Lễ hội Đền Thượng Lào Cai 2020 tổ chức ở đâu, khi nào, có hoạt động gì

Nếu bạn là một người đam mê du lịch và yêu văn hóa tâm linh của dân tộc thì hãy ghé lễ hội Đền Thượng Lào Cai 2020. Nhưng đừng quên trang bị cho mình những thông tin hữu ích dưới đây trước khi lên đường đến với vùng cao này nhé!

1. Giới thiệu đôi nét về Đền Thượng

1.1. Đền Thượng Lào Cai ở đâu

Đền Thượng hay còn có cái tên khác là đền Lão Nhai là một địa danh gắn liền với vùng địa đầu tổ quốc, nằm trên con đường huyết mạch kinh tế từ Côn Minh đến Hà Nội, Hải Phòng. Đền Thượng tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu thuộc dãy Mai Lĩnh với có độ cao 1.200 mét tính từ mực nước biển. Đền cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai khoảng 500m theo hướng Đông Bắc và thuộc địa phận của phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Năm 1996, Đền Thượng Lào Cai được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và nằm trong quần thể di tích văn hóa Lào Cai bao gồm đền Am, chùa Tân Bảo, đền Cấm, đền Mẫu và đền Quan.

Khung cảnh ở đền Thượng Lào Cai

Khung cảnh ở đền Thượng Lào Cai (Nguồn: vuanhiepanh.com)

1.2. Lịch sử Đền Thượng

Đền Thượng được khởi công xây dựng từ thời vua Lê Hy Tông (1680 – 1705). Ban đầu, đền được dựng bằng gỗ quý với quy mô nhỏ, một mặt dựa vào thế núi, mặt kia hướng ra sông Nậm Thi. Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, Đền Thượng bị tàn phá nghiêm trọng và  là một trong những minh chứng về thời kỳ kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm oanh liệt. Cạnh đền có 1 cây đa cổ thụ trên 300 năm tuổi được công nhận cây di sản Việt Nam trong năm 2012. Dưới gốc đa là miếu thờ Thánh mẫu linh thiêng, là điểm đến của nhiều tín đồ trên cả nước. Đền Thượng hiện tại là đến được tái thiết lại bằng gạch có vẻ ngoài cổ kính uy nghi đậm nét truyền thống.

1.3. Đền Thượng Lào Cai thờ ai

Đền Thượng tại Lào Cai thờ vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự lỗi lạc 3 lần đánh đuổi quân Mông – Nguyên trong thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn. Trong lịch sử có ghi lại, Ngài sinh ngày mùng 10 tháng 12 năm 1228 tại Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương; nguyên quán là làng Tức Mặc, thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ngài là con trai của An Sinh Vương – Trần Liễu và công chúa Thuận Thiên và là cháu của vua Trần Thái Tông (theo quan hệ gia đình bây giờ, Ngài sẽ gọi vua Trần Thái Tông bằng chú). Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn được sử sách ghi lại là người có tướng mạo khôi ngô xuất chúng, thông minh hơn người, văn võ song toàn và sớm đã là vị tướng tài cao chí lớn…

Cây đa cổ thụ tại Đền Thượng Lào Cai

Cây đa cổ thụ tại Đền Thượng Lào Cai (Nguồn: halovietnam.vn:8080)

2. Nét kiến trúc cổ xưa ở Đền Thượng

Qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu, Đền Thượng vẫn là điểm đến ở Tây Bắc giữ nguyên được vẻ ngoài cổ kính, uy nghiêm. Kiến trúc của đền là sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống của đất nước và văn hóa địa phương. Đền có thiết kế theo hình chữ “công” bao gồm một chuỗi công trình Tam quan nội, Tam quan ngoại, các nhà Tả vu, Hữu vu và Hậu cung. Nhà bi đình được đặt bên cạnh đền Thượng có thiết kế hình  vuông, 4 cột và không có vách đố. Xung quanh nhà bị đình là 8 con rồng chầu, ở giữa là rùa đá cõng theo bia đá khắc ghi “Đức Thánh Trần”.

3. Tìm hiểu lễ hội Đền Thượng Lào Cai 2020

3.1. Lễ hội đền Thượng Lào Cai tổ chức khi nào

Để tưởng nhớ tới công ơn của Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn cùng các vị tướng sĩ của ông, nhân dân đã tổ chức lễ hội vào tháng giêng hàng năm. Thông thường lễ sẽ diễn ra trong 3 ngày 13, 14 và ngày rằm tháng Giêng Âm lịch. Năm 1996 sau khi được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng  Đền Thượng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia thì lễ hội được phục dựng và duy trì đều đặn đến nay. Lễ sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chủ trì những năm chẵn và Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức vào những năm lẻ. Ngoài lễ hội chính, Đền Thượng còn tổ chức lễ Nhật kỵ cho Đức Thánh Trần vào 20 tháng Tám Âm lịch hàng năm.

Lễ hội đền Thượng Lào Cai tổ chức khi nào?

Lễ hội đền Thượng Lào Cai tổ chức khi nào? (Nguồn: baolaocai.vn)

3.2. Lễ hội đền Thượng 2020 diễn ra thế nào

Phần lễ sẽ bắt đầu bằng nghi thức khai hội. Sau tiếng trống dồn rộn rã uy nghiêm, lễ rước kiệu Đức Thánh Trần sẽ được tiến hành. Chủ tế sẽ đọc văn tế để tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sau đó sẽ dâng lễ, dâng hương chiêm bái. Các vị đại biểu đến dự lễ sẽ tiến hành trồng cây lưu niệm thực hiện đúng ý nghĩa của tết trồng cây và mong muốn Đền Thượng tiếp tục trường tồn với thời gian.

Phần hội hàng năm đều có sự thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện. Tuy nhiên  các môn thể thao truyền thống luôn là phần không thể thiếu. Các bạn có thể tham gia vật dân tộc, đẩy gậy,  kéo co, ném còn, chọi gà, cờ người bắn nỏ… Bên cạnh đó ẩm thực dân gian của địa phương cũng là điểm thu hút rất nhiều du khách.

3.3. Những nét đặc sắc của lễ hội Đền Thượng Lào Cai 2020

Lễ hội Đền Thượng là một lễ hội lớn được chuẩn bị rất công phu. Thời gian chuẩn bị có thể kéo dài đến 8 – 9 tháng. Lễ hội Đền Thượng là nơi giao lưu văn hóa, là sự trở lại với nguồn cội… đem đến những trải nghiệm giàu ý nghĩa cho du khách. Bên cạnh những cảnh sắc tươi đẹp, các bạn còn có cơ hội thưởng thức ẩm thực và tham gia các trò chơi dân gian vùng cao. Nếu các bạn không biết đến Đền Thượng Lào Cai cầu gì thì các bạn có thể học hỏi những người đi trước cầu bình an và sung túc cho gia đình.

Du khách đến với Đền Thượng Lào Cai 

Du khách đến với Đền Thượng Lào Cai  (Nguồn: congly.vn)

Lễ hội Đền Thượng Lào Cai 2020 thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Nếu bạn là một người yêu trải nghiệm thì đừng ngại hòa mình vào không khí tưng bừng ở nơi đây nhé! Đặc biệt, Sapa chỉ cách thành phố Lào Cai 38km vì vậy bạn hoàn toàn có thể kết hợp tham gia tour du lịch khám phá Sapa vào thời gian thích hợp để tham gia vào lễ hội Đền Thượng.