Giỗ tổ Hùng Vương (lễ hội Đền Hùng) được tổ chức thường niên vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, là dịp hàng triệu trái tim người Việt hướng về cội nguồn và tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị vua Hùng. Những hình ảnh ngày giỗ tổ Hùng Vương thiêng liêng luôn trong tâm trí mỗi người con đất Việt.
1. Hình ảnh về lễ hội Đền Hùng
1.1. Cổng Đền Hùng
Cổng Đền Hùng được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh vào năm Khải Định thứ 2 (1917), xây theo dạng vòm cốm, cao 8,5m, gồm 2 tầng, 8 mái… Cổng nổi bật với hình ảnh hai võ sĩ trông rất oai vệ. Trên giáp mái có đề bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” có nghĩa là Đức lớn như núi cao, cũng có người dịch là “Cao sơn cửa hành” – lên núi cao nhìn xa rộng. Qua cổng đền là bạn bước vào khu di tích Đền Hùng với nhiều đền và các công trình kiến trúc độc đáo, tinh tế.
Cổng Đền Hùng còn nét cổ kính và uy nghiêm của phong cách kiến trúc đền chùa xưa (Nguồn: mytour.vn)
1.2. Đền Hạ
Đền Hạ xây dựng vào khoảng thời gian thế kỷ 17, 18. Theo tương truyền đây là nơi mẹ Âu Cơ đã hạ sinh theo một cách hết sức đặc biệt, kỳ diệu là bọc trăm trứng, từ đó mỗi trứng lại nở ra một người con tuấn tú, xinh đẹp một trăm người con này chia làm hai, 50 người theo mẹ là Âu Cơ lên núi còn lại 50 người con kia theo Lạc Long Quân xuống biển. Kiến trúc Đền Hạ theo kiểu chữ nhị gồm hai cung là tiền bái và hậu cung cùng với phần mái lợp ngói mũi.
Hình ảnh ngày giỗ Tổ Hùng Vương – Đền Hạ (Nguồn: vietlandmarks.com)
1.3. Đền Trung
Hay còn gọi là Hùng Vương Tổ Miếu, được xây theo kiểu chữ nhất, có 3 gian và được xây dựng vào thời nhà Lý – Trần. Tương truyền nơi đây không chỉ là để các vua Hùng cùng với các quan đại thần, những lạc hầu và cả các lạc tướng trong triều thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn để bàn chính sự.
Đồng thời còn là nơi diễn ra sự kiện quan trọng: vua Hùng đời thứ 6 truyền lại ngôi báu cho Lang Liêu – người con trai với tấm lòng hiếu thảo, chủ nhân của những chiếc bánh chưng , bánh giầy mang ý nghĩa tượng trưng cho đất, trời mà nay đã trở thành món bánh truyền thống không thể thiếu trong nhiều dịp lễ tết trọng đại của dân tộc ta.
1.4. Đền Thượng
Đến với tour du lịch hành hương về miền đất thiêng này thì không thể bỏ qua Đền Thượng. Ngôi đền được đặt ở vị trí cao nhất, trên đỉnh núi. Đền có tên chữ là “Kinh niên lĩnh điện” có ý nghĩa là điện thờ trời tọa lạc trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh. Đền thượng là nơi vua Hùng tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng như thờ đất, thờ thần lúa với mong ước về mùa màng bội thu, mang đến cuộc sống ấm no cho người dân.
Sau này, đền được nhà Nguyễn cho trùng tu lại và hiện nay thì đền có kiến trúc chữ Vương, gồm 4 cấp: nhà chuông trống, tiếp đến là đại bái, tiền tế và sau cùng là hậu cung. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: “Nam Việt triệu tổ” có nghĩa là tổ tiên của người Việt phương Nam.
Đền Thượng (Nguồn: mapio.net)
1.5. Đền Giếng
Theo tương truyền thì đền Giếng chính là nơi con gái của vua Hùng đời thứ 18 – công chúa có tên là Tiên Dung và một nàng là Ngọc Hoa mỗi dịp theo cha mình đi kinh lý đều ghé lại để soi gương, vấn tóc. Hai nàng công chúa có công trong việc dạy dân trồng lúa và trị thủy nên được người dân nhằm tưởng nhớ công lao đã lập nên đền thờ vào thế kỷ XVIII. Đền có kiến trúc chữ công gồm tiền bái, ống muống, hậu cung. Điều đặc biệt là giếng trong đền bốn mùa nước rất trong mát và không bao giờ cạn. Trên cổng đền có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất”(Ngôi nhà nhỏ trong núi).
Đền Giếng (Nguồn: baomoi.vn)
1.6. Lăng vua Hùng
Là mộ của vị vua Hùng đời thứ 6 với địa thế đắc địa, vượng khí là đầu đội sơn, chân thì đạp thủy, còn mặt tiến thì quay về hướng Đông Nam. Lăng có kiến trúc rất độc đáo, với thiết kế là hình vuông, các cột làm liền tường và có hai tầng mái.
Mỗi tầng mái lại được thiết kế rất tinh xảo: tầng dưới thì 4 góc mái đắp 4 con rồng mang tư thế bò, còn tầng trên thì đắp rồng uốn ngược. Trên đỉnh lăng được đắp hình “quả ngọc”. Nhìn bên ngoài lăng vô cùng tinh tế và hài hòa. Trong lăng là mộ vua Hùng hình chữ nhật và phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng vương lăng.
1.7. Cột đá thề
Nằm ở phía tay trái đền Thượng. Theo tương truyền lưu truyền trong dân gian thì Thục Phán An Dương Vương đã thề nguyện tại nơi này rằng sẽ nhất định bảo vệ đất nước, non sông, bờ cõi mà các vị vua Hùng đã nhọc công xây dựng, gìn giữ trao lại cho mình, đồng thời đời đời, mãi mãi về sau luôn luôn hương khói họ Hùng. Tuy nhiên, đến nay thực hư về cột đá thần này đang còn nhiều tranh cãi.
Cột đá thề (Nguồn: mapio.net)
1.8. Đền tổ mẫu Âu Cơ
Hình ảnh ngày giỗ tổ Hùng Vương không thể thiếu ngôi đền thờ tổ Mẫu Âu Cơ, tọa lạc trong “Tam sơn cấm địa” bao gồm ba ngọn núi: Hùng, Trọc và nằm trên đỉnh núi Vặn. Khi đến với đền tổ Mẫu Âu Cơ, bạn sẽ được tham quan quần thể kiến trúc vô cùng tinh xảo với sự pha trộn truyền thống, hiện đại, bao gồm: đền chính là nơi thờ Mẫu Âu Cơ, hai bên có nhà tả vu, hữu vu, thiết kế cả nhà bia, tam quan… Đây được coi là công trình văn hóa có giá trị lịch sử rất lớn.
Đền Tổ mẫu Âu Cơ (Nguồn:mapi.net)
1.9. Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân
Ngôi đền được xây ở dưới chân núi Sim năm 2006 và kiểu kiến trúc chữ đinh đi từ ngoài vào bên trong có cổng đền, Phương đình, Tả Vu, Hữu Vu và đền thờ. Trong đền, có đặt tượng đồng của Lạc Long Quân, bệ tượng, lư hương tạc từ đá khối bên trên được trang trí bằng các họa tiết với họa tiết tinh xảo.
1.10. Chùa Thiên Quang
Là ngôi chùa thờ Phật theo phái Đại thừa, được xây dựng vào thời Trần. Hiện nay, chùa Thiên Quang có lối kiến trúc kiểu chữ công gồm: ba tòa tiền đường, tam bảo và thượng điện. Đặc biệt, trước cửa chùa có cây vạn tuế tuổi gần tám trăm năm, Bác Hồ đã từng làm việc dưới gốc cây này. Hầu hết, các du khách khi thăm quan khu di tích Đền Hùng đều ghé thăm quan chùa và thắp hương ở đây.
1.11. Bảo tàng Hùng Vương
Bảo tàng nằm trong khu di tích Đền Hùng, dưới sự thiết kế của Hội kiến trúc sư Việt Nam khởi công xây dựng năm 1986. Đến năm 1993 thì bảo tàng này chính thức được mở cửa và du khách có thể đến để thăm quan. Đến đây, bạn sẽ hiểu hơn về công cuộc dựng nước- giữ nước mà các đời vua Hùng đã đi qua để tạo nên đất nước Văn Lang được thể hiện, truyền tải qua các nội dung, hiện vật được trưng bày với các chủ đề khác nhau. Ngoài ra nhiều người khi về Phú Thọ cũng hay ghé thăm vườn quốc gia Xuân Sơn Phú Thọ sơn thủy hữu tình ngắm nhìn cảnh thiên núi rừng gần gũi.
Bảo tàng Hùng Vương (Nguồn: triphunter.vn)
2. Hình ảnh về ngày giỗ tổ Hùng Vương
2.1. Góp giỗ và chuẩn bị góp giỗ
Góp giỗ là hoạt động trước khi ngày giỗ diễn ra. Hiểu một cách đơn giản góp giỗ là mọi người cùng nhau góp kinh phí, lễ vật để tổ chức ngày giỗ được chu đáo và đầy đủ. Giống như, trong cuộc sống thường ngày, trước ngày giỗ cha, giỗ mẹ thì các con góp tiền, góp hương và hoa quả đến nhà con trưởng để chuẩn bị cho ngày giỗ.
Đối với ngày giỗ tổ Hùng Vương cũng vậy, chủ trì tổ chức chính là tỉnh Phú thọ còn các tỉnh khác là tham gia góp giỗ. Mỗi năm sẽ có các tỉnh khác nhau góp giỗ, bằng cách đóng kinh phí, tham gia vào các trò chơi, các hoạt động tổ chức ngày giỗ tổ Hùng Vương. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh sẽ dâng lễ vật theo đặc sản từng vùng miền mình để dâng lên vua Hùng với tấm lòng tôn kính, biết ơn.
Góp giỗ đền Hùng (Nguồn: baomoi.vn)
2.2. Nghi thức lễ rước kiệu
Một trong những hình ảnh ngày giỗ tổ Hùng Vương được coi là rất thiêng liêng và gây ấn tượng với mọi du khách chính là nghi thức rước kiệu đầy màu sắc. Bởi để thực hiện nghi lễ này những người tham gia lễ rước sẽ mặc những trang phục truyền thống kiểu quan, lính ngày xưa với màu sắc rực rỡ cùng những cờ ngũ sắc, vật dụng rước uy nghiêm.
Đội hình rước kiệu đi đầu sẽ là những người phụ trách rước cờ Tổ Quốc, cờ thần; đi tiếp sau là Trống, chiêng; rồi đến Đội cờ hội; Đội tàn, tán, lọng; Đội rước bát bửu; rước kiệu văn ; Đội bát âm(phụ trách nhạc rước); Chủ tế, đội hình tế (Ban tế); Lãnh đạo UBND địa phương và đại biểu; Quần chúng nhân dân.
Hình ảnh đoàn kiệu đi đầy trang nghiêm cùng với cờ hoa, ô lọng vô cùng rực rỡ, đặc biệt các cỗ kiệu đều làm bằng gỗ tốt, được sơn son thiếp vàng và người rước là những nam thanh nữ tú trong làng. Các cụ cao niên thường là những người có vai vế, tiếng nói, được người làng kính trọng sẽ mặc lễ phục theo kiểu của quan triều đình thường mặc vào thời phong kiến, đó là quần thụng, áo quan, trên đầu đội mũ cánh chuồn hoặc dùng khăn xếp, chân thì đi hài cao. Đám rước đi đến đâu là người người kéo ùn ùn đi theo đến đó, rất khí thế, tưng bừng, náo nhiệt. Tất cả tạo nên những hình ảnh về ngày giỗ tổ Hùng Vương vô cùng đẹp đẽ, trang nghiêm trong lòng mỗi người khi tham gia lễ hội Đền Hùng.
Nghi lễ rước kiệu – Hình ảnh ngày giỗ tổ Hùng Vương (Nguồn:thoidai.com)
2.3 Nghi thức dâng lễ vật
Nghi thức dâng lễ vật mang đến cho du khách hình ảnh ngày giỗ tổ Hùng Vương sự trang nghiêm, khác hoàn toàn những hình ảnh rước kiệu đông vui, tấp nập.Phần lễ được tiến hành với sự tham gia của nhiều vị chức sắc trong làng cũng như các chính khách ở trung ương về dự. Nghi thức dâng lễ vật là những lễ vật được dâng lên các vua Hùng và các vị Thần lớn như: Trời, Đất, Mùa Màng,… Lễ vật dâng lên cũng khá giống khi chuẩn bị đồ cúng lễ thần Tài đầu năm gồm có:
Lễ chay: đó là 18 chiếc bánh chưng, 18 chiếc bánh giầy. Ngoài ra còn có một số hoa quả, bánh trái theo từng đặc sản của từng địa phương, vùng miền như: bánh mật, trầu cau, hoa thơm trái ngọt… Để dâng cúng.
Lễ mặn: theo truyền thống thì có thịt lợn, thịt dê và thịt bò.
Hương nhang, đồ thờ cúng: nhang, hoa tươi, nước, đèn nến.
Nghi thức dâng lễ vật diễn ra trang trọng với quy mô lớn với âm nhạc dân gian, trang phục sặc sỡ tái hiện hình ảnh của các dân tộc anh em, ban tế lễ gồm các chức sắc và chúc văn giỗ tổ Hùng Vương.
Nghi thức dâng lễ vật (Nguồn:baomoi.vn)
3. Hình ảnh mâm cỗ cúng giỗ Tổ Hùng Vương
Mâm cỗ cúng giỗ tổ Hùng Vương bao gồm: bánh chưng, bánh giầy, gà luộc, thịt lợn, xôi, oản, hoa quả tươi ngon chọn lựa tỉ mỉ, rượu, hương, gạo muối. Tuy nhiên, mâm cỗ cúng giỗ tổ Hùng Vương ở mỗi địa phương sẽ khác nhau. Ví dụ như làng Vy, Trẹo (Việt trì) thì cúng lớn cả con đã mổ sạch, kèm theo số tiết lớn cắt được; Một số làng ở Đoan Hùng quy định đồ dâng lễ phải có thịt trâu đen.
Mâm cỗ cúng giỗ tổ Hùng Vương (Nguồn: bizwebmedia.net)
4. Hình ảnh hoạt động vui chơi ngày giỗ Tổ Hùng Vương
4.1. Cuộc thi hát xoan
Một trong những hình ảnh ngày giỗ tổ Hùng Vương không thể thiếu đó chính là hình ảnh các đôi nam nữ tham gia hát xoan. Đây là một loại hình âm nhạc cổ của người Phú Thọ, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2011.
Hát xoan là hoạt động văn hóa, văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc không thể thiếu của ngày quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương tại đây (Nguồn: baophutho.vn)
4.2. Hội thi gói, nấu bánh chưng, bánh giầy dâng lên Vua Hùng
Một trong những hoạt động vui chơi ở lễ hội Đền Hùng thì cuộc thi gói, nấu bánh chưng, bánh giầy được ban tổ chức cũng như người dân hưởng ứng rất nhiệt tình và có sự chuẩn bị rất chu đáo. Cuộc thi tổ chức nhằm tìm ra làng nào nấu và gói bánh chưng, bánh giầy vừa ngon vừa đẹp mắt và nhanh nhất để dâng lên các vua Hùng.
4.3. Triển lãm, trưng bày hiện vật
Một trong những hoạt động thu hút du khách cùng người dân khi tham gia lễ hội Đền Hùng đó là các cuộc triển lãm, trưng bày hiện vật tái hiện lại lịch sử về các vua Hùng sẽ giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Qua đó thấu hiểu được phần nào công lao to lớn của các Vua Hùng.
4.4. Hội thao quần chúng, trò chơi dân gian
Các trò chơi dân gian đặc sắc, thú vị như: ném còn, đi cầu tre, chọi gà, bắt vịt…đều mang lại không khí náo nhiệt. Đặc biệt, trò đấu vật đã thu hút nhiều thanh niên tham gia cùng với sự cổ vũ nhiệt tình của người xem khuấy động không khí lễ hội thêm phần náo nhiệt hơn.
Như vậy, hình ảnh ngày giỗ tổ Hùng Vương được thể hiện trong bài viết đã phần nào giúp bạn hình dung toàn bộ quá trình lễ hội diễn ra cũng như toàn cảnh khu di tích Đền Hùng. Từ đó, bạn hiểu thêm về lịch sử đất nước, về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Còn chờ gì mà không book nhanh tour du lịch trong nước hấp dẫn đến Phú Thọ để được trải nghiệm tất cả những điều tuyệt vời trong dịp lễ sắp tới nhé!