Để giám sát chất lượng rau củ quả, các tổ chức thực phẩm uy tín trên thế giới đã nghiên cứu quy trình trồng trọt và đưa ra bộ tiêu chuẩn cho các loại rau củ đạt chuẩn. Dưới đây là 4 loại chứng nhận uy tín và phổ biến nhất hiện nay:
1. Chứng nhận hữu cơ toàn cầu PGS
PGS là hệ thống quản lý chất lượng được xây dựng và phát triển bởi Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế – IFOAM, đảm bảo giá trị cho các sản phẩm hữu cơ đặc biệt là các sản phẩm thị trường nội địa.
PGS chỉ chấp nhận đăng ký theo nhóm sản xuất. Các nhóm sản xuất hữu cơ là nhóm hình thành và hoạt động trên những khu vực được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn. Quy trình hoạt động của PGS khắt khe theo cơ chế “một nhà không đạt, cả làng không qua”. Điều này có nghĩa là chỉ cần một hộ trong nhóm sản xuất hữu cơ không đạt chất lượng, các hộ thành viên khác đều không được cấp chứng nhận.
Phương thức kiểm tra chéo các hộ sản xuất của PGS khiến trách nhiệm của các đơn vị luôn đảm bảo (Nguồn ảnh: Internet)
IFOAM đưa chính quyền địa phương, nhà bán lẻ, các tổ chức phi chính phủ và cả người tiêu dùng trở thành nhân tố tham gia kiểm định chất lượng trước khi cấp chứng nhận thông qua bảng tiêu chí đánh giá cụ thể. Quy trình này được tái hiện mỗi năm một lần, bởi vậy, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm khi mua rau củ quả có gắn nhãn PGS.
2. Chứng nhận hữu cơ Mỹ USDA
Được giới nông nghiệp coi như “bằng Harvard” cho rau củ, chứng nhận USDA được cấp bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là một trong những chứng nhận rau sạch danh giá nhất.
Để được gắn “tem USDA”, quá trình trồng rau củ quả của đơn vị phải đạt toàn bộ tiêu chí được viết trong 64 trang hướng dẫn của USDA. Một số tiêu chí điển hình của USDA gồm: đầu vào phải sạch (đất, nước, không khí); không sử dụng cây giống/hạt giống biến đổi gen; phân bón, thuốc trừ sâu phải là chế phẩm sinh học hữu cơ… Mọi loại hoá chất đều bị cấm. Nếu phát hiện hàm lượng độc tố và kim loại nặng nằm ngoài tiêu chuẩn cho phép, nhà vườn đó sẽ lập tức bị loại.
Chứng nhận USDA được coi như “bằng Harvard của rau” (Nguồn ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, hàng năm, các chuyên gia sẽ trực tiếp thanh tra nhằm đảm bảo tất cả các tiêu chí vẫn đạt chuẩn. Nếu làm trái nguyên tắc, nông trại có thể bị phạt hành chính lên tới cả triệu đô.
3. Chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP
VietGAP là Quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Để đạt chứng nhận VietGAP, đơn vị sản xuất phải đảm bảo bộ tiêu chí chuẩn quốc tế gồm: không sử dụng thuốc hoá học; đảm bảo chất lượng nguồn nước, đất, không khí; đảm bảo các vấn đề về con giống, vệ sinh, kiểm soát dịch hại, chất thải… Các chuyên gia sẽ tới tận nông trại kiểm định để đảm bảo chất lượng lẫn giá trị dinh dưỡng của rau củ quả.
Người tiêu dùng mua sản phẩm có dán nhãn VietGAP được đảm bảo về chất lượng và cả bảo hộ nguồn gốc từ các cơ quan chức năng (Nguồn ảnh: Internet)
Người nội trợ Việt có thể yên tâm lựa chọn sản phẩm có chứng nhận VietGAP bởi rau củ có gắn loại tem này đạt chuẩn để xuất khẩu tới nhiều thị trường “khó tính” trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu…
4. Chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu Global G.A.P
Global G.A.P là bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu với đại diện hợp pháp là tổ chức phi lợi nhuận FoodPLUS GmbH có trụ sở tại Đức. Cũng như các chứng chỉ đa quốc gia khác, sản phẩm được gắn nhãn Global G.A.P được cả thế giới tin tưởng với hơn 100 tiêu chí nghiêm ngặt. Một số tiêu chí điển hình của Global G.A.P gồm: Đảm bảo chất lượng kỹ thuật, quản lý cây trồng tổng hợp, quản lý dịch hại tổng hợp, hệ thống phân tích mối nguy,…
Chứng nhận Global G.A.P có uy tín trên toàn thế giới (Nguồn ảnh: Internet)
Hàng năm, các chuyên gia tái kiểm định chất lượng sản phẩm và phạt rất nặng với trường hợp làm trái tiêu chuẩn. Nhờ đó, người tiêu dùng khắp thế giới càng có thêm niềm tin vào loại dán nhãn này.
Bảng tiêu chí 4 loại chứng nhận:
Tiêu chí | PGS | USDA | VietGAP | GlobalGAP |
Tổ chức đứng ra xác nhận | Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế – IFOAM | Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam | Tổ chức phi lợi nhuận FoodPLUS GmbH tại Đức |
Phạm vi chứng nhận | Toàn cầu | Toàn cầu | Việt Nam | Toàn cầu |
Có quy chuẩn từ sản xuất tới đóng gói | ✓ | ✓ | ✓ | ✓ |
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm | ✓ | ✓ | ✓ | ✓ |
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm | ✓ | ✓ | ✓ | ✓ |
An toàn vệ sinh môi trường | ✓ | ✓ | ✓ | ✓ |
Thời gian tái kiểm định | Hàng năm | Hàng năm | không có thông tin chính xác | Hàng năm |