Bệnh đau dây thần kinh tọa là gì, nguy hiểm không, dấu hiệu, cách chữa

Là một trong những căn bệnh phổ biến, hay xảy ra với đối tượng nam lẫn nữ ở mọi lứa tuổi nhưng không phải ai cũng biết rõ về bệnh đau dây thần kinh tọa. Vì thế, hãy để bài viết dưới đây của Blog Adayroi giúp bạn giải đáp rõ ràng hơn về vấn đề trên nhé!

1. Đau dây thần kinh tọa là gì?

Đau dây thần kinh tọa còn được gọi là đau thần kinh hông to, tức là các đoạn dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc tổn thương khiến cho người bệnh sẽ có cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa từ cột sống thắt lưng xuống tới đùi, cẳng chân, bàn chân hay các ngón chân. Đây là một trong 15 bệnh cơ xương khớp thường gặp ở cả đối tượng người già lẫn người trẻ.

2. Dấu hiệu đau dây thần kinh tọa

2.1. Dấu hiệu rõ rệt

Người bệnh sẽ bắt gặp những dấu hiệu dễ thấy trên cơ thể như:

Đau nhức thường xuyên xuất hiện liên tục ở giữa cột sống rồi lây lan tới mông, đùi, bắp chân, bàn chân, gót chân… Đặc biệt, khi bị tác động bởi một lực nào đó hoặc trở mình thì sẽ làm cho cơn đau trở nên dữ dội hơn.

Vào mỗi buổi sáng thức dậy, bạn sẽ cảm thấy xương khớp bị cứng lại – triệu chứng này kéo dài sẽ làm cho cơ bắp bị co thắt mạnh.

Bên cạnh việc cứng khớp trong khoảng thời gian dài khiến cơ bắp bị co thắt thì sẽ dẫn đến dấu hiệu teo cơ hay chứng teo mông, chân, đùi…

Bởi phần thắt lưng, mông, chân bị đau thường xuyên nên bệnh nhân sẽ đi lại rất khó khăn, rồi vận động cúi gập hay xoay người cũng gặp trở ngại, bị hạn chế.

Nguy hiểm hơn, chân tay sẽ bị tê cứng, mất cảm giác rồi cơ thể suy nhược, ăn không ngon ngủ không yên, không thể tự chủ được trong việc đi vệ sinh cá nhân.

Đặc biệt, còn có thêm dấu hiệu đau vai gáy nếu ngồi hay nằm trong khoảng thời gian dài.

Tìm hiểu về đau dây thần kinh tọa

Tìm hiểu về đau dây thần kinh tọa (Nguồn: medicalnewstoday.com)

2.2. Dấu hiệu về cảm giác

Đối với dấu hiệu về cảm giác thì tiêu biểu nhất là người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức vùng lưng. Bắt đầu từ rễ thần kinh lưng rồi lan xuống đùi, cẳng chân và dừng lại ở điểm cuối là ngón chân út. Hoặc cũng có thể là những cơn đau nhức từ phía sau của mông xuống tới mặt sau của đùi, bắp chân rồi bàn chân… Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp hiếm gặp thì sẽ đau ngược lại, từ dưới bộ phận chân chạy lên vùng lưng.

2.3. Dấu hiệu thông qua vận động

Khi bị bệnh đau dây thần kinh tọa, bệnh nhân sẽ gặp những khó khăn và trở ngại nhất định khi vận động như nghiêng người hay cúi gập người xuống. Khi có sự tác động, va chạm vào cơ thể cũng có thể khiến cho cơn đau tăng lên, thậm chí, ho, hắt xì hơi hoặc cười cũng khiến đau nhức dữ dội.

Đặc biệt, bước sang giai đoạn nặng hơn thì việc cử động tay, chân cũng không còn linh hoạt. Bệnh nhân sẽ thấy xuất hiện thêm triệu chứng teo cơ đùi, mông hay chân rồi cuối cùng là cảm giác chân tay bị tê liệt, mất cảm giác và không thể tự chủ, kiểm soát được trong việc vệ sinh cá nhân hàng ngày.

2.4. Dấu hiệu nhận biết tại cột sống

Cơn đau nhức sẽ làm cho các cơ ở cạnh vùng sống lưng của cơ thể bị co lại và từ đó làm xuất hiện hiện tượng cong vẹo cột sống.

3. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Nguyên nhân của căn bệnh đau dây thần kinh tọa chủ yếu do các bệnh lý đĩa đệm như phình, lồi hay thoát vị đĩa đệm gây nên.

Cụ thể, theo y học cổ truyền thì ảnh hưởng bởi 1 trong 3 yếu tố: thấp tà, phong tà hoặc hàn tà, tức là khí huyết trong mạch máu không phân bố, lưu thông đều đặn trong cơ thể để bổ sung lượng oxy cần thiết, dẫn đến cơn đau nhức và bệnh tật.

Còn theo nhận định của y khoa tiên tiến hiện đại lại cho rằng những triệu chứng đau nhức, tê chân tay là do khối thoát vị (được tạo bởi nhân nhầy trong lớp bao xơ dày nằm phía bên ngoài các đốt cột sống) đè lên rễ thần kinh. Bên cạnh đó, các bệnh liên quan đến xương khớp như gai cột sống, thoái hóa cột sống… cũng chính là một trong những lý do gây nên đau dây thần kinh tọa.

Nguyên nhân gây nên đau thần kinh tọa là gì

Nguyên nhân gây nên đau thần kinh tọa là gì (Nguồn: thietbiytevietmy.vn)

4. Đau dây thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Tương tự như một số bệnh lý liên quan đến xương khớp thì đau dây thần kinh tọa không trực tiếp đe dọa hay nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ làm cho cơ thể suy nhược, chân tay bị suy yếu, dẫn đến tàn phế. Từ đó, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những người bị bệnh. Do đó, mọi người hãy thường xuyên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 2 lần/ năm để biết được tình hình sức khỏe chính xác nhất.

5. Nguy cơ mắc hội chứng đau dây thần kinh tọa

Thực tế, không phải ai cũng có nguy cơ hoặc khả năng mắc phải căn bệnh đau thần kinh tọa mà đa số sẽ thường gặp ở một số đối tượng như:

5.1. Người lớn tuổi

Chính những thay đổi liên quan đến tuổi tác sẽ tác động đến tuổi ở cột sống lưng, khiến nhiều người trung niên hay lớn tuổi thường mắc bệnh gai xương hay thoát vị đĩa đệm – một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh đau dây thần kinh tọa.

5.2. Người bị béo phì

Những người béo phì sẽ làm cho trọng lượng của cơ thể mình bị dư thừa, từ đó tăng áp lực, căng thẳng cho cột sống lưng và gây ra những cơn đau nhức, khó chịu. Do đó, bạn cần xây dựng một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm xanh sạch an toàn và chất lượng để luôn đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh, vững chắc.

5.3. Do bệnh nghề nghiệp

Nhiều người phải làm những công việc mang vác nặng hay thường xuyên phải xoay lưng trong một thời gian dài cũng khiến cho đau thần kinh tọa phát tác.

5.4. Dân văn phòng hoặc những người phải ngồi kéo dài

Đối với dân văn phòng hay người bắt buộc phải làm công việc ngồi suốt trong một khoảng thời gian dài lại kèm theo sự lười biếng, ít vận động cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh đau thần kinh tọa hơn những người khác.

Nhân viên văn phòng ngồi nhiều làm tăng nguy cơ mắc chứng đau thần kinh tọa

Nhân viên văn phòng ngồi nhiều làm tăng nguy cơ mắc chứng đau thần kinh tọa (Nguồn: yogasahl.dk)

5.5. Người mắc bệnh đái tháo đường

Khi bạn mắc bệnh đái tháo đường sẽ có khả năng làm tổn thương thần kinh và dẫn đến căn bệnh đau thần kinh tọa. Vì vậy, bạn đừng quên thường xuyên đi khám sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu tại bệnh viện uy tín, chất lượng nhé!

6. Đau dây thần kinh tọa có nên đi bộ

Đau dây thần kinh tọa khiến cho việc vận động của người bệnh bị suy giảm, do đó nếu không được chữa trị kịp thời và dứt điểm hoàn toàn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với việc bị bại liệt nửa thân dưới. Nhiều người cho rằng, đi bộ sẽ khiến cho bệnh tình của người bệnh trở nên đau đớn mà ít ai thấy được mặt tích cực của phương pháp điều trị này.

Mỗi ngày, bệnh nhân chỉ cần đi bộ khoảng từ 20-30 phút trong buổi sáng sớm hoặc chiều muộn bởi khi ấy không khí trong lành và mang lại sự thoải mái nhất. Khi đi bộ nên đi nhẹ nhàng, không vội vã và không nên đi quá 1,5km. Bên cạnh đó, còn có một sự lựa chọn vô cùng thuận tiện cho mọi người chính là mua máy tập đi bộ tại nhà, nếu có điều kiện.

7. Các loại bệnh đau dây thần kinh tọa

Hiện nay, trong cuộc sống, chúng ta sẽ thường bắt gặp hai loại đau dây thần kinh tọa phổ biến, đó là:

7.1. Đau dây thần kinh tọa ở chân

Đối với đau dây thần kinh tọa ở chân thì người bệnh sẽ bắt gặp những cơn đau nhức từ theo dọc đường đi của dây thần kinh, từ đùi lây lan xuống bắp chân, bàn chân rồi các ngón chân. Nguyên nhân là bởi sự tác động từ bên ngoài hoặc mắc các bệnh lý về xương khớp. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ khiến cho con người khó khăn trong việc vận động, thậm chí dẫn đến tàn phế suốt đời.

7.2. Đau dây thần kinh tọa ở lưng

Loại bệnh đau dây thần kinh tọa thứ hai thường gặp là ở lưng, đau nhức dữ dội vùng lưng – nơi tập trung những rễ dây thần kinh tọa quan trọng. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau tê buốt từ thắt lưng xuống tận hông sau và lý do là bởi 1 số căn bệnh như thoát vị đĩa đệm chèn vào dây thần kinh hay viêm đốt sống lưng, thoái hóa cột sống.

Đau dây thần kinh tọa ở lưng

Đau dây thần kinh tọa ở lưng (Nguồn: theconversation.com)

8. Cách chữa trị đau dây thần kinh tọa

Nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại nên bây giờ có khá nhiều phương pháp điều trị đau dây thần kinh tọa, mọi người có thể tham khảo một số cách như sau để có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình và gia đình:

8.1. Cách chẩn đoán bệnh đau thần kinh tọa

Đầu tiên, đội ngũ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế sẽ chẩn đoán tình trạng bệnh của bệnh nhân dựa vào những triệu chứng lâm sàng bằng các nghiệm pháp là chụp Xquang cột sống thắt lưng, chụp cộng hưởng từ (MRI) để biết chính xác dạng tổn thương hoặc mức độ thoát vị đĩa đệm, điện cơ (EMG) – phát hiện và đánh giá tổn thương của rễ thần kinh…

8.2. Cách chữa trị bệnh đau thần kinh tọa

Từ việc chẩn đoán lâm sàng như trên, sẽ đưa ra được những cách thức cũng như phương pháp chữa trị bệnh đau dây thần kinh tọa đúng đắn, sáng suốt.

8.2.1. Nguyên tắc chữa trị

Để có thể đẩy lùi và chấm dứt hoàn toàn được căn bệnh này thì mọi người cần áp dụng các nguyên tắc điều trị như:

Chữa trị theo nguyên nhân, tức là tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân gây ra bệnh rồi khắc phục, thường hay gặp là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Đối với những trường hợp nhẹ hoặc vừa thì nên điều trị nội khoa. Còn khi xuất hiện những biến chứng liên quan đến vận động hay cảm giác thì sẽ có sự can thiệp ngoại khoa.

Nếu đau thần kinh tọa do nguyên nhân ác tính thì cần kết hợp chữa trị chuyên khoa và điều trị giải ép cột sống.

8.2.2. Điều trị nội khoa

Bệnh nhân nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không nên mang vác đồ nặng, nằm giường cứng, tránh vận động mạnh hoặc đứng ngồi quá lâu, xoay người đột ngột…

8.2.3. Điều trị bằng thuốc

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh đau dây thần kinh tọa của bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê toa cho thuốc uống để giảm đau như NSAID, thuốc giãn cơ, vitamin nhóm B… Đồng thời, có thể được chỉ định tiêm corticosteroid ngoài màng cứng hay cần đến chế phẩm thuốc phiện như morphin trong trường hợp bệnh nặng, đau nhức dữ dội. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều bài thuốc nam chữa đau thần kinh tọa hiệu quả, giảm đau nhức mỏi tuyệt vời mà mọi người có thể tham khảo thêm để áp dụng cho hợp lý.

Điều trị bằng thuốc để chữa đau dây thần kinh tọa

Điều trị bằng thuốc để chữa đau dây thần kinh tọa (Nguồn: khuongthaodan.com)

8.2.4. Điều trị ngoại khoa

Nếu chữa trị nội khoa hay sử dụng thuốc mà không đem lại hiệu quả thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định làm phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến là phẫu thuật cắt cung sau đốt sống và phẫu thuật lấy nhân đệm.

Ngoài ra, còn có trường hợp trượt đốt sống do gây chèn ép dây thần kinh thì sẽ áp dụng phương pháp nẹp vít hoặc làm cứng đốt sống.

8.2.5. Điều trị hỗ trợ

Đối với điều trị hỗ trợ thì có thể áp dụng thường xuyên tại nhà bằng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh vào vị trí gây đau nhức.

8.2.5. Các phương pháp khác

Ngoài ra, còn có nhiều phương pháp khác thường được sử dụng để chữa trị việc đau thắt lưng như nắn khớp xương hoặc châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt …

Nếu bạn bắt gặp bất kỳ một dấu hiệu nào liên quan đến căn bệnh đau dây thần kinh tọa thì hãy đi khám sức khỏe nhé! Hoặc có thể lựa chọn gói dịch vụ tầm soát bệnh lý cơ xương khớp cho dân văn phòng tại bệnh viện Vinmec Central Park đang có giá ưu đãi từ 1.000.000  đồng để bảo vệ sức khỏe cho mình một cách tốt nhất