Xơ cứng bì là bệnh gì? Có chữa được không?

1. Xơ cứng bì là bệnh như thế nào?

Xơ cứng bì là vấn đề sức khỏe có thể gây ảnh hưởng tới da, các mô liên kết và cơ quan nội tạng. Đây là một dạng bệnh tự miễn. Hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh tấn công các mô khiến cho quá nhiều protein collagen được sinh ra trên các mô liên kết. Chính vì thế, da người bệnh dày lên bất thường, có hiện tượng xơ hóa và tích tụ thành sẹo. 

Xơ cứng bì có thể ảnh hưởng và làm tổn thương da

Xơ cứng bì có thể ảnh hưởng và làm tổn thương da

Không chỉ tác động lên da, người bệnh còn có thể gặp phải những tổn thương ở những cơ quan nội tạng quan trọng trong cơ thể như tim, phổi, thận, mạch máu và dạ dày. Mức độ ảnh hưởng của bệnh rất khác nhau, có thể chỉ rất nhẹ nhưng cũng có khi nghiêm trọng và có thể khiến người bệnh tử vong. Điều này còn phụ thuộc và những bộ phận nào bị ảnh hưởng và mức độ lan rộng của bệnh đến đâu. 

Có thể chia xơ cứng bì thành 2 dạng chính như sau: 

– Xơ cứng bì khu trú: Là những trường hợp mà bệnh chỉ gây ảnh hưởng đến da và có nguy cơ lan đến các cơ, khớp và xương nhưng không làm tổn thương đến các cơ quan nội tạng. 

– Xơ cứng bì toàn thể: Tình trạng này nghiêm trọng hơn so với xơ cứng bì khu trú bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới da, cơ hay các khớp mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. 

Xơ cứng bì thường gây ra một số triệu chứng như vùng da bị bệnh trơn bóng vì các mô dày và cứng; ngón chân và ngón tay có thể chuyển sang màu xanh tím, màu đỏ hoặc trắng; đầu ngón tay bị sưng hay lở loét đầu ngón tay; mặt và ngực có những đốm nhỏ; đau khớp và yếu cơ; khó thở; khô miệng; sụt cân bất thường; tiêu chảy;….

Bệnh có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng

Bệnh có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng

Hiện nay, vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu thì rất xơ cứng bì có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Bởi vậy, nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì nguy cơ bị bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn. 

2. Có thể chữa khỏi xơ cứng bì không? Chữa bằng cách nào?

Do chưa thể biết chính xác được nguyên nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh nên những phương pháp điều trị bệnh còn rất hạn chế. Hiện tại, mục tiêu điều trị bệnh là giảm triệu chứng, phòng ngừa bệnh tiến triển và hạn chế nguy cơ biến chứng. 

Người bệnh cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm những biến chứng liên quan, từ đó can thiệp và khắc phục kịp thời, đảm bảo duy trì chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. 

Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh thường được áp dụng: 

2.1. Dùng thuốc

Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc cần thiết cho bệnh nhân, chẳng hạn như thuốc tăng cường lưu thông máu, thuốc ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và phòng ngừa tổn thương tế bào, dùng steroid để giảm viêm trên da, khớp và cơ. 

Dùng thuốc là một phương pháp làm giảm triệu chứng bệnh

Dùng thuốc là một phương pháp làm giảm triệu chứng bệnh 

Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng kem bôi ẩm cho vùng da bị tổn thương với mục đích giảm cảm giác ngứa, khó chịu và duy trì tính đàn hồi của da. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc để giảm triệu chứng cho người bệnh như thuốc giảm đau, hạ huyết áp,…

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần được kiểm tra và theo dõi thường xuyên, thực hiện các xét nghiệm định kỳ. Đây là cách rất hiệu quả để theo dõi những bất thường trong cơ thể, đánh giá phản ứng thuốc và kiểm tra xem bệnh nhân có gặp phải tác dụng phụ hay không, có xuất hiện thêm những triệu chứng, biến chứng nào khác do bệnh gây ra hay không.

2.2. Phẫu thuật 

Phẫu thuật thường được áp dụng với những trường hợp có tổn thương nghiêm trọng. Chẳng hạn, bệnh nhân có những khối cứng dưới da, cần được loại bỏ để phòng ngừa hoại tử, nguy cơ nhiễm trùng, hay phẫu thuật cắt chi nếu bị hoại tử, phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm trong điều trị Raynaud.

2.3. Một số phương pháp khác

Ngoài điều trị bằng thuốc và phẫu thuật, các bác sĩ cũng có thể áp dụng một số phương pháp điều trị khác cho người bệnh như liệu pháp bằng laser và liệu pháp quang động. Những phương pháp này tuy mới trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã cho những kết quả rất tích cực. 

3. Làm sao để có thể “chung sống hòa bình” với bệnh xơ cứng bì?

Bản chất của xơ cứng bì là một dạng bệnh tự miễn và hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào có thể khắc phục bệnh triệt để. Ngoài phương pháp dùng thuốc để giảm triệu chứng, phẫu thuật nếu cần thiết, bệnh nhân còn cần thực hiện thay đổi lối sống để có thể thích nghi với căn bệnh này, giảm tối đa nguy cơ biến chứng bệnh. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn: 

– Thường xuyên tập vật lý trị liệu để giúp cơ bắp dẻo dai, tăng tính đàn hồi cho da và tránh co rút.

– Những trường hợp bị hội chứng Raynaud – đây là tình trạng nghiêm trọng khiến mạch máu ngoại biên bị co thắt, bệnh nhân cần lưu ý đeo găng tay, đeo tất và đội mũ, choàng khăn để giữ ấm tay và chân, đầu, mặt mũi, nhất là khi trời lạnh.

– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, bệnh nhân cũng nên thường xuyên tập thể dục. Nếu có thói quen hút thuốc thì hãy loại bỏ thói quen này.

Người bệnh cần thường xuyên tái khám

Người bệnh cần thường xuyên tái khám 

Như vậy, xơ cứng bì là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và hiện chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Tuy nhiên, một số phương pháp có thể giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng bệnh, phòng tránh biến chứng. 

Một số trường hợp bệnh nhẹ có thể không cần dùng thuốc. Người bệnh có thể ngừng điều trị nếu các triệu chứng bệnh đã được cải thiện. Điều quan trọng là cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách. 

Mọi thắc mắc về bệnh xơ cứng bì hoặc có nhu cầu đặt lịch thăm khám cùng các bác sĩ chuyên khoa, quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn cụ thể.

—————————————————

Source