Lên Tây Nguyên vào tháng 3 mùa con ong đi lấy mật để trẩy hội cao nguyên, ngắm hoa cà phê trắng trời nương rẫy.Tây Nguyên vào mùa hoa cà phê
Cách hoa cà phê nở thật khiến người ta ngỡ ngàng. Sau một đêm thức giấc, cả cao nguyên xanh bạt ngàn đã thấy thắp sáng một màu hoa. Hoa cà phê có mùi thơm như hương hoa bưởi xứ Bắc, nhẹ nhàng và nồng nàn. Hoa chỉ nở 2 – 3 đợt vào cuối mùa xuân, mỗi đợt kéo dài từ 7 – 10 ngày rồi phai tàn, chỉ vài ngày sau đã chuyển thành những nụ quả xinh xinh. Khắp Tây Nguyên mùa hoa nở đều rợp trời, nhưng Playku và Buôn Ma Thuột là nơi rực rỡ nhất. Mùa hoa cà phê là mùa những người nông dân nhộn nhịp chăm tưới, là mùa của những đôi trai gái hò hẹn yêu đương. Giữa mênh mông nương rẫy, bạn sẽ bắt gặp những nụ cười đôn hậu, chất phác, thật thà.
Nếu lên đúng dịp, bạn sẽ ngỡ ngàng trước rừng hoa cafe khoe sắc
Nếu như hoa đào, hoa ban, hoa mận là những biểu tượng hoa vùng Tây Bắc thì hương sắc hoa cà phê là nét đẹp đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Đứng giữa cao nguyên rộng lớn, hít căng lồng ngực hương hoa, quyện mùi đất đỏ bazan ngai ngái khiến du khách đến đây thôi chẳng muốn về.
Trẩy hội cao nguyên
Cách Buôn Ma Thuột khoảng 40km, buôn Đôn là một bản làng nằm trên cao nguyên Đắc Lắc. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, đồng bào buôn Đôn nô nức mở hội đua voi, cồng chiêng, lễ ăn cơm mới… để ước mong có một vụ mùa tốt tươi.
Hội đua voi buôn Đôn
Hội đua voi được tổ chức tại một bãi đua có độ dài khoảng 400 – 500m, rộng chừng 30 con voi xếp hàng. Trước khi xuất phát, các chú voi xếp hàng quỳ phục làm động tác chào ban giám khảo và khán giả, sau đó vào vị trí. Hiệu lệnh xuất phát bắt đầu, các chú voi được người quản tượng thúc giục lao về phía trước trong tiếng chiêng trống, hò reo cổ vũ của khán giả. Chú voi nào về đích trước sẽ là chú voi chiến thắng, nó mừng rỡ phe phẩy đôi tai, mắt lim dim nhận những khúc mía, trái chuối từ khán giả “hâm mộ”.
Ngoài đua voi trên cạn, còn có cuộc thi voi bơi qua sông Sêrêpôk, voi kéo co, ném cồng…. Tham dự các cuộc đua voi, du khách cảm nhận được không khí sôi nổi, rộn rã cồng chiêng, những màn đua voi hoành tráng, ngoạn mục. Hội đua voi là sự kiện lớn của đồng bào Tây Nguyên, thể hiện tinh thần thượng võ, truyền thống thuần dưỡng voi rừng.
Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên
Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Trong lễ hội, các nghệ nhân sẽ biểu diễn những điệu múa, những tích truyện cổ như trường ca Đam San, sử thi của người Ê đê, M’Nông… nhằm kêu gọi cộng đồng chung sức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Người dân Tây Nguyên quan niệm, gõ lên tiếng cồng chiêng để con người thông linh với thần, giao hòa với trời đất. Chính vì vậy, đây là một trong những lễ hội quan trọng với người dân Tây Nguyên.
Tham khảo kinh nghiệm đi Tây Nguyên
Phương tiện di chuyển
Ô tô: Nếu đi từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe đi Tây Nguyên từ Giáp Bát hoặc Mỹ Đình với giá khoảng 700.000đ – 800.000đ/người/lượt. Đi từ Sài Gòn, du khách đi từ bến xe Miền Đông, khoảng 200.000đ – 300.000đ/vé.
Máy bay: Giá 1 chiều Hà Nội – Pleiku khoảng 1tr8 – 2 tr5, bay từ Tp.HCM và Đà Nẵng rẻ hơn, hiện chuyến Đà Nẵng – Pleiku có khuyến mại chỉ khoảng 800k/chiều. Sân bay Pleiku cách trung tâm thành phố khoảng 4km, bạn rất dễ dàng bắt taxi hay xe ôm vào trung tâm.
Lưu trú
Khách sạn, nhà nghỉ ở Tây Nguyên rất nhiều. Vì không phải là địa điểm du lịch nổi tiếng nên giá cả cũng dễ chịu hơn nhiều. Có khá nhiều khách sạn giá rẻ, chỉ khoảng 200k – 400k/phòng. Ngoài ra, dịch vụ homestay mang đến cho bạn nhiều lựa chọn.