Hầu hết chúng ta đều đã hoặc sẽ trải qua những khoảnh khắc lo âu. Nhưng đối với những người mắc chứng Rối loạn lo âu tổng quát (GAD), sự lo lắng liên tục và quá mức thường xuyên ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Hiện tại có một nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy rằng những cảm giác nặng nề này có thể được loại bỏ bằng hoạt động tập luyện.
Nghiên cứu cho thấy chỉ cần nửa giờ tập luyện ở cường độ cao có thể tạo ra bất ngờ. Trong nghiên cứu, 35 thanh niên đang có dấu hiệu Rối loạn lo âu tổng quát và chưa được chẩn đoán (Rối loạn lo âu tổng quát cận lâm sàng) đã thực hiện hoạt động chạy trên máy chạy bộ trong 30 phút ở cường độ cao, sau đó ngồi nghỉ 30 phút. Họ được làm bảng câu hỏi về cảm giác lo lắng, lo âu, năng lượng và mệt mỏi trước và sau mỗi buổi tập.
Tập luyện thể thao giúp giảm chứng rối loạn lo âu hiệu quả (Nguồn: ssl.com)
Cả nam giới và nữ giới cảm thấy ít lo âu và nhiều năng lượng hơn sau khi tập luyện thể dục, thể hình. Đối với nữ giới, những cải tiến thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Gần 7 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc Rối loạn lo âu tổng quát, và tỷ lệ phụ nữ cao hơn. Nhưng chỉ có khoảng 40% được điều trị và các nghiên cứu tập trung vào những liệu pháp thay thế.
Các nhà nghiên cứu cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy hiệu quả tích cực đối với nam thanh niên mắc rối loạn lo âu toàn thể cận lâm sàng. Những phát hiện này ủng hộ nghiên cứu trước đây về lợi ích của việc tập luyện cho nữ giới mắc bệnh này .
Tác giả chính của nghiên cứu, Matthew Herring, chuyên gia giảng dạy về thể thao, tập luyện và tâm lý biểu diễn tại Đại học Limerick ở Ireland cho biết: “Các chuyên gia đã đề xuất một số cơ chế hợp lý nhằm giải thích lợi ích giảm bớt lo âu của việc tập luyện.”
Những lý do này bao gồm ảnh hưởng của tập luyện lên các chất trong não như serotonin và dopamine, có liên quan đến tâm trạng. Tập luyện cũng là “một cách giúp tâm trí thoát khỏi các vấn đề gây lo lắng trong cuộc sống hàng ngày“, ông nói thêm.
Tiến sĩ Zachary Jacobs, bác sĩ chuyên khoa vị thành niên tại Bệnh viện Nhi, Đại học Stony Brook ở New York, không tham gia vào nghiên cứu nhưng đã xem xét các phát hiện từ nghiên cứu.
Ông nói: “Mặc dù phần lớn các nghiên cứu cho thấy tác động tích cực của việc tập luyện đối với vấn đề lo âu, nhưng vẫn không thể hiệu quả bằng các phương pháp điều trị tâm lý và thuốc trị liệu truyền thống của phương Tây”.
Jacobs không ngạc nhiên với những phát hiện này, và xác nhận rằng tâm trạng của bản thân cũng được cải thiện khi luyện tập.
“Ở cấp độ cá nhân, khi tập luyện thường xuyên, tôi cảm thấy giảm lo lắng và tâm trạng được cải thiện. Nhiều bệnh nhân của tôi cũng đã có những trải nghiệm tương tự”, Jacobs nói.
Nhiều người nhận định luyện tập thường xuyên có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của họ (Nguồn: content.fortune.com)
Nhưng những tác dụng này có kéo dài hay không? Herring cho biết lợi ích được cảm nhận rõ ràng nhất ngay sau khi tập luyện:”Các tác động mạnh nhất xảy ra trong khoảng 10 đến 30 phút sau khi kết thúc buổi tập. Nhưng cũng có một số bằng chứng cho thấy hiệu quả có thể kéo dài lâu hơn.”
Herring cho rằng tập thể dục nhịp điệu có thể có lợi ích tích lũy, làm giảm các triệu chứng lo âu ở nhiều người lớn. Đối với các loại hình luyện tập khác, hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.
“Hiện nay chúng ta vẫn chưa biết rõ tác động của tập luyện thể lực và thực hiện bài tập Pilates đối với tình trạng lo âu. Đây là điều mà nghiên cứu đang diễn ra của chúng tôi sẽ tìm câu trả lời”, Herring nói.
Bài viết được dịch theo Workouts: A Way to Ease Severe Chronic Anxiety? xuất bản ngày 13/06/2019 trên WebMD