Trẻ tăng động giảm chú ý là một trong những bệnh lý ngày càng xuất hiện phổ biến hiện nay. Chính vì vậy, để có thể phát hiện và xử lý bệnh sớm, phụ huynh cần tham khảo một số thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị ngay dưới đây!
1. Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý là bệnh lý tâm thần có tên tiếng Anh: Attention-deficit hyperactivity disorder, viết tắt: ADHD. Bệnh thường phát sinh ở trẻ em với tỷ lệ khoảng 3 – 6%. Đặc điểm chung của ADHD là việc phát sinh những hành động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý.
Theo các chuyên gia tâm lý cho biết, trong những năm tháng đầu đời, khả năng làm chủ nhận thức, mức độ tập trung sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định tư duy của trẻ. Chính vì vậy, nếu bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân tích, ghi nhớ và xử lý tình huống của trẻ sau này.
Trẻ em mắc hội chứng ADHD rất dễ bị kích thích bởi những tác động từ người khác và ngoài xã hội, khó kiềm chế cảm xúc, hành vi. Nếu không được quan tâm và khắc phục kịp thời, rất dễ dẫn đến việc hình thành một con người cộc cằn, ngang bướng, lập dị, thậm chí ảnh hưởng đến tư duy phát triển trí não.
Dựa trên thời gian nghiên cứu và theo dõi những biểu hiện của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em, các chuyên gia phân thành 3 loại chính: rối loạn tăng động giảm chú ý dạng phối hợp (314.04), dạng trội về giảm chú ý (314.00) và dạng trội về tăng động bồng bột (314.01). Mỗi một loại sẽ có một bảng đánh giá những tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau.
Tăng động và hiếu động ở trẻ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau (Nguồn: bookingcare.vn)
2. Bệnh tăng động giảm chú ý có nguy hiểm không?
2.1. Tăng động giảm chú ý có phải là bệnh không?
Tăng động giảm chú ý có thể được coi là một căn bệnh rối loạn tâm thần phức tạp, thường xảy ra ở trẻ em và gây ra những hậu quả khôn lường nếu không được khắc phục kịp thời. Chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến bệnh tự kỷ, trầm cảm…Cũng giống như vậy, tăng động giảm chú ý cũng được xếp vào một trong những bệnh lý tâm lý tâm thần.
2.2. Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý?
Tỷ lệ trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thay đổi tùy thuộc vào quốc gia và khu vực. Tuy nhiên theo thống kê gần đây cho biết, cứ 100 trẻ thì có từ 3 – 5 trẻ mang biểu hiện của chứng bệnh này.
Những triệu chứng của rối loạn tăng động sẽ xuất hiện trong tầm khoảng từ 7 tuổi, lứa tuổi hay mắc nhất từ 8 – 11 và bé trai sẽ có khả năng mắc phải gấp 3 lần so với bé gái – điều này chúng ta có thể nhận thấy được trong đời sống.
Như vậy, tỷ lệ của trẻ em trên toàn cầu là khoảng 5% và phụ thuộc vào phương pháp nghiên cứu đang được tiến hành. Ở Hà Nội, khi khảo sát 1.594 học sinh của hai trường tiểu học, tỷ lệ mắc bệnh rơi vào khoảng tầm 3,01%
2.3. Hậu quả của tăng động giảm chú ý ở trẻ
Học tập
Nếu không điều trị kịp thời tình trạng này, sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ. Bởi vì trẻ ADHD thường có xu hướng lơ là, hay quên, bỏ quên tập vở ở nhà hay không nhớ để làm bài tập đã được giao. Nhiều bố mẹ tỏ ra khá “đau đầu” khi thường xuyên phải xử lý những trường hợp bị mất tập vở, dụng cụ học tập dù cho đã được nhắc nhở nhiều lần.
Trẻ trở nên căng thẳng, lầm lì và thiếu tự tin khi giao tiếp (Nguồn:advisor.ca)
Giao tiếp
Khi bị ADHD, trái ngược lại với những hành vi tăng động mạnh mẽ, thì khả năng giao tiếp của trẻ lại bị suy giảm. Trẻ tỏ ra lầm lì và thiếu tự tin khi giao tiếp đối với thầy cô bạn bè hay những người xung quanh. Chính điều này sẽ trở thành một “rào cản” không nhỏ đối với việc hòa nhập với môi trường.
Bệnh lý
Việc cứ mãi duy trì trạng thái “tăng động” như vậy, đôi khi sẽ là nguyên cớ đẩy trẻ vào sự trầm cảm, ảnh hưởng tâm thần và nhận thức, thậm chí là chậm phát triển và thui chột tư duy não bộ. Những bệnh lý tâm thần này rất khó khắc phục nếu bước sang giai đoạn nặng.
Gây ảnh hưởng đến xã hội
Phụ huynh cần phải chú ý và giải quyết vấn đề trẻ tăng động giảm chú ý để đừng biến con mình trở thành một “thành phần bất hảo” trong xã hội, một cá nhân ngỗ nghịch, cộc cằn thô lỗ và không thể kiềm chế được cảm xúc.
Tương lai của trẻ
Việc tập trung bị giảm sút, trí nhớ không minh mẫn và lơ đãng sẽ khiến cho kết quả học tập của trẻ bị giảm sút nghiêm trọng. Trẻ sẽ gặp phải khó khăn để đọc viết, ghi nhớ và tiếp thu. Trong khi đó, giai đoạn đầu đời là thời kỳ phát triển của trí não. Nếu tình trạng này cứ liên tục diễn ra không được khắc phục thì tương lai của trẻ sẽ bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.
Bệnh lý ADHD làm ảnh hưởng đến trí tuệ và tương lai của trẻ (Nguồn: bekhoebetai.com)
3. Nguyên nhân gây tăng động giảm chú ý
3.1. Sự thiếu hụt của GABA
GABA được biết là một trong những chất dẫn truyền thần kinh ức chế quan trọng bên trong não bộ. Khi thiếu hụt hoặc suy giảm nồng độ GABA sẽ khiến cho trẻ có những triệu chứng bất thường trong tâm thần.
3.2. Thiếu chất dinh dưỡng
Nhiều người bất ngờ khi chứng tăng động giảm trí nhớ có mối tương quan với chế độ ăn uống hằng ngày. Việc bổ sung quá nhiều hàm lượng đường có thể khiến sản sinh ra nhiều insulin, chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng, khiến cho trẻ tăng động hơn. Đồng thời, việc thiếu hụt một số chất dinh dưỡng như đạm, sắt, vitamin nhóm B có thể khiến cho cơ thể mệt mỏi giảm chú ý.
3.3. Sai lệch trong phát triển của não
Nghiên cứu não bộ của trẻ bị ADHD cho thấy rằng, những sai lệch diễn ra trong sự phát triển của não bộ như sự trì hoãn, vỏ não phát triển chậm, bán cầu não phát triển bất thường khiến cho trẻ có nguy cơ cao mắc phải ADHD.
3.4. Sử dụng rượu, thuốc lá khi mang thai
Những bất thường trong thai kỳ do sử dụng thuốc lá, chất kích thích và rượu bia, ma túy cũng chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc phải ADHD ở trẻ em sau khi sinh ra.
Sử dụng rượu bia khi mang thai có thể là yếu tố khiến trẻ bị tăng động (Nguồn: baomoi.vn)
3.5. Chấn thương não
Chấn thương não ngay khi còn trong bụng mẹ hoặc tổn thương bên ngoài đời sống cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng ADHD.
3.6. Sinh non, sinh thiếu cân
Nếu trẻ bị sinh non trước tuần thứ 37 hoặc bị thiếu cân có thể khiến cho não chậm phát triển, ảnh hưởng đến thần kinh khi bước vào độ tuổi trên 7.
3.7. Môi trường sống
Thai phụ khi mang thai thường xuyên tiếp xúc môi trường độc hại, ô nhiễm khói bụi, chất độc màu da cam dioxin, ngộ độc chì, khí thải cũng sẽ khiến cho nguy cơ trẻ tăng động giảm chú ý tăng cao. Quan hệ gia đình không tốt, không được quan tâm, môi trường bạo lực, lạm dụng thể chất và tinh thần cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của trẻ.
3.8. Di truyền học
Là yếu tố được ghi nhận trên 89% trường hợp trẻ tăng động giảm chú ý. Vì vậy, có thể nói rằng, di truyền học và đột biến gen là yếu tố chính dẫn đến căn bệnh này. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu cha mẹ mang hội chứng này thì con của họ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường đến 57% và đối với sinh đôi là 91%. Nếu có anh chị em mắc bệnh, thì nguy cơ tăng lên gấp 5 – 7 lần.
Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân dẫn tới hội chứng tăng động ở trẻ nhỏ (Nguồn: psycho-energie-drome.fr)
4. Những biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý cần nhớ
4.1. Các biểu hiện hiếu động
Cảm giác bồn chồn , bứt rứt khi không vận động
Dường như, những trẻ khi mắc phải tình trạng này thường trở nên bồn chồn bứt rứt. Giống như có một động cơ gắn bên trong người buộc trẻ phải không ngừng vận động, không ngừng “khua chân múa tay”. Trẻ bị tăng động giảm chú ý không thể ngồi im được. Nếu bị bắt phải ngồi một chỗ, các em vẫn có xu hướng vặn vẹo và ngọ nguậy liên tục trong ghế.
Tăng động ở mức độ thái quá
Trẻ có xu hướng tăng động ở mức độ thái quá, giống như có một động cơ điều khiển đang hoạt động không ngừng nghỉ, tất cả các hoạt động chân tay, chạy nhảy diễn ra liên tục không biết mệt mỏi.
Không kiểm soát lời nói, không thể im lặng, la hét
Trẻ ADHD không kiểm soát được lời nói, hay cáu gắt (Nguồn: baomoi.com)
4.2. Các triệu chứng của thiếu chú ý
Không tập trung vào một việc cụ thể
Đối với trẻ tăng động giảm chú ý, đôi khi tư duy của chúng vẫn phát triển bình thường như những trường hợp đồng trang lứa. Nhưng trẻ lại không chịu tập trung làm một việc gì cụ thể, mà thường bỏ dở hoặc bị phân tâm bởi một vấn đề khác trong tầm mắt.
Hay quên trước, quên sau
Bạn sẽ bắt gặp những khoảnh khắc trẻ “quên vẫn hoàn quên” dù cho bạn đã cố gắng nhắc nhở rất nhiều lần. Nhất là đối với việc học tập, thường xuyên quên bài và quên dụng cụ học tập.
Không làm xong đã chuyển qua công việc khác
Trẻ có thể nhanh chóng thích thú với việc này nhưng ngay sau đó lại chuyển sang làm công việc khác, bỏ dở giữa chừng khi chưa hoàn thành công việc.
Bé chịu áp lực rất lớn khi bị rối loạn tăng động giảm chú ý (Nguồn:medscape.com)
Cẩu thả trong công việc
Trẻ em tăng động giảm chú ý thường tỏ ra khó khăn để lắng nghe lời hướng dẫn của người lớn. Và hậu quả là những công việc được thực hiện một cách sơ sài, cẩu thả và thiếu tập trung nghiêm túc.
4.3. Các dấu hiệu của bốc đồng
Quậy phá, thường hay nổi giận
Trẻ ADHD thường rất khó kiềm chế cảm xúc bộc phát của mình. Chính vì vậy những cơn thịnh nộ có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong đời sống.
Không chờ đến lượt mình
Thông thường, khi bốc đồng, trẻ không bao giờ nhận thức được vị trí của mình xung quanh cũng như việc phải xếp hàng chờ đợi một điều gì đó. Trẻ có thể cắt ngang lời người lớn khi đang nói chuyện, không muốn nghe và bỏ đi nơi khác. Hoặc tỏ ra bứt rứt, khó chịu khi phải chờ đến lượt mình trong học tập, đời sống.
Hành xử nguy hiểm không quan tâm đến hậu quả
Chính vì trẻ không kiềm chế được cảm xúc cũng như không ý thức được hậu quả mà mình sẽ phải chịu nên thường hành xử một cách nguy hiểm như tự làm tổn thương mình hoặc gây gổ với bạn bè xung quanh.
Hay quấy rầy người khác
Đây cũng có thể là biểu hiện khi trẻ muốn gây sự chú ý đối với những người xung quanh. Trẻ sẽ tỏ ra “rất phiền phức” liên tục quấy rầy người khác bằng những hành động ngỗ nghịch và không có xu hướng chịu dừng lại.
Cẩu thả không tập trung là triệu chứng thiếu chú ý (Nguồn: files.benhvien108.vn)
4.4. Các biểu hiện về tâm lý ở trẻ tăng động giảm chú ý
Rối loạn giấc ngủ
Khi tăng động, tay chân hoạt động liên tục thậm chí khi ở cả trạng thái ngủ, hoặc việc phải hoạt động quá nhiều khiến trẻ khó ngủ, không ngủ được hoặc thức giấc giữa chừng.
Trẻ cũng khó kiểm soát, bày tỏ cảm xúc.
Chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ
Việc tập trung hay chú ý là một trong những yếu tố khiến cho trí tuệ phát triển bình thường. Tuy nhiên đối với trẻ ADHD thì chúng dường như không chịu tiếp thu, không chịu ghi nhớ và tỏ ra lơ đễnh với mọi thứ. Điều này khiến cho ngôn ngữ cũng như trí tuệ bị “trì trệ” phát triển.
Gặp khó khăn khi giao tiếp với bạn bè
Với trường hợp này, một là trẻ lầm lì không tự tin, không muốn giao tiếp với bạn bè. Hoặc là trường hợp trẻ cáu gắt hung hăng với mọi người dẫn đến khó duy trì mối quan hệ lâu dài và tiếp xúc bạn bè.
Khi bị tăng động giảm chú ý trẻ sẽ chậm ngôn ngữ (Nguồn: baomoi.com)
5. Bệnh tăng động giảm chú ý có chữa được không?
Trẻ tăng động giảm chú ý nguyên nhân xuất phát từ những rối loạn phát triển có liên quan đến não bộ. Tuy nhiên, so với những bệnh lý chung nhóm như tự kỷ, trầm cảm, thần kinh, tâm thần phân liệt thì lại có mức độ nhẹ hơn và vẫn chữa khỏi được, nếu như áp dụng đúng phương pháp điều trị cũng như đòi hỏi phải có sự kiên trì phối hợp từ phía phụ huynh và gia đình.
Và hơn hết, cần khắc phục bệnh ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường để đạt được hiệu quả tốt và không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ sau này.
Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý hoàn toàn có thể chữa được (Nguồn:.richandcarr.co.uk)
6. Các phương pháp điều trị triệt để tình trạng trẻ tăng động giảm chú ý
6.1. Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là một trong những phương pháp điều trị đối với tình trạng trẻ tăng động giảm chú ý. Phụ huynh cần lưu ý bổ sung các chất thiếu hụt dẫn đến chứng ADHD của trẻ, tăng cường trứng tươi sạch, kiểm dịch kỹ càng, sữa, cá, các loại thịt hữu cơ, giàu protein, thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe hệ thần kinh,… và hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt hay những loại thực phẩm chế biến sẵn.
6.2. Liệu pháp hành vi nhận thức
Lúc này, sự trợ giúp đến từ người thân xung quanh và gia đình là cực kỳ quan trọng. Cần phải kết hợp lời nói, cử chỉ và hành động để điều hướng trẻ một cách tích cực. Tuy nhiên, không nên kìm hãm tất cả hành vi mà phải tiến hành từ từ, nhắc nhở nhẹ nhàng để tránh gây ra cảm giác ức chế.
6.3. Trị liệu Neurofeedback
Trị liệu Neurofeedback (liệu pháp phản hồi thần kinh) là một kỹ thuật mới đang được áp dụng trong điều trị chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ. Khi đó, mỗi ngày trẻ sẽ dành ra khoảng 30 – 60 phút, mỗi đợt từ 10 – 20 buổi để xác định số lượng và luyện tập cho não bộ hoạt động thông qua phản hồi sinh học các sóng điện não. Phương pháp này không xâm lấn nên sẽ là một chọn lựa an toàn cho trẻ vị thành niên.
6.4. Dùng thuốc cho trẻ tăng động giảm chú ý
Các chuyên gia khuyên rằng nên sử dụng phương pháp này cuối cùng, khi mà tất cả các liệu pháp khác dường như không đủ để khắc phục tình trạng tăng động ở trẻ. Thuốc có tác dụng làm cho tinh thần được trở nên thoải mái hơn, giảm thiểu những triệu chứng kích thích, lo âu, bồn chồn và giúp cải thiện cân bằng những phản ứng hóa học với các hormone trong não bộ. Tuy nhiên, phương pháp này cần được thực hiện dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ chuyên khoa.
6.5. Huấn luyện nếp sống và các kỹ năng xã hội
Có thể hướng dẫn và lập kế hoạch huấn luyện nếp sống cũng như các kỹ năng xã hội cần thiết để trẻ hòa nhập dễ dàng hơn với cộng đồng và trong môi trường học tập.
6.6. Bài tập tăng cường vận động hợp lý
Nên cho trẻ tập một số bài vận động hợp lý, khoa học để vừa nâng cao sức khỏe lại vừa trương lực cơ và làm chủ hành vi của mình. Bạn có thể tham khảo những bài tập mà các bác sĩ chuyên khoa gợi ý để có kết quả tốt.
6.7. Rèn luyện sự tập trung của trẻ
Để trẻ tăng động giảm chú ý làm chủ được mình, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc con, giúp con rèn luyện dần dần sự tập trung mỗi ngày trong tất cả mọi công việc trong đời sống cũng như học tập.
Cho trẻ chơi những hoạt động rèn luyện tập trung (Nguồn: abacusmaster.edu.vn)
6.8. Trò chơi trị liệu phù hợp
Phụ huynh nên hướng con mình chơi những trò chơi vận động đòi hỏi sự tập trung. Để bé vừa có thể tự do “tăng động” trong một mức cho phép, lại vừa có thể nâng cao được sự tập trung để hoàn thành trò chơi hiệu quả. Cha mẹ có thể mua đồ chơi vận động, tăng sự tập trung về chơi cùng trẻ.
6.9. Sự phối hợp của gia đình đình khi chăm sóc dạy trẻ tăng động giảm chú ý
Cha mẹ, người thân cần dành riêng một khoảng thời gian đủ để trẻ thấy được sự quan tâm của mọi người đối với mình. Bởi vì sự tăng động một phần cũng xuất phát từ tâm lý muốn được chú ý. Chính vì vậy, gia đình nên phối hợp tạo thành một môi trường lành mạnh để chăm sóc tốt nhất cho trẻ bị tăng động giảm chú ý.
6.10. Thăm khám điều trị sớm
Tình trạng trẻ tăng động giảm chú ý có thể được điều trị một cách tích cực nếu phát hiện và đi khám chữa sớm. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh có thể đăng ký tư vấn chuyên khoa tâm lý tại những phòng khám uy tín nếu phát hiện dấu hiệu bệnh lý của con em mình.
Trên đây là một số thông tin về tình trạng trẻ tăng động giảm chú ý mà Blog Adayroi cung cấp cho bạn. Hy vọng phụ huynh có thể nắm được dấu hiệu cũng như cách điều trị để xử lý tình trạng này kịp thời, giúp con phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Nếu cần thiết, nên đưa trẻ đi thăm khám ở cơ sở chuyên khoa uy tín để được tư vấn, điều trị hiệu quả nhất nhé.