Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và mất ngủ và cách điều trị hiệu quả

Chứng rối loạn giấc ngủ rất phổ biến ở những người phải đấu tranh với căn bệnh trầm cảm. Nếu mắc trầm cảm lâm sàng, bạn có thể gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ. Trầm cảm và mất ngủ thường xảy ra cùng một lúc và thật khó để xác định là trầm cảm gây ra mất ngủ hay ngược lại.Trầm cảm là hệ lụy của nhiều yếu tố khác nhau, một trong số đó có thể là không ngủ đủ giấc. Rối loạn giấc ngủ có thể làm tăng cảm giác buồn bã, vô vọng và mệt mỏi. Điều này đặc biệt đúng khi nó diễn ra trong một thời gian dài. Nếu bạn chưa được chẩn đoán mắc trầm cảm nhưng phải vật lộn với tình trạng mất ngủ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, thì đây có thể là dấu hiệu quan trọng cho biết bạn có khả năng mắc bệnh.

1. Mối liên kết giữa trầm cảm và mất ngủ

Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa các hai vấn đề này. Việc trải qua cùng lúc giữa tâm trạng tồi tệ và ngủ không đủ giấc là rất phổ biến. Có đến 3/4 người trầm cảm bị mất ngủ. Nếu bạn bị trầm cảm, bạn có thể khó ngủ, hay thức dậy thường xuyên vào ban đêm và khó ngủ trở lại. Ngày hôm sau, bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và có lẽ càng suy sụp hơn. Trầm cảm không được điều trị có thể gây ra các triệu chứng về thể chất như đau đầu, đau lưng và điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Trầm cảm và mất ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau (Nguồn: isbh.tmgrup.com.tr)

Mất ngủ có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Với nhiều người bị trầm cảm nặng, rối loạn giấc ngủ là triệu chứng đầu tiên khiến họ tìm đến những sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Khi bị thiếu ngủ, bạn sẽ rất khó điều chỉnh cảm xúc của mình. Nguồn năng lượng xuống thấp, và bạn cảm thấy không có động lực để tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui. Mất ngủ liên tục có thể gây ra xu hướng tự tử.

2. Các triệu chứng trầm cảm ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?

Trầm cảm không được điều trị có thể dẫn đến những nỗi buồn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trong đêm tối, bạn hay nghĩ ngợi về điều mang lại cảm xúc tiêu cực bao gồm nỗi buồn, sự tuyệt vọng và vô vọng. Lúc bạn nằm trên giường trằn trọc, những cảm giác tồi tệ cũng không thể tự biến mất. Và càng tập trung vào những cảm xúc đó thì sẽ càng khó ngủ.

3. Tác động của chứng mất ngủ

Giấc ngủ rất cần thiết để bộ não hoạt động hiệu quả. Khi không ngủ đủ giấc, nó sẽ cản trở mức năng lượng và ảnh hưởng đến tâm trạng. Thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau như:

– Uể oải vào buổi sáng

– Mệt mỏi hoặc thẫn thờ suốt cả ngày

– Không có khả năng tập trung

– Quá trình suy nghĩ chậm lại

– Khó đưa ra quyết định

Một số người luôn phải đối mặt với chứng mất ngủ trước khi họ nhận ra rằng họ bị trầm cảm lâm sàng. Những người bị mất ngủ có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp 10 lần so với những người có giấc ngủ ngon. Nguy cơ mắc trầm cảm cao nhất là ở những người có các triệu chứng bao gồm cả khó ngủ và không có giấc ngủ sâu.

4. Điều trị trầm cảm và mất ngủ

Các triệu chứng trầm cảm và mất ngủ mãn tính có liên quan mật thiết đến nhau, và những liệu pháp bạn thực hiện để điều trị chứng bệnh này có thể cải thiện chứng bệnh kia. Cả hai tình trạng có thể càng trở nên tồi tệ hơn khi bạn không điều trị. Điều trị trầm cảm thường bao gồm thuốc, tâm lý trị liệu hoặc kết hợp cả hai. Việc điều trị tổng thể chứng trầm cảm thường giúp cải thiện các triệu chứng mất ngủ.

Đến gặp chuyên gia tâm lý là một biện pháp điều trị (Nguồn: crowningwisdom.com)

Tâm lý trị liệu, còn được gọi là tư vấn hoặc trị liệu bằng nói chuyện, có thể giúp bạn học các kỹ năng đối phó để ngăn ngừa các triệu chứng trầm cảm có khả năng xảy ra trong tương lai. Lựa chọn loại thuốc có thể cải thiện cả chứng bệnh trầm cảm và tình trạng mất ngủ bao gồm thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ngủ nhằm giúp bạn ngủ ngon.

5. Nhận trợ giúp cho trầm cảm và mất ngủ

Có một số loại thuốc khác nhau có thể giúp điều trị chứng trầm cảm và mất ngủ, nhưng lần sử dụng thuốc đầu tiên không phải lúc nào cũng có hiệu quả tức thì. Thuốc trầm cảm có thể mất hai tuần hoặc lâu hơn để phát huy công dụng. Bạn có thể phải thử hai hoặc ba loại thuốc, hoặc kết hợp chúng, để tìm ra loại thuốc phù hợp với bạn.

Đừng bỏ cuộc nếu bạn thấy các triệu chứng không được cải thiện ngay lập tức. Viết nhật ký về giấc ngủ hoặc theo dõi tâm trạng của mình trong một vài tuần có thể giúp chẩn đoán chính xác và xem xét liệu các lựa chọn điều trị của bác sĩ dành có phù hợp, hiệu quả hay không.

Điều trị tại nhà giúp cho các chuyên gia y tế có phương án điều trị trầm cảm phù hợp và hiệu quả. Họ có thể theo dõi rối loạn giấc ngủ của bạn nhằm lựa chọn loại thuốc và các phương pháp khác để điều trị. Việc điều trị tại nhà cũng giúp bạn được ở trong một môi trường an toàn, tách biệt với cuộc sống hàng ngày để học các kỹ thuật thư giãn, tập trung vào nghỉ ngơi và chữa bệnh.

Đừng cố gắng bỏ qua các triệu chứng trầm cảm hoặc mất ngủ. Cả hai chứng bệnh này đều có thể điều trị được và có thể gây bất lợi cho tâm trạng, sức khỏe của bạn nếu không được điều trị.

Bài viết được dịch theo Depression and Insomnia Treatment xuất bản trên trang Bridges To Recovery.