Ung thư vú ở nam giới là gì, dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị

Đa số những trường hợp ung thư vú ở nam giới được phát hiện đều đã ở giai đoạn 3, 4 khiến cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị căn bệnh nguy hiểm này ở nam giới nhé bạn.

1. Nguyên nhân ung thư vú ở nam giới là gì?

1.1. Đột biến gen

Trong cơ thể, một vài gen chứa thông tin di truyền làm tăng tốc độ phân chia tế bào được gọi là Oncogenes. Trong khi những gen khác làm chậm quá trình phân chia tế bào hoặc khiến tế bào tự hủy vào thời điểm thích hợp được gọi là gen ức chế khối u. Ung thư vú có thể bắt nguồn từ đột biến DNA (dạng khiếm khuyết) – kích hoạt gen Oncogenes hoặc ngăn cản gen ức chế khối u. Việc cần làm là thường xuyên kiểm tra sức khỏe và đăng ký các gói tầm soát ung thư vú, phổi,… để có thể chữa trị kịp thời nếu mắc phải.

Nguyên nhân gây ung thư vú ở nam do đột biến gen

Nguyên nhân gây ung thư vú ở nam do đột biến gen (Nguồn: pixabay.com)

1.2. Những thay đổi do Hormon

Các tế bào vú thường phát triển và phân chia dưới sự kích thích từ Hormon nội tiết tố nữ như Estrogen (cơ thể nam giới vẫn có nhưng hàm lượng thấp). Càng nhiều tế bào phân chia, tỷ lệ sai sót khi sao chép DNA trên những tế bào này càng lớn. Sự thay đổi DNA này sẽ tạo ra một số “tế bào lỗi” cuối cùng có thể dẫn đến ung thư.

1.3. Những đột biến gen do tác động từ yếu tố bên ngoài như bức xạ

Theo đó, một số đột biến gen gây ung thư hoặc gen ức chế khối u có thể là kết quả của các quá trình xạ trị bệnh ung thư tại những vị trí khác gần vú. Những người làm việc trong môi trường chứa nhiều tia phóng xạ cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với thông thường.

1.4. Đột biến gen ức chế khối u

Một số bệnh ung thư vú có liên quan đến đột biến gen di truyền của gen ức chế khối u là BRCA1 và BRCA2. Nam giới chứa đột biến gen như BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn cùng các bệnh ung thư khác như ung thư tuyến tiền liệt và tuyến tụy. Việc ung thư vú có di truyền từ mẹ sang con không vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và xác định tỷ lệ cùng phương pháp sàng lọc trước khi sinh.

1.5. Do độ tuổi

Nguy cơ mắc phải ung thư vú sẽ tăng lên khi bạn già đi. Theo đó, số ca phát hiện ung thư vú của nam giới thường phổ biến trong giai đoạn tuổi từ 60 trở đi. Điều này còn phụ thuộc vào vị trí địa lý và môi trường sống. Tuy nhiên, gần đây số người mắc bệnh đang có xu hướng bị trẻ hóa về độ tuổi.

1.6. Hội chứng Klinefelter

Hội chứng này xuất hiện khi các bé trai được sinh ra có hơn 1 bản sao nhiễm sắc thể X, gây ra sự phát triển bất thường của tinh hoàn. Kết quả là, nam giới mắc phải hội chứng này thường sản xuất rất ít nội tiết tố nam (Androgen) và quá mức nội tiết tố nữ (Estrogen) gây ra các vấn đề liên quan tới ung thư vú.

1.7. Bệnh gan

Một số bệnh lý liên quan đến gan chẳng hạn như xơ gan, viêm gan có thể làm giảm nội tiết tố nam và tăng nội tiết tố nữ, từ đó tăng lên nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

1.8. Tiếp xúc với Estrogen

Nếu bạn dùng các loại thuốc liên quan đến Estrogen, chẳng hạn như những loại được sử dụng cho liệu pháp Hormone cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, nguy cơ ung thư vú của bạn sẽ tăng lên.

1.9. Béo phì

Những người bị béo phì thường có hàm lượng Estrogen cao hơn trong cơ thể, làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, đối với cả nam và nữ. Lời khuyên của các chuyên gia rằng cần phải có một lối sống lành mạnh hơn cũng như thực hiện các đợt tầm soát ung thư vú giúp giảm thiểu khả năng nuôi bệnh lâu dài nếu có.

1.10. Bệnh về tinh hoàn

Các bệnh lý về tinh hoàn như viêm tinh hoàn hoặc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn gây rối loạn nội tiếp từ đó có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú nam. Đây là một trong những nguyên nhân điển hình dẫn đến bệnh ung thư vú ở nam giới hiện nay.

Nguyên nhân gây ung thư vú ở nam do bệnh về tinh hoàn

Nguyên nhân gây ung thư vú ở nam do bệnh về tinh hoàn (Nguồn: laodong.vn)

2. Dấu hiệu ung thư vú ở nam giới

2.1. Một khối u xuất hiện

Bạn có thể tự kiểm tra ngực của mình bằng các thao tác đơn giản như giơ hai tay hoặc chống hông khi đứng trước gương. Một số trường hợp có thể phát hiện khi sờ nắn nhưng đa số sẽ cần thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh sàng lọc ung thư vú 3D hoặc chụp X-quang vú.

2.2. Thay đổi vùng da che phủ vú

Nếu thấy những thay đổi như sưng đỏ, tấy rát và bong tróc da ở vùng vú hay rõ rệt hơn là những vết hằn, lồi lõm giống như vỏ cam ở phần da che phủ vú thì nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra. Có thể đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đã bị mắc ung thư vú.

2.3. Những thay đổi trên núm vú

Núm vú đôi khi sẽ bị co rút và tụt vào phía trong, điều này bắt nguồn từ những thay đổi của tế bào bên trong núm vú. Vì không liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt nên đây là dấu hiệu ung thư vú ở cả nam và nữ rõ ràng nhất.

2.4. Tiết dịch ở núm vú

Tình trạng bệnh được biểu hiện thông qua việc núm vú liên tục tiết dịch từ một trong hai bên (không đồng thời cả hai) mà không có bất kỳ tác động nào từ bên ngoài. Thậm chí, dịch tiết ra còn có thể lẫn một chút máu.

Thói quen ăn uống là nguyên nhân dẫn tới ung thư vú nam giới

Thói quen ăn uống là nguyên nhân dẫn tới ung thư vú nam giới (Nguồn: vietnamplus.vn)

3. Ung thư vú ở nam giới có nguy hiểm không

So với hơn 12.000 ca mắc ung thư vú ở nữ giới, nam giới chỉ chiếm chưa đầy 600 ca nhưng hầu hết chỉ được phát hiện khi ở giai đoạn muộn (3, 4). Lúc này việc điều trị sẽ trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Thực tế, bệnh ung thư vú hoàn toàn có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Vậy nên, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và hạn chế rủi ro bệnh tật là thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện mọi dấu hiệu bất thường.

4. Các cách điều trị ung thư vú ở nam giới

4.1. Trị liệu nhắm mục tiêu

Một số nam giới có quá nhiều Protein (HER2) khiến ung thư lây lan nhanh chóng. Trastuzumab (Herceptin) là một loại thuốc đã được phê duyệt để điều trị ung thư vú đã lan sang các khu vực khác của cơ thể. Loại thuốc này ngăn chặn Protein – yếu tố làm cho các tế bào ung thư phát triển. Đồng thời cũng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của người bệnh, từ đó tăng sức đề kháng để chống lại căn bệnh ung thư.

4.2. Xạ trị

Xạ trị được áp dụng trước hoặc sau khi phẫu thuật. Phương pháp này có thể giúp tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào bị bỏ sót trong phẫu thuật. Nếu tế bào ung thư không di căn, xạ trị có thể là phương pháp điều trị chính của bệnh nhân.

4.3. Hóa trị

Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được truyền hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị có thể áp dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư quay trở lại. Đối với những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn hoặc ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, hóa trị có thể là phương pháp điều trị chính.

4.4. Liệu pháp Hormon

Một số loại ung thư vú cần Hormone để phát triển. Liệu pháp hormon giúp ngăn chặn tác dụng của các hormone này, từ đó ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Thuốc Tamoxifen là liệu pháp hormone tiêu chuẩn cho bệnh ung thư vú nam. Đối với nam giới bị ung thư di căn hoặc tiến triển cục bộ thì đây là phương pháp điều trị chính.

4.5. Phẫu thuật

Phương pháp điều trị điển hình cho nam giới là phẫu thuật cắt bỏ vú, trong đó một phần hay toàn bộ vú của bệnh nhân sẽ được cắt bỏ. Thông thường, bác sĩ phẫu thuật cũng lấy mẫu một hoặc nhiều hạch bạch huyết để xem ung thư đã lan rộng chưa.

Cách chữa ung thư vú nam giới bằng phương pháp phẫu thuật

Cách chữa ung thư vú nam giới bằng phương pháp phẫu thuật (Nguồn: medscape.com)

Trên đây là những thông tin chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu, mức độ nguy hiểm và cách điều trị bệnh ung thư vú ở nam giới. Ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng đều là những bệnh hết sức nguy hiểm với tỷ lệ sống cực kỳ thấp và chi phí điều trị cao. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn chặn và loại bỏ rủi ro bệnh tật khi tham gia khám sàng lọc và tầm soát ung thư chính xác cao và chi phí thấp. Hay đơn giản hơn là duy trì thói quen sinh hoạt điều độ bổ sung các loại thực phẩm hàng đầu phòng chống ung thư cực tốt, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tránh xa các tác nhân độc hại nhé bạn.