Những kí ức của cái trung thu nghèo ngày xưa vẫn cứ râm ran, vẫn cứ ngọt ngào tới lạ. Đám trẻ con chân đất, nhem nhuốc, quần áo lấm lem, mà vẫn cứ hồn nhiên, ngây thơ vẫn cứ vui trọn vẹn niềm vui trong cái tết của riêng mình.
Trời đang bắt đầu vào thu, gió heo may nhẹ nhẹ, ở quê nhà, lúa trên những cánh đồng đang chín vàng ươm thế là một mùa thu hoạch mới lại bắt đầu. Trong ký ức của tôi, cứ khi nào gặt xong lúa chín là mùa hội trung thu của bọn trẻ con bắt đầu. Nhà nào trong làng cũng cố gắng gặt cho xong để ăn trung thu cho nó vui vẻ. Chúng tôi là những đứa trẻ lớn lên ở vùng nông thôn nên việc vừa học, vừa phải phụ giúp cho cha mẹ việc đồng áng là chuyện bình thường. Gần đến rằm tháng tám mà nhà vẫn còn nhiều lúa là lo lắng lắm, cứ sợ phải đi gặt vào đúng ngày vui của trẻ con thì thật buồn, nên là ngày nào tôi cũng phải giục bố mẹ gặt cho nhanh cho sớm còn chuẩn bị đi chơi trung thu. Ngày đấy nghèo mà sao vui đến lạ, háo hức chờ đón từng ngày. Vui khinh khủng. Vui tới mức, chỉ cần nhắc tới thôi là cười híp mí. Vui tới mức, cái đêm trăng tròn ấy, chỉ mong nó cứ dài mãi mãi, dài mãi và mẹ đừng có gọi về đi ngủ sớm. Và ngay cả trong mơ, cái miệng nhỏ kia vẫn cười tươi lắm lắm. Vui tới mức, đến khi trưởng thành rồi, mà những gì diễn ra trong cái ngày ấy cách đây bao nhiêu năm vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua.
Tôi nhớ, ở làng tôi bọn trẻ con được sinh hoạt hè trước đó cả tháng, cứ tối tối dành khoảng 1 tiếng đồng hồ ra sân vận động của từng thôn tập múa hát, thể dục nhịp điệu sao cho thật đều thật đẹp để đến rằm tháng tám đi cắm trại, biểu diễn thi đua giữa các đội. Mỗi thôn trong làng là một đội, hoạt động rất sôi nổi và hăng say. Trung thu ngày đấy đúng là một ngày hội, đối với bọn trẻ con chúng tôi nó còn vui hơn cả tết. Được vui chơi, múa hát, phát quà, bánh trung thu. Không chỉ có trẻ con đâu, mà người lớn cũng vui, phấn khởi lắm.
Năm nào cũng đón trung thu, mà thật không bao giờ tôi quên được những trò chơi ngày ấy, làng tôi hay tổ chức trò bắt vịt trong ao vào buổi chiều ngày mười tư. Bọn trẻ thường đi sớm để xem các anh thanh niên trong làng ra trổ tài bắt vịt. Có anh lặn gần tới chỗ con vịt thì nó lại bay ra chỗ khác. Tiếng vịt kêu, tiếng người trên bờ hò hét chỉ trỏ làm sôi động cả một vùng quê yên bình. Mọi người quần cho tới khi cả người cả vịt mệt lử ra, vịt rúc vào bụi gần bờ, người đứng dưới ao đầy nắng cười tươi nhìn theo kiểu bất lực. Hay nhất là lúc này, mấy thằng bạn choai choai tầm tuổi tôi từ trên bờ nhảy xuống tóm được mấy con vịt đưa lên như chiến tích, mấy anh thanh niên mặt ngệt ra, tẽn tò. Còn cả làng được trận cười và hò hét tới nở phổi. Cái trò đó vui lắm, nhưng sau này không tổ chức nữa vì mấy cái ao lớn đều bị lấp để xây nhà. Bọn trẻ con chúng tôi thì vẫn được múa hát, vui chơi, phá cỗ đêm rằm như thông lệ.
Tối mười tư, các nhà gọi nhau í ới ra sân ủy ban, xếp hàng xem biểu diễn văn nghệ, rồi đợi chia quà. Cái trò đi xếp hàng chia quà ngày ấy có lẽ mãi mãi những đứa trẻ chúng tôi chẳng thể nào quên được. Mà chia quà năm nào cũng có bánh nướng hoặc bánh dẻo, túi kẹo thập cẩm gồm trứng chim, kẹo gôm, kẹo nhồi, kẹo lạc… Bọn trẻ con chúng tôi cả tối chạy nhảy khắp nơi, nhưng hễ đến lúc phát quà là ngồi ngoan ngoãn và đợi đến lượt mình. Tôi nhớ có lần hai chị em tôi đi rõ sớm, ngồi ngay hàng đầu, chờ đến tên để lên nhận quà thì mãi chả thấy gọi đến. Mọi người ai cũng có quà đi về gần hết, thế là hai đứa đứng giữa sân khóc um lên. Mấy cô bác chia quà hỏi sao khóc? Mếu máo bảo: con đợi cả tối, ngồi ngoan mà không thấy được gọi lên nhận bánh. Lúc đấy, mấy bác mới hớt hải mang quà ra đưa cho và dỗ dành mãi hai đứa nín khóc. Đấy, cái bánh trung thu, cái kẹo ngày đấy nó có sức mạnh ghê gớm lắm. Cả đường đi về dù thèm lắm mà cả hai chị em chả đứa nào dám cấu véo tí nào. Bố mẹ dặn, bánh kẹo này là để đến tối mười lăm đúng ngày rằm, trăng tròn nhất thì mang ra phá cỗ mới được ăn.
Trẻ con chúng tôi ngày đấy thiếu thốn lắm. Bánh trung thu một hộ gia đình được đúng một chiếc, nhà nào có bánh dẻo thì không có bánh nướng, kẹo thì đủ chia cho mỗi người vài ba chiếc, thế là vui lắm rồi. Thật không như bây giờ, trẻ con sướng hơn rất nhiều, bánh kẹo ăn suốt ngày, đâu cần đợi đến trung thu. Bánh trung thu trước đây chỉ có nhân đậu xanh, sen nhuyễn, sang hơn thì có nhân thập cẩm với 1 cục mỡ to đùng. Ngày nay, bánh trung thu có đủ hình dáng, kích thước, màu sắc khác nhau, nhân bánh cũng đa dạng phong phú lắm. Nhiều bánh của thương hiệu lớn còn có hộp đựng sang trọng, long lanh để phục vụ cho người lớn đi cúng, biếu. Tôi thấy như năm nay, một số nhãn hàng đã quay trở lại làm bánh truyền thống như bánh trung thu của Hữu Nghị, Kinh Đô, Hải Hà, Long Đình,… Nên lại nhớ trung thu ngày xưa nhiều hơn.
Những kí ức của cái trung thu nghèo ngày xưa vẫn cứ râm ran, vẫn cứ ngọt ngào tới lạ. Đám trẻ con chân đất, nhem nhuốc, quần áo lấm lem, mà vẫn cứ hồn nhiên, ngây thơ vẫn cứ vui trọn vẹn niềm vui trong cái tết của riêng mình. Thật không thể nào quên cái hình ảnh, khi trăng đã lên cao, bố pha một bình trà sen thơm ngát. Bà luôn là người đầu tiên đốt nén nhang trên bàn thờ Phật, rồi thắp nến và đèn lên lễ trời, lễ trăng. Mùi thơm hăng hắc của hạt bưởi cùng mùi nhang, mùi thơm thanh tao của cốm cùng mùi ngọt ngào của quả hồng như bay, như lượn trong không gian thanh khiết của trăng đêm rằm. Sau màn phá cỗ và cùng nhau thưởng thức hương vị của bánh trái, thì không chỉ đám trẻ con trong nhà, mà cả người lớn cũng ham vui, nhập vào đám rước đèn. Dưới ánh trăng dát bạc của đêm rằm, những ngọn nến lung linh trên từng con đường làng nhỏ quanh co, từng hàng cây xanh rì rào trong gió. Những câu hát về trung thu văng vẳng trong đêm, đi vào bầu trời kí ức tuổi thơ.
Trung thu trong tôi là thế đấy, nó đẹp lạ kì. Và suốt tuổi thơ tôi, chỉ có những ngày trung thu mới ngọt ngào, sung sướng và được ăn nhiều thứ ngon đến vậy. Giờ đây đón trung thu nơi phố thị, cùng với các bạn nhỏ nơi đây, tôi không còn cái cảm giác háo hức như xưa. Có lẽ, vì giờ tôi đã lớn, có lẽ vì cuộc sống giờ đủ đầy hơn chăng? Trẻ con ngày xưa, được ăn, được chơi, được sống với chính tuổi thơ của mình, trong sáng, hồn nhiên. Cho nên, tết trung thu là một cái gì đó sống mãi trong kí ức của riêng mình, nó đặc biệt theo cách riêng, nó mang thứ hương vị đặc biệt của tuổi thơ… Ngẫm nghĩ thì thấy ghen tỵ với sự đủ đầy của trẻ con bây giờ, nhưng cũng thấy thương chúng nhiều hơn. Rồi mai đây khi lớn lên, những kí ức trung thu trong chúng là gì nhỉ?
#Ảnh nguồn Internet
Những kí ức tươi đẹp về tết trung thu xưa sao thật đẹp đẽ. Nhìn lại những hình ảnh xưa khiến tôi thấy nhớ lắm.
Ngày xưa còn nghèo nhưng trung thu vẫn vui lắm. Bây giờ kinh tế phát triển rồi nhưng lại chẳng còn được cảm giác như ngày xưa nữa.
Ngày xưa mình còn được tự tay làm đèn ông sao để đi rước đèn nữa. Vui lắm luôn ấy.
Đúng là thời gian trôi qua nhanh thật. Mới ngày nào còn được phá cỗ trung thu cùng gia đình, bạn bè mà giờ đã bao năm rồi.
Bài viết rất hay. Nhưng tiếc là ngày nay trẻ em không còn được trải nghiệm những điều thú vị như ngày xưa nữa.
Trung thu là tết của thiếu nhi mà bây giờ mấy đứa trẻ con toàn bận học hành, chẳng còn thời gian để vui chơi nữa.
Ngày xưa thì nghèo nhưng trung thu vẫn vui lắm. Bây giờ kinh tế phát triển rồi nhưng lại chẳng còn được cảm giác như ngày xưa nữa.
Bây giờ đèn trung thu toàn là đèn điện, đèn pin chứ đâu còn mấy ai chơi đèn ông sao, đèn kéo quân như ngày xưa nữa.
Bài viết hay quá, đưa mình về với những kí ức tuổi thơ thật đẹp. Nhớ lắm những ngày được rước đèn, phá cỗ dưới trăng rằm.
Bài viết hay quá, giúp mình nhớ lại những kỉ niệm tuổi thơ thật đẹp. Nhớ lắm những đêm trung thu được phá cỗ, rước đèn cùng bạn bè.
Đọc bài này mà nhớ lại hồi nhỏ, mình hay được mẹ dẫn đi rước đèn khắp xóm. Vui lắm luôn ấy.
Đúng là tết trung thu xưa vui thật. Nhớ lắm những ngày được phá cỗ, rước đèn dưới trăng rằm.
Trẻ con bây giờ toàn mải mê với điện thoại, máy tính chứ đâu còn thích chơi những trò chơi dân gian như ngày xưa nữa.