Cao huyết áp khi mang thai nguy hiểm không, nguyên nhân, phòng tránh

Cao huyết áp khi mang thai là một trong những bệnh lý nguy hiểm gây ra rất nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong cho mẹ và thai nhi. Thực chất căn bệnh này là gì và mẹ bầu cần làm gì để phòng tránh được nó? Cùng tìm hiểu bài viết sau để có câu trả lời nhé!

1. Tăng huyết áp khi mang thai là gì?

Cao huyết áp hay tăng huyết áp là một thuật ngữ chuyên môn dùng để chỉ tình trạng áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao so với mức thông thường. Để đo huyết áp, người ta sử dụng hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Một người khỏe mạnh bình thường sẽ có huyết áp ở trong khoảng từ 100 đến 140mmHg huyết áp tâm thu và 60 đến 90mmHg huyết áp tâm trương.  Trong thời gian mang thai, mẹ bầu sẽ được chẩn đoán là cao huyết áp nếu trị số huyết áp đo được thường xuyên cao hơn hoặc bằng 140/90mmHg.

Cao huyết áp khi mang thai được chia làm một số loại khác nhau như tăng huyết áp mạn tính, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật… Việc phân chia các dạng này sẽ dựa trên thời gian xuất hiện và kéo dài của bệnh trong thời gian thai kỳ, ví dụ tăng huyết áp mạn tính xảy ra xung quanh tuần thai thứ 20 và kéo dài đến 6 tuần sau sinh.

Khi mang thai huyết áp bao nhiêu là cao?

Khi mang thai huyết áp bao nhiêu là cao? (Nguồn: hellobacsi.com)

2. Dấu hiệu cao huyết áp khi mang thai

2.1. Phù nề

Triệu chứng đầu tiên mà các mẹ bầu dễ nhận biết nhất khi bị cao huyết áp là phù nề toàn thân, ở khắp các vùng da, ấn vào thấy lõm và không thuyên giảm khi nằm nghỉ ngơi hay gác tay chân lên cao.

2.2. Căng thẳng

Cùng với việc phù nề, khi bị cao huyết áp, mẹ bầu sẽ liên tục cảm thấy căng thẳng, buồn bực và khó chịu trong người.

2.3. Đau đầu

Trong thời gian mang thai, việc tăng huyết áp kéo dài sẽ tạo ra những tổn thương cho thành mạch máu, lâu dần gây ra những cơn đau đầu dai dẳng khó dứt, đặc biệt là vào đêm và sáng sớm.

2.4. Hoa mắt, chóng mặt 

Thêm một dấu hiệu cao huyết áp khi mang thai là hiện tượng hoa mắt, chóng mặt. Mẹ  bầu cần hết sức cảnh giác khi bắt đầu có những triệu chứng này bởi cùng với phù nề và tăng huyết áp, điều này có thể gây ra chứng tiền sản giật ở thai phụ, đặc biệt là trong khoảng thời gian sau tuần 20 của thai kỳ.

2.5. Buồn nôn 

Nếu có cảm giác buồn nôn kéo dài kèm theo những hiện tượng khác như đau đầu, chóng mặt thì sản phụ nên đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn và chẩn đoán chính xác, rất có thể đó là do bệnh cao huyết áp của bạn đã nặng hơn.

2.6. Ngứa 

Tuy không rõ rệt nhưng triệu chứng tê hay ngứa ran ở tay chân cũng là một dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng tăng huyết áp mà mẹ bầu nên lưu ý.

2.7. Chảy máu mũi

Lượng máu gia tăng trong cơ thể khi mẹ mang thai cùng với áp lực đè nặng do cao huyết áp khi mang thai lên các thành mạch vốn đã yếu ớt có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mẹ bị chảy máu mũi.

2.8. Mắt mờ đi

Tương tự như triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, nếu mẹ bầu cảm thấy thị giác thay đổi như nhìn mờ dần thì nên đi khám ngay để phòng những biến chứng khó lường bởi khả năng lớn là chứng cao huyết áp của bạn đang ngày càng nghiêm trọng.

Tăng huyết áp ở thai phụ có thể gây ra biến chứng tiền sản giật vô cùng nguy hiểm

Tăng huyết áp ở thai phụ có thể gây ra biến chứng tiền sản giật vô cùng nguy hiểm (Nguồn: babycenter.com)

3. Cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không? 

Về cơ bản, đây là một căn bệnh gây nguy hiểm lớn cho cả mẹ và thai nhi. Chứng cao huyết áp khi mang thai sẽ tạo ra áp lực lớn lên tim, bắt tim hoạt động liên tục, có khả năng gây ra các bệnh lý về tim, mạch vành, giảm lưu thông máu trong cơ thể, dẫn đến tai biến, suy tạng hay bệnh tiền sản giật rất nguy hiểm ở mẹ bầu. Với thai nhi, khi mẹ mắc bệnh, lượng máu và oxy cung cấp đến bào thai sẽ trở nên kém đi, khiến thai chậm lớn, suy dinh dưỡng và có nguy cơ sinh non, thai chết lưu…

Hiện nay, y học chưa được tìm ra được lời giải đáp cụ thể cho nguyên nhân huyết áp cao khi mang thai, tuy nhiên, có một số lý do có thể giải thích cho căn bệnh này ở mẹ bầu như ít vận động, căng thẳng, béo phì, mắc cách bệnh về thận, tim mạch… Đặc biệt, khi đã qua tuổi 35, trong những nguy cơ mà thai phụ cao tuổi phải đối mặt thì chứng tăng huyết áp hay tiền sản giật là nỗi ám ảnh khá thường trực mà chị em phụ nữ cần phải đề phòng.

Khi đã xác định mẹ bầu mắc bệnh cao huyết áp, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe cũng như mức độ bệnh của thai phụ để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Hiện tại có hai cách điều trị cao huyết áp khi mang thai hay được áp dụng nhất là sử dụng thuốc hạ áp (tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ) và giảm huyết áp một cách tự nhiên thông qua việc thay đổi chế độ dinh dưỡng và tập luyện.

Ảnh hưởng của bệnh cao huyết áp tới mẹ và thai nhi

Ảnh hưởng của bệnh cao huyết áp tới mẹ và thai nhi (Nguồn: procarevn.vn)

4. Phòng tránh cao huyết áp khi mang thai

Với ưu tiên phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu bạn đang mang thai hay lên kế hoạch chuẩn bị có thai trong thời gian tới thì có thể nghiên cứu những cách sau đây giúp phòng tránh tăng huyết áp hiệu quả.

4.1. Vận động, tập thể dục thể thao

Để giảm thiểu nguy cơ cao huyết áp khi mang thai, mẹ bầu cần lên cho mình một lịch vận động phù hợp mỗi ngày. Bạn có thể lựa chọn các môn thể thao và bài tập nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng bầu bí của mình như các khóa tập Yoga, bơi lội hay đi bộ.

4.2. Kiểm soát cân nặng

Béo phì, tăng cholesterol cũng là một nguyên nhân có thể gây ra cao huyết áp ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, bạn nên có một chế độ ăn uống thích hợp, đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể mà vẫn giữ được cân nặng trong mức độ an toàn. Tham khảo ngay 41 món ăn dành cho bà bầu đủ dinh dưỡng và tốt cho thai nhi!

4.3. Nghe nhạc

Trong một nghiên cứu của Ý, người ta chỉ ra rằng lắng nghe ít nhất 30 phút mỗi ngày những bản nhạc nhẹ nhàng, êm dịu cùng với việc hít thở sâu sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy thư giãn, thoải mái, bớt căng thẳng và hạ huyết áp. Bạn có thể chọn các bản nhạc cổ điển, nhạc không lời tùy theo sở thích và nên hạn chế các dòng nhạc quá ồn ào.

4.4. Uống nhiều nước

Để giữ huyết áp ở mức ổn định trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần lưu ý cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nếu để mất nước, cơ thể sẽ bù lượng nước thiếu hụt bằng cách giữ lại Natri – chất có ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng tăng huyết áp.

4.5. Tránh uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích

Trong giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu nên tuyệt đối nói không với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… Những hoá chất độc hại và gây nghiện như caffeine, nicotin có trong các sản phẩm này không chỉ không tốt cho huyết áp của bạn mà còn gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Nên tránh xa rượu, thuốc lá và các chất kích thích

Nên tránh xa rượu, thuốc lá và các chất kích thích (Nguồn: wallpaperflare.com)

Trên đây là những hiểu biết cơ bản mà mẹ bầu cần nắm được về căn bệnh cao huyết áp khi mang thai cũng như các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh, mức độ nguy hiểm và cách thức phòng tránh bệnh tốt nhất. Hy vọng thông qua bài viết trên, mẹ bầu đã hiểu thêm về bệnh lý này và rút được kinh nghiệm để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, để được tư vấn và chăm sóc tốt nhất, bạn có thể tham khảo các gói dịch vụ khám và chăm sóc thai phụ trên Useful với mức giá ưu đãi và chất lượng tuyệt vời. Chúc bạn và bé yêu luôn thật mạnh khỏe trong suốt thời gian mang thai!