Nguồn gốc của nghi lễ hầu đồng
Hầu đồng là một nghi lễ quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Việt, nghi lễ này là hình thức thể hiện rõ nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu là tôn thờ, tôn sung nữ thần, mẫu thần, thờ mẫu tam phủ tứ phủ. Và việc thờ Mẫu ở đây cũng mang ý nghĩa đại diện bởi sự giao thoa giữa văn hóa bản địa và các yếu tố văn hóa ngoại lai. Chính vì vậy, theo tín ngưỡng thờ Mẫu là tôn thờ Mẫu Liễu Hạnh – Mẫu nghi thiện hạ, Tứ Bất Tử, những vị nhân thần – những người có thật trong lịch sử như Trần Hưng Đạo tức Đức Thánh Trần và vị thần thánh khác như Ông Hoàng Mười, Cậu Chín, Cô Sáu…
Lễ hầu đồng (Nguồn ảnh: Internet)
Từ thế kỉ XVI, hầu đồng trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, được thực hiện ở khắp các miền đất nước. Ngày nay, việc thực hiện nghi lễ hầu đồng càng trở nên phổ biến và quen thuộc với mỗi người dân. Lễ hầu đồng thường được tổ chức nhiều và long trọng trọng nhất và vào dịp đầu năm mới (theo âm lịch) để cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe…
Thanh đồng – người được thần thánh chọn lựa để hầu đồng
Theo tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ những người có căn số – được thần thánh lựa chọn mới được thánh nhập để thực hiện nghi lễ hầu đồng. Những người ngày được gọi chung là thanh đồng, nam được gọi là cậu, nữ thì gọi là cô. Người có căn số là người sinh dương thế nhưng số hệ thiên cung, mệnh càn bóng quế, con cái của cửa Tứ phủ công đồng. Sự biểu hiện ra bên ngoài của những người có căn đồng rất khác nhau, nó tùy thuộc vào các mức độ của những người có căn số nặng hay nhẹ. Tín ngưỡng thờ Tứ phủ cho rằng, người có căn đồng là người đã được các Thánh chấm, tùy theo căn số của từng người mà sẽ được Thánh bắt đi lính hầu đồng hay không.
Nguồn ảnh: Internet
Lời phán truyền của thần thành trong lễ hầu đồng
Trong phần cuối của nghi lễ hầu đồng sẽ là lời phán truyền của thần thánh khi nhập vào thanh đồng. Lời phán truyền của thánh là văn vần, văn xuôi, thường là những câu đối, so sánh, tục ngữ, ca dao, thơ lục bát, hán văn… Chính vì vậy hầu đồng thể hiện đậm chất văn hóa truyền thống được sáng tạo, phát triển và lưu truyền qua các thế hệ.
Nguồn ảnh: Internet
Khi phán truyền các vị thần, thánh sẽ xưng danh, vì vậy theo mỗi ngôi vị sẽ có những danh xưng tương ứng, khác nhau. Tương ứng với từng hàng thánh mà giọng điệu phán truyền và phong thái thể hiện cũng khác nhau như: giọng điệu oai nghiêm, phong thái của quan lại thời phong kiến của hàng Quan lớn, Thánh Hoàng; giọng điệu khoan thai, đĩnh đạc của hàng Thánh Chầu; giọng điệu dịu dàng, đôi khi là chanh chua, đành hanh của hàng Thánh Cô; giọng điệu của các bé trai đối với hàng Thánh Cậu. Và giọng điệu phán truyền này cũng tùy thuộc vào quan niệm về tính cách của các vị thánh, tùy theo các địa Phương.
Lời phán truyền cũng được sử dụng tùy theo từng hoàn cảnh. Tuy nhiên có thể thấy thường tập trung chính vào hai nội dung sau:
- Phán truyền chúc tụng, ban công thưởng lộc nhân các dịp lễ tiết, khai đàn, mở phủ, mừng đồng…
- Phán truyền về quá khứ, tương lai, dạy bảo các điều đối nhân xử thế, hành sự trước sau…
Có thể nói hầu đồng – hình thức diễn xướng với các thực hành thể hiện từ trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian là một loại hình nghệ thuật thể hiện tổng hợp những nét văn hóa đậm chất của người Việt.