Nhu cầu mua sắm ô tô ngày càng về cuối năm càng tăng cao, xe ô tô mới bị tác động bởi nhiều yếu tố từ giá ban, đến thuế, phí, nên cơ hội sở hữu một chiếc xe mới có phần khó khăn hơn, do đó, xe cũ (xe đã qua sử dụng) trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu, và cũng từ đó việc nhận biết xe ô tô cũ đã từng bị tai nạn, va chạm, thuỷ kích hay chưa là chuyện không đơn giản.
Với nhiều lý do khác nhau, đông đảo khách hàng vẫn tìm mua những chiếc xe cũ (xe đã qua sử dụng) sẽ giúp tiết kiệm được một khoản chi trả khá lớn, kèm theo đó các loại phí đóng cho xe cũ cũng ít hơn xe mới. Đặc biệt, mua xe ô tô cũ người mua có thể nâng tầm phân khúc cao hơn, đồng nghĩa với việc có được trải nghiệm tuyệt vời hơn do những tiện ích và công nghệ vượt trội xe phân khúc cao mang lại.
Hiện nay, nhiều thợ tay nghề cao có khả năng “phù phép” những chiếc xe gặp tai nạn trở nên mới “không tì vết”. Nếu khách hàng không đủ tinh sẽ dễ mua phải những chiếc xe trên, sau một thời gian sử dụng mới nhận ra thì đã quá muộn.
Giữa ma trận xe cũ vô cùng phức tạp như hiện nay, việc tránh những chiếc xe đã từng hư hỏng nặng, đâm đụng,.. là điều không hề dễ dàng ngay cả với người dày dạn “trận mạc”. Tuy nhiên, theo một số lão làng chuyên kinh doanh xe cũ gần 10 năm thì việc nhận biết xe ô tô cũ đã từng bị tai nạn, va chạm hay chưa không quá phức tạp, bạn hoàn toàn có thể nhận biết qua quan sát bằng mắt thường.
Nhận biết xe ô tô bị tai nạn
Nắm rõ cách nhận biết xe ô tô bị tai nạn sẽ giúp người mua có thể ước lượng được giá trị thực tế thị trường của chiếc ô tô cũ định mua và dự đoán trước được những trục trặc sẽ xảy ra trong tương lai, cũng như tránh mua phải xe đã bị tai nạn nặng. Bạn chỉ cần làm theo các bước là đã có thể tự mình phân biệt được xe đã từng đâm đụng hay chưa, và nếu phát hiện chiếc xe có biểu hiện đâm đụng, chúng ta có thể bỏ qua chiếc xe ngay từ bước này để khỏi mất thời gian.
Kiểm tra khung gầm
Gầm xe ô tô cũng là một bộ phận cần thiết khi chúng ta muốn kiểm tra tổng thể chiếc xe đó. Thông qua việc quan sát gầm xe có thể giúp phán đoán được phần nào về ô tô bạn đang gặp phải. Khung gầm càng ít gỉ sét thì càng tốt, nếu phát hiện các hư hỏng ở khung gẩm tức chiếc xe đã bị đụng, ngập nước,.. Kiểm tra khung gầm có thể được chia làm 3 phần như sau:
- Các chi tiết khung gầm động cơ: xương giằng trước, đầu sắt xi, xương tai và bát bèo trái/phải, thanh đỡ gầm.
- Khoang người lái, các trụ A/B/C/D và viền xung quanh, sàn xe, các hốc bánh xe.
- Khoang lốp sơ cua.
Ta kiểm tra các phần trên với nguyên tắc:
- Chú ý các mối hàn điểm còn hay đã bị sơn phủ.
- Keo chống gỉ giữa các điểm nối có còn tốt không.
- Có các điểm han gỉ, méo mó, có đấu hiệu tác động do sữa chữa không, có tự nhiên không.
- Để ý xung quanh xe, các góc trong xe cũng như dưới gầm xe, nếu phát hiện nhiều chỗ gỉ sét nặng thì có nghĩa chiếc xe đã bị ngập nước
Kiểm tra máy khi xe chưa nổ máy
Quan sát ốc động cơ – hộp số: những mẫu xe bị ngập nước, hoặc xe bị đại tu, khi sửa chữa thì máy, hộp số sẽ được tháo dỡ hoàn toàn. Do đó, toàn bộ ốc máy sẽ không còn nguyên bản và có dấu vết trầy xước. Quan sát các vị trí ốc quan trọng như ốc máy, ốc cổ xả, ốc đáy các te, đáy hộp số.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra các vị trí dầu trong máy. Nếu máy bị rỉ dầu, chứng tỏ máy có vấn đề. Kiểm tra ở nắp dầu máy, nếu có cặn, chứng tỏ xe không được bảo dưỡng tốt, gây hại cho động cơ.
Nơi tiếp xúc giữa các bộ phận của động cơ sẽ biển hiện rõ ràng nhất việc động cơ đã từng phải trải qua làm hơi hoặc đại tu hay chưa, bởi để các bộ phận này “khít như mới” với nhau cần sử dụng thêm keo silicon để làm kín hoàn toàn khe hở. Tại các nhà máy lắp ráp, thao tác này được thực hiện bởi các robot hiện đại với mức độ chính xác cực kì cao, đảm bảo cả yếu tố kỹ thuật lẫn thẩm mỹ thì với những thợ máy việc bôi keo thủ công thường sẽ để lại những dấu tích khá xấu, dễ dàng quan sát và nhận biết.
Bu-lông cố định động cơ vào khung xe hoặc bu-lông nắp máy có bị tháo hay chưa (có vết xước hoặc sáng bóng vì đã được làm vệ sinh trong quá trình đại tu), bu-lông bắt giữa thân máy và cổ đường ống nạp/xả hoặc đường ống nhiên liệu có nguyên vẹn hay không; các jack cắm của hệ thống điện, các jack kim phun hoặc bugi, các ống cao su có thể trông khá sạch sẽ và dính những vệt dầu nhớt do được vệ sinh trong quá trình sửa chữa…
Kiểm tra vết nứt trên cản trước và cản sau
Kiểm tra kỹ cả đầu và đuôi xe để xem có vết nứt hay các vết bả matit hay chưa. Trong những vụ va chạm, cản trước và cản sau là hai bộ phận dễ bị vỡ nhất vì chúng thường được làm bằng vật liệu nhẹ hoặc nhựa tổng hợp. Những vết nứt hoặc dấu hiệu sửa chữa cản trước và cản sau sẽ tự “tố cáo” cho người dùng biết được là chiếc xe từng được tân trang sau tai nạn hay chưa.
Quan sát bề mặt nước sơn
Nước sơn nguyên bản của ô tô là sơn tĩnh điện. mỗi xe đều có mã màu – color code. Nếu quan sát ngoài trời hoặc dưới ánh đèn huỳnh quang, nhìn 1 góc 30 – 45 độ, từ từ di chuyển sẽ thấy bề mặt sơn lượn sóng, không có bụi sơn hoặc sơn bị chảy.
Phát hiện xe đổi màu sơn: mỗi xe đều có mã màu – color code đi mặc định cùng xe và số vin. Hãy quan sát mã màu trên tem xe được dán ở khoang động cơ, tra cứu trên mạng để biết có khớp với tình trạng xe hiện tại hay không.
Kiểm tra bề mặt sơn bên trong
Do không phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường bên ngoài nên bề mặt sơn bên trong (cánh cửa, capo, cốp sau) rất ít khi phải sơn. Nếu bề mặt sơn bị nứt, bong tróc, han gỉ chứng tỏ đã bị va chạm.
Kiểm tra keo chỉ
Keo chỉ (sùng chỉ) là 1 loại keo dùng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, dùng để che lên các mép cánh cửa và nắp capô nhằm tránh gỉ và tạo thẩm mỹ. Trong quá trình sử dụng, nếu ô tô va chạm gây móp méo hoặc tai nạn cần sử dụng đến gò hoặc hàn những chỗ này, keo chỉ này sẽ bị nứt vỡ. Như vậy đây sẽ là 1 điểm để nhận biết giữa xe va chạm và xe nguyên bản. Nhiều gara sau khi phục hồi xong cánh cửa hoặc nắp ca pô sẽ chạy lại đường chỉ này. Keo xịn sẽ có độ cứng nhất định và chạy đồng nhất.
Kiểm tra kính chắn gió
Thông thường, kính chắn gió sẽ rất khó hỏng, nứt vỡ nếu không có một lực mạnh tác động. Để nhận biết kính chắn gió đã bị thay hay chưa, bạn chỉ cần xem thông số của kính ở góc dưới bên trái. Ví dụ nếu xe sản xuất năm 2022, thì hàng cuối cùng sẽ có số 0. Nếu xe sản xuất năm 2022 sẽ là số 1, tương tự 2022 sẽ là số 2…
Kính được thay mới sẽ không có số “VIN” trùng với năm sản xuất, đồng thời sẽ phải đi lại keo chỉ và nếu không phải đồ chính hãng, kính mới nhìn sẽ có nét “dại” hơn. Ngoài ra, bạn hãy xem xét thật kỹ kính chắn gió, từ mặt trước đến mặt sau, nếu thấy vết nứt, mẻ thì cũng có thể chiếc xe đã từng bị tác động rất mạnh.
Miết tay lên thân xe
Miết lòng bàn tay lên thân xe và góc cản va cũng như chắn bùn. Chiếc xe từng bị tai nạn sẽ đi kèm những chỗ lồi lõm hoặc điểm không bằng phẳng. Đây là những chỗ đã được trám vào sau tai nạn.
Kiểm tra đường viền thân xe
Hãy ngồi xuống bên cạnh đầu hoặc đuôi xe và để mắt ngang tầm với đường viền trên thân. Đồng thời, quan sát kỹ đường viền chính chạy bên sườn xe. Đường viền phải thật thẳng và đồng đều trong khi lớp sơn bên ngoài hoàn toàn bình thường. Nếu đường viền có dấu hiệu không đều hay bị méo, điều này chứng tỏ phần ốp thân xe đã từng được thay thế hoặc đập lại.
Kiểm tra các vết kẹp
Những vết kẹp xung quanh khung xe cũng là minh chứng cho “lịch sử” tai nạn. Điều này chứng tỏ chiếc xe đã được sửa chữa lại bằng máy kéo và cân chỉnh khung. Nếu đúng như vậy, chiếc xe chắc chắn đã bị hư hỏng khá nặng sau tai nạn.
Kiểm tra ốp và khe cửa
Mép cửa, khe cửa là các vị trí ‘tố cáo’ rất rõ những xe từng bị va chạm, tai nạn, nhất là xe bị đâm đụng từ hai bên hông. Khe cửa, nhất là mép cửa là vị trí rất quan trọng và dễ bị hư tổn nếu xảy ra va đụng. Nếu xe chưa từng bị tai nạn, khe cửa sẽ thẳng và đồng đều từ trên xuống dưới. Trong khi đó, khe cửa trên những xe từng gặp tai nạn sẽ không đều vì bị xê dịch hay do ốp và cửa đã được thay mới.
Kiểm tra ốc bắt cánh cửa xe đã có vết vặn hay chưa? Nếu đã vặn toét ốc là dấu hiệu đã tháo ra để sơn lại hoặc gò…
Chắn bùn và cản va
Thường được sản xuất bằng nhựa tổng hợp nên khi va chạm xảy ra, chắn bùn và cản va là hai bộ phận dễ bị tổn hại nứt vỡ nhất. Bạn nên quan sát kỹ chắn bùn và cản va ở cả đầu và đuôi xe. Nếu thấy xuất hiện trầy xước nặng, vết nứt hay vết vá, chứng tỏ xe đã từng bị va chạm.
Ngoài ra nếu cản va và chắn bùn được thay mới hoặc sơn bả quá nhiều lớp thì đó có thể cũng là dấu hiệu cho thấy chiếc xe đã qua tân trang sau một vụ tai nạn hoặc ít nhất là chủ xe trước đã ‘hôn hít’ khá nhiều.
Mặt dưới nắp ca-pô
Sau khi chiếc xe bị va chạm mạnh ở phần phía trước, nếu như mặt trên năp ca-pô dễ dàng được xử lý, sơn sửa lại thì phần mặt dưới của nắp ca-pô chính là nơi ‘tố cáo’ tình trạng chiếc xe. Những xe chưa từng va đụng thì mép cạnh mặt dưới nắp ca-pô sẽ thẳng, đều, không có dấu vết móp lõm hay chắp vá. Mép cạnh hai bên phải tương xứng với nhau, khi đóng lại không bị vênh.
Các lỗ nhỏ trên xương của nắp ca-pô phải nguyên dạng, không bị méo. Nếu những lỗ tròn nhỏ này móp méo, biến dạng (thành hình elip hay cong vênh chẳng hạn), chắc chắn nắp ca-pô đã từng bị nắn lại.
Một yếu tố nhỏ khác bạn nhất định đừng bỏ qua đó là xem xét đường keo chỉ viền ở bên trong mép nắp capo. Nếu dùng tay ấn vào đường keo chỉ mà thấy có sự đàn hồi thì là keo chỉ ‘xịn’ chính hãng. Còn nếu dùng tay ấn, đường keo chỉ kém đàn hồi, có thể phát ra tiếng ‘tách’ kèm theo đó là vết thủng, đồng nghĩa đường keo chỉ đã bị chạy lại.
Cốp sau xe có vết nắn gò, đi keo chỉ
Nếu quan sát phần khoang máy, đầu trước, giúp bạn phát hiện xe có bị va chạm trực diện hay chưa thì quan sát phần cốp sau xe, đuôi xe sẽ giúp bạn biết được xe có bị sự cố đâm từ phía sau hay không.
Hãy mở cốp sau xe và quan sát từng chi tiết nhỏ, nhất là các góc cạnh, xem hai bên có đối xứng hay không, có vết gò hay vết tích từng va chạm không. Nếu có vết nắn, gò lại, đi lại keo chỉ thì gần như chắc chắn, chiếc xe đã bị va chạm mạnh từ phía sau.
Kiểm tra đèn
Hãy kiểm tra sự đồng đều giữa 2 bên đèn pha, đèn hậu. Nếu 1 bên mới, 1 bên cũ chứng tỏ đã có sự thay thế. Bên cạnh đó, quan sát chân đèn pha, chỉ cần va chạm nhỏ là chân đèn có thể bị gãy và phải hàn lại nhựa.
Kiểm tra số VIN của xe
Chi tiết không thể bỏ qua là số VIN của xe bởi đa phần các hãng xe đều chọn những vị trí dễ hỏng nhất khi xe va chạm như cửa, động cơ hay phần góc thân để ghi số VIN. Bạn nên xem xét các vị trí số VIN tại động cơ, khung xe, kính chắn gió phía trước hay cửa kính liệu có thống nhất, rõ ràng hay có dấu hiệu bất thường nào không.
Hãy lái thử xe
Bước cuối để chốt xe và nó cũng rất quan trọng không thể bỏ qua khi mua xe cũ đó là lái thử. Những vụ tai nạn thường xảy ra phần nhiều từ phía trước, nên khả năng tác động xấu đến khoang máy, động cơ, đặc biệt hệ thống lái là rất lớn. Nếu hệ thống bị ảnh hưởng, tay lái bị nhao sang phải hoặc trái thường do bệ xe ô tô bị lệch, áp suất các lốp xe không đều, do đặt không đúng vị trí góc vô lăng, do thoái hóa cao su ở tay lái hoặc do không đúng độ chụm bánh, lệch, cong hỏng thước lái,..
Khi lái xe thì tay lái có thể bị lệch, rung, nặng hơn hay nhẹ hơn bình thường. Ngoài ra, tiếng máy nổ, phản ứng chân phanh và chân ga cũng phản ánh được một phần về “sức khoẻ” của động cơ xe.
Có nên mua xe ô tô bị tai nạn không?
Đối với những người thạo xe, chỉ cần tìm được chiếc xe ưng ý thì những yếu tố khác, đôi khi cả nguồn gốc xuất xứ cũng được họ châm chước. Sẽ không thành vấn đề nếu đó chỉ là những sửa chữa nhỏ tại những vị trí không quan trọng như nắp ca pô, cửa xe… nhưng bạn cần tránh xa những chiếc xe tai nạn bị chảy dầu hoặc hư hỏng nặng phần động cơ, xe bị rỉ sét đã được sơn lại vì những vết rỉ sét sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại trong quá trình sử dụng.
Nếu tai nạn nhẹ chỉ bị móp méo vỏ ngoài hoặc bung túi khí, phần máy không bị nặng thì hoàn toàn có thể phục hồi được. Trước khi quyết định mua, bạn nên nhờ các salon uy tín tư vấn xem giá cả và chất lượng sau khi sửa chữa sẽ như thế nào.
Nói chung, giữa người chủ và chiếc xe cần có một sự tương tác nhất định đủ để bạn hiểu và điều khiển xe dễ dàng. Với những chiếc xe mà bạn cảm thấy bất an, lo lắng khi ngồi sau vô lăng thì tốt nhất đừng nên mua, bởi vì trong quá trình lái xe rất cần sự thoải mái về tinh thần và sự tập trung cao độ để có được những chuyến đi an toàn.
Bên cạnh những lo lắng về độ an toàn, khả năng vận hành và giá trị thực của xe thì một số người cho rằng không nên mua xe tai nạn với một số lý do
– Thứ nhất, có nhiều loại tai nạn xe hơi với các mức nặng nhẹ khác nhau, trong đó nặng nhất là xe bị đâm hỏng phần đầu. Bởi vì thông số kỹ thuật của những chiếc xe ấy đã bị sai lệch, hệ thống lái bị tác động, động cơ không còn nguyên vẹn nữa, cho dù đã được sửa chữa thì vẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của những người ngồi trên xe.
– Thứ hai, những phần bị hỏng hóc của chiếc xe tai nạn thường được các gara thay bằng trang thiết bị, vật liệu rẻ tiền chứ không phải phụ tùng chính hãng nên rất hay gặp trục trặc về sau. Những loại xe này khi mới mua về vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên qua một thời gian sử dụng, dù có được “tút” lại kỹ đến đâu thì xe cũng sẽ nhanh xuống máy và tốn nhiên liệu.
– Thứ ba, dù bạn có gặng hỏi đến mấy thì cũng chẳng có người bán nào chịu nói thật với bạn về nguồn gốc của chiếc xe. Cho nên, sẽ vô cùng ấm ức nếu mua về chưa được bao lâu thì đã phải mang xe đi sửa, lúc đó bạn mới vỡ lẽ ra rằng chiếc xe của mình đã từng bị tai nạn giao thông. Đôi khi, chi phí tu sửa còn đắt hơn cả tiền mua ban đầu bởi vì chúng rất hay bị hỏng vặt.
– Thứ tư, đa phần những người kiêng kỵ mua xe tai nạn đều cho rằng, chiếc xe đã không mang lại may mắn cho người chủ trước thì cũng sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho “người đến sau”.
– Cuối cùng, bạn không nên mua loại xe đó bởi vì nếu bạn không ưng ý nữa thì cũng khó mà bán lại.
Tóm lại
Để nhận biết xe ô tô cũ đã từng bị tai nạn hay chưa cần phải tổng hợp hàng loạt các biện pháp từ quan sát bằng mắt, sờ miết bằng tay, nghe tiếng máy, trải nghiệm lái… Nếu gặp khó khăn trong vấn đề này, bạn có thể nhờ đến các thợ, các chuyên gia kiểm định để hỗ trợ đánh giá.
Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm thì rất khó phân biệt xe đã được làm lại hay chưa. Vì thế, trước khi chọn một chiếc xe cũ, bạn cần tìm hiểu các loại giấy tờ xe như: giấy đăng ký, sổ đăng kiểm, sổ bảo hiểm, kiểm tra số VIN,.. tham khảo từ những người có kinh nghiệm và các diễn xe cộ uy tín nếu không muốn bị mua nhầm xe tai nạn. Hiện nay, một số salon, gara danh tiếng có thêm loại hình dịch vụ kiểm định, định giá xe với chi phí khá rẻ, giúp cho khách hàng tìm hiểu chất lượng và lịch sử của chiếc xe.
Và việc có nên mua một chiếc ô tô cũ từng bị tai nạn hay không, cuối cùng vẫn là do bạn quyết định.