Tết Nguyên Đán là một trong những nét đẹp văn hóa từ xưa đến nay của người Việt và một vài nước châu Á. Có 4 thời điểm quan trọng nhất là 30 Tất niên, mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết, mỗi ngày lại có những phong tục và cỗ cúng khác nhau. Vậy cỗ cúng mùng 2 Tết có gì?
1. Chuẩn bị mâm cơm cúng mùng 2 Tết
Thật ra, sự khác biệt lớn nhất trong mâm cỗ cúng ngày mùng 2 Tết thường được so sánh với ngày Tất niên 30 hay ngày Hóa vàng mùng 3, mùng 4. Về cơ bản, mọi thứ sẽ được chuẩn bị gần giống với ngày mùng 1 và tùy vùng miền khác nhau, sẽ có những món ăn, đồ cúng lễ riêng biệt. Nếu không quá bận rộn bạn có thể trổ tài chế biến thêm một vài món khác cho mâm cơm cúng mùng 2 Tết thêm mới lạ và giàu ý nghĩa. Dưới đây là một vài gợi ý cho các chị em ở 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Khám phá mâm cỗ cúng mùng 2 Tết ở cả 3 miền (Nguồn: amthucmientrung.com)
1.1. Mâm cơm cúng miền Bắc
Mâm cơm cúng của người miền Bắc khá cầu kỳ và mang đậm bản sắc dân tộc. Một mâm cỗ hoàn chỉnh phải có 4 đĩa, 4 bát tượng trưng cho tứ trụ. Những món ăn không thể thiếu bao gồm bánh chưng, gà luộc, các loại chả giò, nem rán… Thêm một đĩa thịt nấu đông ăn kèm với dưa hành. Bát canh xương miến nấu măng cũng thường xuyên xuất hiện trong mâm cỗ cúng ngày Tết của người miền Bắc. Ngoài ra, đối với những người Hà Nội thì món chè kho làm từ đỗ xanh, gạo nếp, thoảng hương bưởi đã trở thành một nét đẹp ẩm thực không thể thiếu trong mỗi độ xuân về.
Mâm cỗ cúng mùng 2 Tết của người Hà Nội cầu kỳ và mang đậm tính truyền thống (Nguồn: cuonnroll.vn)
1.2. Mâm cơm cúng miền Trung
Một số tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… có cách bày cỗ khá giống người miền Bắc, nhưng từ Huế trở đi, hương vị và số lượng các món ăn đã có sự biến chuyển. Người miền Trung không gói bánh chưng mà gói bánh tét. Ngoài những món miền nào cũng có như gà luộc, giò, xôi, họ thường làm những món đơn giản như thịt kho, rau xào, rau sống, chả ram… Tất cả thức ăn đều được chia ra thành những đĩa nhỏ thể hiện sự chắt chiu, chia sẻ. Đôi khi, người dân miền Trung sẽ dâng lên những mâm cỗ, các loại thực phẩm, món ăn chay, nhất là vào ngày mùng 1. Những món ăn này đều có vị hơi mặn và khá cay nhưng chan chứa sự chân chất, khó nhọc của người dân miền biển.
Người miền Trung sẽ chia các món ăn thành những đĩa nhỏ thể hiện sự sẻ chia (Nguồn: vansu.net)
1.3. Mâm cơm cúng miền Nam
Ở miền Nam, mâm cỗ cúng ngày mùng 2 Tết, hay mùng 1 đều không thể thiếu chiếc bánh tét, đĩa bánh tráng và nồi thịt kho tàu. Hương vị và cách làm món thịt kho tàu ngon đúng điệu ở miền Nam hơi khác so với các vùng còn lại. Bánh tét thì bên trong có nhiều nhân hơn khi thì thịt mỡ, đỗ xanh khi lại trứng muối, dừa nạo… Bên cạnh đó còn có gỏi ngó sen, giò heo nhồi, phá lấu… đặc biệt là những món hải sản bổ dưỡng như tôm, ghẹ. Nếu miền Bắc là canh măng thì ở miền Nam, canh khổ qua lại là món ăn được chọn lựa để dâng cúng lễ với ý nguyện một năm khổ cực đã qua đi, đón năm mới bình an và may mắn. Các món ăn kèm có thể là củ cải hay củ kiệu muối.
Món canh khổ qua độc đáo trên mâm cỗ của người miền Nam (Nguồn: mekongdeltaexplorer.com)
2. Văn khấn mùng 2 Tết
Để thể hiện tấm lòng của mình, con cháu cũng cần phải biết những bài văn khấn đặc biệt khi dâng lễ cúng dịp Tết Nguyên Đán. Cách cúng mùng 2 Tết cũng khá đơn giản, chủ gia đình chuẩn bị lễ lạt đầy đủ, áo quần tươm tất sau đó rót rượu, thắp nhang và chuẩn bị văn khấn như sau:
“Nam mô A Di Đà Phật (Ba lần).
– Con kính lạy Chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.
– Con kính lạy Phật Trời, Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy Tổ tiên, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…..
Hôm nay là ngày mùng 1 ( mùng 2,3 ) tháng Giêng, nhằm ngày Tết Nguyên Đán đầu Xuân, giải trừ gió Đông lạnh lẽo, hung nghiệt tiêu tan, đón mừng Nguyên đán Xuân Thiên, mưa móc thấm nhuần, muôn vật tưng bừng đổi mới, nơi nơi lễ tiết, chốn chốn tường trình.
Tín chủ (chúng) con là: ………………………………………….. …………..
Ngụ tại: ………………………………………….. ……………………………………
Nhân tiết minh niên, sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bày ra trước Án, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần. Thiết nghĩ Tôn Thần hào khí sáng lòa, ân đức rộng lớn. Ngôi cao vạn trượng uy nghi, vị chính mười Phương biến hiện. Lòng thành vừa khởi, Tôn đức cảm thông. Cúi xin giáng lâm trước Án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho con cháu mọi người hoan hỷ vinh xương, con cháu cát tường khang kiện. Mong ơn Đương Cảnh Thành Hoàng, đội đức Tôn Thần bản xứ. Hộ trì chúng con, gia Lộc gia Ân, xả quái trừ tai. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, sự nghiệp hanh thông, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Nay theo Tuế luật, Âm Dương vận hành, tới tuần Nguyên Đán. Mùng Một ( mùng hai, mùng ba) đầu Xuân, đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức của Tổ tiên như Trời cao Biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa biện hương hoa vật phẩm, nghi lễ cung trần, dâng lên trước Án. Kính mời Các cụ Tổ tiên, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại. Cúi xin giáng về Linh sàng thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho chúng con: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi, công việc hanh thông. Người người được chữ bình an, tháng ngày được hưởng phần lợi lộc. Âm phù – Dương trợ, sở nguyện tòng tâm. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.
Tín chủ chúng con lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ngụ tại đất này, nhà này cùng về hâm hưởng lễ vật.
Dãi tấm lòng thành, Cúi xin chứng giám.
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)”.
Hướng dẫn bài khấn và cách cúng mùng 2 Tết (Nguồn: baogiaothong.vn)
Vậy là qua những nội dung vừa rồi, các bạn đã biết được trong mâm cỗ cúng mùng 2 Tết ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Bên cạnh những món ăn thì việc tìm hiểu bài văn khấn cúng mùng 2 Tết cũng hết sức quan trọng để có thể chuẩn bị một cách chu đáo nhất. Bên cạnh việc tất bật với những mâm cỗ truyền thống của người Việt, các bạn cũng đừng quên thay đổi khẩu vị bằng 11 món ăn chay Tết vừa tinh tế, vừa lạ miệng cho cả gia đình mình nhé!