Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là một trong những căn bệnh phổ biến và có nhiều người mắc. Bệnh rối loạn giấc ngủ này là gì? Nguyên nhân gây bệnh thế nào? Căn bệnh này có chữa được hay không? Nếu đang quan tâm tới bệnh này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
1. Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì?
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn chính là cụm từ được dùng để chỉ tình trạng giấc ngủ bị rối loạn nhưng không có một nguyên nhân thực thể nào. Những bệnh nhân khi mắc phải căn bệnh này thường chỉ thấy sự nổi trội của nguyên nhân tâm lý, cảm xúc.
Triệu chứng mất ngủ của người bệnh (Nguồn: vnexpress.net)
2. Nguyên nhân gây hội chứng rối loạn không thực tổn
Khi bị bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn thì giấc ngủ của người bệnh có những sự thay đổi như về độ dài, thay đổi chất lượng (ngủ không sâu) hay thay đổi về đồng hồ sinh học,…
Nguyên nhân gây ra căn bệnh này có rất nhiều, điển hình là một số nguyên nhân sau: bệnh lý tim mạch, bệnh lý hô hấp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, tổn thương hệ thần kinh trung ương, hội chứng chân không yên, bệnh lý nội tiết chuyển hóa, lão hóa do tuổi già, các rối loạn tâm thần, rối loạn khí sắc, stress, thay đổi môi trường…
3. Dấu hiệu chứng rối loạn mất ngủ không thực tổn
3.1. Mất ngủ
Mất ngủ là dấu hiệu đầu tiên dễ thấy nhất ở bệnh này. Thường những bệnh nhân khi bị rối loạn giấc ngủ không thực tổn sẽ khó để đi vào giấc ngủ. Giấc ngủ cũng không sâu. Họ cũng ngủ ít hơn 5h một ngày và thường bị như vậy khoảng 3 lần trong 1 tuần, thời gian kéo dài hơn 1 tháng.
Việc bị mất ngủ này không phải do người bệnh mắc phải những bệnh lý như tim mạch, hô hấp hay thần kinh, nội tiết, cũng không phải do người bệnh dùng thuốc và càng không phải là một triệu chứng (trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực) của bệnh tâm thần.
3.2. Ngủ nhiều
Ở dấu hiệu này, mặc dù người bệnh không bị mắc các bệnh lý thực thể (bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, nội tiết,…) có ảnh hưởng tới giấc ngủ hay mắc phải bệnh lý tâm thần nhưng người bệnh vẫn ngủ quá nhiều (trên 10h mỗi ngày và kéo dài hơn 1 tháng). Sau khi tỉnh dậy, họ vẫn cảm thấy buồn ngủ.
Ngủ nhiều cũng là một triệu chứng của rối loạn giấc ngủ không thực tổn (Nguồn: roiloanloau.vn)
3.3. Rối loạn nhịp thức ngủ
Nếu gặp phải tình trạng như chu kỳ ngủ bị thay đổi diễn biến bất thường (thường thức về đêm và ngủ vào ban ngày), giấc ngủ không được sâu, giấc ngủ không thỏa mãn (cảm thấy buồn ngủ sau khi dậy) mà không mắc phải một căn bệnh thực thể nào (tim mạch, thần kinh, nội tiết,…) hay bệnh tâm thần thì bạn đã bị rối loạn giấc ngủ không thực tổn.
Căn bệnh rối loạn này sẽ thường xảy ra ở những người làm việc vào ban đêm, người bị thay đổi múi giờ (tiếp viên hàng công hoặc phi công, người mới tới một quốc gia khác,…)
Rối loạn giấc ngủ khiến người mệt mỏi (Nguồn: cpcs.vn)
3.4. Chứng miên hành
Miên hành (mộng du) chính là tình trạng mà người bệnh rời khỏi giường trong khi ngủ. Miên hành thường sẽ xảy ra vào thời gian đầu sau khi ngủ (thường là trong thời gian khoảng 1/3 giấc ngủ). Khi bị miên hành, người bệnh sẽ không biết được những chuyện đang xảy ra..
Người bị miên hành sẽ có nét mặt vô cảm, trống rỗng. Mắt người bệnh có thể mở hoặc không. Người bị miên hành cũng sẽ không trả lời những câu hỏi từ người khác.
Miên hành không gây ra một biến chứng trực tiếp nào cho người bệnh. Tuy vậy do lúc mộng du người bệnh đang ở trạng thái không nhận biết nên có thể gặp phải những chấn thương.
Chứng miên hành này được xem là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ không thực tổn khi chúng xảy ra khi người bệnh không mắc phải các căn bệnh thực thể (bệnh lý tim mạch, hô hấp, thần kinh,…), bệnh tâm thần hay do dùng loại thuốc.
3.5. Hoảng sợ khi ngủ
Hoảng sợ khi ngủ được xem là một dấu hiệu của bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn khi người bệnh thường có những cơn hoảng sợ tột độ về ban đêm. Biểu hiện của dấu hiệu này là người bệnh ngồi dậy hoặc đứng dậy rồi kêu thét, gào thét, tăng các cử động của cơ thể, tăng sự hoạt động của thần kinh tự trị (mạch đập nhanh, hơi thở gấp, đồng tử giãn, đổ mồ hôi). Đôi khi người bệnh cũng sẽ lao ra ngoài như đang cố gắng trốn chạy. Các cơn gào thét thường tái diễn kéo dài từ 1-10 phút. Thường dấu hiệu này sẽ xảy ra trong khoảng thời gian đầu của giấc ngủ.
Hoảng sợ khi ngủ là một trong những dấu hiệu bệnh (Nguồn: thanhnien.vn)
3.6. Ác mộng
Cùng với việc gặp hoảng sợ khi ngủ thì ác mộng cũng là một dấu hiệu biểu hiện rõ của rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Nếu như bị hoảng sợ khi ngủ người bệnh sẽ không nhớ được những điều xảy ra trong giấc mơ thì gặp ác mộng người bệnh lại nhớ được chi tiết những điều xảy ra. Ác mộng có thể xảy ra khi ngủ vào ban đêm hoặc buổi trưa.
Những người khi gặp ác mộng sẽ thường bị rối loạn cảm xúc (có thể là đau buồn hoặc sợ hãi do bị ám ảnh bởi các việc đã mơ). Rối loạn giấc ngủ hay gặp ác mộng lặp lại thường xuyên cũng chính là một trong các nguyên nhân gây trầm cảm, suy sụp tinh thần ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng tới cuộc sống.
3.7. Chứng ngủ rũ
Dấu hiệu này được coi là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ không thực tổn khi người bệnh không mắc phải căn bệnh thực thể nào như tim mạch, hô hấp,… hay bệnh lý tâm thần nhưng lại thường xuyên có cảm giác buồn ngủ và thiếu ngủ cả ngày. Chứng ngủ rũ khác với những dấu hiệu ở trên đó là người bệnh sẽ không thể cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Việc ngủ rũ này sẽ thường diễn ra khi người bệnh đang ăn hoặc đang nói, đang làm.
Chứng ngủ rũ khi làm việc (Nguồn: ydvn.net)
4. Chứng rối loạn không thực tổn có chữa được không?
4.1. Nguyên tắc chữa bệnh
Nguyên tắc để chữa chứng rối loạn giấc ngủ không thực tổn này là cần phải tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây ra bệnh (do loạn thần, rối loạn cảm xúc hay do bệnh lý, bệnh lý thực thể). Nguyên nhân gây ra bệnh có thể được tìm thấy khi khai thác người bệnh (nhân cách, hoàn cảnh sống,…).
Việc tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị đúng biện pháp, đúng cách và tránh lạm dụng thuốc.
4.2. Vệ sinh giấc ngủ
Vệ sinh giấc ngủ đó là việc thực hiện một số biện pháp để cải thiện giấc ngủ và hạn chế những hành vi không tốt ảnh hưởng tới giấc ngủ mà không cần dùng tới thuốc. Những biện pháp này có thể là điều chỉ lại nhịp thức và ngủ cho khoa học, hạn chế những căng thẳng tâm lý, hạn chế những yếu tố kích thích dẫn đến hưng phấn, khó đi vào giấc ngủ, không ăn quá no vào bữa tối, không xem tivi, điện thoại nhiều giờ liền trước khi ngủ,…
Vệ sinh giấc ngủ còn là việc xem lại điều kiện môi trường xung quanh phòng ngủ (ánh sáng, không khí và âm thanh). Phòng ngủ lý tưởng nên yên tĩnh, thoáng, không bị bí, ánh sáng đèn ngủ ổn định, cường độ vừa phải để dễ đi vào giấc ngủ.
Tập thể dục giúp ngủ ngon hơn (Nguồn: kenh14.vn)
4.3. Điều trị bệnh
4.3.1. Điều trị mất ngủ tiên phát
Để điều trị mất ngủ tiên phát thì người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc như thuốc giải lo âu, thuốc gây ngủ trước khi đi ngủ. Tuy nhiên khi sử dụng thì có một lưu ý và người bệnh bắt buộc phải nhớ đó là chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ có liều lượng sử dụng riêng.
Những loại thuốc thường được sử dụng đó là Alprazolam, Brotizolam, Flunitrazepam, Flurazepam, Triazolam, Benzodiazepine, Zaleplon, Zolpidem, Zopiclone, Ramelteon,…
Lưu ý:
- Những thuốc có tác dụng trong thời gian ngắn như Triazolam, Zolpidem có khả năng khiến người bệnh bị mất nhớ nếu lạm dụng thường xuyên.
- Những thuốc có tác dụng trong thời gian dài như Flurazepam có khả năng tích lũy ở những người cao tuổi dẫn đến họ nhận thức chậm chạp hơn, thất điều, ngã.
- Benzodiazepine khi mới sử dụng chỉ nên dùng với liều thấp và dùng trong thời gian ngắn nếu không sẽ dễ bị lệ thuộc vào thuốc.
Khi sử dụng thuốc giải âu lo người bệnh cũng có thể sử dụng kết hợp với các loại thuốc trầm cảm, thuốc an thần như Amitriptyline 25mg, Mirtazapin 30mg, Sertraline 50 mg, Olanzapine 5,… Tuy nhiên việc sử dụng kết hợp này cũng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ để bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn được điều trị hiệu quả, dứt điểm. Nếu không tuân theo chỉ định thì tác dụng phụ của thuốc điều trị trầm cảm sẽ gây hại cho sức khỏe người bệnh.
Đa số người bị mất ngủ tiên phát sẽ bị mãn tính nên thời gian điều trị bằng thuốc sẽ kéo dài ít nhất là 18 tháng liên tục. Nếu sử dụng không đúng liệu trình, ngừng thuốc quá sớm sẽ sẽ bị tái phát. Việc ngừng thuốc cũng phải giảm liều lượng từ từ để có thể thích nghi được chứ không phải ngừng sử dụng ngay.
4.3.2. Điều trị ngủ nhiều
Ngủ nhiều có thể được điều trị bằng cách tăng cường hoạt động thể lực tại các phòng tập, tích cực giao tiếp nhiều hơn với mọi người.
Người bệnh cũng có thể sử dụng một số loại thuốc trong nhóm thuốc chống trầm cảm hoạt hóa như Defanyl, Pertofran hay Survector,… vào buổi sáng, kéo dài trong thời gian khoảng 3 – 4 tuần. Việc sử dụng các loại thuốc này cũng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Nên tích cực giao tiếp với mọi người để điều trị ngủ nhiều (Nguồn: deltaviet.vn)
4.3.3. Điều trị rối loạn nhịp thức ngủ
Việc rối loạn nhịp giấc ngủ có thể được điều trị bằng các liệu pháp như vệ sinh giấc ngủ, tăng cường hoạt động về thể lực, thư giãn cơ thể trước khi ngủ hay tập thói quen ngủ và thức đúng giờ,…
Đối với điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của các bác sĩ như Rivotril, Lexomil từng đợt ngắn.
4.3.4. Điều trị chứng miên hành, hoảng sợ, ác mộng
Những biểu hiện của rối loạn giấc ngủ không thực tổn như miên hành, hoảng sợ khi ngủ, ác mộng có thể được điều trị bằng việc vệ sinh giấc ngủ, luyện tập thư giãn hoặc sử dụng thuốc giải âu lo, thuốc gây ngủ, thuốc trầm cảm.
Những loại thuốc thường được sử dụng đó là Seduxen 5mg, Rivotril 2 mg, Lexomil 6 mg Zolpidem 5 mg, Amitriptylin 25 mg, Mirtazepine 30 mg. Khi sử dụng các loại thuốc này người bệnh cũng cần tuân theo chỉ định từ bác sĩ.
4.3.5. Điều trị hội chứng cử động chân khi ngủ
Hội chứng này biểu hiện là cảm giác khó chịu ở chân khiến người bệnh phải thay đổi tư thế của chân liên tục khi ngủ. Thường hội chứng này hay xảy ra ở phụ nữ đang mang thai, người bị thiếu máu, suy thận,…
Cách điều trị bệnh này đó là tăng cường vitamin và các khoáng chất cơ thể thiếu hụt. Để tăng cường người bệnh nên bổ sung thực phẩm bổ dưỡng hoặc sử dụng các loại thực phẩm chức năng chứa sắt, vitamin B12,…
Ngoài việc tăng cường vitamin thì người bệnh còn có thể được điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ như dùng các thuốc điều trị bệnh Parkinson Levodopa (sinemet), Pergolide, Trivastal, Pramipexole, Trihex,… hay các thuốc chống bệnh động kinh.
Chế độ ăn uống khoa học có lợi cho sức khỏe (Nguồn: v.nhanongxanh.vn)
4.3.6. Điều trị ngủ lịm
Để điều trị ngủ lịm, người bệnh có thể thực hiện theo chế độ ngủ ngắn (khoảng 4h 1 lần, mỗi giấc ngủ kéo dài khoảng 15-30 phút).
Một số thuốc sử dụng để điều trị ngủ lịm như thuốc chống bệnh trầm cảm Fluoxetin, thuốc kích thần Modafinil. Các loại thuốc này chỉ được sử dụng theo chỉ định từ bác sĩ.
Ngoài ra để tăng hiệu quả trong điều trị thì người bệnh cũng nên kết hợp với việc luyện tập thư giãn, tăng cường các hoạt động thể chất mỗi ngày. Đồng thời nên bổ sung nguồn dưỡng chất tốt cho sức khỏe từ các loại thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trên đây là những thông tin về rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Hy vọng qua bài viết này các bạn đã hiểu hơn về chứng rối loạn giấc ngủ và biết cách điều trị thích hợp, hiệu quả cho mình và người thân. Nếu có thể thì hãy nhờ đến sự tư vấn tâm lý của các chuyên gia để đảm bảo sức khỏe cho bản thân bạn nhé.