Khi mắc chứng tâm lý nạn nhân, ta lọc trạng thái tồn tại của mình qua lăng kính tinh thần chật hẹp hoang tưởng để quan sát. Dù nhận ra mình là nạn nhân khi bị lạm dụng, ngược đãi là cần thiết nhưng ta mãi chẳng thể tiếp tục cuộc sống nếu không thoát khỏi vai nạn nhân và đảm nhận vai người tồn tại.
1. Hội chứng tâm lý nạn nhân (Victim Mentality) là gì?
Tâm lý nạn nhân là một thuật ngữ trong tâm lý học dùng để chỉ một loại tư duy rối loạn chức năng, cố gắng tìm kiếm cảm giác bị ngược đãi để được quan tâm, chú ý hoặc tránh việc phải tự chịu trách nhiệm. Những người phải đối mặt với hội chứng tâm lý nạn nhân tin rằng cuộc sống không chỉ nằm ngoài tầm kiểm soát mà còn cố tình làm tổn thương họ.
Niềm tin này dẫn đến việc họ liên tục đổ lỗi, buộc tội và tỏ ra thương hại do cảm giác bi quan, sợ hãi và tức giận. Nói một cách đơn giản, khi mắc hội chứng tâm lý nạn nhân có nghĩa là đổ lỗi cho người khác và cho hoàn cảnh đã gây ra bất hạnh cho bản thân.
Người mắc hội chứng tâm lý nạn nhân thường hay đổ lỗi và cảm thấy cuộc sống đang chống lại mình (Nguồn: lonerwolf.com)
2. Nguyên nhân dẫn đến tâm lý tự coi mình là nạn nhân
Không ai sinh ra đã mắc hội chứng tâm lý nạn nhân, cũng như không ai sinh ra đã bị trầm cảm hay rối loạn lo âu. Thay vào đó, tâm lý nạn nhân là một đặc điểm tính cách học theo, có nghĩa là đó là kết quả của cơ chế phản xạ và bắt chước khi còn nhỏ.
Hầu hết người mắc hội chứng này đều là nạn nhân lúc bé, có thể đó là lạm dụng về thể xác, lạm dụng tình dục, lạm dụng cảm xúc hay lạm dụng tâm lý. Hội chứng tự coi mình là nạn nhân cũng có thể hình thành thông qua các mối quan hệ đồng phụ thuộc giữa con cái với bố mẹ, hoặc đơn giản qua việc quan sát và làm theo từ thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, cho dù mọi chuyện xảy ra thủa thơ ấu đều hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát, nhưng khi trưởng thành chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện quyền của mình và khẳng định trách nhiệm đối với hạnh phúc của mình.
Có thể thấy rằng thái độ thể hiện “tội nghiệp tôi” có thể được sử dụng ở cả hai hình thái của con người: cả những người có vẻ ngoài “bình thường” và những người tâm thần cực đoan và rối loạn chức năng nhân cách chống đối xã hội. Ví dụ, trong các mối quan hệ đồng phụ thuộc, kẻ tấn công và kẻ lạm dụng, ngược đãi đều có thể tự coi mình là nạn nhân, và đôi khi cả hai kiểu người này đồng thời chống lại nhau trong một hình thái quyền lực nào đó.
Không có một “kiểu” người cụ thể điển hình nào thích hợp đóng vai nạn nhân, vì vậy, thật sai lầm khi nói rằng chỉ những người mắc chứng tự yêu bản thân hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội mới đóng vai trò này. Cá nhân tôi đã chứng kiến tất cả các kiểu người đều có thể đóng vai trò này: từ những người bà ngọt ngào cho đến những thanh thiếu niên, những bà mẹ, những người cha, những chuyên gia và thậm chí cả những người đã “thức tỉnh tâm linh”.
Nguyên nhân của hội chứng tâm lý nạn nhân bắt nguồn từ thời thơ ấu (Nguồn: teacher.org)
3. 23 dấu hiệu của hội chứng tâm lý nạn nhân
Bạn, hay một người nào đó mà bạn yêu quý, có đang đóng vai nạn nhân không? Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp cần chú ý:
- Liên tục đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh khiến bạn cảm thấy khốn khổ
- Bạn có quan điểm “cuộc sống chống lại tôi”
- Luôn hoài nghi hay bi quan
- Cảm thấy vấn đề của mình như thể trời sắp sập và phản ứng dữ dội với điều đó
- Có suy nghĩ rằng những người khác đang cố tình làm tổn thương bạn
- Bạn tin rằng mình là người duy nhất bị ngược đãi
- Luôn nhớ lại những ký ức đau khổ trong quá khứ khiến bạn cảm thấy mình giống như nạn nhân
- Ngay cả khi mọi việc đi đúng hướng, bạn vẫn tìm thấy điều gì đó để phàn nàn
- Từ chối xem xét các quan điểm khác khi nói về vấn đề của bạn
- Cảm thấy bất lực và không thể ứng phó hiệu quả với một vấn đề hay cuộc sống nói chung
- Cảm thấy bị tấn công khi nhận được lời phê bình mang tính xây dựng
- Cho rằng bạn không phải chịu trách nhiệm với những gì xảy ra trong cuộc sống (những người khác phải chịu trách nhiệm)
- Cho rằng tất cả mọi người đều “tốt hơn” bạn
- Dường như muốn cảm thấy tội nghiệp bản thân
- Thu hút những người giống như bạn (phàn nàn, đổ lỗi và cảm thấy mình là nạn nhân của cuộc sống)
- Nghĩ rằng thế giới là một nơi đáng sợ, chủ yếu là vô cùng tồi tệ
- Thích chia sẻ những câu chuyện bi thảm của mình với người khác
- Có thói quen đổ lỗi, tấn công và buộc tội những người thân về những cảm nhận của mìn
- Cảm thấy bất lực không thể thay đổi hoàn cảnh của mình
- Bạn mong nhận được sự đồng cảm từ người khác, và khi không nhận bạn cảm thấy buồn
- Từ chối phân tích bản thân hoặc cải thiện cuộc sống
- Có xu hướng thể hiện “trội” hơn người khác khi chia sẻ kinh nghiệm đau thương
- Liên tục hạ thấp bản thân
- Chúng ta có thể thấy rằng cảm giác thường trực “mình là nạn nhân” gây tác động tiêu cực sâu sắc cả bên trong lẫn bên ngoài.
Các dấu hiệu hội chứng tâm lý nạn nhân (Nguồn:truththeory.com)
4. Cách ngăn chặn cảm giác trở thành nạn nhân
Nếu bạn đang đọc bài viết này vì bạn nghi ngờ rằng bạn có thể mắc hội chứng tâm lý nạn nhân thì dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp bạn thoát khỏi vai trò có tác hại tiêu cực này:
4.1 Bắt đầu thay chữ “bạn” bằng chữ “tôi”
Ví dụ, thay vì nói “bạn làm tôi cảm thấy rất bực mình,” hãy thay thế bằng câu nói “Tôi cảm thấy bực mình khi nghe bạn nói vậy.” Mẹo đơn giản này có thể giúp bạn học cách tự chịu trách nhiệm nhiều hơn với hạnh phúc của mình.
4.2 Coi bản thân là người có khả năng ứng biến
Nạn nhân tranh cãi với cuộc sống, người ứng biến làm chủ cuộc sống. Nạn nhân sống trong quá khứ, người ứng biến sống ở hiện tại. Nạn nhân cho rằng họ bất lực, người ứng biến giành quyền kiểm soát cuộc sống của họ. Người ứng biến có nhiều khả năng, sức mạnh về lâu dài. Khi bạn bắt đầu cảm thấy mình là người ứng biến, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn về cuộc sống và bạn sẽ thu hút người khác vì những lý do đúng đắn. Lắng nghe người ứng biến mang lại nhiều mới mẻ và truyền cảm hứng hơn nhiều so với lắng nghe nạn nhân đắm chìm trong sự than thân trách phận.
4.3 Hãy tử tế và bao dung với chính mình
Nói cách khác, hãy cẩn thận để tránh không trở thành nạn nhân của nạn nhân! Vai nạn nhân không phải là điều mà bạn chọn: nguyên do từ môi trường thời thơ ấu. Hãy đối xử tốt với bản thân và luyện tập việc tự yêu bản thân. Tìm hiểu những tổn thương thầm kín nhất và niềm tin cốt lõi hình thành nên tâm lý nạn nhân, và thay vì ghê tởm hãy từ bi với bản thân. Nếu bạn đang cố gắng để vượt qua vai trò nạn nhân, hãy tập cách tự chăm sóc bản thân bằng cách gặp bác sĩ và nhận các phương pháp trị liệu tâm lý chuyên nghiệp. Thử nghiệm bằng cách thực hành viết nhật ký, khẳng định bản thân, NLP, CBT, và các hình thức tự yêu bản thân khác.
4.4 Khám phá ra những niềm tin sai lầm của bạn
Niềm tin sai lầm tạo ra sự lo lắng, trầm cảm, tức giận và đổ lỗi. Bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên khi khám phá ra bạn đã vô tình làm theo bao nhiêu loại niềm tin sai lầm!
4.5 Đặt câu hỏi “Suy nghĩ gì đang tạo ra sự đau khổ này?”
Tất cả đau khổ đều bắt nguồn từ niềm tin làm sao để không bị nghi ngờ và không bị tra hỏi trong tâm trí. Khi gắn với những tư duy này, chúng ta đau khổ. Hãy nhớ rằng không cần phải tin vào những suy nghĩ có trong đầu bạn: suy nghĩ đơn giản là sự dao động năng lượng mà chúng ta gán ý nghĩa cho chúng. Tập ngồi thiền có thể giúp bạn nhận thấy những suy nghĩ đó thoáng qua như thế nào.
4.6 Tập thể hiện lòng biết ơn
Lòng biết ơn là cách thức đơn giản nhưng có hiệu quả mạnh mẽ để nhắc nhở bản thân rằng cuộc sống không khốn khổ như bạn nghĩ. Mỗi ngày, hãy cố gắng tìm ra mười điều mà bạn cảm thấy biết ơn. Có thể viết nhật ký, trong đó hãy viết ra mười điều này, hoặc chỉ đơn giản là ghi nhớ chúng trong suy nghĩ. Hãy cố gắng cảm thấy biết ơn một cách chân thành vì có những điều này.
4.7 Khẳng định việc tự chịu trách nhiệm
Hãy bắt đầu chú ý đến tất cả các phương diện mà bạn đã bỏ qua việc tự chịu trách nhiệm. Luôn giữ thái độ trung thực và xem xét việc giành được sự cảm thông từ người khác khiến bạn cảm thấy đặc biệt như thế nào và đổ lỗi cho người khác bằng cách nào. Hãy khẳng định kiểu như “tôi chịu trách nhiệm với cuộc sống của tôi” hoặc “tôi có quyền thay đổi”, điều này sẽ giúp bạn sắp xếp lại nhu cầu đóng vai nạn nhân vô thức của mình. Có thể thích làm điều gì đó sẽ giúp bạn tự tin và thực sự cho thấy bạn có khả năng, hoặc suy nghĩ về một điều gì đó trong quá khứ mà bạn đã vượt qua thành công.
4.8 Đối xử tốt với người khác
Khi đóng vai nạn nhân, chúng ta có xu hướng chỉ tập trung vào bản thân mình. Hãy thoát ra khỏi suy nghĩ đó bằng cách làm làm những điều tốt cho người thân. Khi nhận ra rằng bạn có thể vẫn cảm thấy tốt mà không cần thao túng người khác là một điều quan trọng để cắt cơn nghiện tự coi mình là nạn nhân.
Thay đổi suy nghĩ và hành động để bước ra khỏi tâm lý nạn nhân (Nguồn: bustle.com)
5. Cách đối xử đúng với những người thích đóng vai nạn nhân
Tất cả chúng ta đều đã từng gặp những kiểu người thường xuyên chán nản, rầu rĩ và phàn nàn về cuộc sống của họ. Những người này dường như luôn mang theo niềm tin rằng thế giới đang chống lại họ và hầu hết những người đó đều thích cảm giác đau khổ. Trong lĩnh vực tâm lý học, đây được gọi là chứng phức cảm nạn nhân- một loại chứng loạn thần kinh chức năng liên quan đến việc muốn nhận được sự thương hại từ người khác.
Vậy câu hỏi đặt ra bây giờ là: làm thế nào để có thể đối xử với các nạn nhân mà không làm tổn thương họ?
Cư xử với những người đang mắc chứng nạn nhân có thể rất khó khăn, đặc biệt việc đối đầu trực tiếp chỉ càng làm họ tăng thêm cảm giác họ bị ngược đãi. Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp ích cho bạn:
5.1. Đừng để bị hút vào cảm xúc của họ
Hãy nhớ rằng nạn nhân đang vô thức tìm kiếm sự quan tâm, chú ý và công nhận. Tuy nhiên, khi bạn cho họ những điều họ muốn, bạn sẽ vướng mắc cảm xúc với họ, điều này ảnh hưởng không tốt đến cả bạn và họ. Hãy cố gắng lắng nghe thụ động, không chủ động ủng hộ việc họ than thân trách phận. Hãy nhớ rằng họ sẽ mong đợi sự thông cảm từ bạn như một cách để củng cố tâm lý nạn nhân của họ, nhưng hãy đừng thông cảm họ. Chỉ cần giữ vững vị trí trung lập, trừ khi bạn quyết định thực hành điểm 3 (bên dưới).
5.2. Biến chứng phức cảm nạn nhân trở thành vấn đề rắc rối
Những người mắc chứng phức cảm nạn nhân sẽ luôn tìm cách đổ lỗi và trách nhiệm lên người khác như một cách để phớt lờ việc tự chịu trách nhiệm. Họ cũng sẽ cố gắng khiến bạn đồng ý với họ để củng cố cảm giác “đúng đắn” của họ. Thay vì đồng ý, hãy thể hiện rằng bạn tin tưởng họ có thể xử lý tình huống của họ trong vai trò người trưởng thành.
5.3. Hoàn toàn đồng ý
Phần thực hành này sử dụng một chút tâm lý đảo ngược: hoàn toàn đồng hành, ủng hộ cảm giác chịu đựng của họ để bạn có thể giải quyết vấn đề triệt để. Vì vậy, nếu nạn nhân nói rằng cuộc sống của họ khủng khiếp như thế nào vào lúc này, hãy đồng ý với họ: cuộc sống thực sự khủng khiếp và kinh hoàng đối với họ. Chiến thuật này có thể khiến nạn nhân thay đổi hứng thú và họ có thể nói kiểu như “tôi cho rằng cuộc sống cũng không tệ hại đến như vậy …”
5.4 Không đưa ra lời khuyên
Sự thật là nạn nhân không muốn giải quyết vấn đề của họ, vì điều đó sẽ làm giảm đi ý thức coi mình là nạn nhân của họ! Do đó, việc đưa ra lời khuyên cho họ tương tự như việc nói chuyện với một bức tường: bạn đang lãng phí lời thôi. Khi nạn nhân tìm kiếm “lời khuyên và tư vấn” thì cái mà họ thực sự muốn là bạn thể hiện sự quan tâm. Đây là điều thực sự đáng tiếc: họ nhầm lẫn giữa lòng thương hại với tình yêu.
Hãy thử áp dụng những cách trên và bạn sẽ thấy rằng nạn nhân sẽ bắt đầu chịu trách nhiệm với cuộc sống của họ hoặc tìm kiếm sự cảm thông từ nơi khác. Dù bằng cách nào thì bạn cũng sẽ không phải trở thành “nạn nhân” của nạn nhân nữa.
Hãy giữ một trái tim rộng mở và độ lượng, nhưng đừng trở thành người tạo điều kiện cho nạn nhân.
Tâm lý nạn nhân là dạng hành vi thực sự nguy hại và mang tính phá hoại – chúng phá hỏng tình bạn, hủy hoại các mối quan hệ và phá hủy lòng tự trọng của bạn. Nhưng nếu bạn áp dụng những lời khuyên trong bài viết này thì hy vọng bạn sẽ cảm thấy được truyền cảm hứng và được tăng thêm sức mạnh chứ không phải trở thành nạn nhân của những việc đang xảy ra với mình.