Lái xe đường dài là một trong những trải nghiệm khá thú vị với hầu hết mọi người. Đối với những tài xế mới, lái xe ô tô đường dài quả thực không hề dễ dàng. Chính vì vậy, không khó hiểu khi các tài mới, non kinh nghiệm lái xe lại e dè và lo lắng khi tự mình điều khiển phương tiện đi một lộ trình dài.
- Kinh nghiệm lái xe an toàn ban đêm cho tài mới
- Kinh nghiệm lái xe đường sương mù cho tài mới
- Hướng dẫn sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng sương mù trên xe ô tô
Kinh nghiệm lái xe đường dài là một cẩm nang bỏ túi không thể thiếu của mọi bác tài khi làm chủ hành trình hàng trăm hoặc hàng nghìn cây số mà an toàn luôn là tiêu chí hàng đầu. Bởi việc lái xe trong điều kiện địa hình không thông thuộc, thay đổi địa lý, văn hóa địa phương cùng cảnh vật hai bên đường trên các cung đường mới lạ sẽ không tránh khỏi những áp lực căng thẳng và mệt mỏi.
Đa số những tài xế mới đi xa lần đầu thường thiếu kinh nghiệm lái xe đường dài và hầu hết không thể xử lý linh hoạt những vấn đề dễ gặp như: làm sao để nhập làn cho an toàn, làm sao để quay đầu xe an toàn hay xử lý như thế nào khi xe ngược chiều lấn làn,…
Chưa kể đến yếu tố thời tiết như mưa bão, sương mù hay tắc đường, thậm chí là lạc đường… bất ngờ xảy ra sẽ càng khiến các bác tài mới lúng túng không biết phải xử trí như thế nào.
Danh mục bài viết
Kinh nghiệm lái xe đường dài cho tài mới
Việc lái xe ô tô đường dài, lái xe ô tô đường đèo, vượt núi luôn là nỗi ám ảnh cho các lái xe non kinh nghiệm. Vậy làm thế nào mới có thể làm chủ tốc độ, cầm lái an toàn, luôn đảm bảo hành trình đặt ra?
Vấn đề ý thức an toàn giao thông
Vấn đề ý thức an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Các kiến thức quan trọng cần phổ cập trước khi lái xe đường dài trong thời gian dài bao gồm luật giao thông, quy định về tốc độ, làn đường trên các loại đường xa lộ, cao tốc và đai an toàn.
Rất nhiều người chọn bỏ qua điều này do chủ quan về kiến thức của bản thân, từ đó gây bị động trong lúc lái xe hoặc gây ra các tai nạn giao thông không đáng có.
Văn hóa khi lái xe đường dài
Bao gồm việc vượt xe, nhường xe, rẽ cua và giữ khoảng cách an toàn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, người lái phải luôn thận và chịu trách nhiệm với hành vi lái xe của mình trên đường.
Trước khi quyết định vượt, nhường một xe 4 bánh khác, bạn cần cân nhắc kĩ lưỡng và chú ý kính chiếu hậu trước khi nhấn hoặc nhả ga. Bất kì trường hợp gây bất ngờ đều có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, ra hiệu vượt, nhường bằng đèn xi nhan trước, sau đó 3 giây mới nhấn, nhả ga.
Tương tự với rẽ cua, người cầm lái phải luôn đề phòng va chạm tai nạn bằng cách nhìn gương chiếu hậu và giảm tốc độ, đặc biệt trên các cung đường yêu cầu tốc độ cao như cao tốc.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đi đường dài, tốt hơn hết chúng ta nên có hoặc thuê tài xế riêng để chuyến đi được trọn vẹn và an toàn hơn.
Những kinh nghiệm quan trọng bạn cần nhớ
Để đi đến nơi về đến đích, chúng ta cần phải trang bị cho mình những kinh nghiệm, những kiến thức hữu ích để phòng tránh những rủi ro khi cầm vô lăng, nhất là các tài mới lái xe cần nên biết để trang bị những kỹ năng và trở thành một tay lái tốt.
Lái xe theo kiểu phòng thủ (defensive driving)
Người chạy xe máy có thể bất chợt quay đầu. Xe tải mình đang vượt có thể bất thần lấn trái để né một ai đó. Người đi bộ có thể bất chợt nhảy ra từ phía con lươn thiếu quan sát. Một xe ô tô đâm sầm từ đường nhánh đi ra. Một chiếc xe máy không đèn lao xéo trên đường trong đêm…
Trong những trường hợp trên, nếu ta chủ động phòng tránh thì dù lỗi là ở người khác, thì tai nạn vẫn không xảy ra. Chủ động phòng tránh tức là chạy chậm lại khi thấy có khả năng bất trắc, hoặc chạy cách xa ra và không len vào những vị trí quá chật khiến cho mình không thể né tránh khi việc bất ngờ xảy ra. Hoặc cố kiên nhẫn giữ khoảng cách với xe trước để lỡ họ thắng gấp vì con chó băng ngang đường ta không tông vào đuôi xe họ.
Nhiều bác tài có tâm lý tôi đi đúng luật đúng tốc độ. Những người sai thì phải được dạy cho bài học. Tâm lý đó hoàn toàn không hợp lý khi mà ý thức giao thông kém của người khác và bạn không thể trông chờ ở sự tuân thủ luật của những người xung quanh. Tốt nhất ta cứ nhường nhịn, phòng tránh vì an toàn của ta và của họ vì nếu họ bị nạn ta cũng vạ lây dù ta đúng hay sai.
Vậy lái xe theo kiểu phòng thủ đơn giản chỉ là làm sao để khi những người xung quanh mình làm điều gì đó bất ngờ thì mình đã chuẩn bị sẵn để tránh né và ngăn ngừa được tai nạn xảy ra.
Vượt và để người khác vượt
Khi vượt một xe ô tô khác, các bạn nhớ liếc nhanh kính chiếu hậu để biết xem có xe nào phía sau mình cũng đang cố vượt mình hay không. Nếu bạn đánh lái qua trái mà gặp xe khác đang vượt ẩu thì rất nguy hiểm, có thể sẽ xảy ra tai nạn đấy.
Có một điều cần nhớ là bạn bật xi nhan, đếm 1 – 2 – 3 rồi mới vượt. Đừng bao giờ bật xi nhan một phát xong vượt ngay, lúc này xe phía sau trở tay không kịp. Còn bẻ lái vượt rồi mới xi nhan thì … không còn từ nào diễn tả cho hành động kém ý thức và gây mất an toàn giao thông cho mình và cả những người xung quanh này.
Trước khi vượt, ban ngày thì bấm kèn 1 hoặc 2 cái. Ban đêm thì nhá đèn passing 2 cái, các xe ô tô tải, xe khách,.. hay né ổ gà, né xe máy và cứ thế là sẽ ép qua trái, nhỡ khi bạn đang vượt mà xe trước không biết, họ lấn trái thì mình né dúi dụi có khi còn không kịp. Giữa An toàn và lịch sự thì an toàn quan trọng hơn các bạn nhé.
Khi có xe khác muốn vượt mình, một số tài xế kém ý thức (trẻ trâu) không tạo điều kiện cho xe khác vượt. Có thể vì sợ nếu họ vượt xong sẽ chạy chậm trước mặt cháng đường cháng lối của mình, hoặc cảm thấy khó chịu khi bị vượt hay đơn giản là không quan tâm. Không nên các bạn ạ, hãy thể hiện văn hoá giao thông và mình có thể lịch sự. Khi xe sau muốn vượt, các bạn hãy xi nhan phải và không đạp chân ga nữa hoặc nhấp thắng nhẹ. Nếu bên phải không có chướng ngại vật thì lách nhẹ qua phải tí để nhường cho người ta vượt.
Đừng ép trái hay tăng ga khi người khác muốn vượt. Như vậy là ép người ta vào chỗ chết, gây mất an toàn và có thể nói ở một mức độ nào đó, sự vô văn hoá trong giao thông.
Tránh xe ngược chiều lấn trái để vượt và đối đầu với xe mình
Các xe làm điều xấu hổ, thiếu ý thức và kém văn hóa này là chuyện các bạn có thể gặp khá thường xuyên, các bạn có thể chửi, có thể nguyền rủa, nhưng khi những chuyện đó xảy ra thì các bạn cần tạo điều kiện cho họ vượt an toàn nhất có thể, tất cả vì chúng ta, vì những người khác trên xe mình cũng như trên xe đối diện, đừng như họ, hãy lái xe bằng cái đầu.
Điều các bạn cần làm là xi nhan phải, liếc nhanh vào kiếng hậu và quay sang phải xem hông xe bên phải của mình có ai không. Nếu không có ai, lập tức tấp lề phải và dừng lại nếu cần để tránh. Nếu có người bên phải, thắng lại để người đó vượt qua rồi tấp lề phải.
Ngoài ra không làm gì khác. Nhớ nhé. Xi nhan phải, nhìn phải và tấp phải hoặc thắng lại là những điều duy nhất các bạn nên làm.
Tăng tốc và giảm tốc
Khi nào thì tăng tốc? Tăng tốc khi các bạn thấy trước mặt vắng người ít dân cư. Bên trái các bạn không có con lươn hoặc có nhưng có thể nhìn rõ có là không có bóng người nào ở gần con lươn. Bên phải các bạn lề đường tầm nhìn thoáng không bị cây cối nhà cửa che khuất, tầm nhìn thoáng thì cảm giác lái tốt, lúc này là lúc để tăng tốc và chạy tốc độ tối đa cho phép.
Khi nào thì giảm tốc đi chậm lại? Khi nào thấy khu vực xung quanh đông dân, khi thấy có cái biển báo đường giao nhau hay có đường nhánh cắt ngang, và thậm chí không cần phải có bảng báo hiệu khu đông dân cư, các bạn vẫn cần đi chậm lại.
Khu đông dân cư rắc rối lắm, xe máy bẻ lái tứ tung, người dân băng qua đường, con chó phóng qua hay em bé bất ngờ từ đâu lao ra đường lượm trái banh… Đừng cứ lý luận đây không phải khu đông dân cư vì không có biển báo, tông phải ai đó rồi thì sự phiền phức và trả giá sẽ lớn hơn nhiều so việc giảm tốc độ đi chậm lại.
Khi thấy có cái bảng vẽ hình có đường cắt ngang (biển báo đường giao nhau). Lúc này bạn nên bỏ chân ga và rà thắng, đừng sợ tốn nhiên liệu vì rà thắng, đụng phải ai đó sẽ tốn nhiều hơn rất nhiều. Có thể các bạn thắng cả ngàn lần khi gặp những biển báo đường giao nhau mà thấy vẫn chả ai băng ngang, các bạn sẽ ỷ lại rồi các bạn chẳng rà thắng nữa. Nhưng nghĩ kỹ đi, chỉ cần 1 trong cả ngàn lần đó có 1 ai đó phóng xe băng ngang đường thôi thì… tình huống không thể cứu vãn. Nên, đừng coi thường những cái bảng báo đường nhỏ cắt ngang.
Đường quốc lộ lớn mà thấy bảng báo đường cắt ngang còn có thể bình thản, chứ các đường tỉnh lộ vắng vẻ thì nhất thiết phải chậm lại. Người dân ở những nơi vắng vẻ sẽ băng ngang đường không nhìn đâu, họ chủ quan, nhưng chúng ta cùng trả giá.
Còn có một trường hợp khác nữa khá đặc biệt mà ta cũng cần giảm tốc, là khi đường hẹp và có một xe khách cùng chiều đang đậu bên lề để đón, trả khách hay xe đó bị hỏng. Chiếc xe khách to lớn sẽ che khuất tầm nhìn và đôi khi có một ai đó muốn băng qua đường từ phía đầu xe khách, các bạn cần đi chậm lại và lấn trái một chút để né xa cái xe khách đó ra nếu các bạn không giảm ga, rà thắng thì có thể sẽ là một vụ tai nạn sẽ xảy ra.
Vượt xe máy đang chạy cùng chiều
Nếu đường rộng các bạn nghĩ là xe máy bên phải có khả năng lấn trái, và xe mình lấn sang trái một tí… Thì mình vẫn ok thì bạn cứ nhấn ga tới. Nhưng trước khi lấn tới phải bóp còi 2 cái từ xa. Không bóp còi khi đã tiến sát xe máy khiến người ta giật mình và khả năng một số thành phần trẻ trâu có thể tặng các bạn cục đá nếu nó bực mình. Nếu đi ban đêm thì thay vì bóp còi các bạn nhá đèn.
Nếu vượt xe máy cùng chiều và có xe ô tô di chuyển ở hướng ngược lại, tức là các bạn sẽ bị ép cả 2 bên trái phải thì… Nếu đường hơi hẹp thì phòng thủ cho chắc. Rà thắng chậm lại đợi cho xe ngược chiều lướt qua đã rồi hẵng vượt xe máy. Khi vượt thì lấn trái một chút, để nếu xe máy tránh ổ gà hay bất thần té ra đường thì vẫn không va phải.
Chỗ quay đầu xe và nơi có dải phân cách đứt quảng
Khi di chuyển trên quốc lộ có dải phân cách ở giữa, lâu lâu con lươn đứt đoạn, khúc đứt này có nhiều khả năng nguy hiểm xảy ra. Hoặc người từ phía con lươn băng phải hoặc người chiều đối diện quay đầu hoặc xe máy cùng chiều băng trái ra giữa đường.
Tình huống nào cũng rất nguy hiểm. Vì vậy nếu thấy đông người và phương tiện giao thông tại đây thì các bạn cứ cẩn thận một chút, nhả ga và để hờ chân ở bàn đạp thắng để đi qua khỏi khúc đó. Nếu không có ai cả bên trái lẫn bên phải thì chỉ cần thả chân ga ra, liếc kiếng hậu rồi lấn phải đôi chút. Vì đôi khi có những người ở phía sau con lươn âm thầm bước ra mà mình không nhìn thấy
Dải phân cách cao và che tầm nhìn
Dải phân cách ở đây là nguyên một hàng cây rậm rạp, một con lươn rất cao chẳng thấy gì bên kia hoặc con lươn thấp nhưng đó là một đêm trời tối và không đèn đường
Đây là một trong những tình huống nguy hiểm, bạn chạy tránh xa nó ra, hay chạy ra hẳn lane giữa cách xa nó. Người Việt mình thích tự sát bằng cách băng ngang, trèo qua con lươn,.. đừng để họ biến mình thành đao phủ.
Có một dạng chơi ngông khác là chạy ngược chiều sát con lươn đối đầu với mình, và ngông hơn nữa là chạy như thế trong đêm mà không bật đèn (hoặc không có đèn). Đừng làm điều dại dột, đừng bốc đồng hay chơi ngông lại với họ, người khác sẽ nghĩ bạn là trẻ con khi chạy sát tới đến khi suýt đối đầu mới lách phải, với những người chạy xe kiểu tự xác này, bạn cứ né từ xa an toàn là trước tiên.
Vào cua khi trên đèo
Đường đèo thường rất hẹp và cua rất gắt. Nhưng một số tài xế vì không nắm rõ quy tắc an toàn hoặc cũng vì chạy ẩu, chạy quá nhanh ở những khúc cua gắt dẫn đến cảm giác nguy hiểm khi bẻ lái, để giảm cảm giác nguy hiểm này, họ lấn sang bên làn đường đối diện để vòng cua ít gắt hơn, điều này thường gặp khi họ cua trái. Xe máy thì còn tệ hơn xe ô tô, một số người còn chạy hoàn toàn sang làn đường đối diện.
Vì vậy để đảm bảo an toàn khi đối mặt với những tài xế như vậy, các bạn cần phải bóp còi trước khi vào cua. Tầm nhìn càng hạn chế càng phải bóp còi. Hy vọng họ sẽ nghe và giữ đúng làn của mình.
Và một diều hiển nhiên là các bạn phải đi đúng phần đường của mình, giữ đúng phần đường của mình và không lấn trái. Nếu tốc độ cao khiến cua gắt, mà đường thì hẹp, cảm giác nguy hiểm thì rà thắng để chậm lại, nhất thiết không được lấn sang làn đối diện, không được cán lên vạch giữa. Không có gì hay ho trong việc phóng nhanh tới khúc cua rồi lấn qua phần đường đối diện để bẻ lái, đó không phải là kỹ năng lái giỏi, dũng cảm, đó chỉ là sự thích thể hiện và liều mạng.
Chạy đường trời mưa hay đường ướt
Đường trời mưa thì phải giảm tốc, ít nhất 10km/h ít hơn so với tốc độ tối đa. Vì nếu không giảm tốc, khi gặp sự cố bất ngờ, cần đánh lái tránh hay thắng gấp, xe chạy quá nhanh sẽ trượt nước. Một khi trượt nước rồi xe sẽ không điều khiển được nữa, chiếc xe sẽ lướt đi đâu nó lướt, lúc đó thì các bạn xác định là…
Bên cạnh đó thời tiết xấu làm tầm nhìn lái xe giảm, dễ gây tai nạn vượt ẩu hoặc người nào đó vội sang đường. Các con số tối đa gợi ý khi chạy xe trên tỉnh lộ là 50km/h, quốc lộ là 60km/h, và cao tốc là 80km/h.
Chạy xe ban đêm
Ban đêm, các bạn cần giảm tốc độ tối đa tương tự trời mưa đường ướt. Đơn giản là vì tầm nhìn kém, người dân đi xe máy ngoài đường quê, đường tỉnh lộ hay bị hư đèn hậu hay đèn trước. Họ trở thành những bóng ma bất ngờ xuất hiện. Và nguy hiểm gấp bội khi các xe đối diện vô ý thức sử dụng đền pha và chúng ta bị chói loà không thể thấy gì, và khả năng chúng ta tông phải xe khác cùng chiều là rất lớn.
Vì thế ta cần giảm tốc khi đi ban đêm. Đặc biệt là khi chạng vạng tối càng cần cẩn thận hơn nữa vì lúc đó mắt ta nhìn không rõ mà đường tan tầm lại đông người.
Nếu bạn bị pha đèn vào mặt, các bạn cứ giảm ga, đạp thắng chạy chậm lại. Không cần trả thù, không cần pha lại vì pha lại cũng chẳng giúp các bạn thấy rõ hơn bao nhiêu. Các bạn không thể thay đổi được sự bất lịch sự và vô ý thức của hàng trăm ngàn tài xế cả nước đâu.
Nhưng các bạn có thể thay đổi chính mình làm người lịch sự. không có xe ô tô đối diện thì pha, có xe đối diện thì hạ đèn xuống cốt. Ngay cả đối với đường có lươn giữa cũng thế, xuống cốt khi có xe đối diện, trừ khi con lươn quá cao che hết ánh sáng ngược chiều thì pha vẫn ok.
Đối với xe máy lấn đường ngược chiều và chạy sát con lươn thì cũng chỉ nhá đèn 1 cái và chỉ 1 thôi rồi lách tránh họ. Tránh voi chả xấu mặt nào, mà đây là voi điên ban đêm càng nên tránh hơn.
Tấp xe vào lề phải an toàn
Đây là tình huống kinh điển xảy ra va quẹt, tai nạn, khi chạy nhanh để rồi khi phát hiện quán nước, quán ăn,.. phù hợp và thắng cái két nhanh chóng tấp vào lề, lúc này xe phí sau bên phải các bạn không nghĩ vậy, họ nghĩ các bác sẽ tiếp tục đi thẳng, tại nạn có thể xảy ra và sẽ còn trầm trọng hơn khi đó là đường lộ xe chạy tốc độ cao.
Và cũng có thể trong lúc vộ vã tấp xe vào lề cán phải cái ống cống nhọn, mấy cọc sắt, hay chân trụ điện mới cắt chưa tháo dỡ hết,… thì tiêu cái bánh xe.
Nếu các bạn đang chạy nhanh phát hiện ra thứ gì đó cần tấp vào thì cứ từ từ chậm lại rồi tấp vào, chấp nhận chạy qua khỏi đó một chút cũng chả sao, tấp xe vào lề phải an toàn với người lái và người ngồi trên xe, rồi sau đó tùy theo vị trí có thể đi bộ lại đôi chút, hay lùi xe lại, nhưng nhất thiết phải đảm bảo an toàn tuyệt đôi.
Một chuyện nữa là lùi xe từ quán lùi ra đường. Nếu không có bảo vệ thì các bạn cần lùi 1 tấc rồi thắng lại, rồi lùi thêm 1 tấc rồi thắng lại. Nếu bạn lùi nửa mét, hay một hơi dài mới thắng lại thì đã có xe khác đang chạy trên đường ôm chầm lấy cái đuôi xe bạn rồi.
Rồi từ lề xi nhan trái bắt đầu chạy. Các bạn cần xi nhan trước rồi lấy trái thật là chậm. Nhiều người không phản ứng kịp nếu các bác lách ra gấp đâu, kết quả có thể là một va quẹt hoặc cũng có thể là một vụ tai nạn nghiêm trong nếu đó là một con đường đông xe đang di chuyển
Giữ khoảng cách an toàn
Nếu bạn giữ đúng khoảng cách an toàn với xe trước, sẽ sớm có kẻ điền vào chỗ trống ngay thôi. Những hạng tài xế không hiểu quy tắc an toàn đó ở đâu cũng có, không cần phải bức xúc làm gì.
Trong thành phố tốc độ chậm thì bám đuôi nhau còn chấp nhận được. Chứ đường lộ hay cao tốc mà bám đuôi nhau lỡ xe trước gặp chướng ngại vật nó lách qua thì mình không phản ứng kịp chỉ có thể tông trực diện vào chướng ngại vật, hoặc nếu xe trước thắng quá gấp thì việc tông thăng vào đuôi xe trước là khó tránh khỏi, thâm chí bạn còn không kiệp phản ứng gì.
Bám đuôi là một hành động vô trách nhiệm và ẩu. Đừng xếp mình chung với thể loại tài xế này, tốc độ càng cao, càng phải giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước.
Những sai lầm cần nên tránh đối với các tay lái mới
- Bám đuôi trong cơn mưa: là điều không nên làm với một lái xe trên đường cao tốc, sẽ dễ dàng đâm đuôi xe trước nếu có sự cố bất ngờ phải phanh gấp.
- Đổi làn tùy hứng không quan sát: Việc tùy tiện chuyển làn đường có thể khiến lái xe gặp phải những tai nạn không đáng có. Chỉ chuyển làn ở nơi có vạch kẻ đường cho phép chuyển làn và quan sát các xe di chuyển trước sau, không đi vào điểm mù của xe trước và tạo không gian rộng nhất để quan sát xe đi sau.
- Đi song song với xe tải trọng lớn: điều tối kỵ nếu không ở trong tình thế bắt buộc
- Sử dụng đèn pha cost không đúng cách: Để ở pha khi khoảng cách lớn, chuyển về cốt, nháy đèn nếu gặp xe ngược chiều…
- Vượt qua rồi giảm tốc, không giữ khoảng cách: điều này hay sảy ra với các tay lái mới, ít nhất tài xế cần duy trì tốc độ bằng với xe đã vượt để đảm bảo khoảng cách an toàn.
- Đột ngột dừng nghỉ trên đường cao tốc: Tuyệt đối không đột ngột tạt đầu loạt xe ở làn sát lề đường để đến nơi dừng chân.
- Đan làn, tạt đầu như xe máy, xe thô sơ: đây không những vi phạm luật giao thông mà còn gây nguy hiểm cho các phương tiện xung quanh.
- Ra vào làn đường không quan sát: Lái xe cần bình tĩnh quan sát trước sau, bật tín hiệu xin nhập làn đến khi các xe đi tới nhận biết và có dấu hiệu nhường đường thì mới từ từ vào làn hoặc thoát làn.