1. Các loại insulin
Thiếu hụt insulin hoặc có đủ insulin nhưng sử dụng không hiệu quả là những vấn đề của người bệnh tiểu đường. Do đó, một trong những giải pháp giúp kiểm soát bệnh hiệu quả chính là bổ sung insulin cho người bệnh.
Các loại insulin được dùng nhằm mục đích kiểm soát đường máu hiệu quả
Hiện nay, có nhiều loại insulin khác nhau với tốc độ hoạt động khác nhau, thời gian tồn tại cũng khác nhau. Dưới đây là các loại insulin phổ biến:
1.1. Insulin tác dụng rất nhanh (Rapid acting insulin)
Một số loại insulin tác dụng rất nhanh có thể kể đến như Insulin aspart, lispro và glulisine,… Đặc tính của loại insulin này là có tác dụng rất nhanh chóng, trong khoảng từ 5 đến 15 phút sau khi sử dụng thuốc.
Insulin tác dụng rất nhanh thường được chỉ định sử dụng trước bữa ăn để kiểm soát đường huyết sau khi người bệnh tiêu thụ đồ ăn.
Insulin tác dụng ngắn (Short – acting insulin), bắt đầu tác dụng sau khoảng 30 phút, thường dùng tiêm trước ăn tương tự như insulin tác dụng rất nhanh.
1.2. Insulin tác dụng trung gian (intermediate-acting insulin)
Những loại insulin tác dụng chậm có thể kể đến như insulin NPH và insulatard, lente. Nó có thể được kết hợp với loại insulin tác dụng nhanh để kiểm soát đường huyết của bệnh nhân trong suốt một ngày.
Thông thường, sau tiêm khoảng 1 đến 2 tiếng, thuốc sẽ bắt đầu có tác dụng và tác dụng mạnh mẽ nhất vào khoảng 4 – 8 giờ sau tiêm. Tác dụng của thuốc có thể kéo dài từ 12 đến 18 giờ. Để duy trì đường huyết, người bệnh thường được tiêm insulin tác dụng chậm ít nhất một lần/ngày.
1.3. Insulin tác dụng kéo dài (Long-acting insulin)
Loại insulin thường được sử dụng với mục đích giúp đường huyết nền của bệnh nhân được ổn định trong một khoảng thời gian dài, giúp kiểm soát đường máu đói của người bệnh tiểu đường.
Các loại insulin tác dụng kéo dài đang được sử dụng nhiều trên thị trường hiện nay là:
– Insulin Glargine: Tác dụng của thuốc có thể kéo dài và giúp đường huyết của người bệnh ổn định trong vòng 24 giờ.
– Insulin Detemir: Hiệu quả của thuốc có thể kéo dài 18 – 20 giờ.
– Insulin Degludec mang tên biệt dược là Tresiba: Sản phẩm này có thể giúp đường huyết của bạn ổn định trong vòng 42 giờ.
1.4. Insulin kết hợp
Đây là sự kết hợp giữa giữa insulin nhanh và insulin chậm để kiểm soát đường huyết trong khoảng thời gian gần và dài hạn. Nhờ có sự kết hợp này mà số lần tiêm thuốc của bệnh nhân sẽ ít hơn.
2. Một vài thông tin về các loại insulin mà bạn cần biết
Nếu phải sử dụng insulin, người bệnh tiểu đường cần lưu ý những vấn đề như sau:
– Ký hiệu và nồng độ của insulin: Nồng độ của insulin được biểu thị bằng số đơn vị insulin (IU) trong 1ml thuốc. Khi sử dụng loại insulin ở nồng độ nào thì người bệnh cần phải dùng bơm tiêm có nồng độ tương ứng để hạn chế nguy cơ bơm nhầm liều thuốc dẫn tới những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.
Các loại insulin cần được tiêm đúng liều lượng để đạt hiệu quả tốt nhất
– Cách bảo quản insulin: Trước khi sử dụng insulin, người bệnh cần đặc biệt lưu ý đến việc bảo quản thuốc để đảm bảo chất lượng của thuốc. Dưới đây là những hướng dẫn về cách bảo quản:
+ Điều kiện nhiệt độ bảo quản thuốc tốt nhất là từ 2 – 8 độ C. Do đó, bạn hoàn toàn có thể bảo quản loại thuốc này trong ngăn mát của tủ lạnh và điều chỉnh mức nhiệt độ phù hợp.
+ Đối với các sản phẩm insulin đang sử dụng, có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C và sử dụng trong vòng 1 tháng.
+ Nếu bảo quản trong điều kiện nhiệt độ trên 30 độ C thì thuốc sẽ bị giảm tác dụng.
+ Bạn không nên để thuốc trong ngăn đá tủ lạnh và cũng không nên để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thuốc để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
3. Cách sử dụng insulin
Ngoài vấn đề các loại insulin, người dùng cũng rất quan tâm đến cách dùng insulin để có được hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể khi người bệnh sử dụng tiêm insulin dạng ống:
– Rửa sạch tay: Trước khi tiêm, bạn nên rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc nước sạch.
– Lấy thuốc ra khỏi tủ lạnh có thể dùng 2 lòng bàn tay lăn lọ thuốc cho đến khi thuốc đạt nhiệt độ phòng. Không nên dùng thuốc ngay sau khi lấy ra từ tủ lạnh.
– Kiểm tra hạn sử dụng: Nếu thuốc đã quá hạn sử dụng thì nên bỏ đi và không dùng thuốc khi dung dịch thuốc có biểu hiện bất thường.
– Chuẩn bị một số vật dụng cần thiết như ống tiêm insulin mới, kim tiêm, bông gòn y tế, chất vệ sinh da và khay chứa.
– Lựa chọn vị trí tiêm và làm sạch vùng tiêm: Một số vị trí tiêm thích hợp là bụng, đùi, bắp tay,…
– Lấy insulin từ lọ: Đầu tiên, bạn lắc nhẹ và sau đó loại bỏ nắp cao su của lọ insulin, lau lỗ cao su bằng bông gòn y tế đã được ngâm cồn. Cắm kim tiêm vào nắp cao su và lấy thuốc.
– Loại bỏ bọt khí và tiêm insulin: Nên đặt kim tiêm gần vuông góc với da và nhấn nhẹ để đưa kim vào da, từ từ tiêm insulin, sau đó giữ khoảng 10 giây thì rút kim tiêm. Sau đó, có thể đặt bông gòn y tế lên vị trí tiêm để tránh nhiễm khuẩn.
– Không tái sử dụng kim tiêm, ống tiêm.
Những hướng dẫn về cách tiêm insulin chỉ mang tính tham khảo và mỗi người bệnh có thể có yêu cầu riêng về cách tiêm insulin, vị trí tiêm và liều lượng thuốc khác nhau. Hiện nay trên thị trường cũng có các loại bút tiêm insulin có cách sử dụng đơn giản hơn, ít đau, giúp người bệnh thuận tiện hơn trong quá trình tiêm.
Bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ chỉ số đường huyết
Hi vọng rằng những thông tin nêu trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại insulin. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn lựa chọn loại thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình và đừng quên thực hiện theo đúng những hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu còn vấn đề sức khỏe cần được giải đáp hoặc có nhu cầu đặt lịch khám bệnh tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.
—————————————————