Trầm cảm ở người cao tuổi: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách điều trị

Trầm cảm là một bệnh lý nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở bất kỳ lứa tuổi nào bao gồm người cao tuổi. Chán nản có thể là một phần của quá trình lão hóa và nhiều người vẫn cho đó là điều không thể tránh khỏi khi về già nhưng trầm cảm ở người cao tuổi đem đến những hệ lụy nặng nề hơn thế.

Nếu bạn nghi ngờ ông bà, bố mẹ hoặc bất kỳ người thân của bạn đang bị trầm cảm, hãy lên tiếng và đề nghị giúp đỡ. Sàng lọc và điều trị chuyên nghiệp chính là giải pháp có giá trị để kiểm soát căn bệnh này ở mọi lứa tuổi.

Khi ta già đi, ta sẽ phải trải qua nhiều mất mát to lớn như bạn đời hoặc những người bạn thân ra đi mãi mãi, cảm giác cô đơn, bị mất việc, bệnh tật,… khiến nhiều người có cảm giác rằng buồn bã là điều bình thường. Nhưng trầm cảm lại không phải là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa.

Người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm (Nguồn:hellozdrowie.pl)

1. Trầm cảm ở người cao tuổi là gì?

Nếu người cao tuổi thỉnh thoảng cảm thấy buồn bã hoặc chán nản trong một khoảng thời gian ngắn, sau những biến cố cuộc sống căng thẳng, điều này là bình thường. Tuy nhiên, nếu xuất hiện những dấu hiệu thay đổi tâm lý người cao tuổi như không thể vượt qua cảm giác luôn cảm thấy buồn và vô vọng từ hai tuần trở lên, có thể người thân của bạn đã bị trầm cảm. Trầm cảm lại là một bệnh tâm thần nghiêm trọng kéo theo nhiều hệ lụy về cả sức khỏe tinh thần và thể chất.

2. Sự thật về trầm cảm và người cao tuổi

Trầm cảm ở người cao tuổi nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ:

  • Khoảng 18% người trưởng thành trên 65 tuổi ở Hoa Kỳ bị trầm cảm.
  • Nhiều người bị trầm cảm trong suốt cuộc đời của họ, nhưng một số người lần đầu bị trầm cảm ở giai đoạn cuối đời.
  • Bệnh tật và lệ thuộc vào người khác là hai nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm ở người cao tuổi.
  • Nhiều người cao tuổi không muốn điều trị trầm cảm vì họ cho rằng tâm trạng buồn bã là bình thường, một phần của sự lão hóa.
  • Tỷ lệ tự tử của nhóm người trầm cảm sau 85 tuổi cao thứ hai, chỉ sau người trưởng thành.
  • Theo độ tuổi và giới tính, nam giới trên 65 tuổi có tỷ lệ tự tử cao nhất.

3. Các yếu tố gây trầm cảm ở người cao tuổi

Các nguy cơ gây trầm cảm ở mọi lứa tuổi cũng ảnh hưởng đến người cao tuổi. Các yếu tố đó là: Di truyền và tiền sử gia đình, đã từng bị bệnh tâm thần khác hoặc trước đây đã gặp các cơn xung chấn trầm cảm, do ảnh hưởng của cấu trúc não hoặc gặp quá nhiều căng thẳng có thể khiến một người cao tuổi hoặc bất kỳ ai ở mọi độ tuổi bị trầm cảm.

Bạn cũng cần hiểu rõ các hệ lụy trầm cảm mà chỉ người cao tuổi mới phải đối mặt. Chẳng hạn, mắc bệnh mãn tính có thể gây ra trầm cảm và người cao tuổi có nhiều khả năng phải chống chọi với một hoặc nhiều bệnh, như ung thư, tiểu đường hoặc bệnh tim. Bị khuyết tật về thể chất cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm do cảm giác bị cô lập về mặt xã hội hoặc cảm giác cô đơn. Nếu người cao tuổi trong gia đình bạn có ít các mối liên hệ với xã hội thì khả năng mắc bệnh trầm cảm càng cao hơn.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở người cao tuổi bao gồm dùng một số loại thuốc gây trầm cảm, mất người thân, mắc bệnh về não như Alzheimer, thiếu mục đích cuộc sống do không có việc làm, không ai chăm sóc hoặc gặp những căng thẳng về căng thẳng tài chính.

4. Dấu hiệu trầm cảm ở người cao tuổi

Bạn nên chú ý đến các dấu hiệu nói chung, nhưng cũng không thể bỏ qua các triệu chứng trầm cảm riêng phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Bất kể người thân của bạn có yếu tố nguy cơ mắc trầm cảm hay không, việc nhận biết những dấu hiệu này có thể giúp bạn sớm nhận ra vấn đề (nếu có) và can thiệp nhanh chóng. Các tiêu chuẩn chẩn đoán chung cho bệnh trầm cảm bao gồm tâm trạng buồn bã, mệt mỏi, mất hứng thú với các hoạt động, thay đổi thói quen ăn ngủ, cảm giác vô dụng và mặc cảm, khó suy nghĩ và khó tập trung và có ý định tự tử.

Nhận biết trầm cảm người cao tuổi qua hành vi

Nhận biết trầm cảm người cao tuổi qua hành vi (Nguồn: aginginplace.org)

Người cao tuổi có thể không biểu hiện tất cả các dấu hiệu này hoặc biểu hiện các triệu chứng khác, đó là lý do khiến tỷ lệ chẩn đoán và điều trị thành công thấp. Khi bị trầm cảm, họ thường không nói chia sẻ về cảm xúc buồn bã, nhưng hành vi lại thể hiện điều ngược lại. Ở người cao tuổi, các dấu hiệu trầm cảm có thể bao gồm:

  • Có vấn đề về trí nhớ
  • Xa lánh hoặc cách ly xã hội
  • Giảm cân
  • Tâm trạng khó chịu
  • Mất ngủ
  • Hoang mang
  • Thường kêu đau nhưng không tìm ra căn bệnh cụ thể
  • Di chuyển và hoạt động chậm chạp
  • Bỏ bê vệ sinh và các loại chăm sóc cá nhân khác

 5. Cách giúp đỡ

Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm nếu bạn nghi ngờ cha mẹ hoặc bạn bè cao tuổi của mình bị trầm cảm là tiếp cận và đề nghị giúp đỡ. Người đó cần được chuyên gia sức khỏe tâm thần kiểm tra và sau đó điều trị nếu chẩn đoán bị trầm cảm.

Bạn có thể gặp phải rất nhiều sự phản kháng từ người bệnh nhưng đây là cách duy nhất để để họ có thể sống tốt hơn. Một số điều khác bạn có thể làm để hỗ trợ và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm là:

  • Dành thời gian: Cảm giác bị cô lập và cô đơn rất thường gặp ở người cao tuổi. Hãy dành thời gian bên họ, có thể cùng họ vi vu du lịch đây đó.
  • Khuyến khích họ kết nối xã hội nhiều hơn thông qua các nhóm người cao tuổi và trung tâm cộng đồng hoặc các cuộc họp mặt gia đình.
  • Đưa người thân của bạn đến gặp bác sĩ hoặc tham gia trị liệu, đồng thời, khuyến khích và động viên để họ kiên trì điều trị.
  • Khuyến khích phát triển sở thích cá nhân như khiêu vũ, vẽ tranh hoặc câu lạc bộ sách.
  • Thú cưng có thể giúp tâm trạng của người lớn tuổi trở nên tốt hơn. Nếu họ không thể sở hữu thú cưng, bạn có thể đăng ký các chuyến trị liệu bằng động vật tại các trung tâm dành cho người cao tuổi.
  • Cùng làm tình nguyện. Các hoạt động tình nguyện giúp mọi người cảm thấy đang đóng góp những điều hữu ích. Một cuộc sống có mục đích sẽ rất tốt cho bệnh trầm cảm.

6. Điều trị trầm cảm ở người cao tuổi

Khi mắc bệnh trầm cảm, điều quan trọng nhất họ cần vẫn là được điều trị chuyên nghiệp. Căn bệnh này sẽ không đơn thuần biến mất, nó đòi hỏi cần được chăm sóc liên tục, chuyên nghiệp. Kế hoạch điều trị điển hình cho trầm cảm thường bao gồm thuốc chống trầm cảm và các liệu pháp trị liệu. Thuốc chống trầm cảm có thể gây rủi ro cho người lớn tuổi, vì vậy những thuốc này nên được thử dưới sự giám sát chặt chẽ.

Tìm đền các chuyên gia tâm lý khi thấy người thân có dấu hiệu trầm cảm

Tìm đền các chuyên gia tâm lý khi thấy người thân có dấu hiệu trầm cảm (Nguồn: amazonaws.com)

Trị liệu, đặc biệt là liệu pháp hành vi nhận thức, có thể rất hữu ích cho bất cứ ai mắc bệnh trầm cảm. Liệu pháp này giúp bệnh nhân học cách nhận biết các yếu tố gây ra tâm trạng chán nản, sử dụng cơ chế đối phó lành mạnh để giảm căng thẳng, thay đổi suy nghĩ và hành vi tiêu cực, thiết lập và thay đổi lối sống theo hướng hành động tích cực để giảm các triệu chứng trầm cảm.

Nhiều người cao tuổi có thể sẽ không đồng ý tham gia chẩn đoán và điều trị. Hậu quả của căn bệnh có thể rất nghiêm trọng, chẳng hạn có ý định tự tử. Bởi vậy, bạn hãy cố gắng giúp người thân của bạn vượt qua căn bệnh bằng cách khuyến khích tiến hành sàng lọc và điều trị trầm cảm cũng như đồng hành cùng họ trong cuộc sống.