Trẻ có thể khỏi tự kỷ khi lớn lên hay không theo nghiên cứu mới nhất

Theo kết quả từ một nghiên cứu mới đây, một số trẻ mới biết đi bị tự kỷ nhẹ đã “vượt qua bệnh khi lớn lên”, nhưng hầu hết vẫn tiếp tục gặp khó khăn về ngôn ngữ và hành vi. Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên ghi nhận các trường hợp “vượt qua” tự kỷ.

Từ nhiều thập kỷ trước, các bác sĩ đã biết rằng một vài trẻ nhỏ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) dường như đã khỏi khi lớn lên.

Nhưng điều này có ý nghĩa gì với những đứa trẻ đó? Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Lisa Shulman cho biết: “Các phát hiện cho thấy đại đa số trẻ vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn và cần hỗ trợ.”

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lisa phát hiện ra rằng trong số 38 trẻ “vượt qua” chẩn đoán tự kỷ, hầu hết đều mắc phải các tình trạng rối loạn khác – bao gồm các khó khăn về học tập, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn lo âu.

Trẻ mắc hội chứng tự kỷ từ nhỏ vẫn có khả năng vượt qua được khi lớn lên

Trẻ mắc hội chứng tự kỷ từ nhỏ vẫn có khả năng vượt qua được khi lớn lên (Nguồn: mepa.org)

Tại sao trẻ gặp phải thay đổi này?

Đó là “câu hỏi đáng giá triệu đô la”, theo Shulman, giáo sư Nhi khoa tại Albert Einstein College of Medicine/Hệ thống Y tế Montefiore tại thành phố New York.

Một khả năng có thể xảy ra đó là chẩn đoán ban đầu sai. Nhưng cũng có thể một số trẻ em đã đáp ứng tốt với các liệu pháp điều trị sớm nhằm hỗ trợ sự phát triển của chúng.

Shulman còn hoài nghi về hai kịch bản trên.

569 trẻ tham gia nghiên cứu được chẩn đoán trước 3 tuổi. Shulman cho biết những biểu hiện của bệnh tự kỷ ở trẻ 2 tuổi bắt đầu khác đi khi trẻ lớn lên. Ví dụ, đứa trẻ 2 tuổi đó thực sự có thể bị rối loạn lo âu, nhưng trẻ ở độ tuổi đó chưa có khả năng diễn tả được đầy đủ cảm xúc. Khả năng thể hiện cảm xúc sẽ rõ ràng khi trẻ lớn hơn.

Mặt khác, phát hiện các dấu hiệu của bệnh tự kỷ ở trẻ và tiến hành trị liệu về mặt hành vi sớm có thể giúp trẻ bị bệnh xây dựng các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ, giảm bớt các vấn đề về hành vi mà chúng đang gặp phải. Vì vậy, những đứa trẻ đáp ứng với trị liệu có thể không còn đáp ứng các tiêu chí về bệnh tự kỷ tại một thời điểm nhất định.

“Tôi nghĩ có một nhóm trẻ em sẽ không bao giờ bị tự kỷ”, Shulman nói. “Và có một vài trẻ đáp ứng tốt với biện pháp can thiệp sớm.” James Connell là Tổng giám đốc khoa lâm sàng của Viện tự kỷ A.J. Drexel ở Philadelphia. Ông ủng hộ quan điểm cho rằng ở trẻ mới biết đi, khó có thể “xác định” trẻ bị tự kỷ hay là các rối loạn khác.

Connell, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Sự chậm phát triển toàn diện, chậm về mặt ngôn ngữ và sự lo lắng khi bị tách biệt ở trẻ em từ 18 đến 24 tháng tuổi có thể giống như chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD)”.

Trên thực tế, ông nói, “Tôi cho rằng hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả những đứa trẻ này, đều không mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.”

Nhưng điều đó không có nghĩa là những đứa trẻ bị gắn nhầm “mác” tự kỷ không được hưởng lợi ích từ liệu pháp. Connell cho rằng các dịch vụ điều trị tâm lý sớm và chuyên sâu có thể rất hữu ích không chỉ cho trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, mà còn cho những trẻ chậm phát triển.

Những liệu pháp từ sớm mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ

Những liệu pháp từ sớm mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ (Nguồn: gracemusicschool.com)

Connell cho biết, trẻ gặp khó khăn về phát triển trong quá trình thăm khám nhi chuyên khoa có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ để chúng đạt điều kiện sử dụng trị liệu chuyên sâu.

Ông nói: “Chẩn đoán tự kỷ giúp tạo ra các dịch vụ mà những đứa trẻ này cần,” ông nói. “Các bác sĩ biết điều đó. Các bậc cha mẹ cũng biết điều đó.”

Những phát hiện mới nhất được công bố gần đây trên Journal of Child Neurology dựa trên hồ sơ của 569 trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ tại trung tâm nghiên cứu từ năm 2003 đến 2013. Bốn năm sau, 38 trong số những đứa trẻ đó không còn đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán.

Theo Shulman, chúng đều có một điểm chung. Ban đầu trẻ có vẻ đều mắc triệu chứng nhẹ; không có trẻ nào mắc triệu chứng nặng.

Nhưng sau đó, gần như tất cả trẻ đều có diễn biến tiêu cực. 68% trong số đó vẫn mắc khuyết tật về ngôn ngữ hoặc học tập. Một nửa được chẩn đoán mắc chứng rối loạn hành vi “ngoại hóa” – chẳng hạn như Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn thách thức chống đối – trong khi 1/4 trong số chúng đã “nội tâm hóa” các tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm rối loạn lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Hai trẻ bị bệnh tâm thần nặng hơn liên quan đến rối loạn tâm thần.

Các nhà nghiên cứu nói thêm, có 3 trẻ không “đáp ứng” bất kỳ chẩn đoán thay thế nào.

Connell cho rằng những đứa trẻ đó có lẽ không bao giờ bị tự kỷ. Ông cho biết: “Hầu hết các nhà nghiên cứu sẽ đồng ý rằng trẻ em không bao giờ khỏi bệnh tự kỷ – bệnh chỉ trở nên ít rõ ràng hơn”.