Tacrolimus 0.03% điều trị viêm da dị ứng và lưu ý khi dùng

1. Tacrolimus 0.03% là thuốc gì? 

Thuốc Tacrolimus thuộc nhóm dược phẩm ức chế miễn dịch, chứa thành phần hoạt chất Tacrolimus. Loại thuốc này được bào chế theo nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, MEDLATEC sẽ tập trung phân tích sâu hơn về Tacrolimus 0.03% bào chế theo dạng kem mỡ bôi để điều trị một số bệnh lý ngoài da.

Tacrolimus có thể được điều chế theo dạng thuốc mỡ bôi ngoài da

Tacrolimus có thể được điều chế theo dạng thuốc mỡ bôi ngoài da

2. Tác dụng điều trị của Tacrolimus 0.03%

Thành phần chính trong thuốc mỡ Tacrolimus 0.03% là hoạt chất Tacrolimus. Đây thực chất là một dạng Macrolactam, có khả năng ức chế miễn dịch hiệu quả. Loại thuốc mỡ này chủ yếu chỉ định trong điều trị bệnh lý về viêm da dị ứng.

3. Chỉ định và chống chỉ định của Tacrolimus 0.03%

Hướng dẫn về chỉ định và chống chỉ định là thông tin quan trọng, bạn cần tìm hiểu trước khi được kê đơn điều trị bằng Tacrolimus 0.03%. Cụ thể:

3.1. Chỉ định 

Đối tượng thường được chỉ định dùng thuốc mỡ Tacrolimus 0.03% là người bị viêm da dị ứng cần điều trị ngắt quãng trong ngắn hạn hoặc ngắt quãng dài hạn, đã áp dụng biện pháp điều trị khác nhưng không đạt hiệu quả. 

Tacrolimus 0.03% có thể được chỉ định cho người bị viêm da dị ứng

Tacrolimus 0.03% có thể được chỉ định cho người bị viêm da dị ứng 

3.2. Chống chỉ định 

Người bị dị ứng với Tacrolimus hoặc bất kỳ thành phần nào trong thuốc đều không nên sử dụng Tacrolimus 0.03%. Ngoài ra, loại thuốc này không được khuyến khích chỉ định cho đối tượng mắc hội chứng Netherton do ảnh hưởng của quá trình tăng hấp thụ toàn thân. 

4. Cách dùng và liều dùng 

Tương tự như phần lớn các loại thuốc mỡ bôi ngoài da khác, cách sử dụng Tacrolimus 0.03% không hề phức tạp. Tần suất bôi thuốc ở hầu hết đối tượng là tương tự nhau. 

4.1. Cách dùng 

Tacrolimus 0.03% bào chế theo dạng thuốc mỡ, với cách sử dụng khá đơn giản. Theo đó, bạn chỉ cần bôi thuốc vào vùng da bị dị ứng rồi tiến hành massage nhẹ nhàng. Ngay cả khi triệu chứng đã hết, bạn vẫn nên duy trì dùng thuốc sau khoảng một tuần theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. 

Trong quá trình dùng Tacrolimus 0.03%, bạn không nên thoa thuốc vào vết thương đã băng kín. Bởi nếu sử dụng thuốc không đúng cách, người dùng có thể phải đối mặt với tình trạng tăng hấp thụ toàn thân. 

Sau khi bôi thuốc mỡ Tacrolimus, bạn nên massage nhẹ nhàng

Sau khi bôi thuốc mỡ Tacrolimus, bạn nên massage nhẹ nhàng

4.2. Liều dùng 

Liều lượng sử dụng Tacrolimus 0.03% cho người trưởng thành và trẻ trên 2 tuổi thường tương tự nhau. Theo đó, tần suất bôi thuốc là 2 lần/ngày, duy trì dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. 

5. Tác dụng phụ khi dùng Tacrolimus 0.03%

Mặc dù chỉ bôi ngoài da nhưng thuốc mỡ Tacrolimus đôi khi vẫn khiến người dùng biểu hiện một số triệu chứng không mong muốn. Cụ thể như: 

  • Tác dụng phụ biểu hiện trên da: Da nổi đỏ, ngứa ngáy, bỏng rát. Trong một số trường hợp, Tacrolimus còn gây tình trạng viêm nang lông, nhiễm virus Herpes (gây loét, thủy đậu,…). 
  • Tác dụng phụ tại hệ thần kinh: Da có xu hướng nhạy cảm hơn, nhất là khi tiếp xúc với khí nóng và lạnh. 
  • Tác dụng phụ biểu hiện trên toàn thân: Mặt đỏ, da dễ bị kích thích khi sử dụng các loại đồ uống có cồn. 

Tác dụng phụ khi dùng thuốc Tacrolimus 0.03% thường xuất hiện trong vài ngày đầu. Trường hợp sau vài ngày tác dụng phụ không có xu hướng thuyên giảm, bạn hãy thông báo tình hình thuốc cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý. 

Tacrolimus 0.03% đôi khi có thể gây ngứa rát

Tacrolimus 0.03% đôi khi có thể gây ngứa rát 

6. Lưu ý khi điều trị bằng thuốc Tacrolimus

Để đạt hiệu quả tối ưu khi dùng Tacrolimus 0.03%, bạn cần dùng thuốc đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn, tìm hiểu khả năng tương tác của thuốc và nhóm đối tượng cần thận trọng khi dùng:

6.1. Khả năng tương tác của thuốc 

Tacrolimus 0.03% hầu như chưa được ghi nhận về khả năng phản ứng với những loại thuốc bôi ngoài da khác. Tuy nhiên để hạn chế tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn, bạn phải thông báo cho bác sĩ tình hình dùng thuốc bôi ngoài da khác khi được kê đơn điều trị bằng Tacrolimus 0.03%. 

Đặc biệt nếu đang dùng thuốc thuộc nhóm ức chế CYP3A4, bạn lại càng phải thận trọng, không tự ý phối hợp với Tacrolimus. 

6.2. Đối tượng cần thận trọng 

Đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài da Tacrolimus 0.03% là phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. 

  • Phụ nữ đang mang thai: Cho đến nay, ảnh hưởng của Tacrolimus trên phụ nữ mang thai vẫn chưa được chứng minh. Đối tượng phụ nữ đang trong thai kỳ chỉ dùng thuốc khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ. 
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú: Tacrolimus có khả năng bài tiết thông qua đường sữa mẹ. Vì vậy, nếu đang cho con bú, chị em không nên dùng loại thuốc này. Trường hợp bắt buộc phải dùng, chị em cần cai sữa cho con. 

Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú không nên dùng Tacrolimus

Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú không nên dùng Tacrolimus 

6.3. Một số lưu ý khác 

Dưới đây là một vài lưu ý khác bạn cần quan tâm trước khi dùng thuốc mỡ bôi ngoài da Tacrolimus 0.03%: 

  • Tuyệt đối không bôi thuốc vào mắt, vùng miệng và vùng âm đạo nhạy cảm. 
  • Trong thời gian bôi thuốc, bạn cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng từ thiết bị chiếu tia UVA và UVB. 
  • Duy trì dùng thuốc đến hết liệu trình theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn ngay cả khi triệu chứng bệnh đã thuyên giảm. 

Lưu ý: Hướng dẫn về cách thức sử dụng và liều dùng thuốc mỡ Tacrolimus 0.03% được tổng hợp trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế đơn điều trị của bác sĩ.

MEDLATEC vừa giúp bạn tổng hợp một vài thông tin cơ bản về thuốc mỡ bôi ngoài da Tacrolimus 0.03%. Tuy rằng hỗ trợ điều trị viêm da dị ứng khá hiệu quả nhưng mọi người vẫn nên thận trọng, không tự ý dùng thuốc nếu chưa khám da liễu, tham khảo tư vấn của bác sĩ. Nếu nghi ngờ đang bị viêm da dị ứng, bạn có thể tìm đến chuyên khoa Da liễu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56.

—————————————————

Source