Thỉnh thoảng, bạn nhận thấy tim mình có vẻ đang bị “thổn thức”, đập nhanh hơn bình thường. Tuy nhiên, việc nhịp tim đập nhanh này nếu xuất hiện một cách bất thường, liên tục thì có thể thấy rằng sức khỏe tim mạch của bạn cần được quan tâm nhiều hơn nữa đấy!
1. Nhịp tim nhanh là bao nhiêu
Nhịp tim bình thường của một người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) dao động trong khoảng từ 60-100 nhịp/phút, đo tại thời điểm đang trong trạng thái nghỉ ngơi và hoàn toàn khỏe mạnh. Riêng đối với trẻ em trong giai đoạn từ 7-12 tuổi, biên độ này có thể lên tới 75-110 nhịp/phút và cao nhất là ở trẻ sơ sinh từ 120-160 nhịp.
Theo như nghiên cứu thì cơ thể người nào càng khỏe mạnh, nhịp tim sẽ càng chậm và ngược lại, nhịp tim trung bình của các vận động viên chỉ từ 40-60 nhịp/phút. Khi rời khỏi biên độ này (ví dụ lớn hơn 100 và nhỏ hơn 60 nhịp/phút) mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài thì có thể kết luận người bệnh đang mắc phải chứng rối loạn nhịp tim, trong đó có bệnh nhịp tim đập nhanh.
Tiêu chuẩn nhịp tim theo các độ tuổi khác nhau (Nguồn: medicalnewstoday.com)
2. Nhịp tim đập nhanh có nguy hiểm không
Tim đập nhanh thực tế là một trạng thái khá phổ biến trong cơ thể con người, thường xuất hiện khi bạn lao động gắng sức, căng thẳng, hồi hộp hay đơn giản là thức khuya, uống rượu bia, cafe… Tuy nhiên, nếu ngay cả khi ở trong trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn và không tiếp xúc với bất kỳ nhóm tác nhân nào mà cơ thể bạn vẫn đo được nhịp tim trên 100 thì đây quả là dấu hiệu cảnh báo bệnh hết sức lưu tâm.
Theo đó, rối loạn nhịp tim đập nhanh có thể kéo theo những biến chứng như chóng mặt, dễ bị ngất xỉu do huyết áp bị tụt đột ngột, thiếu máu lên não. Bên cạnh đó, biến chứng cực kỳ nguy hiểm kèm theo có thể kể đến là ngưng tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
Trên thực tế, bệnh lý tim đập nhanh lại ít nguy hiểm hơn so với tim đập chậm nhưng nếu đã để quá muộn và xảy ra biến chứng thì cả hai căn bệnh này đều có thể đe dọa tính mạng của bất cứ ai. Cách tốt nhất là chủ động khám và sàng lọc những bệnh về tim mạch để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Nhịp tim nhanh là bệnh gì? Có nguy hiểm không? (Nguồn: star2.com)
3. Nhịp tim nhanh là triệu chứng của bệnh gì
3.1. Tác dụng phụ của thuốc điều trị
Thực tế, nhịp tim đập nhanh giống triệu chứng lâm sàng hơn là một bệnh lý cụ thể. Trong số đó, hay gặp nhất là do tác dụng phụ của một vài loại thuốc điều trị bệnh cảm cúm, ho, thuốc an thần… có chứa một vài thành phần như cocain, amphetamin gây rối loạn nhịp tim.
3.2. Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là một nhóm các bệnh có liên quan tới tần số nhịp đập của tim. Trong số đó, những bệnh lý có thể khiến tim đập nhanh hơn bao gồm rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh thất, rung tâm thất và Hội chứng QT kéo dài… cũng rất nguy hiểm cho sức khỏe của mọi người.
3.3. Triệu chứng của các bệnh tim mạch
Hầu hết các nhóm bệnh tim mạch nguy hiểm, phổ biến thường gặp như tim bẩm sinh, động mạch vành, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… có liên quan tới hoạt động của cơ tim đều sẽ ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động co bóp và dẫn truyền xung điện từ đó làm tim đập nhanh hơn.
3.4. Rối loạn thần kinh tim
Đây là một hội chứng tương đối phức tạp, còn được gọi với cái tên là rối loạn thần kinh thực vật khiến cho tim của người bệnh đập nhanh hơn, xuất hiện các dấu hiệu tương tự như khi bị bệnh tim nhưng thực chất lại không gây bất kỳ một tổn hại nào. Bệnh được khởi phát từ một vài nguyên nhân như tình trạng căng thẳng, lo âu hoặc một số chất kích thích như rượu, bia.. Đồng thời, trong hội chứng rối loạn thần kinh tim gây hồi hộp, việc tim đập nhanh hơn cũng do hoạt động của các hormon được tiết ra.
3.5. Các bệnh mạn tính ngoài tim
Một số bệnh mạn tính ngoài tim bao gồm tiểu đường, cường giáp, viêm phổi… cũng có thể ảnh hưởng và khiến nhịp tim đập nhanh hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần để ý đến hàm lượng các chất điện giải như Na, Ca, Mg.. Để tránh việc mất cân bằng và dẫn đến tình trạng này nhé.
Bệnh rung nhĩ khiến nhịp tim tăng nhanh (Nguồn: sporcle.com)
4. Dấu hiệu nhận biết tim đập nhanh
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi tim đập nhanh là cảm giác “đánh trống ngực” và tâm trạng hồi hộp, lo âu luôn hiện diện. Cảm giác này giống như lúc bạn đang lo lắng, bồn chồn không yên về một chuyện gì đó mặc dù chúng không tồn tại. Kèm theo đó, bạn sẽ xuất hiện một vài cơn hụt hơi và cảm giác khó thở. Trường hợp liên quan trực tiếp tới một bệnh lý cụ thể, sẽ xuất hiện một vài tình trạng như choáng và ngất xỉu.
5. Nguyên nhân tim đập nhanh
Nhịp tim đập nhanh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên tựu chung lại sẽ gồm những lý do chủ yếu như sau:
Hồi hộp, lo âu, luôn trong trạng thái căng thẳng và áp lực
Lao động hoặc tập luyện thể dục thể thao quá sức
Sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cafe, thuốc lá hay một số loại thuốc trong thành phần có chứa cocain, amphetamines…
Mắc các bệnh lý về tim có liên quan như bệnh mạch vành, tim bẩm sinh, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim
Người cao tuổi, người bị tiểu đường, phụ nữ mang thai hay người bị mắc các chứng bệnh như cường tuyến giáp, viêm phổi.
Một số nguyên nhân làm nhịp tim tăng cao (Nguồn: vietgiaitri.com)
6. Nhịp tim nhanh phải làm gì
6.1. Uống đủ nước
Nên uống đủ nước 1,5-2 lít nước mỗi ngày, điều này sẽ giúp bạn cân bằng các chất điện giải trong cơ thể, ngăn chặn tình trạng cao huyết áp và các bệnh về tim mạch khác.
6.2. Làm mát cơ thể
Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể cũng sẽ phản ứng lại bằng một số biểu hiện như nhịp tim đập nhanh và tăng tiết mồ hôi. Vì vậy vào những ngày trời nắng nóng, nên mặc quần áo mỏng, thấm hút mồ hôi và hạn chế đi dưới trời nắng quá lâu vì việc say nắng cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch.
6.3. Nghỉ ngơi, thư giãn
Dành thời gian để nghỉ ngơi thư giãn sau mỗi ngày dài hoạt động. Đặc biệt không nên làm việc quá sức, thức quá khuya hay giữ tâm trạng luôn bị căng thẳng, áp lực. Suy nghĩ tích cực, chia sẻ những vấn đề với gia đình, người thân để giảm stress.
6.4. Bổ sung điện giải
Bổ sung chất điện giải đang bị thiếu hụt thông qua một số loại nước uống hoặc ăn trái cây tươi giàu vitamin, khoáng chất: táo, chuối, cam hay ngũ cốc… Trong trường hợp bạn đang gặp phải một số vấn đề về huyết áp hay nhịp tim đập nhanh cần hạn chế những món ăn có nhiều muối mà hãy thay thế bằng những nguồn Natri, Kali tự nhiên từ thịt cá, rau củ quả.
6.5. Điều hòa hơi thở
Nhịp thở cũng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến nhịp tim và ngược lại. Vì vậy, để ổn định được nhịp tim của mình, bạn cần điều hòa hơi thở một cách thật khoa học. Tham gia tập Yoga nhẹ nhàng mỗi ngày hoặc Thiền có thể giúp bạn kiểm soát hơi thở và lưu thông khí huyết rất tốt.
6.6. Dùng thuốc điều hòa nhịp tim
Trong trường hợp nhịp tim đập nhanh do bệnh lý thì cần phải điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên tất cả những loại thuốc sử dụng giúp điều hòa nhịp tim này cần phải có chỉ dẫn của bác sĩ cũng như đúng liều lượng và phác đồ điều trị.
6.7. Tập thể dục
Những người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao thường có nhịp tim thấp và ổn định hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian đầu cần luyện tập vừa sức với một số bộ môn như bơi lội, đi bộ, yoga, aerobic… để cải thiện dần dần sức khỏe và điều hòa nhịp tim.
6.8. Khi nào cần gặp bác sĩ
Rối loạn nhịp tim đập nhanh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên bạn vẫn cần kiểm tra để chắc chắn rằng nó không phải là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm. Trước hết đối với những người cao tuổi cần thường xuyên kiểm tra nhịp tim bằng các thiết bị đo huyết áp có tích hợp đo nhịp tim để kiểm soát tình trạng bệnh. Khi có một trong những biểu hiện như đau tức ngực, chóng mặt, thở dốc hay ngất xỉu cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để kiểm tra tình hình cũng như đưa ra các phương pháp điều trị dứt điểm.
6.9. Chế độ ăn uống phù hợp
Có chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế sử dụng những món ăn nhiều dầu mỡ đặc biệt là mỡ động vật, những món ăn quá mặn cũng không tốt cho những người bệnh tim. Thay vào đó, nên bổ sung thực phẩm tốt cho người bị rối loạn nhịp tim cụ thể là tăng nhịp tim như rau củ giàu chất xơ, Omega 3…
Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tim mạch (Nguồn: harvard.edu)
Vừa rồi là những thông tin chi tiết liên quan tới triệu chứng nhịp tim đập nhanh cùng những căn bệnh nguy hiểm đi kèm. Thực tế, các căn bệnh về tim thường tương đối phức tạp, biểu hiện không mấy rõ ràng nên khi phát hiện đều đã ở các giai đoạn sau, khó điều trị dứt điểm. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân, cần thường xuyên khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ, tới gặp ngay bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường hay các vấn đề về tim mạch.