1. Tổng quan viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn còn gọi là viêm khớp nhiễm trùng hay nhiễm trùng khớp. Tên gọi phần nào giúp chúng ta hiểu được bản chất của bệnh, đó là tình trạng bên trong khớp xảy ra hiện tượng nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập. Vi khuẩn có thể từ bên ngoài (chấn thương xuyên khớp) hoặc bên trong (từ bộ phận khác di chuyển theo dòng máu).
Nguyên nhân
Vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm khuẩn. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất chính là vi khuẩn staphylococcus aureus – tụ cầu khuẩn. Bình thường, vi khuẩn này sống trên bề mặt da. Khi cơ thể xảy ra tình trạng nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu, chúng sẽ theo dòng máu để di chuyển đến khớp, xâm nhập và gây nhiễm trùng khớp.
Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể theo vết thương đâm thủng từ bên ngoài vào trong xương khớp hay trong quá trình tiêm thuốc, phẫu thuật để “di chuyển” đến khớp. Tuy nhiên, các trường hợp này không phổ biến, rất hiếm gặp.
Viêm khớp nhiễm khuẩn dễ xảy ra ở khớp gối
Triệu chứng
Thông thường, nhiễm trùng khớp chỉ xảy ra ở một khớp, hiếm khi xảy ra ở nhiều khớp cùng một lúc. Các khớp gối, khớp hông, khớp vai, khớp mắt cá chân,…dễ bị nhiễm trùng nhất. Khi bị nhiễm trùng, các khớp sưng tấy, nóng đỏ và gây đau nhức. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng sau:
- Sốt.
- Chán ăn, biếng ăn.
- Tim đập nhanh.
- Khó chịu, lo lắng, bất ổn.
- Giảm khả năng vận động.
Biến chứng
Viêm khớp do vi khuẩn là tình trạng đáng lo ngại, nhất là khi phát hiện trễ và điều trị muộn. Lúc này, người bệnh có thể đã gặp biến chứng viêm xương khớp, thoái hóa khớp, biến dạng khớp hay tổn thương khớp vĩnh viễn. Trường hợp nghiêm trọng hơn, tình trạng nhiễm trùng nặng và lây lan rộng, khả năng tái tạo khớp không còn, người bệnh buộc phải thay khớp mới, cắt bỏ chi, dùng tay chân giả.
2. Chẩn đoán viêm khớp nhiễm khuẩn
Ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu, bao gồm xét nghiệm (xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch khớp), chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp X-quang, chụp CT-Scanner, chụp MRI).
Kết quả chẩn đoán giúp bác sĩ xác định có hay không tình trạng viêm khớp do vi khuẩn. Nếu có thì do vi khuẩn nào và mức độ nhiễm trùng ra sao để có phương án điều trị phù hợp.
Xét nghiệm máu phục vụ chẩn đoán nhiễm trùng khớp
3. Điều trị viêm khớp do vi khuẩn
Dùng thuốc kháng sinh, hút thoát dịch khớp và phẫu thuật là 3 phương pháp điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn hiện nay.
Dùng thuốc kháng sinh
Điều trị bằng kháng sinh là bắt buộc nếu kết quả xét nghiệm cho thấy viêm khớp do vi khuẩn và xác định được đó là vi khuẩn nào. Kháng sinh có nhiều loại, bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh mang lại hiệu quả cao nhất, có tác dụng mạnh nhất lên loại vi khuẩn gây bệnh đã xác định được trước đó.
Người bệnh thường bắt đầu bằng kháng sinh đường tiêm (tiêm tĩnh mạch), sau đó mới chuyển sang kháng sinh đường uống. Việc chọn đúng loại kháng sinh sẽ giúp triệu chứng bệnh thuyên giảm tích cực trong 48 giờ đầu. Tuy nhiên, một liệu trình kháng sinh trong điều trị nhiễm trùng khớp thường kéo dài 2 – 6 tuần. Người bệnh cần tuân thủ việc dùng kháng sinh để tránh tình trạng kháng thuốc, bệnh tái phát, khó điều trị.
Hút dịch khớp
Trường hợp khớp bị nhiễm trùng và tụ dịch mủ bên trong, bác sĩ sẽ hút thoát dịch khớp nhằm loại bỏ triệt để vi khuẩn có trong dịch. Ngoài ra, mẫu dịch khớp hút ra ngoài sẽ được đem đi nuôi cấy để phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn và các sinh vật khác, từ đó, đánh giá tình trạng bệnh và có phương án điều trị hiệu quả. Để hút dịch khớp, bác sĩ sẽ dùng kim hút tối đa để loại bỏ mủ và vi khuẩn, đồng thời giảm triệu chứng đau nhức cho người bệnh.
Phẫu thuật
Nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra nghiêm trọng, có thể người bệnh sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ dịch mủ, bơm rửa ổ khớp và đặt dẫn lưu dịch mủ ra ngoài. Với những trường hợp nhiễm trùng nặng và lan rộng, người bệnh còn được tiến hành phẫu thuật tái tạo khớp hay nghiêm trọng hơn là thay khớp mới.
Nếu nhiễm trùng khớp hông, người bệnh có thể cần phẫu thuật
4. Khả năng phục hồi của người bệnh
Ngay khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm khớp nhiễm khuẩn, người bệnh cần nhanh chóng đi khám. Chẩn đoán và điều trị sớm giúp bệnh thuyên giảm ngay trong 48 giờ điều trị. Ngược lại, đi khám chậm trễ, điều trị muộn, khi tình trạng nhiễm trùng đã nặng và gây biến chứng, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ tổn thương khớp vĩnh viễn.
Ngoài ra, khả năng phục hồi sau điều trị như thế nào còn tùy thuộc vào chế độ chăm sóc của người bệnh. Để tăng khả năng phục hồi và giảm nguy cơ tái phát, người bệnh cần chú ý:
- Sử dụng thuốc đúng liều, không tự ý ngưng dùng hay thay thế bằng loại thuốc khác. Đây là nguyên tắc bắt buộc khi dùng thuốc tại nhà, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, không cố gắng làm việc, nhất là những việc nặng, gây áp lực lên xương khớp.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin D và canxi vì đây là những dưỡng chất quan trọng với xương khớp.
- Vận động nhẹ nhàng để xương khớp được linh hoạt. Người bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được bài tập phù hợp.
- Chú ý vệ sinh cá nhân. Nếu da bị trầy xước, có vết thương hở, cần sát khuẩn sạch sẽ để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào trong gây viêm khớp, nhiễm trùng khớp.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn, phòng ngừa viêm khớp tái phát
Thực hiện tốt các hướng dẫn trên, khả năng phục hồi sau điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn là rất cao. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về bệnh lý này, hãy chủ động đến gặp bác sĩ Chuyên khoa Cơ Xương khớp của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp chuyên sâu. Quý khách có thể liên hệ 1900 56 56 56 để đặt lịch trước giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi tại bệnh viện.
—————————————————