Đẻ thường không rạch tầng sinh môn có được không, cách rặn chi tiết

Đẻ thường không rạch tầng sinh môn có lẽ là điều mà bất cứ sản phụ nào cũng đều mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được. Vậy khi nào phải rạch tầng sinh môn? Muốn không bị rạch khi đẻ thường thì phải làm gì?

1. Đẻ thường không rạch tầng sinh môn có được không?

1.1. Rạch tầng sinh môn là gì?

Nhiều mẹ bầu sắp sinh lo lắng không biết rạch tầng sinh môn khi sinh nở là gì, có đau không? Đây chính là một thủ thuật nhỏ nhằm mở rộng phần âm hộ âm đạo giúp thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn, đồng thời cũng là cách giúp mẹ tránh bị rách tầng sinh môn khi sinh thường. Xét về mục đích thì việc làm này là tốt, tuy nhiên không nên lạm dụng vì bên cạnh việc giúp bé ra nhanh và an toàn hơn thì nó để lại nỗi đau và sự bất tiện rất lớn cho người mẹ.

1.2. Khi nào nên rạch tầng sinh môn?

Không phải trường hợp đẻ thường nào cũng cần phải rạch. Nếu khả năng sinh nở của mẹ tốt thì không cần phải làm thủ thuật này. Hầu hết những người phải rạch tầng sinh môn khi sinh thường sẽ thuộc các trường hợp như: tầng sinh môn có độ co giãn và linh hoạt kém, tử cung của mẹ co bóp không đủ lực để giúp bé ra ngoài trong thời gian cho phép. Với sản phụ trên 35 tuổi, sản phụ bị các bệnh về tăng huyết áp, tim mạch, bị viêm âm đạo, vùng đáy chậu bị phù nề.. .thì cũng nên thực hiện khi sinh thường.

Ngoài ra, một số trường hợp khác như đầu của thai nhi có kích thước lớn, khó chui ra khỏi âm hộ của mẹ nếu không được rạch tầng sinh môn hoặc đầu thai nhi tuy đã xuống thấp nhưng lại xuất hiện dấu hiệu bất thường như thai lưu, suy thai… thì cũng cần rạch ngay để cứu sống trẻ kịp thời, tránh nguy cơ bị ngạt thai, lưu thai.

1.3. Sinh thường lần 2 có bị rạch tầng sinh môn?

Không có quy định nào bắt buộc mẹ sinh thường lần đầu dù đã hay chưa rạch tầng sinh môn thì sinh thường lần hai phải tiếp tục rạch ở bộ phận này. Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng sinh nở của người mẹ. Hầu như sau một lần sinh thường, tầng sinh môn của mẹ đã bị giãn rộng nên khả năng bé ra ngoài sẽ nhanh hơn so với lần đầu. Do đó, nếu mẹ đã bị rạch tầng sinh môn lần một thì lần hai nếu sinh thường hãy cố gắng phối hợp với các bác sĩ để sinh nở thật khéo để không phải tiếp tục thủ thuật này lần thứ hai.

1.4. Khi nào đẻ thường không rạch tầng sinh môn?

Các bà mẹ khi đẻ thường đều không mong muốn bị rạch tầng sinh môn. Nhưng vì sự an toàn của trẻ là trên hết nên hầu như không còn sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, các mẹ cũng không nên quá lo lắng. Việc tiến hành thủ thuật này chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết. Các y bác sĩ vẫn khuyến khích bạn sinh tự nhiên nếu khả năng sinh nở tốt, không cần tiến hành rạch.

Một số trường hợp đó như: sức khỏe của mẹ tốt, không bị viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục trong suốt quá trình thai kỳ và khi chuyển dạ. Khung chậu của mẹ rộng, không bị bệnh lý thì cũng sẽ giúp bé ra ngoài nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Cổ tử cung của mẹ rộng, cơn co đều, đủ lực, tầng sinh môn linh hoạt và giãn nở tốt thì cũng sẽ giúp bé ra ngoài thuận lợi mà không cần rạch. Kết hợp với đó là thai ngôi thuận, sức khỏe của bé tốt, không bị suy thai cũng như thai không quá to. Ngoài ra, như đã nói thông thường khi đã qua một lần sinh thường thì tầng sinh môn của mẹ có khả năng giãn nở tốt hơn nên khi sinh thường lần hai sẽ ít phải rạch tầng sinh môn nữa.

Tất cả những điều này chỉ mang tính tương đối, còn việc quyết định rạch hay không còn phải phụ thuộc vào sức khỏe của sản phụ và thai nhi trong quá trình sinh nở.

Nếu sức khỏe mẹ và bé tốt thì không cần rạch khi sinh thường

Nếu sức khỏe mẹ và bé tốt thì không cần rạch khi sinh thường (Nguồn: wp.com)

2. Cách rặn để không bị rạch tầng sinh môn

Rặn khi đẻ thực chất chỉ có tác dụng hỗ trợ em bé ra ngoài nhanh hơn chứ không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu biết cách rặn đẻ hợp lý thì bạn sẽ giúp bé ra ngoài thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn và đặc biệt là không phải rạch tầng sinh môn như nhiều chị em vẫn lo sợ.

Rất nhiều bà mẹ thường cố rặn sớm khi chưa có cơn đau. Nhưng thực tế, sinh nở là do co thắt của tử cung, nếu tử cung chưa có thắt thì dù rặn non cũng khó giúp em bé ra ngoài. Do đó, mẹ hãy cố gắng giữ sức, hít thở nhẹ nhàng và rặn theo sự hướng dẫn của bác sĩ, y tá. Không nên rặn đẻ non sẽ khiến cơ thể nhanh mệt, khi em bé ra không còn sức để rặn dẫn đến phải rạch để hỗ trợ.

Biết cách rặn đẻ hợp lý sẽ giúp mẹ không bị rạch tầng sinh môn

Biết cách rặn đẻ hợp lý sẽ giúp mẹ không bị rạch tầng sinh môn (Nguồn: parenting.lk)

Như vậy, sản phụ hoàn toàn có thể đẻ thường không rạch tầng sinh môn nếu đáp ứng đủ các yếu tố cần thiết, đảm bảo cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Bạn cũng đừng quên tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách đẻ đã được chỉ định để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ nên tham khảo và lựa chọn gói chuyển dạ phù hợp ở bệnh viện uy tín, gần nơi ở cho tiện đi lại. Chúc tất cả các sản phụ được mẹ tròn, con vuông!