Theo phát hiện của một nghiên cứu mới, tiền sử mắc chứng rối loạn ăn uống và quá lo lắng về hình ảnh cơ thể trước hoặc trong quá trình mang thai có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm trong tương lai của các mẹ bỉm sữa.
Theo phát hiện của một nghiên cứu mới do UCL thực hiện được đăng trên trang Tạp chí Tâm thần học Anh, tiền sử mắc chứng rối loạn ăn uống và quá lo lắng về hình ảnh cơ thể trước hoặc trong quá trình mang thai có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm trong tương lai của các bà mẹ. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu đoàn hệ ‘Trẻ em thập niên 90’, bao gồm 9.276 phụ nữ.
Rối loạn ăn uống có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm (Nguồn ảnh: shopify.com)
Tiến sĩ Francesca Solmi (UCL Tâm thần học), tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng những phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống tại bất kỳ thời điểm nào trước khi sinh con, ngay cả khi còn ở tuổi vị thành niên, có nhiều khả năng gặp phải các triệu chứng trầm cảm khi mang thai và thậm chí cho đến 18 năm sau khi sinh con. Phát hiện này cũng cho thấy rằng nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống có nguy cơ không thể hồi phục hoàn toàn vì chứng rối loạn ăn uống và bệnh trầm cảm thường xảy ra cùng một lúc.”
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các triệu chứng trầm cảm ở những bà mẹ mắc rối loạn ăn uống có thể cải thiện sau thời kỳ sinh, tuy nhiên những nghiên cứu đó không có thời gian theo dõi đủ lâu để xác nhận rằng nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm thực sự vẫn còn tồn tại đối với những phụ nữ mắc bệnh bị rối loạn ăn uống.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ đã từng bị chứng chán ăn tâm thần hoặc ăn ói đều bị các triệu chứng trầm cảm sau 18 năm theo dõi, nhiều hơn so với những người chưa bao giờ bị rối loạn ăn uống.
Bác sĩ Solmi cho biết:”Các triệu chứng trầm cảm ở các bà mẹ đã được chứng minh là có liên quan đến một số kết quả tiêu cực đối với con cái họ, chẳng hạn như các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Do đó, điều quan trọng là phải xác định và điều trị chứng rối loạn ăn uống sớm nhất có thể vì đây có thể là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn của triệu chứng trầm cảm. Chúng ta cũng nên chẩn đoán cho các phụ nữ mang thai bị chứng rối loạn ăn uống để họ có thể có được các biện pháp hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Điều này rất có lợi cho cả mẹ và con về lâu dài”.
Tiến sĩ Abigail Easter, một trong những tác giả của bài báo và cũng là người phát triển các tài liệu đào tạo giúp xác định chứng rối loạn ăn uống trong thai kỳ nói thêm: “Cần phải đào tạo thêm cho các học viên và nữ hộ sinh về cách nhận biết chứng rối loạn ăn uống trong thai kỳ, điều này có thể giúp giảm tác động lâu dài của bệnh tâm thần.”
Nên chẩn đoán phụ nữ mang thai có rối loạn ăn uống hay không để có biện pháp hỗ trợ phù hợp (Nguồn: tasteofhome.com)
Các hướng dẫn hiện tại của Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia (NICE) khuyến nghị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng bảng hỏi để xác định các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ mang thai. Nghiên cứu hiện tại cũng hỗ trợ cho việc thực hiện việc này cũng như để xác định chứng rối loạn ăn uống.
Yu Wei Chua, tác giả đầu tiên của nghiên cứu tại UCL trước khi chuyển đến Đại học Strathclyde cho biết: “Nhiều người thường kỳ thị chứng trầm cảm và chứng rối loạn ăn uống. Vì vậy, các bệnh nhân thường không thoải mái khi chia sẻ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ. Việc đánh giá bệnh tâm thần khi mang thai, theo khuyến nghị tiêu chuẩn, có thể giúp các chuyên gia y tế nhận ra các dấu hiệu trầm cảm hoặc rối loạn ăn uống ở giai đoạn quan trọng này trong cuộc sống”.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại UCL, Đại học Strathclyde và King College London, và được tài trợ bởi Wellcome và Viện nghiên cứu y tế quốc gia và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh UCLH.
Bài viết được dịch theo Prior eating disorders linked to long-term depression risk for mothers xuất bản 13/05/2019 trên trang ScienceDaily.