Thủy sản có phải cứ “đang bơi” là sạch?

Nhiều người quan niệm thủy sản cứ còn bơi là tươi, ngon, đảm bảo. Tuy nhiên có rất nhiều yếu tố làm giảm chất lượng thủy sản mà vẫn đảm bảo chúng vẫn “bơi” khi đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy bây giờ chính là lúc người tiêu dùng cần có nhận thức đúng về an toàn thực phẩm với thủy sản.

Thuỷ sản cũng có thể “bẩn”

Trong vấn nạn về thực phẩm bẩn chưa thể dập tắt trong thị trường hiện nay, nhiều người tiêu dùng dần nhận thức được sự quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thủy sản. Các chuyên gia phân loại ra ba tác động có thể gây “bẩn” cho thủy sản gồm: vật lý, sinh học và hóa học.

  • Tác động vật lý: trong quá trình khai thác, vận chuyển, các tạp chất, sạn, chì hay mảnh kim loại…có nguy cơ tiếp xúc hoặc thậm chí đâm vào các loại thủy sản, gây nhiễm độc cho cơ thể chúng. Thậm chí, vì muốn tăng doanh thu buôn bán mà nhiều gian thương sẵn sàng nhét đinh, tăm tre hay chì vào các loại thủy sản để tăng cân nặng cho chúng. Chung quy, thủy sản có thể vẫn bơi khi người tiêu dùng mua ngoài chợ nhưng bản chất chúng không được sạch nữa bởi các tác động vật lý nói trên.

Không chỉ riêng rau hay các loại thịt, thuỷ hải sản bẩn cũng có nhiều tác nhân gây ra

Không chỉ riêng rau hay các loại thịt, thuỷ hải sản bẩn cũng có nhiều tác nhân gây ra (Nguồn: Internet)

  • Tác động sinh học: mặt khác, các loài thuỷ sản sẽ bị ươn nếu không được bảo quản đúng cách sau khi khai thác. Trong môi trường không phù hợp sinh sống, đa số các loại thủy sản sẽ tự sản sinh ra các loại vi sinh vật, ký sinh trùng hay nấm mốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người khi tiêu thụ vào cơ thể. Một ví dụ điển hình là các loại sán xuất hiện trong thịt cá khi cá không được bảo quản, chăn nuôi đúng cách.
  • Tác động hóa học: đây là tác động đáng sợ nhất và thường gắn liền với hai phương thức. Thứ nhất, trong quá trình sinh sống chúng ăn phải tảo độc tự nhiên hoặc trong quá trình chăn nuôi chúng ăn phải thức ăn có chứa hoá chất, kháng sinh. Những chất này tích tụ lâu ngày trong cơ thể thủy sản sẽ sản sinh các độc tố như chloramphenicol, fluoroquinolones và nitrofurans. Thứ hai, trong quá trình bảo quản, không ít gian thương sử dụng đạm urê, hàn the,… để giúp thủy sản được tươi ngon hơn, tối ưu lợi nhuận.

Tai hại của việc sử dụng thuỷ sản “bẩn”

Từ ba yếu tố kể trên có thể thấy rằng, thuỷ sản cũng có không ít các tác nhân gây “bẩn” như các loại thực phẩm khác. Trong đó đáng nguy hại nhất là thủy sản bị ướp hàn the, đạm urê để bảo quản. Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, khi cá được bảo quản bằng đạm urê, giá trị dinh dưỡng không những giảm mà còn nảy sinh ra các chất độc hại. Urê đi vào cơ thể dù là một lượng nhỏ cũng phải mất rất nhiều thời gian mới được đào thải.

Thuỷ hải sản bẩn dễ dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm cho con người, trong đó có ung thư

Thuỷ hải sản bẩn dễ dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm cho con người, trong đó có ung thư (Nguồn: Internet)

Theo một thống kê gần đây, tỷ lệ người mắc ung thư tại Việt Nam do thực phẩm bẩn lên tới 35%. Đây là một con số đáng báo động chứng minh sự quan trọng của việc chủ động tìm hiểu cách thức phân loại thực phẩm, lựa chọn các địa chỉ uy tín. Đây là một trong những lý do hàng đầu khiến căn bệnh đáng sợ này ngày một gia tăng tại nước ta, đặc biệt là các căn bệnh ung thư liên quan đến hệ thống tiêu hoá, gan, mật…

Lưu ý để lựa chọn thủy sản chuẩn sạch

Không ít người tiêu dùng vẫn có tâm lý ham rẻ mà chấp nhận mua thuỷ sản không có rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh. Tuy vậy, người nội trợ cần ý thức rõ về việc bảo vệ sức khỏe cho người thân mà ngăn chặn thuỷ sản bẩn xuất hiện trong căn bếp gia đình.

Hãy là người nội trợ thông minh lựa chọn thuỷ sản sạch cho bữa cơm gia đình

Hãy là người nội trợ thông minh lựa chọn thuỷ sản sạch cho bữa cơm gia đình (Nguồn: Internet)

Để mua thủy sản ngon, mẹ nội trợ nên ưu tiên mua thuỷ sản có tem VietGAP hoặc  thuỷ hải sản nhập khẩu. Bởi để đạt chuẩn nhập khẩu, thủy sản phải trải qua nhiều khâu kiểm định khắt khe. Tương tự, thủy sản đạt chứng nhận VietGAP đều đảm bảo chất lượng về cả giá trị dinh dưỡng lẫn an toàn thực phẩm. Trên thực tế, số lượng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP và thủy sản nhập khẩu không đủ để đáp ứng nhu cầu thủy hải sản. Bởi vậy, các chuyên gia dinh dưỡng cùng các cơ quan chức năng vẫn khuyên người dân nên mua thuỷ hải sản tại các đơn vị, đại lý uy tín trên cả nước.