Hồi ức về Trần Lập và những chiếc xe


Sự ra đi của rocker Trần Lập để lại nỗi mất mát không chỉ cho nền âm nhạc Việt Nam mà cho cả giới chơi xe trong nước.

Những chiếc xe đầu tiên

Thời thanh thiếu niên của Trần Lập là thời mà xe máy là thứ ngoài “tầm túi” nên dù đã trót thích mô tô từ sớm, anh vẫn phải chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Nhưng ngay cả với xe đạp, anh cũng phải cố dành dụm để mua cho được một chiếc xe “cuốc” – dòng xe đua nam một mình một vóc dáng giữa hàng trăm chiếc xe Thống Nhất nhan nhản khắp đường phố Hà Nội những năm đầu thập niên 90.

Vào khoảng thời gian Trần Lập học giữa năm lớp 11 và lớp 12, chị cả ở bên Đức gửi về cho hai anh em ở nhà mỗi người một chiếc Simson. Xe Simson được ưu ái đặt cho cái tên “dòng xe vang bóng một thời”, bởi vào những năm 1980 – 1990, nó được coi là niềm mơ ước của nhiều người, chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể mua được. Sở hữu chiếc mô tô đầu tiên (Simson SR 4-4) không được bao lâu, Trần Lập bị anh trai gạ bán xe để cùng hùn vốn làm ăn với anh. Trần Lập 17 tuổi lúc đó xuôi theo mà chưa biết chuyện làm ăn đó vốn liên quan tới trò đỏ đen.

Vespa và mô tô địa hình

Năm 2000, Trần Lập với mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng trong công ty quảng cáo, khá vất vả mới mua được chiếc Vespa cổ, sản xuất từ những năm 1960, dung tích xi-lanh 50 phân khối. Thời điểm đó, nó có giá khoảng 3.5 triệu đồng – giá “bèo” đối với dòng Vespa cổ, tất nhiên nó “ọp ẹp”. Và Trần Lập bước vào thú chơi xế độ từ đó.

Về sau, Trần Lập mua một chiếc Vespa khác, rồi làm quen với dòng xe địa hình. Năm 2002, anh sở hữu một bản cào cào của Honda – chiếc CMX 90.


Trần Lập với Honda CMX 90

CD Benly 125

Trần Lập bắt đầu tìm đến những phong cách xe độc đáo với chiếc CD 125 – mẫu xe nhỏ nhắn phù hợp với người Á Đông. CD Benly 125 không phải kiểu xe gây ấn tượng bởi những cải tiến kỹ thuật vượt trội. Nó quyến rũ bởi màu đen tuyền, bộ khung máy đồ sộ cùng những đường cong cổ điển, gợi cảm giác về sự nam tính mạnh mẽ, thâm trầm và cũng đầy lãng tử.

Sau vài lần thay đổi những chi tiết trên xe, khi bắt gặp một thiết kế xe CD Benly màu vàng đẹp khó lòng cưỡng lại, anh đưa ra quyết định táo bạo là chuyển màu cho dòng xe nổi tiếng với hình ảnh đen tuyền này. Bởi vậy, khi chiếc CD Benly màu vàng của Trần Lập xuất hiện, anh đã khiến giới độ xe thời ấy phải ngỡ ngàng. Về sau này, khi đã chán màu vàng, anh lại cho xe về màu đen nguyên bản. Chiếc xe gắn bó với anh hơn 5 năm.


Anh là một tay chơi CD Benly có tiếng ở Hà Nội

Cafe Racer

Sau CD Benly, Trần Lập bắt đầu say mê Cafe Racer – một phong cách độ xe đặc biệt, là sự kết hợp của một động cơ khỏe dành cho những tay đua, vẻ đẹp mạnh mẽ và khoáng đạt, cùng giá trị lịch sử hiện sinh của nó (bắt nguồn từ nước Anh vào thập niên 50, được sáng tạo ra bởi những thanh niên yêu tự do, rock & roll, và tốc độ). Khi Trần Lập quyết định độ một chiếc Street Tracker FTR theo phong cách Cafe Racer, anh đã tìm thấy ở Cafe Racer giá trị tổng hòa giữa kỹ thuật và văn hóa.


Trần Lập say mê Cafe Racer

Gắn bó với các xe phân khối lớn

Trần Lập từng sở hữu nhiều loại mô tô phân khối lớn, từ Cruiser hạng nặng đến Magma, Steed, Shadow… Trong số những mẫu xe gắn bó với Trần Lập có mô tô phân khối lớn Honda FTR 223, Kawasaki W650 và Suzuki Intruder 800.

Honda FTR 223 được Trần Lập mua lại từ ca sĩ Phạm Anh Khoa. Chiếc xe sau đó được tân trang, thay bình xăng, lốp phục vụ đi địa hình khó, tay lái cũng khác ban đầu. Đây cũng là chiếc xe anh ưng ý. Cả thợ độ Sài Gòn và Hà nội đã “vun đắp” chiếc xe này khiến nó trở nên đẹp và rất dũng mãnh trong phân khúc 250 phân khối.


Trần Lập cầm lái chiếc Honda FTR 223​

Với chiếc mô tô phong cách cổ điển Kawasaki W650, hình dáng ban đầu của xe cũng đã thay đổi đáng kể. Trần Lập thích model này vì khả năng vận hành đầm, êm ở điều kiện đường sá khác nhau. Nó vừa thỏa mãn tốc độ cho phép vừa tạo nên hứng thú và sự an toàn.

Một chiếc xe yêu thích khác của anh là Suzuki Intruder 800. Thời điểm năm 2006, Trần Lập mua chiếc Intruder 800 có giá khoảng 3000 USD. Sau đó, anh đã thay đổi lại xe, bỏ đi một số chi tiết rườm rà và thay mới theo sở thích và nhu cầu bản thân. Xe vẫn giữ nguyên động cơ, nhưng các chi tiết được cá tính hóa. Nó được nam ca sĩ đặt tên lại là Storm.


Trần Lập với chiếc Suzuki Intruder 800 độ của mình

Chiếc xe chưa đi lần nào

Sau khi phát hiện mắc bệnh ung thư, Trần Lập đã phải bán nhiều vật dụng cá nhân và cả những chiếc xe mô tô anh sưu tập trước đó, để lấy tiền chữa bệnh, nhưng riêng chiếc BMW mới mua, anh muốn giữ lại đến khi nào còn có thể vì chưa đi lần nào. Trần Lập vẫn mong muốn rằng một ngày nào đó khi khỏe hơn, anh sẽ tự tay lái chiếc xe này tiếp tục du ngoạn cùng bạn bè. Nhưng giấc mơ ấy đã không thành.


Chiếc mô tô mà Trần Lập không còn cơ hội đi