- Bao hàm những suy nghĩ tiêu cực và bị bóp méo
- Khiến bạn cảm thấy vô vọng, mất kiểm soát, chán nản với những sở thích, thói quen của mình
- Gây ra các vấn đề về giấc ngủ và kiệt sức
Vậy sự khác nhau giữa chúng là gì khi có rất nhiều điểm tương đồng?
Thế nào là lo lắng?
Lo lắng không chỉ đơn thuần là tình trạng căng thẳng. Nó bao gồm cảm giác bất an, sợ hãi, những suy nghĩ căng thẳng ngoài tầm kiểm soát. Những triệu chứng này khiến bạn cảm thấy kiệt sức và cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
Những suy nghĩ do lo lắng tạo ra đều tiêu cực và thường rất bi đát hay nhuốm màu u ám, mờ mịt.
Những suy nghĩ lo âu thường hướng về phía tương lai. Thậm chí khi nghĩ về quá khứ, lo lắng sẽ dẫn dắt bạn đến những suy nghĩ về các hậu quả sẽ xảy ra trong tương lai, ví dụ như khi nghĩ đến cảnh thất nghiệp, bạn sẽ cho rằng cuộc đời của bạn sau đó sẽ bị phá hủy hoàn toàn.
Sự lo lắng kích hoạt phản ứng chiến hay chạy, khiến cơ thể tiết ra hỗn hợp các loại hóa chất vào trong máu, bao gồm cortisol. Điều này khiến cho bạn cảm thấy căng thẳng và khó chịu.
Tình trạng căng thẳng do lo lắng gây ra có những ảnh hưởng đến thể chất cơ thể, như:
- Tăng nhịp tim, khó thở
- Các vấn đề về giấc ngủ
- Căng cơ, nghiến răng
- Đau dạ dày
- Cảm giác khó chịu và “căng cứng”
Thế nào là trầm cảm?
Các triệu chứng của trầm cảm có thể khác nhau với mỗi người và trầm cảm không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn bã.
Một số người trở nên đa cảm, trong khi số khác trở nên trầm lắng. Vài người có biểu hiện giống như say xỉn hay đối xử thô bạo với người mà họ quý mến, trong khi số khác lại tỏ ra thụ động.
Dù vậy, dấu hiệu chính để nhận biết bệnh trầm cảm là việc ngày càng không thể cảm nhận được niềm vui, sự thỏa mãn và cảm thấy bản thân ngày càng tồi tệ, không còn thích thú với những sở thích trước đây.
Suy nghĩ sẽ trở nên tiêu cực, bị bóp méo, tràn đầy u ám, mờ mịt. Chúng khiến bạn muốn tự hủy hoại bản thân mình. Suy nghĩ của bạn thường hướng về quá khứ. Trầm cảm trở nên trầm trọng hơn bởi những thứ không thể thay đổi, từ đó khiến chúng ta cảm thấy vô vọng, tội lỗi, và chẳng còn giá trị. Một vài người vẫn có thể kiểm soát được năng lượng cơ thể để hoạt động bình thường dù bản thân cảm thấy trống rỗng. Tuy nhiên, nhiều người lại cảm thấy trầm cảm khiến họ trở nên suy kiệt. Mỗi khi suy nghĩ về vấn đề gì đó, não trở nên trì trệ, mất phương hướng.
Trầm cảm có những ảnh hưởng đến thể chất cơ thể, như:
- Mệt mỏi
- Cảm thấy cơ thể yếu ớt
- Có các vấn đề về giấc ngủ hay thay đổi trong những giai đoạn của giấc ngủ
- Bị cảm cúm dai dẳng
- Có những triệu chứng bệnh không thể giải thích
- Thay đổi khẩu vị
Sự khác biệt giữa lo lắng và trầm cảm
Trầm cảm có xu hướng làm suy kiệt năng lượng cơ thể, trong khi lo lắng khiến bạn rơi vào trạng thái vòng lặp lúc lên cao, lúc xuống thấp.
Trầm cảm làm bạn rất khó để suy nghĩ, trong khi lo lắng khiến bạn suy nghĩ quá mức về một vấn đề viển vông nào đó.
Trầm cảm làm bạn có những suy nghĩ tiêu cực về việc tự hủy hoại bản thân, trong khi lo lắng khiến bạn suy nghĩ phi lô-gíc.
Trầm cảm làm cho bạn suy nghĩ về quá khứ, trong khi lo lắng lại khiến bạn suy nghĩ về tương lai nhiều hơn.
Trầm cảm làm bạn cảm thấy buồn bã và tội lỗi, trong khi lo lắng khiến bạn cảm thấy sợ hãi, hoang tưởng và hoảng loạn.
Dấu hiệu phân biệt rõ ràng nhất giữa trầm cảm và lo lắng là những triệu chứng về thể chất. Tăng nhịp tim và cảm thấy khó chịu là biểu hiệu của lo lắng, trong khi luôn luôn cảm thấy mệt mỏi và bơ phờ là triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Khi lo ngại về một điều gì đó trong tương lai, bạn cảm thấy bản thân vô cùng tồi tệ và thất vọng, vậy bạn đang mắc phải bệnh trầm cảm, hay chỉ đơn thuần là lo lắng? Câu trả lời là có thể bạn đã mắc phải cả hai.
Liệu bạn có thể mắc phải trầm cảm và lo lắng cùng một lúc?
Hoàn toàn có thể xảy ra các triệu chứng của trầm cảm và lo lắng trong cùng một thời điểm và hiện tượng này trong tâm lý học được gọi là “comorbidity” (tạm dịch: sự xuất hiện đồng thời nhiều bệnh).
Nhiều người có thể đã phải trải qua hội chứng rối loạn lo âu trước khi mắc trầm cảm và tiếp tục kéo dài những suy nghĩ lo lắng trong khi bản thân ngày càng suy sụp. Dù vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra sự lo lắng gây nên trầm cảm, tuy nhiên, điều này được xem như là một triệu chứng ban đầu của bệnh.
Đó là lý do vì sao bạn cần chú ý hơn đến sự lo lắng của mình. Lo lắng dễ điều trị hơn so với trầm cảm bởi trầm cảm khiến cho bạn giảm đi sự hứng thú với những sở thích trước đây, đồng thời làm cho bạn cảm thấy rằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ trở nên khó khăn hơn.
Có thể điều trị trầm cảm và lo lắng được không?
Một tin vui dành cho bạn đó chính là có sự thuyên giảm đáng kể các triệu chứng của trầm cảm và lo lắng khi áp dụng liệu pháp thông qua trò chuyện.
Có rất nhiều các liệu pháp thông qua trò chuyện đạt hiệu quả cao. Ví dụ như liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT). Liệu pháp dựa trên bằng chứng xác thực có thể điều trị cả trầm cảm và lo lắng thường được NHS khuyến nghị.
Bài viết dịch theo Anxiety vs Depression – Which One Sounds Like You? được xuất bản ngày 7/11/2017 trên trang harleytherapy.co.uk.