Chọn cặp sách cho bé thế nào là phù hợp?

Cặp sách là một trong những vật dụng không thể thiếu khi bé đi học. Tuy nhiên, việc lựa chọn cặp sách như thế nào là phù hợp với trẻ để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe luôn là mối quan tâm của hầu hết các bậc phụ huynh.

Các em học sinh hiện nay, nhất là học sinh cấp 1, có xu hướng đeo cặp quá nặng so với trọng lượng và kích thước cơ thể của bé.

Khi trẻ đeo cặp, ba lô, bố mẹ cần chú ý xem cặp sách có phù hợp với trẻ không, nếu không phù hợp, bạn sẽ thấy một số dấu hiệu như: khi tháo cặp thấy trẻ bị ngứa hoặc tê tay, đau lưng, vai ửng đỏ, tư thế cơ thể khi đeo xấu đi, cằm hoặc cổ rướn về phía trước…

Để tránh xảy ra những trường hợp này, bố mẹ nên lưu ý một số điều sau:

Khi chọn mua:

– Dùng ba lô hoặc cặp đeo 2 vai thay vì cặp chéo vai: Bố mẹ nên chọn cho trẻ những chiếc cặp hoặc ba lô có hai quai đeo thay cho những chiếc cặp chéo vai. Vì cặp đeo 2 vai sẽ giúp trọng lượng phân bố đều nhau ở cả hai bên vai, trong khi đeo chéo qua vai sẽ dồn toàn bộ trọng lượng cặp sang một bên cơ thể, dễ gây vẹo cột sống.


Một mẫu cặp chống gù lưng cho bé gái của thương hiệu Randoseru

– Chọn cặp có đệm lưng: Sử dụng cặp có phần đệm mềm ở lưng sẽ giúp giảm bớt lực ma sát lên lưng trẻ, hạn chế được việc tổn thương, đau rát lưng khi đeo.

– Quai đeo bản lớn và mềm: Nên chọn loại cặp có 2 quai to và mềm (độn bông hoặc mút mềm), bản rộng ít nhất 5cm. Dây đeo bản rộng sẽ giúp phân bố trọng lượng lên một vùng cơ thể rộng lớn hơn. Ngược lại dây đeo quá mỏng, hẹp sẽ thít chặt vào vai làm ảnh hưởng đến lưu thông máu huyết. Tình trạng này kéo dài có thể gây tê và yếu tay.

– Chất liệu nhẹ và bền: Chất liệu bền cho thời gian sử dụng lâu dài, ít hư rách. Đồng thời, chất liệu đó phải nhẹ để giảm bớt trọng lượng vốn có của chiếc cặp.

– Cặp chia thành nhiều ngăn: Nên chọn chiếc cặp có nhiều ngăn hoặc tự phân chia để đặt những vật dụng khác nhau vào các ngăn riêng biệt. Như thế sẽ hạn chế được sự dịch chuyển đồ đạc trong túi khi bé bước đi. Vì khi đồ đạc trong cặp di chuyển cũng làm tăng áp lực lên vai trẻ, đòi hỏi cơ thể phải thay đổi trọng tâm liên tục.

– Không nên chọn cặp lớn: Việc đeo một chiếc cặp, ba lô to có thể làm căng cơ lưng. Ngoài ra, khi đeo một chiếc cặp lớn, chúng ta thường có tâm lý cho thêm nhiều đồ đạc vào dù không thật sự cần thiết, điều này vô tình làm trọng lượng cặp tăng lên đáng kể. Bố mẹ nên chọn cho trẻ một chiếc cặp thích hợp, nghĩa là chiếc cặp đó nên hẹp và ngắn hơn so với chiều rộng và chiều dài của lưng người đeo.

– Lưu ý khi dùng cặp có bánh xe: Cặp có bánh xe thường nặng hơn chiếc cặp bình thường do có khung cứng hỗ trợ. Chiếc cặp gắn bánh xe chỉ hữu ích khi phải đi trên những đoạn đường dốc hoặc di chuyển bằng thang máy. Vì vậy nếu không thật sự cần thiết, bạn nên chọn cho trẻ những chiếc cặp thông thường. Nếu chọn cặp có gắn bánh xe, nên chọn loại có tay cầm đủ dài, kéo cặp đi ở tư thế thẳng, mặt hướng về phía trước.


Cặp học sinh đa dạng về chung loại (Nguồn ảnh: H.T)

Khi sử dụng:

– Đeo ở cả 2 vai: việc đeo cặp ở một bên sẽ khiến trọng lượng cặp phân bố đến cơ thể không đều, về lâu dài có thể làm vẹo cột sống. Vì vậy, cha mẹ nên khuyên trẻ đeo hai quai ở cả hai vai, không nên đeo lệch một vai và quai đeo nên được thắt chặt.

– Tổng trọng lượng cặp và vật dụng chứa bên trong không quá 15% – 20% trọng lượng cơ thể. Trẻ chỉ nên đeo một chiếc cặp nặng bằng khoảng 10 đến 15% cân nặng của mình. Ví dụ, một đứa trẻ nặng 30kg chỉ nên đeo cặp có trọng lượng khoảng 3 – 4,5kg.

– Những vật dụng nặng nhất nên được đựng giữa cặp và đeo ở phần giữa lưng của trẻ để tránh trọng lượng cặp phân bố không đều, quá nặng hoặc quá nhẹ về một bên.

– Không nên đeo cặp, ba lô suốt thời gian trong ngày.


So sánh giữa kích thước cặp chuẩn và cặp không phù hợp