Gần đây, có rất nhiều bài viết nói về việc văn hóa đọc của người Việt Nam đang dần xuống cấp, nhất là trong giới trẻ. Vậy làm sao để việc đọc sách (đặc biệt là sách giấy) trở thành thói quen và chất lượng đọc cũng được cải thiện?
1. Bắt đầu từ những thứ yêu thích
Điều đầu tiên này sẽ được dành cho những người không thích đọc sách. Trên thực tế, có rất nhiều người lười đọc sách, khó đọc hay chỉ thích mua sách nhưng lại lười đọc. Cách đơn giản nhất để khắc phục tình trạng này là: Hãy bắt đầu với những thứ mình yêu thích. Bạn có thể không thích đọc sách nhưng bạn lại ghiền xem phim, nghiện bóng đá hay cuồng du lịch, vậy thì hãy bắt đầu với những thứ quen thuộc này trước tiên. Bạn mê bóng đá, hãy tìm những quyển sách viết về các đội bóng. Bạn luyện phim mỗi ngày, vậy tại sao không thử đọc tác phẩm gốc của bộ phim chuyển thể mà bạn vừa xem? Bạn thích xê dịch, được thôi, có hàng loạt những cuốn sách viết về du lịch sẽ truyền thêm cảm hứng khiến bạn không thể dời mắt cho đến trang cuối cùng.
Vậy nên, thay vì đọc những quyển sách có chứa quá nhiều kiến thức mới hay những tác phẩm hot theo trào lưu, hãy cứ đơn giản thôi: đọc những thứ khiến bạn cảm thấy dễ chịu nhất, hoặc thậm chí chỉ là đọc lại một cuốn tiểu thuyết mà bạn đã từng rất yêu thích cũng sẽ khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Việc bắt đầu từ những điều quen thuộc sẽ tạo cảm giác gần gũi và gây được hứng thú giúp bạn không bị nhanh chán.
Một quyển sách truyền cảm hứng du lịch
2. Đừng gấp, đọc thong thả thôi!
Có rất nhiều quyển sách viết về phương pháp đọc nhanh, nhưng thật ra chúng ta chỉ nên áp dụng những phương pháp này trong trường hợp cần tra cứu nhiều loại sách khác nhau, hay những trường hợp đặc biệt nào đó mà thời gian không cho phép nên buộc bạn phải đọc nhanh.
Hãy thưởng thức và thấu hiểu mỗi trang sách mà bạn đọc. Khả năng đọc của một người được tính bằng khả năng lĩnh hội những tri thức trong sách chứ không chỉ là số lượng sách mà người đó đã đọc. Việc đọc chậm rãi, từ từ sẽ giúp bạn hiểu hơn thông điệp được truyền tải và nhờ đó, câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn và ý nghĩa hơn. Nếu bạn không hiểu hết nội dung của trang trước thì cũng sẽ không hiểu được hoàn toàn nội dung trang sau, khi đó có thể có 2 kết quả xảy ra: một, bạn tiếp tục đọc và thắc mắc không hiểu chuyện gì đã xảy ra; hai, bạn giở trang trước để đọc lại và thế là mạch chuyện bị bạn làm cho đứt quãng.
Vậy nên, bình tĩnh nhé, đừng đọc lướt, đừng đọc đua với ai cả và cũng đừng vì câu chuyện quá kịch tính mà nôn nóng đọc trước diễn biến sắp xảy ra. Đọc sách cũng chính là một sự hưởng thụ nên hãy cứ thong thả mà tận hưởng từng câu chữ trong sách nhé.
3. Đọc đa dạng các thể loại sách
Nếu bạn đã “hơi hơi” thích đọc sách rồi thì hãy thử nhiều thể loại sách khác nhau. Có thể bạn chỉ quen đọc tiểu thuyết tình cảm thôi nhưng hãy thử đọc thêm các sách kỹ năng, sách kiến thức khoa học… Việc đọc nhiều loại sách khác nhau sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Khi bạn đọc những quyển sách khác biệt với sở thích của mình, bạn có thể sẽ cảm thấy khó khăn, buồn chán nhưng nếu kiên trì, bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều hay ho: những tri thức mới ở nhiều lĩnh vực, cách hành văn mới mẻ, có thêm đề tài khi nói chuyện với bạn bè, và biết đâu bạn sẽ khám phá ra thêm một sở thích mới chẳng hạn như nghiên cứu vũ trụ hay ngâm thơ chẳng hạn.
Hãy nhớ, đừng hạn chế mình trong một giới hạn nào cả, rộng mở đón nhận điều mới lạ bởi vì mọi tri thức đều có ý nghĩa của riêng nó và rồi sẽ có lúc bạn cần tới chúng.
Đọc nhiều thể loại sách khác nhau sẽ giúp bạn mở rộng kiến thức của mình
4. Thường xuyên vận dụng và chiêm nghiệm
Bạn có chắc quyển sách bạn vừa đọc là không thực tế, câu chuyện tình yêu đó là vô nghĩa, hay thật ra là do chính bạn không hiểu được hết nội dung được truyền tải?
Nếu chỉ đọc một quyển sách một lần rồi thôi thì chắc chắn bạn sẽ quên rất nhanh. Vì vậy, thứ nhất, hãy đọc lại nó nếu bạn cảm thấy nó thật sự hay, bổ ích và ý nghĩa. Thứ hai, vận dụng và chiêm nghiệm bất cứ khi nào có thể. Một quyển sách dạy kỹ năng sống, dạy nấu ăn hay truyền đạt kinh nghiệm của những người thành công sẽ trở nên vô nghĩa nếu sau khi đọc, bạn không vận dụng chúng vào thực tế. Và cũng đừng quên suy ngẫm về nó, đọc một lần bạn vẫn có thể hiểu toàn bộ nội dung tác phẩm những nếu đọc thêm lần 2, lần 3, bạn sẽ còn hiểu nhiều hơn bạn nghĩ. Dụng ý của người viết, ý nghĩa của từng câu chữ, thông điệp được truyền tải – những điều này cần bạn phải chiêm nghiệm, suy ngẫm mới có thể hiểu được. Không chỉ vậy, quá trình phân tích một quyển sách còn là cách để bạn tự rèn luyện chính mình: rèn luyện óc phán đoán, óc logic, tư duy sáng tạo…
Bạn bỏ ra 100.000 đồng để mua sách và mất khoảng 1 ngày, 2 ngày, thậm chí là vài tháng để đọc xong quyển sách đó, vậy thì đừng để số tiền và quãng thời gian bạn đã bỏ ra trở nên vô nghĩa. Hãy tận dụng những khoảng thời gian trống như khi đi xe buýt, khi làm việc nhà, khi chờ thang máy… để suy nghĩ thêm về nội dung của cuốn sách mà bạn vừa đọc vào tối hôm qua. Bạn sẽ phải ngạc nhiên vì nó thú vị và sâu sắc hơn bạn tưởng nhiều đấy.
5. Đọc sách có kế hoạch
Hãy để việc đọc sách trở thành một thói quen hàng ngày. Bạn không cần đọc quá nhiều mỗi ngày mà nên chia nhỏ ra để đọc. Mỗi ngày bạn hãy tự định cho mình một mục tiêu cần hoàn thành, chẳng hạn sẽ đọc 30 trang sách vào buổi tối trước khi đi ngủ. Như vậy, chỉ trong khoảng 1 tuần là bạn có thể đọc xong một quyển sách có độ dày khoảng hơn 150 trang. Sau đó sẽ là mục tiêu tuần, tháng, năm cần phải hoàn thành, bạn sẽ phải ngạc nhiên về số lượng sách mà mình đọc đấy. Một số trang web như Goodreads sẽ giúp đề xuất cho bạn những quyển sách hay và quản lý kế hoạch đọc sách trong năm của bạn. Làm việc có kế hoạch sẽ tốt hơn ngẫu hứng và đọc sách cũng vậy, lên kế hoạch -> viết ra sổ tay -> thực hiện nó, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng và thú vị hơn bạn nghĩ.