cụ bản địa mang tính dân tộc, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt và nói rõ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam.

(Nguồn Internet)

Phách tiền
Nhạc cụ hay thường được gọi là sênh tiền, xuất hiện ở Việt Nam ít nhất vài trăm năm nay. Đây là loại nhạc cụ gõ độc đáo của người Việt gồm 3 thanh gỗ cứng (thường là gỗ trắc hay gỗ cẩm lai) , trên có gắn những đồng tiền xưa bằng đồng được sử dụng trong các sinh hoạt âm nhạc hoặc múa.

(Nguồn Internet)

Khi diễn người ta dùng 2 đến 3 ngón tay phải kẹp vào giữa 2 mặt của con dao, tay trái cầm 2 thanh có dây nối. Thanh có 2 cọc tiền nằm trên thanh có 1 cọc tiền, hai thanh này so le nhau (thanh trên hơi lùi xuống, thanh dưới nhô ra), mục đích để 3 cọc tiền sát nhau.

(Nguồn Internet)

Ngón cái đặt trên mặt thanh trên, bốn ngón còn lại đỡ thanh dưới. Khi rập và mở 2 thanh này âm thanh phách và đồng tiền sẽ phát ra. Tay phải uyển chuyển như múa, cầm con dao quẹt cạnh răng cưa vào 2 bên cạnh của hai thanh kia hoặc quẹt đi quẹt lại 2 đầu của con dao vào mặt hàng răng cưa của thanh trên, tiếng sột soạt sẽ phát ra.

(Nguồn Internet)

Sanh, sứa
Loại nhạc cụ gõ cầm tay làm từ tre trúc, thường được dùng tham gia trong các sinh hoạt âm nhạc hoặc múa tập thể. Cái tiếng đập vào nhau của sanh sứa có một nét thu hút riêng, không chỉ sử dụng trên sân khấu mà ta còn có cảm tưởng như mình đang dạo bước ở núi rừng, khoan thai nghe tiếng tre trúc gõ nhịp hoà ca trong gió. Nghe sanh, sứa mà mường tưởng đến tiếng dế kêu sau lũy tre làng. Giai điệu sanh, sứa mang tới luôn gây xúc động bởi nhạc cụ không chỉ tạo nên tiếng hát mà còn tạo nên cả tiếng côn trùng biết hát…

(Nguồn Internet)

Sanh là một nhạc cụ thuộc bộ gõ, sứa cũng vậy, cả hai đều làm bằng gỗ cứng như gỗ trắc, gỗ mun. Sanh thường gồm hai đoạn, mỗi đoạn dài cỡ một tấc. Người nhạc sĩ cầm một thanh ở tay trái, hơi khum bàn tay lại, tạo ra một khoảng trống, tay trái dùng thanh kia để gỏ lên sẽ phát ra tiếng “cắc” nghe dòn tai.

(Nguồn Internet)

Sứa cũng được chuốc từ gỗ cứng hay gốc tre già thành hai miếng, bàn tay mặt cầm hai miếng úp vào nhau và đánh lên làm nhịp. Tùy theo điệu nhạc mà tiếng sanh hay tiếng sứa phát ra nhanh chậm khác nhau. Gặp những điệu hát Chầu Văn sôi nổi hay “nói vè” thì nhịp nhạc trở nên nhanh vui rộn rả, tiếng “sanh, sứa” cũng có khả năng gây đinh tai, nhức óc. Do thế mà những chị đàn bà nói nhiều, nói dai, nói the thé, kể lể… thường được ví: nói như sanh như sứa.

(Nguồn Internet)

Đàn T’rưng
Là loại nhạc cụ làm từ tre, trúc có xuất xứ từ loại nhạc cụ phổ biến của các dân tộc Tây Nguyên, đã được cải tiến nhiều để trở thành một nhạc cụ trên sân khấu chuyên nghiệp. Đàn gồm 12 ống nhỏ, tầm âm hơn 1 quãng 8, từ C8 – G9, âm thanh réo rắt như tiếng suối chảy. Với người Tây Nguyên lời ca tiếng đàn luôn luôn là nguồn cổ vũ trong đời sống. Đêm đêm quanh ngọn lửa hồng dưới mái nhà rông người ta kể Khan, kể H’mon và hát lên những làn điệu dân ca Jôn-jơ, đợi chờ, giã gạo…

(Nguồn Internet)

T’rưng có khả năng diễn tấu phong phú và đa dạng. Với nguồn âm thanh bất tận khi êm nhẹ theo giai điệu trữ tình của một khúc hát giao duyên, khi hoà cùng dàn nhạc tấu lên bản hợp tấu của núi rừng hùng vĩ… Trong giao lưu văn hoá T’rưng cũng xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc hiện đại phụ hoạ theo tiếng hát rực lửa của những người con Tây Nguyên, nâng cánh cho những giọng ca vàng vang đến mọi nơi chốn xa xôi.

(Nguồn Internet)

Là một loại nhạc cụ đặc sắc trong kho tàng nhạc khí Tây Nguyên, âm thanh độc đáo của T’rưng không chỉ lôi cuốn làm say đắm tâm hồn các dân tộc anh em trên đất Việt, mà còn ra khỏi biên giới ngân vang đến tận những vùng đất xa xôi và được các bạn bè khắp năm châu, bốn bể nhiệt tình đón nhận.

(Nguồn Internet)

Song Lang/Song Loan
Song Lang, hay còn gọi là Song Loan, là một loại mõ nhỏ hình tròn dẹt dùng để giữ nhịp trong dàn nhạc, loại nhạc cụ gõ này thường dùng trong nhạc Tài tử – Cải lương và một số sinh hoạt âm nhạc khác. Khi sử dụng Song Loan/Song Lang người ta dùng tay hoặc chân đập vào dùi gõ, dùi gõ đập vào Song Loan/Song Lang tạo ra âm thanh… Nhạc cụ được sử dụng để cầm nhịp trong Nhạc tài tử Nam Bộ, trong Dàn nhạc sân khấu Cải lương và trong Ca Huế.

(Nguồn Internet)

Song Lang có hình dáng bé nhỏ nhất so với các nhạc cụ khác, một mảnh gỗ tròn chưa bằng miệng chén, được xẻ miệng sâu vào thân khoảng 1/3 để thoát âm. Nhạc cụ đi kèm một cần gõ bằng sừng trâu uốn mỏng hoặc lá thép có độ đàn hồi cao, trên đầu cần có gắn miếng gỗ nhỏ để gõ xuống thân của nó, tạo ra âm thanh đều đặn “Cốp! Cốp !”.

(Nguồn Internet)

Âm thanh Song Lang có tần số cực lớn với một âm vực rộng vang rất xa, không cần qua hệ thống khuếch đại mà khán thính giả có thể nghe rõ hơn các nhạc cụ khác trong Dàn nhạc tài tử – cải lương. Tần số của nó được một chuyên gia vật lý đánh giá có cao độ khoảng trên 3000MHz.

Đàn môi
Âm thanh của đàn môi huyền bí cùng với kỹ thuật biểu diễn độc đáo. Đàn môi là một loại đàn phổ biến trong các cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và rất nhiều dân tộc khác trên thế giới, khi chơi phải ngậm đàn giữa 2 môi, dùng tay gảy trên lưỡi gà của đàn, âm thanh được cộng hưởng bởi cột hơi trong khoang miệng, dùng kỹ thuật đóng mở khoang miệng sẽ tạo được các cao độ và âm sắc khác nhau.

(Nguồn Internet)

(Nguồn Internet)

Đàn môi là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người (cùng với trống, sáo…). Đàn môi độc đáo nhưng ít người biết đến vì đó là cây đàn của người dân tộc H’mông ở phía Bắc của Việt Nam. Những dân tộc ít người khác như người Gia Rai, Bana… ở Tây Nguyên cũng có cây đàn môi. Đặc biệt, Việt Nam là nơi duy nhất có đến 10 loại đàn môi khác nhau và có thể còn nhiều loại khác chưa được phát hiện hoặc đã bị thất truyền. Trong khi đó, tất cả các nước châu Âu chỉ có một loại đàn môi duy nhất.

(Nguồn Internet)

Nét đặc trưng của đàn môi Việt Nam là được đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng như một phương tiện bày tỏ tình cảm hay hẹn hò, giao duyên. Những chàng trai cô gái người H’mông gặp gỡ nhau trong buổi chợ phiên, lễ hội ném còn, múa khèn… thường trao nhau lời giao duyên mộc mạc qua âm thanh của đàn môi. Như trong một điệu hát Kơlâu Kơlênh của người Cơ Tu có đề cập đến đàn môi làm bằng tre:

Em ơi em,

Anh làm chiếc Âng kro

Để đàn nói giùm anh

Những điều không nói được

Anh lên trên núi cao

Chọn cây tre già nhất

Lấy đoạn tre tốt nhất

Làm chiếc đàn khéo nhất

Lựa những lời hay nhất

Để nói với em những lời chân thật nhất

Thương em nhiều nhất

Em ơi em, em có biết không?