Những người từng trải qua cơn hoảng loạn mô tả trải nghiệm này vô cùng rõ ràng. Họ mô tả nó vô cùng khủng khiếp, gây suy nhược về thể chất, ít nhất là cho đến khi các triệu chứng được giải quyết, thường là sau vài phút. Dưới đây là cách các nhà tâm thần học lâm sàng lý giải sự khác biệt giữa một cơn hoảng loạn (panic attack) và việc chịu đựng cái người ta gọi là cơn lo âu (anxiety attack).
Cơn hoảng loạn kéo dài với tần suất thường xuyên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống (Nguồn: pbs.twimg.com)
1. Không có định nghĩa cơn lo âu
Định nghĩa “cơn lo âu” có thể tồn tại, nhưng nó không xuất hiện trong quyển “Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders” (Tạm dịch: “Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần” do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản), phần tóm tắt tiêu chí mà các bác sĩ lâm sàng sử dụng để chẩn đoán các bệnh tâm thần. Các nhà tâm thần học không sử dụng mô tả này trong từ vựng của họ. Vì thế, nó có thể mang bất cứ ý nghĩa nào, phụ thuộc vào mỗi người.
Tiến sĩ Lily Brown, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm điều trị và nghiên cứu lo âu tại Đại học Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, Philadelphia cho biết, một số người sử dụng hoán đổi thuật ngữ “hoảng loạn” và “lo âu” cho nhau.
Những người khác có thể dùng cụm từ “anxiety attack (cơn lo âu)” để mô tả cảm giác lo âu chưa đến mức hoảng loạn, Russell, Hunter, nhà tâm lý học lâm sàng tại Manassas, Virginia và là tác giả của cuốn sách Attacking Panic: The Power To Be Calm (Tạm dịch: Hoảng loạn: Sức mạnh của sự bình tĩnh) cho biết. “Họ không đạt đến nỗi khiếp sợ” ông nói, nhưng họ có thể cảm thấy run rẩy hoặc bồn chồn.
2. Hoảng loạn và lo âu được kích hoạt bằng những cảm xúc tiềm ẩn khác nhau
Thỉnh thoảng, tất cả chúng ta đều có cảm giác bồn chồn hoặc lo lắng. Nhưng đôi khi một số người căng thẳng vì những điều chưa xảy ra, và nỗi lo lắng đó vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Hunter quan sát nhiều bệnh nhân phải đối phó với căng thẳng gia tăng trong cuộc sống, và bỗng nhiên, mọi thứ giống như “giọt nước tràn ly”. Họ cần một số kỹ năng đối phó để vượt qua chuyện này.
Ngược lại, cơn hoảng loạn là phản hồi của cơ thể với một số nguy hiểm sắp xảy ra, dù cho không có mối đe dọa hiển nhiên nào tới thể chất của người đó. Theo Brown, hoảng loạn “cũng tương tự như sợ hãi”.
Dưới đây là một cách khác để phân biệt hai loại cảm giác này. Cứ cho rằng bạn là người đang phải chịu đựng một cơn hoảng loạn. Nếu bạn lo lắng về cơn hoảng loạn tiếp theo, đó là “lo âu được dự đoán trước – một dạng lo lắng của thôi xong, mình lại sắp bị hoảng loạn rồi”, Brown cho hay. Mặt khác, “cảm xúc khi bị hoảng loạn, chúng ta sẽ coi nó giống như nỗi sợ hãi.”
Bà cho biết, việc phân biệt hai khái niệm này rất quan trọng, vì có những biện pháp khác nhau trong việc kiểm soát nỗi sợ và lo âu.
Cần phân biệt hoảng loạn và lo âu để có hướng điều trị phù hợp (Nguồn: bridgestorecovery.com)
3. Hoảng loạn xảy ra trong ngắn hạn, còn lo âu có xu hướng kéo dài
Bất cứ ai từng trải qua hoảng loạn đều có thể nói cho bạn biết nó thay đổi chóng mặt đến mức nào. Nó đến một cách bất chợt, kìm chặt nạn nhân trong sợ hãi tột độ và những cú thót tim, thống khổ đến mức nghẹt thở. Vài phút sau, nó tan biến. Khi hoảng loạn xảy ra liên tục và người ta bị mắc kẹt trong nỗi sợ có những cơn hoảng loạn tiếp theo, thì họ có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn hoảng sợ.
Trải nghiệm của một người chịu đựng sự lo lắng tột độ rất khác. Brown cho rằng không nên sử dụng thuật ngữ “cơn lo âu” vì các triệu chứng lo âu thường xảy ra nhanh và trong thời gian ngắn. Lo âu có xu hướng liên quan đến các triệu chứng cấp thấp dai dẳng trong một thời gian dài.
“Đây là một cái bóng ở phía sau đè nặng lên một người,” bà nói.
Nếu bạn liên tục lo âu, bạn có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD). Bệnh tâm thần này được định nghĩa là lo lắng quá mức với các triệu chứng lo âu xuất hiện trong phần lớn thời gian và kéo dài hơn 6 tháng. GAD đặc trưng bởi những cảm xúc như hồi hộp, bồn chồn, mệt mỏi, căng cơ, mất tập trung và khó ngủ.
Brown giải thích, một người mắc GAD sẽ nói cho bạn biết cô ấy không thể ngừng lo lắng, Nó gần như là một mức độ bệnh lý của sự lo nghĩ. “Mỗi khi con tôi rời khỏi nhà, tôi phải bắt thằng bé gọi về cho tôi nửa tiếng một lần để chắc chắn nó vẫn ổn. Nếu nó không gọi, tôi sẽ vô cùng lo lắng và bắt đầu gọi cho nó liên tục, thậm chí gọi đến trường hoặc báo cảnh sát.”
Một cơn hoảng loạn có thể kéo dài từ vài phút đến nửa tiếng (Nguồn: hackensackmeridianhealth.org)
4. Hoảng loạn thúc đẩy giác quan vật lý trong khi lo lắng làm chậm chúng lại
Trong giai đoạn hoảng loạn, hơi thở của một người sẽ nhanh hơn và nhịp tim của họ cũng tăng lên. Toàn bộ cơ thể sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với kẻ thù.
Nhưng các nghiên cứu liên quan đến những người mắc rối loạn lo âu lan tỏa đề xuất rằng lo lắng biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Và khi một người có cảm giác lo lắng, hoạt động thể chất của họ sẽ giảm sút, Brown nói. Tim của họ có thể không đập nhanh, và phản ứng tiết mồ hôi có thể giảm bớt.
Bài viết được dịch theo How to Tell the Difference Between a Panic Attack and an Anxiety Attack trên tờ Health.