1. Căng thẳng của sinh viên là gì?
Căng thẳng là bạn cảm thấy bị áp lực bởi những gì được mong đợi ở bản thân. Chúng ta không chắc sẽ hoàn thành được những thứ mình cần đạt. Đây không phải những gì bạn đã từng đối phó hoặc bạn đã thất bại trong một tình huống tương tự và giờ sợ rằng lịch sử sẽ lặp lại.
Căng thẳng nhẹ thực tế khá hữu ích, bởi nó có thể giúp bạn gặt hái thành công mới và khám phá khả năng của mình.
Căng thẳng trở nên tệ hơn khi nó ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày và quá sức chịu đựng. Bạn không còn là chính mình. Trong đầu luôn nghĩ rằng chỉ duy trì mọi thứ để sống sót mà không hướng đến những thành công trong cuộc sống.
Nguyên nhân xảy ra căng thẳng của sinh viên đến từ việc học đại học là một thay đổi rất lớn trong khi đó, một vài người lại khó điều chỉnh để ứng phó với sự thay đổi lớn ấy.
2. Làm thế nào để biết được bản thân có gặp phải vấn đề về căng thẳng không?
Có rất nhiều các triệu chứng của căng thẳng và được chia thành 4 loại: tinh thần (nhận thức), cảm xúc, hành vi, thể chất. Dưới đây là một số ví dụ:
Các triệu chứng tinh thần và cảm xúc bao gồm:
- Cáu kỉnh và bực bội
- Thay đổi tâm trạng và buồn bã
- Cảm thấy cô đơn
- Tăng suy nghĩ tiêu cực và bi quan
Các triệu chứng hành vi bao gồm:
- Ít quan tâm đến các hoạt động thông thường
- Không muốn gặp bạn bè và gia đình
- Bắt đầu sử dụng ma túy, rượu và thuốc lá (hoặc sử dụng nhiều hơn)
- Che giấu mọi bí mật.
Triệu chứng thể chất bao gồm:
- Các vấn đề về giấc ngủ
- Tăng nhịp tim và đổ mồ hôi
- Thay đổi cách ăn uống (ăn ít hoặc ăn quá nhiều)
- Đau dạ dày
- Căng cơ và đau đầu
- Đau nhức không rõ nguyên nhân
- Cảm lạnh và cúm liên tục.
3. Điều gì gây ra căng thẳng của sinh viên?
Hãy kiểm tra xem một trong các nguyên nhân sau có quen thuộc với bạn hay không.
Bạn đã bỏ lại phía sau tất cả những gì quen thuộc
Nó bao gồm gia đình và bạn bè mà bạn thường dựa dẫm. Bạn có thể phải đến sinh sống tại một thành phố, hoặc thậm chí là một đất nước mới, phải điều chỉnh theo nhịp sống hoặc ngôn ngữ mới.
Bạn có một hệ thống hỗ trợ xã hội mới
Làm quen với một người bạn mới không phải là điều dễ dàng. Nếu đang sống trong ký túc xá (ở Mỹ gọi là ‘dorms’), bạn sẽ phải đối phó với những tư tưởng, quan điểm chính trị khác nhau. Điều này có thể sẽ xảy ra với những người mà bạn sẽ không muốn ở cùng.
Áp lực trong các trường cao đẳng và đại học
Bạn cảm thấy bị áp lực khi phải làm những việc không thể xác định được, ví dụ như phải ăn mặc đúng chuẩn, hẹn hò, kiến thức về quan hệ tình dục, hay biết nhậu nhẹt,…
Tiền cũng có thể là một vấn đề
Nhiều sinh viên phải dành ưu tiên cho việc chi trả các khoản học phí đến nỗi không còn đủ tiền cho chi phí sinh hoạt hàng ngày. Luôn lo nghĩ về tiền bạc sẽ khiến sinh viên trở nên hết sức căng thẳng.
Kỳ vọng học tập ngày càng cao
Ở trường đại học luôn có áp lực, phải đọc nhiều hơn, cạnh tranh hơn, trong khi bạn không thể áp dụng những chiêu thức cũ để vượt qua.
Bạn phải đưa ra nhiều quyết định hơn
Bạn cuối cùng thoát khỏi cha mẹ nhưng điều đó có nghĩa bạn phải quyết định mọi thứ cho bản thân. Từ phải ăn gì, chăm sóc bản thân như thế nào cho đến giữ vững lịch trình sinh hoạt hàng ngày trong khi chẳng có ai nhắc nhở. Điều này có thể quá sức với bạn.
Bạn đang tìm hiểu xem mình là ai
Nếu lần đầu tiên xa nhà, bạn có thể bắt đầu nhận ra không biết mình thực sự là người như thế nào. Bạn thích làm gì khi xa gia đình? Điều gì quan trọng khi bạn không cần xin ý kiến của gia đình? Điều đó rất thú vị, nhưng có thể cũng rất căng thẳng.
Bạn phải cảnh giác trước nguy hiểm
Không phải ai cũng có ý định tốt và đáng buồn là một số sinh viên lại hành hung người khác. Trong khi đó, tấn công tình dục cũng là một vấn đề nhức nhối trong các trường đại học mà bất kỳ ai cũng phải đề phòng. Những vấn nạn này có thể khiến một số sinh viên vừa bước ra từ nơi được bao bọc, che chở cẩn thận cảm thấy căng thẳng.
Nhưng tại sao tôi lại bị căng thẳng khi những người khác lại không?
Hầu hết các sinh viên đều trải qua tình trạng căng thẳng, dù trông họ chẳng có vẻ gì là căng thẳng. Một trong số đó có thể che giấu rất tốt, nên đừng tưởng rằng chỉ mình bạn là gặp phải căng thẳng.
Tuy nhiên, có thể bạn đang chịu nhiều căng thẳng hơn so với những người khác, chẳng hạn như:
- Sự khác biệt giữa nơi bạn từng ở với nơi ở mới lớn hơn (từ thị trấn nhỏ phải đi đến học tại một ngôi trường trong thành phố lớn, v.v.)
- Bản tính nhạy cảm hơn ngay từ khi sinh ra
- Bạn lớn lên trong sự bảo vệ kín kẽ từ phía gia đình, người thân
- Bạn được bố mẹ bao bọc mọi thứ, và giờ bắt đầu tự đưa ra quyết định cho mình
- Bạn gặp phải những tổn thương từ thuở nhỏ, khiến bản thân dễ bị căng thẳng.
Một điều nữa cũng quan trọng không kém. Nếu chúng ta có một tuổi thơ với những ký ức tồi tệ mà bản thân cố gắng che giấu không cho mọi người biết, thậm chí để chính chúng ta quên đi nhưng khi vào đại học phải đối mặt với rất nhiều áp lực mới, những ký ức tồi tệ quay trở lại trong tâm trí. Nếu bạn đang ở trong tình trạng này, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức.
Tại sao chú ý đến tình trạng căng thẳng là rất quan trọng?
Bạn có chắc là mình đang phải đối phó với những điều quá sức với bản thân? Hay bạn thật sự mạnh mẽ và chẳng cần đến sự giúp đỡ?
Tìm kiếm sự giúp đỡ là điều tốt nhất bạn có thể làm dù điều đó đòi hỏi sự can đảm rất lớn nhưng vô cùng cần thiết.
Nếu bị chìm sâu vào trong tình trạng căng thẳng, trong khi không tìm được giúp đỡ, căng thẳng mà bạn gặp phải có thể phát triển thành những chứng bệnh tâm thần khó điều trị, bao gồm trầm cảm, lo âu, suy nghĩ tự tử và tự gây tổn hại bản thân.
Nhiều trường đại học đã cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, hoặc với chi phí thấp cho sinh viên. Thế nên, đừng chần chừ mà hãy sử dụng dịch vụ ấy. Ngoài ra, tại Vương quốc Anh hiện nay còn có những đường dây tư vấn hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe tâm thần miễn phí đạt hiệu quả cao kèm các dịch vụ trò chuyện miễn phí. Trong trường hợp không sinh sống tại Anh, bạn có thể tra cứu trên Google để tìm những đường dây trợ giúp phù hợp tương tự tại đất nước của mình.
Bài viết dịch theo Student Stress – Does This Sound Like You? được xuất bản ngày 27/09/2018 trên trang harleytherapy.co.uk.