Rối loạn trầm cảm điển hình là chứng bệnh tâm thần ảnh hưởng đến hơn 16 triệu người trưởng thành mỗi năm. Trong đó, một tỷ lệ nhất định có các triệu chứng rối loạn tâm thần (thường là hoang tưởng, ảo giác) khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, mức độ rối loạn chạm ngưỡng phải điều trị khẩn cấp.
May mắn thay, trầm cảm loạn thần có thể được chữa khỏi nhờ vào phác đồ điều trị dài hạn, bao gồm việc sử dụng thuốc kết hợp với tâm lý trị liệu.
1. Trầm cảm loạn thần là gì?
Các triệu chứng của trầm cảm điển hình thường dữ dội, khó chịu và làm cho cơ thể bị bất lực. Nhưng trong một số trường hợp, trầm cảm có thể trở nên nghiêm trọng đến mức phá hủy cả nhận thức thực tại.
Những bệnh nhân ở trong tình trạng này được chẩn đoán mắc phải hội chứng rối loạn trầm cảm điển hình thể tâm thần, hay còn được biết đến với cái tên trầm cảm loạn thần. Họ thường có những ảo giác, hoang tưởng khiến bản thân nhìn thấy, nghe thấy, hoặc cảm thấy những thứ không tồn tại trong thực tế, hoặc tin vào những điều viển vông, vô lý.
Nhận thức bị bóp méo đi liền với rối loạn tâm thần xảy ra khá phổ biến với một số chứng bệnh tâm thần, nhưng trầm cảm kết hợp với rối loạn tâm thần lại vô cùng nguy hiểm, và cần phải thực hiện điều trị ngay lập tức.
Bệnh nhân nên được chuyển đến bệnh viện ngay khi bệnh bắt đầu phát tác, bởi rối loạn tâm thần nếu không được chữa trị kịp thời sẽ khiến bệnh nhân có những hành vi làm tổn thương bản thân, hoặc liều lĩnh quá mức, khiến họ gặp phải nguy hiểm.
Trầm cảm loạn thần khiến bệnh nhân gặp phải ảo giác, hoang tưởng (Nguồn: s3.amazonaws.com)
2. Các dạng trầm cảm loạn thần
Khi bệnh ngày càng phát triển do hậu quả của trầm cảm, tình trạng rối loạn tâm thần sẽ biểu hiện thành một trong hai thể: phù hợp với khí sắc, hoặc không phù hợp với khí sắc.
Các triệu chứng của thể phù hợp với khí sắc thường gắn liền với những xúc cảm, biểu hiện liên quan đến trầm cảm. Ảo giác, hoang tưởng khiến cho người bệnh càng cảm thấy thất bại, tội lỗi, xấu hổ và tuyệt vọng, chôn vùi họ vào sâu bên trong những suy nghĩ tự làm thấp giá trị bản thân.
Ngược lại, thể không phù hợp với khí sắc có những triệu chứng không liên quan trực tiếp tới trầm cảm, nhưng nhìn chung thể hiện rõ dấu hiệu của tình trạng rối loạn tâm thần. Người bệnh có những hoang tưởng, ảo giác như nghe thấy giọng nói của ai đó, hoặc cảm thấy như có những suy nghĩ bên ngoài len lỏi vào bên trong đầu họ. Những giọng nói, suy nghĩ ấy khiến họ có những hành động tự làm tổn thương bản thân. Họ tin rằng bản thân được trao cho một sức mạnh siêu nhiên có thể tác động lên tất cả mọi việc, hoặc ngược lại, bị một thế lực bên ngoài truy đuổi để tiêu diệt họ.
Dù hội chứng rối loạn lưỡng cực khác biệt hoàn toàn so với rối loạn trầm cảm điển hình, chứng bệnh này cũng có thể gây ra một số biểu hiện loạn thần dẫn đến phá hủy nhận thức thực tại. Bệnh còn có các triệu chứng của thể loạn thần phù hợp với khí sắc hoặc không phù hợp với khí sắc, thậm chí có thể bị chẩn đoán nhầm sang trầm cảm loạn thần nếu người bệnh mới chỉ trải qua giai đoạn vui buồn thất thường.
3. Số liệu thống kê thực tế
Hàng năm, có hơn 16 triệu người trưởng thành tại Mỹ (chiếm 6,7% dân số) mắc phải chứng bệnh trầm cảm điển hình.
Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy những bệnh nhân trong độ tuổi từ 15 đến 19 trải qua tình trạng bị ảo giác, hoang tưởng gắn liền với trầm cảm, đồng thời có đến 5% (xấp xỉ 3 triệu người) có các triệu chứng trầm cảm loạn thần toàn diện.
Những nghiên cứu khác cũng chỉ ra có đến 25% số lượng người nhập viện điều trị trầm cảm phải chịu đựng trầm cảm loạn thần. Điều này càng làm rõ mức độ nguy hiểm, khả năng gây ra tổn thương của chứng bệnh này.
4. Triệu chứng và chẩn đoán bệnh
Rối loạn tâm thần thường xảy ra với những ai mắc phải trầm cảm. Nhưng trước khi bắt đầu phát tác, bệnh có một số dấu hiệu đặc trưng của chứng rối loạn trầm cảm điển hình, ví dụ như:
- Đánh mất động lực, năng lượng sống. Người bệnh khó có thể hoàn thành công việc, ngay cả khi đó là công việc đơn giản nhất, bởi họ luôn cảm thấy bất lực, không còn năng lượng để hoạt động.
- Rối loạn giấc ngủ. Một trong những dấu hiệu điển hình của trầm cảm là thay đổi trong giấc ngủ: người bệnh cảm thấy khó ngủ, có thể ngủ lâu hơn so với thường ngày, hoặc thường xuyên ngủ trưa hơn.
- Khả năng làm việc giảm sút. Người bệnh thường khó tập trung, ghi nhớ, hay ra quyết định, và hay tránh né tham gia vào các hoạt động diễn ra xung quanh.
- Cảm thấy đau đớn, gặp phải vấn đề về tiêu hóa, và có những dấu hiệu thể chất bị kiệt sức. Trầm cảm gắn liền với sự suy giảm sức khỏe thể chất, và thường biểu hiện dưới dạng một loạt những chứng bệnh khác nhau mà các bác sĩ không sao giải thích được (người mắc phải bệnh trầm cảm thường đến gặp nhiều bác sĩ để tìm cho ra lời giải đáp)
- Không còn hứng thú với những sở thích, hoạt động vui chơi như trước đây. Trầm cảm cướp đi khả năng cảm nhận niềm vui, sự hưng phấn, bất ngờ, và tận hưởng thành công của người bệnh.
- Cảm thấy tuyệt vọng, bất lực, và trống rỗng. Khi ở trong tình trạng trầm cảm, quan điểm về cuộc sống của người bệnh dần bị hủy hoại, và sự lạc quan suy giảm đến mức nghiêm trọng, chỉ còn một chút le lói. Trầm cảm khiến cuộc sống của họ không còn gắn liền với thực tại, buộc họ phải trải qua cảm giác mất mát, vô vọng về một tương lai tươi sáng.
Khi trầm cảm càng trở nặng, nguy cơ chuyển sang giai đoạn rối loạn tâm thần càng cao hơn. Các triệu chứng của bệnh thường khiến tính cách, hành vi, khả năng hoạt động của con người thay đổi, bao gồm:
- Trở nên kích động, bồn chồn
- Lo âu, hoảng loạn
- Thường xuyên than vãn về những cơn đau, bệnh tật
- Suy giảm trí tuệ
- Cơ thể bất động, không phản ứng
- Phản ứng một cách khó chịu, ghét bỏ
- Hoang tưởng, cảm giác bị bức hại
- Có những lời nói, hành động khác thường, bất hợp lý
Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong các hoạt động thường nhật khi mắc trầm cảm loạn thần (Nguồn: verywellmind.com)
Ảo giác và hoang tưởng thường phát triển trong giai đoạn cuối của chứng trầm cảm loạn thần, gây cản trở trong sinh hoạt hàng ngày, buộc người bệnh phải ngay lập tức thực hiện chữa trị chuyên sâu. Và cũng trong giai đoạn này, người bệnh bắt đầu mất đi cảm giác liên kết với thực tại, khiến họ không thể tự chăm sóc bản thân.
5. Chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh trầm cảm loạn thần, người bệnh phải có ít nhất năm trong số các dấu hiệu đặc trưng của trầm cảm trong vòng 2 tuần, đó là:
- Cảm thấy buồn bã, trống rỗng mỗi ngày
- Mất đi cảm giác vui vẻ với những sở thích, hoạt động tham gia trước đây.
- Thay đổi trong thói quen ăn uống, cân nặng
- Thay đổi trong giấc ngủ, như mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
- Thường xuyên kích động, hoặc hoạt động một cách chậm chạp
- Mệt mỏi lâu ngày, năng lượng sống giảm thấp
- Cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi
- Mất khả năng tập trung, ra quyết định một cách cương quyết
- Thường xuyên có ý nghĩ tự tử, tìm đến cái chết
Các dấu hiệu cơ bản của tình trạng rối loạn tâm thần là hiện tượng ảo giác, hoang tưởng, và thể hiện dưới nhiều trạng thái khác nhau. Dù những hiện tượng này không mang nhiều ý nghĩa so với thực tại mà họ đang trải qua, tuy nhiên lại khiến cuộc sống của người bệnh bị cản trở một cách nghiêm trọng.
Bất kể các chứng bệnh theo kèm là gì, tình trạng rối loạn tâm thần luôn được chẩn đoán dựa trên kết quả phỏng vấn từ bệnh nhân và người thân của họ. Thông qua việc đánh giá mức độ của các triệu chứng và tốc độ phát triển bệnh, việc chẩn đoán có thể hoàn thành ngay lập tức, hoặc phải mất một vài tuần cho đến khi các triệu chứng trở nên rõ ràng.
Dù có mối liên hệ nhất định với tình trạng trầm cảm, rối loạn tâm thần lưỡng cực khác biệt hoàn toàn so với trầm cảm loạn thần. Thế nhưng, chứng bệnh này lại dễ bị chẩn đoán nhầm, chỉ đến khi những dấu hiệu của trạng thái vui buồn lẫn lộn được thể hiện rõ.
6. Nguyên nhân và các yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc bệnh
Các yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến như:
- Bị lạm dụng, chịu tổn thương khi còn nhỏ
- Do di truyền, hoặc người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh tâm thần (đặc biệt là hội chứng rối loạn cảm xúc)
- Đã từng nhập viện điều trị bệnh tâm thần
- Tổn thương não bộ, hoặc mắc phải chứng bệnh về não.
- Có tiền sử lạm dụng chất kích thích, rượu bia
- Cô độc, bị cách ly khỏi xã hội trong thời gian dài
- Có những bất thường về não, đặc biệt là tại các khu vực liên quan phản ứng căng thẳng và kiểm soát cảm xúc
Các yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc phải rối loạn tâm thần lưỡng cực cũng tương tự như vậy. Đặc biệt, những người đã từng trải qua một số triệu chứng của rối loạn tâm thần cùng với những chứng bệnh khác (bao gồm rối loạn lưỡng cực) cũng sẽ có nguy cơ cao bị trầm cảm loạn thần trong tương lai.
7. Các rối loạn xảy ra đồng thời
Có đến 70% số lượng người bị trầm cảm phải chịu đựng tình trạng rối loạn lo âu, trong khi xấp xỉ 50% bệnh nhân ở trong tình trạng rối loạn lo âu bị trầm cảm. Mối quan hệ nguyên nhân-kết quả giữa lo âu và trầm cảm vô cùng rắc rối, phức tạp, thế nhưng cả hai lại liên kết với nhau một cách chặt chẽ đến mức các chuyên gia sẽ dễ dàng phát hiện ra một trong hai loại bệnh khi chứng bệnh còn lại xuất hiện.
Việc tự thực hiện điều trị trầm cảm bằng cách sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thế nhưng, việc lạm dụng các loại hóa chất này lại dẫn đến nguy cơ rối loạn tâm thần. Khoảng 1/5 số người bị rối loạn cảm xúc lạm dụng chất kích thích, và tương tự, có đến 20% những người lạm dụng chất kích thích có tiền sử rối loạn cảm xúc, lo âu – và cả hai nhóm đều có nguy cơ cao mắc phải rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, ngoài trầm cảm, tình trạng loạn thần còn là chứng bệnh theo kèm với một số rối loạn về sức khỏe tâm thần, bao gồm:
- Rối loạn lưỡng cực
- Tâm thần phân liệt
- Rối loạn phân liệt cảm xúc
- Rối loạn tâm thần hình thái
- Rối loạn hoang tưởng
Thông thường, các chuyên gia sức khỏe tâm thần phải loại trừ các trường hợp nêu trên trước khi thực hiện chẩn đoán trầm cảm loạn thần. Tuy nhiên, trong một số tình huống, người bị trầm cảm có thể đồng thời mắc phải một số chứng bệnh gây ra tình trạng rối loạn tâm thần.
8. Tiên lượng và điều trị bệnh
Bệnh nhân với các triệu chứng rối loạn tâm thần cần được nhập viện điều trị khẩn cấp trước khi tham gia vào các chương trình điều trị nội trú hoặc ngoại trú. Trong suốt thời gian tại bệnh viện, họ sẽ sử dụng các loại thuốc chống rối loạn tâm thần như Zyprexa, Seroquel, hay Risperdal để cân bằng trạng thái, ngăn chặn tình trạng hoang tưởng, ảo giác tiếp tục phát triển.
Tìm đến các chuyên gia tâm lý khi phát hiện các dấu hiệu của trầm cảm loạn thần (Nguồn: bilder.t-online.de)
Với các chương trình điều trị nội trú, ngoại trú, phương pháp tâm lý trị liệu dành riêng cho bệnh nhân, theo nhóm hoặc có sự tham gia của các thành viên trong gia đình sẽ được kết hợp với biện pháp sử dụng thuốc điều trị, bao gồm các loại thuốc chống rối loạn tâm thần và chống trầm cảm. Quá trình điều trị và hồi phục có thể áp dụng thêm các biện pháp chữa bệnh toàn diện, như các lớp học kỹ năng, những khóa học, dịch vụ cá nhân được khuyến nghị bởi các bác sĩ trong nhóm điều trị. Nếu người bệnh còn lạm dụng cả chất kích thích, quá trình điều trị sẽ bao gồm các dịch vụ được thiết kế riêng để giúp họ nhanh chóng cai nghiện và phục hồi.
Bởi bản chất của hiện tượng rối loạn tâm thần khiến cơ thể trở nên bất lực, người bệnh cần được chữa trị trong một quãng thời gian dài, bao gồm việc tham gia chương trình điều trị nội trú (90 ngày hoặc lâu hơn), và dịch vụ chăm sóc sau điều trị kéo dài liên tục trong nhiều tháng sau đó.
Dù các triệu chứng của bệnh khá là đáng sợ, việc tiên lượng dài hạn đối với trầm cảm loạn thần lại có hiệu quả rất tốt đối với những bệnh nhân duy trì tham vào các chương trình hồi phục dành riêng cho mình. Đặc biệt, bệnh sẽ bắt đầu thuyên giảm khi thực hiện tư vấn điều trị với các chuyên gia tâm lý, đặc biệt là trong thời gian dài, ngay cả những triệu chứng nghiêm trọng nhất cũng có thể kiểm soát, hoặc biến mất hoàn toàn.