Bệnh trầm cảm phổ biến hơn nhiều so với suy nghĩ của bạn. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 350 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi bệnh, và điều đáng buồn là nhiều người bệnh âm thầm chịu đựng mà không tìm cách điều trị.
Mỗi năm có hơn 800.000 người tự tử. Trên phạm vi toàn cầu, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nhóm người trong độ tuổi từ 15-29. Căng thẳng và trầm cảm đang ngày càng có mối liên quan chặt chẽ với nhau.
Lý thuyết Monoamine – Thuốc chống trầm cảm có thực sự tốt như chúng ta nghĩ?
Trong hơn nửa thế kỉ, nhiều nhà tâm lý học và các bác sĩ tâm thần tin vào cái gọi là “Lý thuyết Monoamine”. Lý thuyết cho rằng trầm cảm là do thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và norepinephrine. Do niềm tin đó, một trong những phương pháp chính để điều trị bệnh là thuốc chống trầm cảm, với mục đích tăng cường mức độ các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não của người bệnh.
Tuy nhiên, những nghiên cứu mới cho thấy lý thuyết Monoamine có thể đã quá đơn giản hóa vấn đề. Có các bằng chứng cho thấy những loại thuốc này không có tác dụng với tất cả các bệnh nhân. Người ta phát hiện ra rằng việc giảm lượng serotonin trong não chỉ gây ra các triệu chứng giống như trầm cảm ở người có tiền sử hoặc nằm trong gia đình có người từng bị trầm cảm.
Điều này khiến cho các nhà khoa học phải đặt câu hỏi về niềm tin lâu nay rằng trầm cảm chỉ đơn giản là việc mất cân bằng hóa học (thiếu chất dẫn truyền thần kinh). Các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu về những người có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và cách thức họ phản ứng khi căng thẳng.
Trầm cảm không đơn giản chỉ là mất cân bằng hóa học (Nguồn: d2ebzu6go672f3.cloudfront.net)
Những khám phá mới
Người ta phát hiện ra rằng những người bị trầm cảm có nguy cơ bị căng thẳng hơn và cũng phản ứng với căng thẳng ở mức độ mạnh hơn so với người bình thường.
Khi một người cảm thấy gặp một mối nguy hiểm nào đó – bất kể mối nguy hiểm này có thật hay do tưởng tượng – cơ thể người đó có phản ứng “chống trả hay chạy”, một phản ứng sinh học đặt cơ thể vào trạng thái cảnh giác và có thể phản ứng với tình huống nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Vì vậy trong một vài tình huống, căng thẳng có tác dụng tích cực, giúp cải thiện hiệu suất làm việc của con người.
Tại sao căng thẳng gây ra trầm cảm?
Căng thẳng liên tục và kéo dài sẽ dẫn đến tâm trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Cảm xúc sợ hãi có thể giúp một người sống sót trong hoàn cảnh căng thẳng và có lợi trong hoàn cảnh sinh tử hoặc khó khăn nhưng nếu một người bị căng thẳng liên tục sẽ thường xuyên cảm thấy sợ hãi. Điều này làm hạn chế những suy nghĩ tích cực.
Bộ não đặt trong trạng thái phản ứng căng thẳng sẽ khiến một người đưa ra phản ứng nhanh như trong hoàn cảnh sinh tồn. Ví dụ, nếu một người đang chạy trốn khỏi động vật hoang dã, phản ứng này sẽ cứu người đó. Bộ não sẽ đẩy các hoạt động tư duy cấp cao khác sang một bên, chỉ giữ những hoạt động đơn giản ở mức tốt nhất có thể. Thật không may điều này có nghĩa là khả năng tư duy của con người sẽ bị thấp xuống. Vì vậy, khi một người có cảm xúc tiêu cực, người đó sẽ ít có khả năng lý trí để kiểm soát chính bản thân.
Để vượt qua trạng thái cảm xúc này, bộ não giữ cảm xúc ổn định để người đó bớt phân tâm và có cơ hội sống sót cao hơn. Cảm xúc chi phối khiến họ cảm thấy đau khổ và sợ hãi: sau đó, căng thẳng có thể khiến họ rất khó có được cảm giác thoải mái thư giãn.
Căng thẳng liên tục và kéo dài sẽ dẫn đến tâm trạng bị ảnh hưởng tiêu cực (Nguồn: verywellmind.com)
Căng thẳng mãn tính khó điều trị hơn nếu đã mắc bệnh trầm cảm?
Mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn đối với những người mắc bệnh trầm cảm do yếu tố di truyền. Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng những người bệnh thường có lượng hormone gây căng thẳng trong máu gọi là cortisol cao hơn so với người bình thường. Điều này được chứng minh khi người bệnh không ở trong tình huống đặc biệt căng thẳng nhưng bộ não dường như luôn ở trong trạng thái sẵn sàng phản ứng với nguy hiểm, dẫn đến những cảm xúc như sợ hãi và luôn cảm thấy lo lắng.
Tồi tệ hơn, một nghiên cứu năm 2006 của đại học Texas đã phát hiện ra hệ thống thần kinh phản ứng với các kích thích khoái cảm (dopaminergic), giúp một người có cảm giác thoải mái, không hoạt động chính xác ở những người có nguy cơ bị trầm cảm. Họ có xu hướng nhìn nhận các sự kiện theo hướng tiêu cực, thậm chí là nghiêm trọng hóa vấn đề và kết quả là hiếm khi có được niềm vui và thoải mái trong các hoạt động.
Tiếp đến là vùng hải mã, một vùng của não trước nằm bên trong thùy thái dương, có nhiệm vụ quan trọng là điều chỉnh tâm trạng, học tập và trí nhớ. Người ta cho rằng căng thẳng có thể gây ra những thay đổi cấu trúc ở vùng não này. Khi một người bị trầm cảm càng lâu, kích thước của vùng hải mã của người đó dường như càng nhỏ hơn.
Một nghiên cứu khác cho thấy người bệnh có ít khớp nối thần kinh kết nối các tế bào não với nhau trong vỏ não.
Tổng hợp lại, những nghiên cứu trên lý giải phần nào lý do tại sao những người đã bị trầm cảm sau đó có thể rơi vào trạng thái trầm cảm nặng hơn khi gặp căng thẳng.
Nên làm gì nếu bị trầm cảm hay căng thẳng?
Nếu bạn đã từng bị trầm cảm nhẹ hay nặng, hoặc gia đình có người có tiền sử mắc bệnh thì bạn nên luyện tập thường xuyên các kỹ thuật điều trị căng thẳng. Các kỹ thuật được các bác sĩ trị liệu khuyên dùng bao gồm: tĩnh tâm, thiền chánh niệm, thiền quán tưởng ảnh, tập thể dục thường xuyên và thư giãn cơ thể.
Nếu bạn cảm thấy cuộc sống đột nhiên căng thẳng, hãy cân nhắc các liệu pháp hỗ trợ hoặc điều trị sớm, đừng chờ đợi đến khi rơi vào trạng thái trầm cảm nặng.