Nằm lọt thỏm giữa trùng điệp những ngọn núi hiểm trở thuộc dãy núi Himalaya – nóc nhà thế giới, Bhutan như bị tách biệt khỏi văn mình thế giới. Hay có chăng, thực sự Bhutan đã lựa chọn tách mình khỏi nền văn minh thế giới đang ngày càng hiện đại để gói ghém lại những giá trị văn hóa cuối cùng, để giải phóng mình khỏi những quan niệm vật chất thông thường và tái định nghĩa lại hai từ “hạnh phúc”. Điển hình là việc mặc dù du lịch ngày càng phát triển, du khách ngày càng tò mò và đổ xô về quốc gia này thì Bhutan vẫn cứ “một lòng một dạ một sân bay” tại thành phố Paro. Để đến Bhutan, bạn chỉ có độc một đường bay duy nhất từ Bangkok và sân bay Paro cũng chỉ có độc nhất một đường băng hạ cánh. Vậy nhưng ở đời, cái gì càng hiếm thì lại càng quý. Vậy nên, dù Bhutan có như cô gái mới lớn kiêu kì, chỉ mở một lối vào rất nhỏ thì rất nhiều “chàng trai” vẫn ùn ùn kéo đến xin được trải nghiệm, khám phá.
(hình)
Ngồi trên chuyến máy bay duy nhất đến Bhutan, chắc hẳn bạn cũng sẽ như tôi, cũng sẽ cảm thấy thực sự quá hồi hộp, quá nôn nóng được khám phá quốc gia này. Sau chuyến bay dài từ Bangkok rồi quá cảnh tại Ấn Độ, máy bay mới tiến thẳng đến quốc gia nằm lọt thỏm giữa Himalaya. Qua khung cửa sổ máy bay, những tầng mây trắng dần nhường chỗ cho những ngọn núi trập trùng và cánh chiếc máy bay đồ sộ cũng như lùi bước cho “cánh Rồng Sấm” linh thiêng đang dần hiển hiện ra trước mắt. Khi hạ thấp độ cao, trong mắt du khách lại là một Bhutan rất hiền lành, rất thơ với những ngôi nhà nhỏ kiến trúc Tây Tạng nổi bật giữa thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa chín vàng ươm.
Cảm giác đầu tiên của tôi khi vừa bước ra khỏi cánh cửa máy bay chính là LẠNH, khéo mà răng đã va vào lưỡi đến chảy cả máu. Có lẽ bởi độ cao xuất sắc và địa hình độc đáo của mình mà Bhutan có khí hậu rất thấp. Nhưng quả là lý tưởng dành cho những con nghiện hơi lạnh khi sống ở quốc gia nhiệt đới như Việt Nam. Tuy nhiên, bạn sẽ vô cùng bất ngờ khi người dân Bhutan lại thích nghi rất tốt với không khí nơi đây. Dường như cái lạnh đã thấm vào da, vào thịt, vào cuộc sống hàng ngày, nhưng may thay, lại không thấm vào máu và cũng không đủ quyền năng để làm đông cứng nụ cười của người dân Bhutan. Tiếp đón chúng tôi là những nụ cười nồng hậu, nụ cười vô âu và nụ cười dường như chưa hề nhuốm màu trần tục hay mệt mỏi. Vẫn biết Bhutan đã từng gây sốc với toàn thế giới khi tuyên bố thay thế đưa ra khái niệm “Tổng sản lượng Quốc gia” (Gross National Product – GNP) bằng “Tổng hạnh phúc Quốc gia” (Gross National Happiness – GNH), thế nhưng tôi vẫn không khỏi sốc thêm lần nữa bởi người dân nơi đây quá… hạnh phúc.
Dọc đường đi, không khó để bạn có thể bắt gặp những em bé ngây thơ đang cùng chơi những trò chơi mà trẻ em thị thành khó có thể biết, cùng cười đùa trong nắng sớm. Giữa không gian bạt ngàn màu xanh của cây cối, màu vàng của những con đường đất quanh co, tiếng cười trong trẻo khanh khách vang lên khiến lòng du khách dịu đi ít nhiều sau một chuyến bay dài. Hoặc thật dễ dàng để bạn ngắm được vẻ mặt ngượng nghịu của những cô gái trẻ vừa trở về sau khi xong việc đồng áng khi du khách hỏi có thể chụp một tấm ảnh hay không. Với đôi mắt trong veo, đen láy như biết nói, nụ cười lấp lánh và làn da rám nắng, những cô gái Bhutan dù không cần son phấn mà vẫn làm say lòng bất kì du khách nào lỡ ngắm nhìn quá lâu mà quá mê say.
Dường như với người dân Bhutan, niềm tin và cách sống tách biệt khỏi cuộc sống hiện đại, xô bồ là cách tốt nhất để họ tiến gần hơn đến với hạnh phúc khi nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ số “Tổng hạnh phúc Quốc gia” (Gross National Happiness – GNH) của quốc gia này ngày càng tăng cao. Đặc biệt, nhằm bảo tồn bản sắc quốc gia, Bhutan khuyến khích người dân duy trì những ngành nghề truyền thống như: Vẽ tranh, khắc tượng, thủ công mỹ nghệ,…
Được mệnh danh là vườn địa dàng cuối cùng của thế giới (the last Shangri – La), quả thật, Bhutan ẩn chứa rất nhiều điều không tưởng mà bạn khó có thể thấy được ở bất kì đâu. Giữa không gian tĩnh mịch của rừng rậm và những dãy núi cao, Bhutan chứa đựng hàng trăm tu viện – pháo đài và những công trình văn hóa đậm chất Tây Tạng. Lạc đến những tu viện này, du khách không khỏi có cảm giác mình vừa đặt chân tới cõi ta bà đầy mộng mị. Với những năm tháng lịch sử dài đằng đẵng đấu tranh vì độc lập dân tộc và chống xâm lược, Bhutan mang trên mình những vết sẹo khó lành nhưng đầy oai hùng, đặc biệt thể hiện qua các tu viện được xây dựng kết hợp như một pháo đài chiến đấu. Mật độ công trình tôn giáo tại Bhutan thuộc vào hàng cao nhất thế giới khi có đến hơn 40 tu viện, đền chùa rải rác khắp các tỉnh thành. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như: Tashicho Dzong, Rinpung Dzong, Punakha Dzong,… và đặc biệt nhất là Taktasang Dzong (hay còn gọi là tu viện Tiger’s Nest).
Tu viện Taktsang Dzong nằm trên sườn núi hiểm trở, nhìn thẳng xuống thung lũng Paro hùng vĩ. Tương truyền rằng khi xưa, Đức Padmasambhava đã cưỡi hổ thần bay từ Tây Tạng tới đây, vì vậy nơi đây còn được gọi bằng cái tên: Tổ của hổ (Tiger’s Nest). Tu viện Taktsang Dzong được xem là một trong những cái nôi của tu học Phật giáo Tây Tạng nên du khách đến đây có thể cảm nhận được văn hóa Phật giáo không chỉ bao trùm toàn bộ khuôn viên tu viện mà còn len lỏi trong từng cành cây, ngọn cỏ, vách núi cheo leo. Đến Tu viện Taktsang Dzong, du khách dễ có cảm giác mình vừa “thoát tục”, lạc đến cõi ta bà chứ không còn ở cõi trần ai. Mặc cho địa hình của tu viện khá hiểm trở nhưng hàng ngày, nơi đây vẫn đón rất đông người dân Bhutan và du khách phương xa đến cầu bình an, thịnh vượng cho gia đình và quốc gia.
Hầu hết những tu viện cổ tại Bhutan đều được thiết kế đa chức năng – vừa là nơi để thờ Phật, tu học kinh kệ; vừa là pháo đài kiên cố trong thời kì đất nước còn loạn lạc. Nằm nép mình bên con sông Wang Chhu, hiếm du khách nào có thể đoán được tu viện Tashicho Dzong (Thimphu Dzong) thanh tịnh này lại từng là một pháo đài vô cùng vững chắc. Bên cạnh cái tên chính thức, tu viện này còn được gọi là “Pháo đài của tôn giáo huy hoàng”. Những mái ngói đỏ thắm nổi bật giữa không gian yên tĩnh của thủ phủ Thimphu, những khung cửa chạm khắc tinh xảo, hương trầm lãng đãng tự sương,… như phản ánh một nền Phật giáo Tây Tạng đang vào độ “chín muồi” tại “xứ sở hạnh phúc nhất thế giới”.
Hiện nay, tu viện pháo đài Tashicho Dzong (Thimphu Dzong) được sử dụng làm cơ quan hành chính của nhà nước, nơi đặt ngự phòng của Vua và rất nhiều cơ quan thuộc bộ máy quản lý của nhà nước. Đây cũng là nơi ngự giá vào mùa hè của các vị lãnh đạo Phật giáo. Nếu may mắn đến thăm Tashicho vào đúng những mùa lễ hội lớn của Phật giáo, du khách có cơ hội khám phá nhiều điểm đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Bhutan thông qua những nghi thức được thực hiện tại tu viện này.
Sau tất cả, dưới con mắt của một kẻ si mê điên dại sự bình yên trong tâm hồn, Bhutan khép lại trong tim tôi như một chốn đia đàng thanh tịnh, một cõi ta bà có lẽ bất kì ai cũng muốn dành trọn những giây phút cuối đời của mình ở nơi đây.