Một người bạn của tôi đặt ra một điều luật riêng cho bản thân: Không sử dụng điện thoại bằng mọi giá, trừ lúc ở một mình. Và anh ấy thực hiện điều đó rất đúng quy tắc, tôi chưa bao giờ thấy anh ấy dùng điện thoại, mặc dù tôi biết anh ấy có một chiếc smartphone.
Ban đầu, tôi thấy điều luật này thật kỳ cục, vì không chỉ tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác cũng liên tục kiểm tra điện thoại để …xem giờ. Nhưng khi để ý, tôi nhận ra người bạn của tôi có gì đó rất cuốn hút khi giao tiếp với mọi người. Thế nên, tôi thử làm như anh ấy trong một tuần.
Ngày đầu tiên – Tăng hiệu suất công việc
Tôi hoàn thành một đầu việc quan trọng trong hàng giờ mà không hề xem điện thoại lấy một lần. Dù thấy rất khó chịu khi không có trên tay chiếc smartphone nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành hết công việc. Và thật ngạc nhiên là những đồng nghiệp bên cạnh cũng bắt đầu cất smartphone của họ và bắt đầu tập trung làm việc hơn. Họ cảm thấy có áp lực khi có người không sử dụng điện thoại mà tập trung làm việc bên cạnh, nên cũng sẽ cất điện thoại đi. Điều này thực sự rất tuyệt dù sau đó tôi sẽ phải trả lời một loạt tin nhắn, email và các cuộc gọi nhỡ.
Ngày thứ 3 – Chú tâm hơn trong giao tiếp
Trong văn phòng mọi người thường nói chuyện với nhau một cách lơ đãng, thiếu tập trung bởi luôn bị chi phối từ chiếc điện thoại trên tay. Khi “cai” sử dụng điện thoại, tôi bỗng nhận ra mình nghe được nhiều câu chuyện hơn, nắm bắt nhiều thông tin hơn từ mọi người. Mọi người cũng có vẻ thích trò chuyện cùng tôi hơn dù chỉ là những mẩu chuyện bâng quơ không đầu cuối. Đề tài của những câu chuyện khi các đồng nghiệp gặp tôi cũng phong phú hơn, không chỉ dừng lại ở chào hỏi xã giao nữa.
Cuối tuần – Tăng độ tin tưởng
Điều này có lẽ sử dụng dẫn chứng khoa học sẽ tốt hơn vì cuộc thử nghiệm của tôi chưa đủ thời gian cho kết quả. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sử dụng smartphone giúp chúng ta mở rông mạng lưới thông tin, kết nối được với nhiều người hơn, nhưng lại giảm chất lượng của những mối quan hệ thân thiết. Việc bạn sử dụng điện thoại trong khi đang nói chuyện với người khác sẽ làm giảm độ tin tưởng mà họ dành cho bạn.
Vậy là, sau một tuần “cai nghiện” smartphone tôi đã thu hoạch được những kết quả khá tốt đẹp, cải thiện được cả những mối quan hệ cá nhân lẫn công việc. Việc “sống ảo” có thể hơi khó khăn vì bạn sẽ ít khi có chiếc điện thoại trong tay. Nhưng, hãy tin tôi! Rất đáng để bạn thử xem đấy!
Theo Aja Frost – tạp chí Time