Các quy tắc luyện viết chữ đẹp cho trẻ

Ông bà ta thường có câu “Nét chữ, nết người” để chỉ việc thông qua nét chữ mà đoán tính cách của một con người. Vì vậy có thể nói coi trọng việc rèn luyện nét chữ đẹp cho trẻ chính là điểm khởi đầu trong việc rèn luyện đức tính cho con em sau này.

Việc luyện chữ cho trẻ đòi hỏi phải được bắt đầu từ sớm và có sự kiên nhẫn, chăm chỉ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần hướng dẫn con mình luyện tập đúng phương pháp ngay từ đầu để đạt kết quả tốt và tránh được việc phải sửa đi sửa lại nhiều lần.

Một số quy tắc cơ bản khi dạy trẻ viết chữ đẹp:

Qui tắc 1: Tư thế đúng

Tư thế ngồi khi viết không chỉ ảnh hưởng lớn đến nét chữ mà còn tác động đến dáng vóc của trẻ về sau. Các bậc phụ huynh cần chuẩn bị bàn ghế ngồi phù hợp với chiều cao của trẻ để trẻ có tư thế ngồi thoải mái nhất. Nếu sử dụng đèn học thì vị trí của đèn đặt về bên tay trái của trẻ để không làm che khuất ánh sáng do tay viết, ánh sáng vừa đủ, không nên quá sáng hoặc quá tối gây hại cho mắt. Khoảng cách nhìn từ mắt đến mặt vở 25 – 30cm là phù hợp nhất.

– Cột sống lưng luôn thẳng, vuông góc với mặt ghế ngồi; không ngồi vặn vẹo.

– Hai chân thoải mái, ngồi dạng có chiều rộng bằng vai, trọng lượng cơ thể tập trung ở hông và đùi. Chân không được co hoặc duỗi dài khiến chữ viết sẽ xiên lệch theo.

– Tay trái để xuôi theo chiều ngồi, giữ lấy mép vở cho khỏi xô lệch, đồng thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái.

– Vị trí bàn ngang, gần ngực nhưng không chạm hẳn vào ngực.

– Cố gắng không cho bé di chuyển cả cánh tay khi viết.

Qui tắc 2: Cầm bút đúng cách

– Bút phải được cầm chắc chắn và thoải mái bằng 3 ngón: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Ngón cái và ngón trỏ giữ chặt 2 bên thân bút. Ngón giữa để ở dưới để đỡ bút. Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút khoảng 2,5cm.

– Cầm bút xuôi theo chiều ngồi. Khi viết bút lệch khoảng 45 độ so với mặt giấy, nghiêng về phía bên vai phải một góc 60 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ.

– Mép bàn tay phải là điểm tựa của cánh tay khi viết. Lòng bàn tay và cánh tay làm thành một đường thẳng.

– Cầm bút không được chặt quá dễ dẫn đến việc ấn mạnh làm chữ đậm và gãy chữ. Lúc viết, điều khiển cây bút bằng các cơ cổ tay và các ngón tay. Đưa bút từ trái qua phải từ trên xuống dưới các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay.

Qui tắc 3: Học chắc các nét cơ bản trước

Để các bé viết đúng, viết đẹp thì việc đầu tiên là phải hướng dẫn các bé làm quen và nắm chắc các nét chữ cơ bản: nét thẳng, nét xiên, nét móc, nét cong. Sau khi nắm vững các nét cơ bản này mới cho bé học cách viết chữ, như vậy khi viết chữ sẽ vô cùng đơn giản và hiếm khi bị xấu chữ.

Qui tắc 4: Luyện chữ mỗi ngày

Thời gian đầu dạy con luyện chữ, bố mẹ cần tập cho trẻ thói quen rèn luyện mỗi ngày để bé không quên cách viết. Thời gian luyện chữ mỗi lần không cần quá dài, chỉ khoảng 30 phút là đủ.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần kiên nhẫn, không nên tạo áp lực cho con. Hãy để bé dần làm quen với việc luyện chữ đẹp trong thời gian phù hợp, và tăng lên từ từ. Bạn cũng có thể biến môn học này thành trò chơi thú vị cho trẻ, ví dụ như thi viết chữ, thi vẽ tranh các chữ cái, thi viết chữ đẹp nên trên đất, nền cát… trẻ sẽ hứng thú hơn rất nhiều.

Quy tắc 5: Dụng cụ học tập tốt

Các bậc phụ huynh nên lựa chọn những dụng cụ học tập chất lượng, phù hợp với việc luyện chữ.

Bút chì: Giai đoạn đầu bố mẹ nên cho trẻ tập viết bằng bút chì trước, sử dụng loại ngòi chì thông dụng là 2B và HB vì đầu ngòi mềm, không quá cứng, tốt cho quá trình luyện viết, tập tô của bé.

Gôm tẩy: Nên chọn loại trắng, tẩy sạch để vở không bị lem nhem, kích thước gôm vừa tay bé.

Vở: Nên mua loại vở 4 ô ly, có đường kẻ ngang và đường kẻ dọc. Vì loại vở này dễ dàng phát hiện và điều chỉnh độ cao, độ rộng của từng nét chữ trong quá trình viết. Đặc biệt nên chọn loại vở có giấy định lượng tốt, trắng, phẳng, khi tẩy sẽ không bị rách và khi bắt đầu chuyển sang dùng bút mực sẽ không bị nhòe.

Bút mực, bút máy: Khi bé chuyển sang dùng bút mực, bút máy, bố mẹ nên chọn bút có đầu ngòi nhỏ cỡ 0.5mm, đầu ngòi hình hạt gạo tròn, khi viết trơn, dễ viết tạo nét đều. Khi bé quen mới chuyển sang dùng bút mài ngòi để viết nét thanh nét đậm vì đầu ngòi mài thanh đậm được mài theo thói quen của người viết nên lúc đầu viết sẽ cảm thấy hơi gai. Tránh cho bé dùng bút dạ, bút lông vì sẽ phá nét chữ của trẻ.