Dù không phải thế chấp bất cứ tài sản nào nhưng vay tín chấp tại ngân hàng vẫn có thể mang lại những rủi ro nếu bạn không cẩn thận. Rủi ro vay tiêu dùng nghĩa là khi người vay không trả được cả gốc lẫn lãi hoặc bên cho vay chỉ thu được 1 phần gốc và lãi hoặc không thu được cả gốc lẫn lãi đúng hạn như trong hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Rủi ro tín dụng trong vay tín chấp không thế chấp là gì?
Trong bất kì kiểu vay nào, rủi ro lớn nhất vẫn luôn là vấn đề thanh toán nợ. Với nghiệp vụ vay tín chấp, khi ngân hàng/ công ty tài chính giải ngân cho khách hàng, khi đó chưa phải là quy trình vay đã hoàn thành. Trong quy định của ngân hàng/ công ty tài chính, một khoản vay chỉ được gọi là xong khi khách hàng tất toán khoản vay (trả hết cả nợ gốc lẫn lãi). Khi đó mới xác nhận một quy trình tín dụng hoàn thành.
Như vậy rủi ro tín dụng chính là việc khách hàng không trả đúng hẹn và đủ số tiền vay. Nguyên nhân của việc khách hàng chậm trễ hoặc không trả đủ xuất phát từ nhiều yếu tố. Trả góp hằng tháng có thể chậm vài ngày bởi đôi lúc khách hàng không tránh được việc quên, hoặc có việc đột xuất không đi nộp tiền được.
Nhưng khi khách hàng để chậm trễ quá lâu (trên 15 ngày), khách hàng có thể bị cảnh báo nợ xấu. Khi đó rủi ro tín dụng đã lớn dần. Cấp độ cao hơn, đó là khi khách hàng cố ý không trả nợ, trả nợ nửa chừng, không tất toán xong hợp đồng vay. Khi đó, rủi ro tín dụng được báo động ở mức cao nhất. Ngân hàng/ công ty tài chính sẽ tiến hành thu hồi tiền bằng các nghiệp vụ riêng.
Đối với hình thức vay thế chấp, bên cho vay có thể xử lý tài sản sản đảm bảo của khách hàng cho khoản vay theo luật. Nhưng đối với vay tín chấp, ngân hàng/ công ty tài chính phải sử dụng các biện pháp, nghiệp vụ khác. Nếu không giải quyết được, khi đó bên cho vay sẽ làm hồ sơ khiếu kiện người vay ra tòa án. Đến lúc này, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi có sự tham gia của luật pháp.
Cũng phải kể thêm các trường hợp rủi ro khác như khách hàng bị mất tích, tử vong, tai nạn,.. Những trường hợp này là rủi ro không mong muốn từ cả hai phía. Vì vậy, loại rủi ro này được các ngân hàng/ công ty tài chính giảm thiểu bằng việc khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm khoản vay. Và thực chất, việc mua bảo hiểm khoản vay cũng mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng như việc xét duyệt hồ sơ vay sẽ dễ dàng hơn và trong trường hợp rủi ro không mong muốn xảy ra, người thân của khách hàng không phải chịu gánh nặng nợ nần mà khách hàng để lại.
Rủi ro đối với người cho vay
Khác với cho vay doanh nghiệp, vốn thường tập trung vào một số ít các khách hàng lớn, do đó rủi ro cá thể một khách hàng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tài chính của tổ chức tín dụng cho vay thì đối với cho vay tiêu dùng, vốn cho vay được phân bổ cho một số lượng rất lớn các khách hàng do đó rủi ro của một vài khách hàng cá thể hầu như không có tác động đáng kể đối với tình tài chính của tổ chức tín dụng.
Trong hoạt động cho vay tiêu dùng thì người cho vay chủ yếu chịu rủi ro hệ thống mà ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro cá thể. Các rủi ro hệ thống chủ yếu là các rủi ro về vĩ mô như suy thoái kinh tế, rủi ro về lãi suất, rủi ro chính trị, môi trường kinh doanh… Các rủi ro này tác động đến khả năng chi trả của người đi vay qua đó tác động đến khả năng thu hồi nợ của người cho vay
Để đối phó với các rủi ro này thì người cho vay cần có nhiều lựa chọn về các biện pháp phòng ngừa rủi ro như nắm giữ tài sản đảm bảo, thực hiện nghiệp vụ chia sẻ rủi ro với các định chế tài chính khác, tăng dự phòng rủi ro thông qua tăng lãi suất cho vay,… và người đi vay phải trả phí phòng ngừa rủi ro cho người cho vay.
Rủi ro đối với người đi vay
Người đi vay có thể gặp rủi ro do đi vay quá mức. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tâm lý của người tiêu dùng khi sử dụng thẻ tín dụng, sử dụng các khoản vay để chi tiêu thì họ thường chi tiêu nhiều hơn so với việc họ sử dụng tiền mặt để chi tiêu. Thêm vào đó, trong bối cảnh triển vọng kinh tế phát triển tích cực làm cho người dân lạc quan thái quá về dòng tiền trong tương lai, và vì vậy sẵn sàng tham gia nhiều chương trình vay mượn tiêu dùng khác nhau vượt quá khả năng chi trả.
Đặc biệt là khi người đi vay chủ yếu là người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Họ không có đủ kiến thức để hiểu hết các rủi ro trong các khoản vay và rất dễ sa vào các bẫy nợ nần. Khi hàng loạt khách hàng rơi vào bẫy nợ nần và không có khả năng trả nợ thì chính bản thân các tổ chức tín dụng cũng sẽ phải trả giá vì không thể thu lại các khoản cho vay.
Cùng với đó, người đi vay có thể gặp rủi ro bởi các nguyên nhân như lãi suất tăng. Cụ thể, các khoản vay tiêu dùng thường có lãi suất thả nổi hoặc cao hơn các khoản vat thế chấp, và khi người tiêu dùng không có đủ kiến thức về tài chính để hiểu được các rủi ro về lãi suất thì một sư gia tăng biến động lãi suất trên toàn hệ thống có thể làm cho chi phí các khoản vay tăng vọt và làm cho người đi vay mất khả năng chi trả.
Bên cạnh đó người đi vay tiêu dùng thường lạc quan về nguồn thu nhập trong tương lai được dùng để chi trả cho khoản vay. Tuy nhiên một cú sốc từ bên ngoài hoặc bên trong nền kinh tế làm cho hoạt động sản xuất bị thu hẹp, người đi vay bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập dự kiến. Đặc biệt là những người vay tiêu dùng chủ yếu là những người có thu nhập thấp và dòng thu nhập của họ lại dễ bị tổn thương nhất từ các cú sốc của nền kinh tế
Ngoài ra, người đi vay cũng có thể gặp rủi ro cá thể có thể làm cho những người đi vay rơi vào cảnh túng quẫn. Các rủi ro đó có thể là đổ vỡ quan hệ gia đình, làm cho nguồn thu nhập bị chia sẻ, rủi ro bị ốm đau, tai nạn buộc phải chi phí rất lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chi trả các khoản vay, rủi ro người tạo thu nhập chính trong gia đình mất khả năng lao động, rủi ro bị mất việc làm,..
Cách hạn chế rủi ro khi vay tín chấp
Người vay nên ghi nhớ cho mình một số nội dung dưới đây để bảo vệ quyền lợi của mình khi có nhu cầu vay tiền.
1. Trước khi ký kết hợp đồng vay tín chấp
Xem xét và lựa chọn một công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín và độ tin cậy cao. Có thể tham khảo thông tin trên mạng internet, hỏi ý kiến bạn bè, người thân để xem các đánh giá của cộng đồng người tiêu dùng về độ uy tín, dịch vụ cung cấp của công ty đó có thật sự an toàn hay không.
Tập trung lắng nghe thật kỹ nhân viên tư vấn nếu thắc mắc hoặc nghe không rõ có thể yêu cầu giải thích và lặp lại. Đặc biệt lưu ý các điều khoản trong hợp đồng về lãi suất, thời hạn trả và phương thức trả nợ cũng như cách tính tiền phạt như thế nào.
Khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ cũng nên lưu ý và cẩn thận vẫn tốt hơn.
2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng
Nếu có vấn đề phát sinh thêm hoặc thắc mắc người vay cần chủ động liên hệ trực tiếp theo hotline của công ty tài chính, ngân hàng, tổ chức cho vay tiêu dùng tín chấp trên hợp đồng của họ.
Phản ánh trực tiếp với bên thứ 3 (các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Cục quản lý cạnh tranh hoặc Sở công thương trên địa bàn) để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời nếu trường hợp phản ánh, liên hệ nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoặc làm rõ ràng.
Từ hợp đồng, các tài liệu hướng dẫn do công ty tài chính cung cấp cho đến hóa đơn nộp tiền và các tài liệu liên quan khác để chứng cứ cho hoạt động của người vay phải được lưu giữ tất cả.
3. Sau khi ký hợp đồng
Nguyên tắc của hầu hết các tổ chức tài chính là sau khi ký hợp đồng cho vay tín chấp nhân viên tư vấn hoặc công ty cung cấp một bản sao có giá trị pháp lý của hợp đồng đã ký kết, nếu trường hợp không có người vay cần đề nghị trực tiếp để giữ quyền lợi cho mình. Trường hợp hợp đồng được chuyển phát nhanh bằng đường bưu điện cần lưu ý nhân viên tư vấn có hình thức xác nhận về việc sẽ gửi hợp đồng cho người vay và thời gian hoàn thành gửi hợp đồng trước khi đến tay người vay.
4. Có phương án trả nợ phù hợp, trả nợ đúng hẹn là cách vay tiêu dùng thông minh
Hiện nay, song song với việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tín chấp, các ngân hàng/ công ty tài chính cũng ráo riết rà soát chặt chẽ khâu thẩm định để loại trừ ngay từ đầu các khách hàng có nguy cơ nợ xấu, không có thiện chí trả nợ. Đồng thời áp dụng mức phí phạt trả chậm cao để giảm việc trả nợ chậm ngày, trễ ngày của khách hàng.
Đứng ở góc độ người cho vay, việc thu hồi nợ khi rủi ro tín dụng xảy ra rất khó khăn, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vì vậy, khi đi vay, khách hàng cần cân đối tài chính cá nhân của mình, có phương án trả nợ phù hợp và có thiện chí trả nợ tích cực. Điều này không chỉ giúp ngân hàng/ công ty tài chính giảm nợ xấu, mà quan trọng hơn hết đó chính là tăng uy tín của bản thân người vay. Với lịch sử tín dụng tốt, khách hàng sẽ dễ dàng được hỗ trợ vay tiếp lần sau và được ưu đãi lãi suất
Bí quyết khi vay tín chấp
Xác định mục đích vay và tìm khoản vay dành riêng cho mục đích đó
Có những khoản vay dành riêng cho mục đích mua, xây sửa nhà, hoặc du học, kinh doanh. Những gói vay này thường có mức lãi suất thấp hơn so với vay tín chấp. Vì vậy, bạn không nên vay tín chấp trừ khi không có khoản vay dành riêng cho mục đích bạn cần vay.
Hãy có kế hoạch trả nợ trước khi vay
Bạn không nên để mình rơi vào tình huống trả nợ trễ hạn. Khi đó, bên cạnh việc bị tính phí trả nợ trễ dẫn đến việc nợ chồng thêm nợ, điểm tín dụng của bạn cũng bị giảm xuống. Điểm tín dụng thấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng được duyệt vay của bạn trong tương lai.
Bạn không nên vay tín chấp trước khi vay một khoản vay lớn
Trong hệ thống của ngân hàng và các công ty tài chính, mỗi cá nhân đều có một hạn mức tín dụng dựa trên thu nhập của mình. Hạn mức tín dụng là số tiền tối đa bạn được vay, bao gồm cả hạn mức thẻ tín dụng. Tổng giá trị mọi khoản vay của bạn chỉ có thể nằm trong giới hạn này.
Nếu bạn vay tín chấp trước khi vay một khoản vay có giá trị lớn khác, ví dụ như vay mua nhà, khoản tiền mà ngân hàng có thể cho bạn vay mua nhà sẽ giảm xuống.
Hãy tận dụng khuyến mãi
Các ngân hàng thường có các đợt khuyến mãi hoặc ưu đãi dành cho vay tín chấp. Ví dụ, bạn có thể được giảm lãi suất hoặc được tặng gói bảo hiểm khi vay.
Nếu bạn đã là khách hàng của một ngân hàng, bạn cũng có thể được vay với lãi suất ưu đãi tại ngân hàng đó. Vì vậy hãy chú ý đến những ưu đãi này khi tìm khoản vay nhé.
Hãy so sánh thật kĩ
Điều này rất quan trọng. Có rất nhiều thông tin về các khoản vay và ưu đãi vay trên thị trường khiến cho việc so sánh một cách thấu đáo các khoản vay không hề dễ dàng.
Chú ý đến tất cả những chi phí đi kèm
Những chi phí khác liên quan đến khoản vay sẽ được ghi rõ trong hợp đồng vay. Hãy trao đổi thật rõ ràng với đơn vị cho vay về các khoản phí này trước khi ký tên vào hợp đồng để tránh phiền phức về sau.
Công ty tài chính có quyền cho vay lãi suất cao không?
Theo Điều 3, điều 9 Thông tư 43/2016/TT-BTC quy định về cho vay tiêu dùng và lãi suất cho vay tiêu dùng là không có quy định cụ thể về mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng tại các Công ty tài chính mà do các Công ty tài chính tự đưa ra mức lãi suất cho vay cụ thể và báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước, nếu Ngân hàng Nhà nước đồng ý với khung lãi suất đó thì Công ty tài chính có quyền áp dụng mức lãi suất trong phạm vi khung đưa ra tại thời kỳ đó.
Bên cạnh đó, mức lãi suất tại công ty tài chính thuộc sự điều chỉnh của luật chuyên ngành. Nên, lãi suất tại công ty tài chính đề suất có thể được quy định cao hơn mức 20% / năm theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Các biện pháp công ty tài chính được áp dụng khi người vay không trả nợ
Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;”.
Ngoài ra, nếu bạn đã quá hạn thanh toán quá lâu thì ngân hàng sẽ thực hiện các thủ tục tố tụng cần thiết: khởi kiện dân sự ra Tòa án nhân dân, kể cả việc thực hiện các thủ tục tố tụng hình sự trong trường hợp có chứng cứ cho thấy Bên vay đã từ ban đầu bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản là tiền giải ngân của ngân hàng.
Vay tín chấp không trả có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định Luật và thực tiễn xét xử tội này có cấu thành vật chất, tội thuộc nhóm có tính chất chiếm đoạt và lỗi của người phạm tội là cố ý. Chính vì vậy chỉ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi có mục đích chiếm đoạt số tiền vay và lỗi của bạn là cố ý trực tiếp.
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Với vay tín chấp đó là lựa chọn tuyệt vời với khách hàng đang cần gấp một khoản tiền để đầu tư, tiêu dùng… mà không có tài sản đảm bảo. Sản phẩm vay vốn này khá được ưa chuộng bởi tính tiện lợi, hồ sơ, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, phương thức thanh toán nợ linh hoạt. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế mà người vay cần xem xét như: Lãi suất cao, khách hàng sẽ bị phạt nếu phải trả nợ trước hạn, sẽ luôn tồn tại rủi ro cho người vay nếu không tính toán kỹ càng và có không ít người gặp phải khó khăn sau khi được giải ngân,..