Tìm hiểu chi tiết hướng dẫn cách chăm sóc người bị cúm từ bác sĩ

1. Hướng dẫn cách chăm sóc người bị cúm từ bác sĩ

Khi mắc cúm, việc chăm sóc đúng cách tại nhà là rất quan trọng để giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng và giảm nguy cơ biến chứng. Dưới đây là những hướng dẫn cách chăm sóc người bị cúm từ bác sĩ bạn đọc nên tham khảo, cụ thể như sau: 

Cách ly

Cần cách ly người nhiễm cúm với những người không bị bệnh nhằm tránh lây nhiễm virus cúm trong cùng một gia đình, đặc biệt khi gia đình có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già trên 70 tuổi, đang điều trị bệnh lý có suy giảm miễn dịch, bệnh lý hô hấp mạn tính. 

Nghỉ ngơi đầy đủ

Người bị cúm cần nghỉ ngơi nhiều để giúp cơ thể phục hồi. Nên dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi trên giường, tránh làm việc hay vận động mạnh, điều này sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Khi cần ra ngoài người bệnh cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người khác. Khi ho, hắt hơi nên dùng khăn giấy để che miệng, mũi và vứt khăn giấy vào thùng rác.

Giữ ấm và giữ không khí thông thoáng

Người bệnh cúm thường cảm thấy lạnh. Hãy giữ cho cơ thể người bệnh ấm áp bằng cách mặc quần áo ấm, đắp chăn khi ngủ, nhưng cũng cần tránh làm cho không gian quá nóng, gây bí bách.

Uống nhiều nước

Khi mắc cúm, cơ thể dễ bị mất nước do sốt, mồ hôi và các triệu chứng như ho, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Uống đủ nước (oserol, nước quả tươi..) giúp bù đắp lại lượng nước điện giải đã mất và giúp cơ thể thải độc tốt hơn.

Kiểm soát nhiệt độ cơ thể

Sốt là triệu chứng phổ biến khi mắc cúm, nhưng nếu sốt quá cao (trên 38,5°C) hoặc kéo dài, cần sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu sốt kéo dài hoặc người bệnh cảm thấy mệt mỏi quá mức, cần đến bệnh viện để được kiểm tra.

Bệnh nhân cúm cần được kiểm soát nhiệt độ cơ thể thường xuyên

Bệnh nhân cúm cần được kiểm soát nhiệt độ cơ thể thường xuyên 

Chế độ ăn uống phù hợp

Dù người bị cúm có thể cảm thấy chán ăn, nhưng một chế độ ăn uống đủ chất giúp tăng cường hệ miễn dịch là rất quan trọng. Người bị cảm cúm cần ăn thực phẩm lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, canh và uống thật nhiều nước ấm, bổ sung quả tươi nhiều vitamin C như cam, ổi, bưởi. 

Giảm ho và nghẹt mũi

Dùng thuốc giảm ho hoặc thuốc xịt mũi nếu có chỉ định của bác sĩ để giúp giảm các triệu chứng như ho khan, nghẹt mũi. Bên cạnh đó, hãy thử các biện pháp tự nhiên như xông hơi các lá thơm hoặc dùng nước muối sinh lý để làm dịu cổ họng và mũi.

Theo dõi triệu chứng và chủ động đưa đến cơ sở y tế khi cần thiết

Trong quá trình chăm sóc, đặc biệt đối với người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, hoặc người có bệnh nền) nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào trở nên nghiêm trọng hơn như khó thở, đau ngực, lú lẫn, hoặc sốt không giảm, cần đưa người bệnh đến bác sĩ hoặc bệnh viện ngay lập tức.

2. Gợi ý chế độ dinh dưỡng giúp người bệnh cúm A nhanh phục hồi 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp người bệnh cúm A tăng cường sức đề kháng mà còn giúp giảm bớt triệu chứng và hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh chóng. Dưới đây là những gợi ý về chế độ ăn uống giúp người mắc cúm A hồi phục nhanh:

Súp, cháo dễ tiêu hóa

Súp, cháo là những món ăn dễ tiêu và giúp cung cấp dưỡng chất cho cơ thể. Bạn có thể chế biến súp gà, súp rau củ hoặc cháo thịt gà, cháo cá cho người mắc cúm để cung cấp protein và vitamin.

Rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất

Rau củ quả cung cấp vitamin C và các khoáng chất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch. Những thực phẩm như cam, chanh, ổi, kiwi chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng.

Ưu tiên các loại rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất cho người bệnh cúm

Ưu tiên các loại rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất cho người bệnh cúm 

Thực phẩm giàu protein

Protein giúp cơ thể xây dựng và tái tạo các mô, hỗ trợ hệ miễn dịch trong việc chống lại virus cúm. Bạn có thể bổ sung thịt gà, cá, trứng, đậu phụ vào chế độ ăn của người bệnh cúm.

Tăng cường các loại gia vị kháng viêm

Một số gia vị có tác dụng kháng viêm và giúp làm dịu cổ họng như gừng, tỏi và mật ong. Bạn có thể thêm gừng tươi vào nước ấm hoặc pha với mật ong để giúp giảm đau họng và tăng cường miễn dịch.

Thực phẩm giàu kẽm

Kẽm là khoáng chất quan trọng giúp tăng cường chức năng miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi. Các thực phẩm giàu kẽm như hải sản, thịt đỏ, hạt bí, hạt chia, và đậu lăng có thể giúp bổ sung lượng kẽm cần thiết cho cơ thể.

Việc cung cấp đủ nước, thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu vitamin, khoáng chất và protein sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình điều trị. 

3. Người chăm sóc bệnh nhân cúm cần lưu ý gì? 

Khi chăm sóc người mắc cúm, bên cạnh việc quan tâm tới sức khỏe người bệnh, bạn cần lưu ý những điều sau để bảo vệ sức khỏe của bản thân: 

  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân cúm, đặc biệt là khi chăm sóc trực tiếp (ho, hắt hơi, hay khi tiếp xúc với dịch cơ thể của bệnh nhân);
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch ít nhất trong 20 giây, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc các vật dụng của họ. Nếu không có nước và xà phòng, có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn;

Người chăm sóc bệnh nhân cúm cần rửa tay thường xuyên với xà phòng

Người chăm sóc bệnh nhân cúm cần rửa tay thường xuyên với xà phòng 

  • Tránh chạm tay vào mặt (mắt, mũi, miệng) sau khi tiếp xúc với bệnh nhân hoặc các bề mặt có thể bị nhiễm virus;
  • Vệ sinh nhà cửa và các bề mặt mà bệnh nhân tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn, ghế, điện thoại di động, điều khiển từ xa, máy tính… bằng dung dịch sát khuẩn;
  • Thông thoáng không gian sống bằng cách mở cửa sổ để không khí trong phòng lưu thông. Điều này giúp giảm sự phát triển của vi khuẩn và virus trong không gian kín;
  • Hãy nghỉ ngơi đầy đủ và chăm sóc bản thân để có thể tiếp tục chăm sóc bệnh nhân hiệu quả;
  • Hãy lắng nghe cơ thể của mình. Nếu bạn cảm thấy có các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ho, hãy tự cách ly và tìm kiếm sự tư vấn y tế ngay lập tức. 

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn cách chăm sóc người bị cúm từ bác sĩ và những lưu ý người chăm sóc bệnh nhân cần nắm rõ. Mọi thắc mắc cần tư vấn hoặc nhu cầu thăm khám, điều trị bệnh cúm, người dân hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời. 

—————————————————

Source