Cúi đầu chào hỏi
Ở Việt Nam và một số quốc gia khác, khi gặp gỡ thường bắt tay để tỏ lòng thân tình thì người Nhật thường cúi đầu để chào hỏi và khi xin lỗi, cảm ơn. Hãy cúi đầu 15 độ khi chào hỏi xã giao, 30 độ khi chào hỏi một cách trang trọng, gập đầu 45 độ để bày tỏ sự cảm ơn. Đây là phép xã giao rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật.
Đừng quên cúi đầu đáp lễ khi có người Nhật chào bạn
Giữ lịch sự khi ăn uống
Người Nhật rất kỵ dùng tay để hứng đồ ăn bởi điều đó được coi là bất lịch sự. Hãy chú ý tới miếng đồ ăn mà mình sẽ gắp. Tránh dùng răng cắn đôi miếng thức ăn và đặt miếng ăn dở đó xuống bát. Nếu thức ăn quá to, hãy dùng tay che miệng lại.
Khi chưa ăn xong, đừng úp ngược nắp bát tô vì người khác sẽ nghĩ bạn đã dùng bữa xong rồi. Không nên dùng đũa chạm vào đồ ăn nếu không gắp, không đặt đũa trên bát mà hãy dùng gác đũa, lưu ý lấy thêm một đôi đũa sạch để gắp các món ăn chung.
Khi kết thúc bữa ăn, người Nhật thường nói “gochisōsama deshita” nghĩa là “cảm ơn vì bữa ăn”, để bày tỏ sự trân trọng với người đầu bếp và với các nguyên liệu chế biến ra món ăn.
Nghệ thuật trà đạo của Nhật Bản
Không đưa tiền tip
Khác với đa phần các quốc gia khác, nếu đưa tiền tip ở Nhật Bản sẽ bị coi là khinh người nếu boa thêm cho tài xế, người phục vụ… Tất cả chi phí đó đều đã được bao gồm trong hóa đơn thanh toán. Nếu cảm thấy rất hài lòng về dịch vụ, hãy bỏ vào phong bì và đưa 1 cách lịch sự, tế nhị.
Luôn đi bên trái
Nhật Bản là một trong số ít quốc gia ở châu Á duy trì quy tắc giao thông ở bên trái. Quy tắc này không chỉ áp dụng khi đi đường mà ngay cả khi đi thang cuốn cũng vậy. Hãy đứng gọn về phía bên phải để những người vội vã hơn có cơ hội đi vượt lên trên.
Văn hóa xếp hàng
Văn hóa xếp hàng được coi là văn hóa của con người ở đất nước này. Trẻ em Nhật Bản được rèn thói quen này ngay từ khi còn nhỏ.
Người Nhật xếp hàng mọi lúc, mọi nơi
Hãy cùng nhớ lại một câu chuyện có thật về văn hóa xếp hàng của người Nhật.
Một đêm tháng 3, 2011, trong trận động đất và sóng thần thảm họa, một phóng viên thường trú tại Nhật được phái đến một trường tiểu học để phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Đêm khuya và lạnh, trong đoàn người rồng rắn xếp hàng im lặng và trật tự để chờ đợi, anh nhìn thấy một cậu bé khoảng 9, 10 tuổi phong phanh quần đùi, áo cộc tay. Trời rất lạnh mà em xếp hàng gần cuối cùng, sợ đến lượt em chẳng còn đồ ăn, anh phóng viên chạy lại hỏi thăm. Cậu bé kể cậu đang học trong trường, khi bị nạn cậu nhìn thấy chiếc xe và người cha đã bị cuốn trôi, chắc ông đã chết rồi. Nhà của em nằm ngay cạnh bờ biển, mẹ em chắc cũng không còn, sau đó lau vội dòng nước mắt.
Anh phóng viên cởi áo khoác quàng lên người em cho ấm và vô tình làm rơi gói lương khô – khẩu phần bữa tối của anh ra ngoài. Anh nhặt lên và đưa cho em bé ăn cho đỡ đói. Em bé cúi người cảm ơn, anh tưởng cậu bé sẽ ăn ngấu nghiến, nhưng không, em cầm gói lương khô và để lên chỗ phân phát thực phẩm rồi quay lại xếp hàng. Anh phóng viên vô cùng ngạc nhiên hỏi em, thì em trả lời “Bởi vì con nghĩ có nhiều người chắc đói hơn con, bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Một câu chuyện tuyệt đẹp về văn hóa xếp hàng, kỷ luật, sự hy sinh của người Nhật.
Một bé trai tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagy, chờ lấy nước sôi để ăn mỳ trong trận động đất, sóng thần ở Nhật Bản năm 2011
Đúng giờ
Người Nhật nổi tiếng là người khắt khe về quy tắc, đặc biệt về thời gian. Hãy đúng hẹn, bởi đến muộn là điều bất lịch sự và mất lòng tin của người khác. Nếu bất khả kháng, hãy liên lạc trước bằng điện thoại để thông báo. Bạn nên lưu ý điều này khi tham gia dự tiệc hay các tour du lịch tại Nhật Bản.