Nhớ về miền Tây mùa nước nổi, độ tháng 9, tháng 10 để thấy được sự quyến rũ của nơi đây. Từ thiên nhiên, cảnh vật, con người đến sản vật đặc trưng. Mùa nước nổi miền Tây thật đặc biệt khi được thưởng thức món ăn dân dã được chế biến từ những con cá linh nhỏ bé, trắng phau, béo ngậy…Đã từng đến miền Tây khi mưa ngâu rả rích trên những cánh đồng, lũ bắt đầu dâng, tôi thật sự ấn tượng với hình ảnh những thuyền cá linh bụng trắng đầy ăm ắp. Hay chống xuồng trong từng bờ rạch, bờ đê hái những chùm bông vàng rực rỡ để làm rau ăn trong mỗi bữa cơm. Miền Tây quyến rũ tôi bởi nét mạnh mẽ, phóng khoáng và sự giản dị của con người. Chuyến đi của tôi là Tour miền Tây kéo dài 4 ngày, mỗi nơi tôi đến trên mảnh đất này đều thật ấn tượng: những khu chợ nổi, miệt vườn sai trĩu, thiên nhiên mênh mông là những trải nghiệm thật thú vị. Ẩm thực nơi đây quả thực rất đặc biệt, hầu hết là những món ăn dân giã được chế biến từ những sản vật có sẵn trong vùng. Về miền Tây đúng mùa nước nổi nên tôi thật sự thích và nghiền món ăn được chế biến từ cá linh, bông điên điển hay bông so đũa.
Cá linh là món quà “trời ban” xưa nay vốn là loài cá tự sinh và lớn lên dần theo con nước, từ thượng nguồn đổ về, lần theo các sông, rạch tràn vào biển lúa mênh mông. Bà con nơi đây thường thắp đèn tung lưới cho đến thâu đêm, đánh bắt bằng nhiều phương tiện như chài, lưới, kéo vó, đặt dớn, đóng đáy,… trên khắp các kinh mương, sông rạch. Cá linh làm được nhiều món ăn ngon và còn là nguyên liệu làm nên thứ nước mắm được coi như đặc sản nổi tiếng của vùng lũ lụt. Cá linh thơm ngon, béo ngọt tuyệt vời. Loài cá bé nhỏ này có thể đem chiên giòn, kho mẳn, kho mía, kho mắm, nhung giấm và đặc biệt là nấu lẩu hay canh chua,… Đầu mùa chính là thời điểm cá ngon nhất của năm, bởi cá chưa quá lớn nên xương chưa cứng, bụng cá lại có mỡ nên ăn rất béo.
Nhắc đến cá linh mà không nhắc đến bông điên điển thì quả thật có gì đó thiếu sót. Bông điên điển dường như là một biểu tượng của miền Tây vào mùa con nước nhảy bờ. Những nhành bông nhẹ tênh, vàng sậm như uống hết màu của nắng in bóng trên mặt nước là những hình ảnh mà tôi không thể nào quên khi đến nơi đây. Bông điên điển loài hoa nở vàng khoe sắc khắp các mé sông, đầm lầy, ruộng nước. Hoa cho hương vị rất đặc biệt, giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, mang “hương đồng cỏ nội” được người dân nơi đây chế biến thành nhiều món ăn đặc sản bổ dưỡng.
Tôi thật may mắn khi đến miền Tây đúng dịp mùa nước, tôi vẫn còn vương vấn mãi bởi những món ăn được chế biến từ thứ cá nhỏ nhỏ, tươi ngon cùng cái mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Vị ngọt của cá linh non còn chưa tượng xương với vị hăng hăng của bông điên điển đã được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tây Nam bộ hòa quyện vào cùng một món ăn. Vị chua chua ngọt ngọt của nồi canh chua cá linh bông điên điển làm siêu lòng biết bao thực khách vãng lai, còn những người đã từng ăn thì chép miệng thèm thuồng.
Tùy vào thời gian, càng về cuối mùa, cá linh càng lớn nhưng lớn quá thì không ngon, cá linh vừa ăn lớn cỡ đầu đũa con. Thịt cá linh trắng và thơm, khi nấu người ta vẫn để nguyên vảy, như vậy lớp thịt và vị ngọt không bị hòa vào cùng nước. Cá linh và bông điên điển mang rửa sạch, đi kèm với một vài nguyên liệu khác như me, bạc hà, đậu bắp, rau muống, cà chua, giá đỗ. Bắc nồi nước lên, khi nước sôi thì cho me vào, dằm ra lấy vị chua, nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Một nồi canh chua đạt yêu cầu là vị chua với vị ngọt phải cân bằng. Khi nước sôi lần nữa thì cho cá linh vào, sau đó cho các nguyên liệu khác cùng bông điên điển vào rồi bắc nồi xuống. Lúc bắc xuống cho thêm ít rau mùi, một vài lát ớt, một tí nước mắm cho đậm đà và dậy mùi thơm. Canh không được nấu kỹ quá, nếu không rau và cá đều bị nát mất đi độ ngon.
Chế biến đơn giản vậy, nhưng hương vị của nó thật quyến rũ, chỉ ngửi mùi và nhìn màu sắc tôi đã bị mê hoặc. Tổng thể các vị chua, cay, mặn, ngọt đều quyện vào nhau rất hài hòa. Những hương vị tinh tế nhất của đất trời như được thả vào nồi canh đang nghi ngút khói ấy. Húp một miếng, đầu lưỡi ngay lập tức cảm nhận được vị ngọt trong trẻo của nước cá, vị chua của me. Nhấm nháp kỹ hơn thì thấy có chút cay cay, mặn mặn. Cắn một miếng cá trắng, vị beo béo của cá đầu mùa chảy men theo kẽ răng, hòa vào chút vị giòn giòn, hăng hăng của bông điên điển. Lúc này, chủ nhà mang ra một chén nước mắm ớt, tôi ăn mà xuýt xoa mãi không thôi. Kể đến cái món ăn chân chất nơi vùng sông nước này thật là chỉ muốn xách balo và đi luôn cho kịp mùa nước.
Miền Tây mảnh đất không mang cho mình vẻ đẹp kiêu sa, lỗng lẫy như bất kỳ mảnh đất phồn hoa nào. Không có những danh lam thắng cảnh kỳ vĩ, thế nhưng với vẻ đẹp mộc mặc chất quê, yên bình của mình, miền Tây đủ sức quyến rũ, níu chân bất cứ ai yêu thiên nhiên, thích khám phá và tìm về chốn bình yên. Bạn sẽ bị mảnh đất này mê hoặc giống tôi khi tới vào mùa nước nổi. Về đúng mùa, bạn sẽ cảm nhận hết từng con nước lên, nước xuống. Những vườn trái cây mênh mông, những chuyến đi bằng thuyền trên những con rạch nhỏ, mà dài thật dài. Và đặc biệt là ẩm thực nơi đây, quả thật nó rất đặc biệt, như có chất gây nghiện vậy. Chỉ cần nghĩ đến món canh chua cá linh nấu với bông điên điển là tôi có thể bỏ hết mọi thứ để đến nơi bình yên đó ngay tắp lự!