Bệnh trầm cảm ở nam giới được coi là bệnh lý vô cùng phức tạp. Hiện nay vẫn còn nhiều người chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của chứng bệnh này. Bệnh trầm cảm là gì, nguyên nhân do đâu và cách vượt qua như thế nào sẽ được chia sẻ chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Tìm hiểu bệnh trầm cảm ở nam giới
1.1. Trầm cảm nam giới là gì?
Trầm cảm là căn bệnh do hoạt động của não bộ rối loạn gây ra những biến đổi bất thường trong những suy nghĩ và hành vi hàng ngày. Trầm cảm xảy ra ở nhiều độ tuổi phổ biến nhất là từ 18-45 tuổi. Thông thường phụ nữ mắc chứng bệnh trầm cảm này nhiều hơn ở nam giới. Tuy vậy, bệnh trầm cảm ở nam giới lại nguy hiểm hơn do bệnh thường phát hiện muộn gây khó khăn trong việc chữa trị.
Cho đến những năm gần đây, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 5% dân số thế giới mắc chứng rối loạn trầm cảm rõ rệt. Hội chứng này đang có xu hướng ngày càng gia tăng và tỷ lệ này xuất hiện nhiều ở đối tượng thất nghiệp, đàn ông ly hôn…
Bệnh trầm cảm ở phái mạnh khó phát hiện (Nguồn: elleman.vn)
1.2. Trầm cảm nam giới có nguy hiểm không
Trầm cảm ở phái mạnh khi được phát hiện thường đã tiến triển đến giai đoạn nặng. Vì vậy, vấn đề điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Theo một số cuộc khảo sát cho thấy trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% trường hợp tự sát. Tỷ lệ nam giới bị trầm cảm tuy rằng ít hơn nữ giới nhưng một khi đã rơi vào căn bệnh thường có xu hướng tự sát cao hơn.
Xu hướng tự tử do trầm cảm ở nam giới cao hơn nữ giới (Nguồn: baomoi.com)
1.3. Dấu hiệu trầm cảm nam giới là gì?
Khi nhắc tới những dấu hiệu của bệnh trầm cảm chúng ta có thể nghĩ ngay tới tâm trạng buồn chán kéo dài và mất đi cảm giác hứng khởi trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đây không phải là tất cả vì mỗi cá nhân sẽ có những dấu hiệu khác nhau. 11 dấu hiệu thường thấy nhất ở người đàn ông mắc chứng trầm cảm phải kể đến như:
Mệt mỏi và trì trệ: Nam giới dễ rơi vào triệu chứng mệt mỏi về mặt thể chất và trì trệ mặt tinh thần hơn so với phụ nữ do áp lực từ công việc và cuộc sống hàng ngày.
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít: Bệnh trầm cảm ở nam giới hay nữ giới đều dẫn tới hiện tượng rối loạn giấc ngủ. Dù ngủ rất nhiều, có thể đến 12 tiếng một ngày nhưng người bệnh vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt quệ.
Khó tập trung: Tâm trí người mắc chứng trầm cảm luôn chìm sâu vào những suy nghĩ tiêu cực khiến mọi giác quan, hành động đều bị đình trệ.
Thường xuyên cáu gắt: Họ có thể cảm thấy bực bội, khó chịu vì những chuyện vụn vặt thường ngày.
Nóng nảy và thù địch: Một trong những dấu hiệu thường thấy nhất ở nam giới khi mắc bệnh trầm cảm là thái độ thù địch, không nhận sai.
Đau bao tử, đau lưng: dấu hiệu này dễ bị nhầm lẫn với các chứng bệnh tiêu hóa, xương khớp.
Lo âu: Rối loạn lo âu có liên quan mật thiết đến trầm cảm.
Stress: Việc cảm thấy cuộc sống quá mệt mỏi dễ khiến bạn stress thêm. Bạn có thể học cách xoa bóp bấm huyệt giảm stress mỗi ngày có thể giúp bản thân dễ chịu hơn đôi chút.
Lạm dụng chất kích thích: Tìm kiếm sự thoải mái qua rượu và các chất kích thích.
Rối loạn chức năng tình dục: đời sống tình dục thuyên giảm hoặc mất cảm xúc khi yêu.
Suy nghĩ tự sát: Ý muốn tự sát ở đàn ông mắc bệnh trầm cảm cao hơn phụ nữ rất nhiều và tỷ lệ tự tử thành công cũng chiếm phần lớn.
Những cơn giận dữ lấn át (Nguồn: hrinsider.vietnamworks.com)
1.4. Vì sao bệnh trầm cảm ở nam giới lại khó phát hiện?
Bệnh trầm cảm là chứng bệnh được xếp vào loại bệnh nghiêm trọng trong giới y khoa. Đa số bệnh nhân được chữa trị là nữ nhưng thực chất con số ở nam giới mắc chứng bệnh này cũng không hề nhỏ. Sở dĩ bệnh trầm cảm ở nam giới khó phát hiện hơn vì đa số cánh mày râu thường không sẵn sàng chia sẻ tình trạng của bản thân với mọi người dẫn tới việc chuẩn bệnh càng thêm khó khăn.
Nguyên nhân bệnh trầm cảm ở nam giới có thể là do stress trong công việc, các mối quan hệ hoặc do di truyền. Bệnh trầm cảm dù ở nam hay nữ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều phương diện trong cuộc sống. Vì vậy, khi nhận thấy những dấu hiệu nghi vấn kể trên bạn nên đến các địa chỉ khám bệnh tâm lý uy tín để nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Nam giới thường che giấu cảm xúc thật của bản thân (Nguồn: baomoi.com)
2. Nguyên nhân gây nên trầm cảm ở nam giới
2.1. Ngại chia sẻ, che giấu cảm xúc
Tâm lý phái mạnh thường ngại sẻ chia những khó khăn và che giấu đi cảm xúc thật của bản thân. Điều này tạo ra những dồn nén chất chồng khiến bệnh tình càng thêm khó chữa.
2.2. Áp lực từ gia đình, vợ con
Đàn ông là trụ cột của gia đình. Họ tự định cho mình trách nhiệm kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Chính áp lực cơm áo gạo tiền hàng ngày đôi khi cũng là gánh nặng khiến bản thân người đàn ông cảm thấy mệt mỏi.
2.3. Áp lực công việc, kiếm tiền
Bệnh trầm cảm ở đàn ông nguyên nhân phần nhiều là từ áp lực kiếm tiền. Công việc gặp nhiều trắc trở, lương thấp không đủ nuôi sống bản thân khiến người đàn ông thấy bản thân mình vô dụng dẫn tới căng thẳng và dần dần dẫn tới bệnh trầm cảm.
Áp lực kiếm tiền khiến nam giới mệt mỏi (Nguồn: elleman.vn)
2.4. Thất bại, vấp ngã
Nam giới dễ mắc phải những vấp ngã trong công việc và những thất bại này đôi khi khiến cánh mày râu cảm thấy bản thân mình thua kém.
2.5. Yếu tố di truyền
Các nhà khoa học chỉ ra rằng bệnh trầm cảm có liên quan đến yếu tố di truyền. Hiện có 2 biến thể gen được tìm thấy có liên quan đến chứng bệnh trầm cảm nặng là SIRT và LHPP. Ngoài ra, nhiều người vẫn tin rằng có nhiều biến thể gen gây trầm cảm chưa được phát hiện.
2.6. Ảnh hưởng từ môi trường sống
Môi trường sống khắc nghiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm. Những yếu tố từ gia đình, bạn bè, các mối quan hệ gây ảnh hưởng nhiều đến tính cách và tinh thần của mỗi con người.
Môi trường sống cũng là nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm phát tác (Nguồn: chuabenhtramcam.vn)
2.7. Các biến cố, mất mát
Những biến cố, mất mát trong cuộc sống như việc mất đi người thân, bị đuổi việc khiến tâm trạng trở nên ủ dột, mất ngủ kéo dài cũng có thể biến chứng thành bệnh trầm cảm.
2.8. Các bệnh lý liên quan đến trầm cảm
Một số chứng bệnh có thể là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm như những chấn thương hay tai biến mạch máu não, u não.
2.9. Nghiện rượu bia thuốc lá
Nam giới có tỷ lệ nghiện rượu bia, thuốc lá nhiều hơn nữ giới. Sử dụng các loại chất kích thích này giúp họ giải tỏa tạm thời những căng thẳng. Tuy nhiên, về lâu về dài chúng sẽ là kẻ thù khiến bệnh trầm cảm của bệnh nhân càng ngày càng thêm nghiêm trọng.
Rượu bia chỉ có tác dụng giảm stress tạm thời (Nguồn: danviet.vn)
3. Cách vượt qua trầm cảm ở nam giới
3.1. Tìm hiểu nguyên nhân gây trầm cảm
Cách vượt qua trầm cảm ở nam giới trước tiên là bạn cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây ra bệnh để tìm hướng giải quyết tận gốc.
3.2. Cần nên chia sẻ nhiều hơn thay vì che giấu
Phái mạnh thường không dễ chia sẻ những khó khăn của bản thân cho người khác, kể cả người thân. Việc che giấu cảm xúc khiến tâm trạng người bệnh khó được giải tỏa. Điều này khiến căn bệnh càng trở nên trầm trọng.
3.3. Loại bỏ hành vi không lành mạnh
Tạo lập những thói quen tốt và loại bỏ dần những thói xấu là điều nên làm giúp giảm bớt triệu chứng trầm cảm. Rất nhiều người đàn ông trong giai đoạn trầm cảm dễ lao vào tệ nạn xã hội và các hành vi phá hoại gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý để có phác đồ điều trị hợp lý cũng như được tư vấn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi vượt qua chứng trầm cảm.
Rèn luyện cơ thể bằng cách tập luyện mỗi ngày (Nguồn: pocarisweat.com.vn)
3.4. Luyện tập thể dục thể thao đều đặn
Bệnh trầm cảm ở nam giới đôi khi là do công việc hàng ngày quá mệt mỏi không có thời gian tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Cơ thể mệt mỏi dẫn tới tinh thần sa sút lâu dần khiến bệnh trầm cảm ngày càng trở nặng.
3.5. Chăm sóc bản thân hơn
Trầm cảm thường dẫn tới hiện tượng buồn bã, chán nản và mất dần hứng thú với các hoạt động yêu thích. Điều này khiến người bệnh mất đi ý niệm muốn sống. Điều đáng báo động ở đây là số lượng nam giới tự tử cao hơn gấp 4 lần so với phụ nữ. Để giảm thiểu tình trạng này bạn nên dành thời gian chăm sóc, nuông chiều bản thân nhiều hơn. Một chuyến du lịch khám phá mọi miền tổ quốc hay tham gia những hoạt động hữu ích cùng bạn bè là cách hay giúp bạn cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, đừng quên tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cải thiện chế độ tập luyện hàng ngày bạn nhé.
3.6. Nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia là điều cần thiết
Bệnh trầm cảm ở nam giới khó điều trị hơn một phần là do họ khó mở lòng, khó chia sẻ những nỗi lo âu, sợ hãi của bản thân với bác sĩ. Tuy nhiên, thời điểm này bạn cần sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để hiểu rõ hơn về bệnh và tìm phương hướng giải quyết hợp lý.
Cho đến thời điểm này, bệnh trầm cảm vẫn là chứng bệnh tâm lý nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người thân. Hiện nay, bệnh trầm cảm đang được nhiều người xem nhẹ do chưa hiểu mức độ trầm trọng của vấn đề. Việc nắm rõ những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ngay từ giai đoạn đầu và tìm địa chỉ uy tín khám chữa bệnh là cách tốt nhất để tránh những hậu quả đáng tiếc do bệnh trầm cảm ở nam giới gây ra.
Đã đến lúc bạn cần sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý (Nguồn: nguoiduatin.vn)
Ngoài ra, bệnh nhân mắc chứng trầm cảm cần nhiều sự quan tâm hơn từ gia đình, bạn bè. Cải thiện những thói quen xấu, tạo lập các mối quan hệ mới và tham gia các hoạt động thiện nguyện hay thể dục thể thao lý thú là ý tưởng hay giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Bệnh trầm cảm ở nam giới hay nữ giới đều có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc nếu không được quan tâm kịp thời. Để tránh sự việc đi quá xa, bạn và gia đình nên tham khảo các gói khám chữa bệnh tâm lý toàn diện định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.