Lo âu là một giai đoạn của đau buồn mà có thể bạn không nhận ra

Có thể bạn đã từng nghe về các giai đoạn đau buồn của con người, từ sự từ chối, tức giận, thất vọng, trầm cảm đến chấp nhận. Tuy nhiên, đau buồn là một trải nghiệm phức tạp, mang đậm tính cá nhân và còn nhiều khía cạnh vượt ra khỏi mô hình này.

Một phản ứng đau buồn phổ biến nhưng thường không được nhận ra đó là cảm giác lo âu tột cùng. Một số cá nhân có thể nhận thức được rằng họ cảm thấy lo âu; đối với những người khác, thật khó để xác định những cảm xúc cụ thể tạo nên nỗi đau quá lớn của họ.

Lo âu do đau buồn thường bắt nguồn từ những suy nghĩ về cách chúng ta có thể đối phó với nỗi đau. Khi trải qua một mất mát lớn, cảm giác như thế giới xung quanh đang sụp đổ, và tự hỏi liệu mình có sụp đổ không, đặc biệt khi đó là sự ra đi của một người thân yêu mà chúng ta phụ thuộc vào quá nhiều.

Ta cũng có thể phải dựa vào ai đó và tự hỏi liệu có thể gánh vác được trách nhiệm hay không. Ví dụ, cái chết đột ngột của người vợ hay người chồng có thể khiến một người trở thành cha mẹ đơn thân. Khi đang đắm chìm trong nỗi buồn và sự mất mát của mình, thật khó để nhận ra bản thân cũng đang rất sợ hãi.

Mất đi người thân yêu khiến bạn suy sụp tinh thần, thậm chí mắc phải các triệu chứng lo âu

Mất đi người thân yêu khiến bạn suy sụp tinh thần, thậm chí mắc phải các triệu chứng lo âu (Nguồn: dailyherald.com)

Bạn sẽ cảm thấy mất phương hướng trước sự ra đi của một người hoặc một thứ gì đó không thể tách rời với cuộc sống và điều này có thể tạo ra nỗi sợ hãi về những gì mình có thể mất tiếp theo. Chẳng hạn, cái chết của người cha, có thể gây ra lo lắng về việc tiếp tục mất đi người mẹ, hoặc bạn đời của mình. Mỗi người sẽ có nỗi sợ hãi khác nhau nhưng chúng đều là những nỗi sợ hãi tột cùng, một cảm giác mơ hồ về sự đe dọa và khó chịu.

Lo âu cũng có thể đến từ sự căng thẳng trong tâm trí và cơ thể của chúng ta, điều này dẫn đến trạng thái cảnh giác cao độ khi hệ thống căng thẳng cấp tính của chúng luôn luôn trong trạng thái “bật”. Bạn có thể kiệt sức mà không thể loại bỏ đi sự căng thẳng, gọi là trạng thái “mệt mỏi nhưng không thể nghỉ ngơi”, dẫn đến chứng mất ngủ và cảm thấy bứt rứt khó chịu.

Hãy nhớ rằng đau buồn có thể xảy ra sau nhiều trải nghiệm về sự mất mát, không chỉ là cái chết. Chúng ta có thể đau buồn khi mất đi sự nghiệp, cảm thấy lo lắng về tương lai tài chính vô định, khi mất sức khỏe và lo lắng về sự suy kiệt nặng hơn. Chúng ta có thể đau buồn khi mất một mối quan hệ, với sự lo âu về sự cô đơn, trống trải.

Một phần của sự đau buồn sau một mất mát là sự ảo tưởng về sự vĩnh viễn. Điều đó giống như một trận động đất, mặt đất thường vốn trông rất chắc chắn đột nhiên rung chuyển. Cuối cùng chúng ta nhận ra một thực tế khác với những gì chúng ta biết trước đây. Nhận thức rằng không có gì tồn tại mãi mãi có thể làm lung lay cảm giác an toàn và đảm bảo của bản thân.

Nếu bạn đã trải qua sự lo âu sau một sự kiện đau buồn, sau đây là một số gợi ý có thể giúp bạn đối phó:

Tìm đến với những người xung quanh bạn: Bất kể bạn đã trải qua loại mất mát nào, hãy kết nối với những người quan trọng trong cuộc sống. Thật khó có thứ gì vững chắc hơn các mối quan hệ có ý nghĩa. Đừng ngại yêu cầu hỗ trợ từ mọi người, sẽ mất nhiều thời gian để nỗi đau lắng xuống, và sự thoải mái của gia đình, bạn bè thân thiết là món quà vô thời hạn.

Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết khi bạn đang trong quá trình điều chỉnh bản thân theo thế giới đã bị thay đổi của riêng mình sau khi xảy ra sự kiện đau buồn. Nếu như bạn không thể tìm được một người nào đó có thể giúp đỡ mình thì hãy tìm đến những chuyên gia, bác sĩ tâm lý giỏi, có kinh nghiệm bằng chuyên môn và sự thấu hiểu có được khi khám chữa cho nhiều trường hợp tương tự họ sẽ giúp bạn cảm thấy tâm trạng tốt hơn rất nhiều.

Sự quan tâm, sẻ chia và giúp đỡ từ những người xung quanh là liều thuốc tinh thần tốt nhất cho người đang gặp tình trạng lo lắng

Sự quan tâm, sẻ chia và giúp đỡ từ những người xung quanh là liều thuốc tinh thần tốt nhất cho người đang gặp tình trạng lo lắng (Nguồn: medicalmatters.com)

Dành thời gian cho bản thân để chữa lành vết thương: Theo cách tương tự, hãy cho phép bản thân có thời gian cần thiết để “xử lý” những gì đã xảy ra. Bạn cần phải quay trở về trạng thái bình thường – thế giới của bạn đã thay đổi, và cần có thời gian để điều chỉnh theo những thay đổi đó. Nỗi đau sẽ đến như những con sóng, và cũng có thể thay đổi theo từng ngày. Bạn cũng có thể chợt nhớ đến những kỷ niệm đau buồn của mình bất cứ lúc nào.

Giảm bớt căng thẳng nếu có thể: Để chữa lành vết thương, bạn có thể đối xử với bản thân một cách nhẹ nhàng trong khi đau buồn. Đây không phải là thời điểm tốt để tham gia vào các dự án hoặc thử thách mới khó khăn. Điều này không có nghĩa là yếu đuối, mà là kiểm soát sức mạnh một cách khôn ngoan. Ngoài ra, hãy tìm cơ hội để xử lý căng thẳng và mất mát theo những cách phù hợp, thực hiện theo những cách giảm stress, căng thẳng hiệu quả, ví dụ như thực hành thiền định, đăng ký tham gia lớp học yoga, tập thể dục, mát xa hoặc đi bộ với một người bạn.

Tạo không gian cho cảm xúc của mình: Đau buồn không có gì sai cả. Đôi khi, chúng ta kìm nén cảm xúc của mình vì không hiểu chính cảm xúc đó, hoặc sợ chúng, hoặc theo một cách nào đó, chúng ta nghĩ rằng mình không đáng bị như thế. Bất cứ thứ gì bạn trải qua đều ổn, bất kể đó là nỗi buồn, sự lo lắng, một cảm giác mà bạn không thể mô tả hay bất kỳ khía cạnh nào khác của nỗi đau.

Bài viết được dịch theo Anxiety Is a Stage of Grief You May Not Recognize xuất bản tháng 04/2019 trên WebMD.