Có phải lo lắng và căng thẳng đang khiến hy vọng điều trị IVF – vấn đề về vô sinh, hiếm muộn của bạn trở nên quá mong manh? Hay bạn đang cân nhắc điều trị IVF, và tự hỏi bạn nên chuẩn bị như thế nào cho những thách thức về cảm xúc lẫn tinh thần phía trước?
1. Lo lắng và căng thẳng có phải là yếu tố chính khiến điều trị IVF không thực hiện được?
Các công trình nghiên cứu hiện nay vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về việc liệu những tổn thương về cảm xúc có trực tiếp làm giảm tỷ lệ thụ thai thành công từ IVF hay không.
Có khá nhiều những nghiên cứu quy mô nhỏ về mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng với những thất bại khi thực hiện IVF. Một nghiên cứu tại Mỹ đã thực hiện đo lường tình trạng căng thẳng và lo lắng tại năm điểm khác nhau trong quy trình IVF. Kết quả cho thấy những phụ nữ có mức độ căng thẳng và lo lắng thấp hơn vào thời điểm trước khi lấy tế bào trứng có tỷ lệ thụ thai cao hơn.
Tuy nhiên, một bản phân tích tổng hợp quy mô lớn vào năm 2011 từ 14 nghiên cứu khác nhau, với 3583 phụ nữ tham gia điều trị sinh sản lại kết luận rằng những ảnh hưởng của tình trạng căng thẳng đến kết quả thụ thai đã bị đánh giá quá mức. Nghiên cứu chỉ ra rằng: “Những tổn thương về tình cảm xuất phát từ các vấn đề về sinh sản hoặc những khó khăn trong cuộc sống xảy ra trong quá trình điều trị không làm giảm cơ hội mang thai”.
Lo lắng có thể ảnh hưởng tới khả năng thụ thai (Nguồn ảnh: Internet)
2. Lý do thực sự khiến tình trạng căng thẳng làm hỏng kết quả IVF?
Có ý kiến cho rằng tình trạng căng thẳng và lo lắng không thực sự ảnh hưởng đến kết quả IVF. Nhưng vấn đề là tình trạng căng thẳng và lo lắng không phải khiến cơ thể trở nên yếu ớt đi nhưng lại khiến tâm trí phải cố gắng đấu tranh với những vấn đề đó.
Lo lắng và căng thẳng khiến cho nhiều cặp vợ chồng cảm thấy quá sức, họ bỏ cuộc trước khi hoàn thành quy trình IVF mà họ đã đăng ký. Hiển nhiên bạn không thể nào chiến thắng một khi bạn đã rời cuộc chơi. Một nghiên cứu được thực hiện tại Thụy Điển cho thấy trong số 450 các cặp vợ chồng tham gia, có đến 26% các cặp từ bỏ quy trình IVF vì những căng thẳng về tâm lý.
3. Tại sao IVF lại dễ gây ra tình trạng căng thẳng đến vậy?
Quy trình IVF đòi hỏi những yêu cầu gì về thể chất nhất định đối với người mới bắt đầu. Khi cơ thể trải qua những cơn đau về mặt vật lý, con người có xu hướng tiêu cực và tâm trạng thất thường hơn, các mối quan hệ cũng trở nên khó khăn hơn. Quy trình IVF dễ làm lộ rõ những xung đột chưa được giải quyết giữa bạn và người bạn đời, hay những mối quan hệ không mấy lành mạnh mà bạn đã lãng quên từ rất lâu.
Quy trình cũng có thể gây ra những căng thẳng trong các mối quan hệ giữa bạn với người thân trong gia đình. Khi gặp những mâu thuẫn này mà bạn lại không nhận được sự đồng cảm hoặc thấu hiểu từ những bậc cha mẹ khác, bạn sẽ dễ cảm thấy thất vọng, bị hiểu lầm và vô cùng cô độc.
Căng thẳng, hiểu nhầm với người thân trong gia đình làm bạn cảm thấy cô độc (Nguồn ảnh: Internet)
Và kế đến là căng thẳng trong những vấn đề về tài chính. Bạn có thể không đồng ý với người bạn đời của mình về số tiền mà bạn phải thanh toán (tiền bạc là nguyên nhân phổ biến dẫn đến những xung đột). Ngay cả khi có đủ khả năng chi trả, bạn vẫn có thể cảm thấy tội lỗi về việc chi ra quá nhiều tiền cho một quy trình mà tỷ lệ thành công lại thấp.
Sau cùng, IVF có thể kích hoạt một số chứng bệnh tâm thần tiềm ẩn trong cơ thể. IVF không chỉ đơn giản là một quy trình điều trị hiếm muộn mà còn khiến chúng ta dễ bị căng thẳng và trầm cảm.
4. 7 cách để xử lý những căng thẳng gây ra bởi IVF
4.1 Đừng kể chuyện không đúng người
Khi đang trong tình trạng căng thẳng, đừng tạo cơ hội cho người khác khiến bạn lo lắng hơn. Nếu vẫn chưa quá muộn, hãy trao đổi với bạn đời của mình về những người mà bạn muốn và không muốn nói chuyện.
Một bà mẹ chồng thích buôn chuyện có thể cảm thấy bị xúc phạm khi biết được những điều mà bà ấy không được kể. Nhưng nếu điều này giúp quy trình IVF của bạn bớt lo lắng, hoảng loạn hơn thì đây chính là điều mà bạn cần làm.
4. 2 Hãy trao đổi với người thực sự hiểu vấn đề
Nhiều người đã trải qua quy trình IVF khuyên rằng bên cạnh đội ngũ bác sĩ và y tá, việc trò chuyện và trao đổi với những người đã từng trải qua hoặc đang trong quá trình thực hiện IVF sẽ giúp bạn có tâm lý vui vẻ, thoải mái hơn.
Nếu bạn không quen biết ai, hãy tìm kiếm và kết nối thông qua các nhóm hỗ trợ, blog và diễn đàn trực tuyến.
4.3 Biết kiềm chế cảm xúc
Nếu bạn vốn không giỏi từ chối hoặc tự kiểm soát bản thân, đây chính là lúc bạn nên bắt đầu học những điều này.
Trong quá trình thực hiện IVF, cả bạn, người bạn đời và bất kỳ ai khác có liên quan cần đặt ra những giới hạn nhất định dành cho bản thân, lên kế hoạch cho các buổi gặp mặt để kiểm tra, đánh giá những giới hạn đó thông qua những cuộc trò chuyện tích cực. Hãy chân thành bày tỏ toàn bộ những điều mà bạn cho rằng có và không có tác dụng đối với bản thân, những điều mà bạn không muốn nghe, khi nào bạn cần đến sự giúp đỡ và khi nào bạn muốn ở một mình.
Bạn cũng nên sử dụng đến những lời từ chối khi cuộc trò chuyện vượt quá giới hạn và khiến cho bạn cảm thấy lo lắng.
4.4 Lập kế hoạch rõ ràng
Vâng, tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta cần phải tập thể dục, ăn uống điều độ và giải tỏa căng thẳng, tạo môi trường lý tưởng cho việc thụ thai. Nhưng khi quay trở về với cuộc sống thường nhật, chúng ta thường gạt tất cả sang một bên.
Hãy đặt ra những mục tiêu quan trọng như việc phải đi gặp bác sĩ và bản thân không được phép chần chừ. Nếu lớp học yoga vào thứ sáu mỗi tuần khiến bạn cảm thấy tốt hơn, nhưng lại có ai đó nói rằng bạn phải có mặt trong buổi ra mắt với một người bạn, hãy nói rằng bạn có cuộc hẹn không thể bỏ lỡ. Bạn chẳng cần giải thích thêm, nhưng bạn cần phải chăm sóc cho chính bản thân mình.
Lập kế hoạch rõ ràng giúp bạn sớm đạt được mục tiêu (Nguồn ảnh: Unsplash)
4.5 Tập tĩnh tâm mỗi ngày
Đây là một cách dễ dàng, miễn phí và mạnh mẽ giúp bạn ngừng suy nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy đến. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng tĩnh tâm thực sự có ích trong việc điều trị hội chứng lo lắng và căng thẳng.
Hai mươi phút thiền mỗi ngày có thể đem lại sự khác biệt giữa một ngày bạn phải vật lộn với sự lo lắng, và một ngày mà bạn cảm thấy mình có thể dễ dàng xử lý mọi vấn đề. Vậy nên hãy thử bắt đầu với các bài thiền cơ bản và rèn luyện thói quen này hàng ngày. Hoặc bạn có thể sử dụng ứng dụng thiền trên điện thoại nếu bạn cảm thấy thuận tiện hơn.
4.6 Ngừng so sánh
Đây không chỉ là từ bỏ thói quen so sánh bản thân với người khác, mà còn từ bỏ việc so sánh ngày hôm nay với ngày hôm qua, hay năm nay với năm ngoái. Điều quan trọng là bạn phải thoải mái tận hưởng cuộc sống khi đang trải qua quá trình IVF.
4.7 Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài
Những người bạn luôn là điều tuyệt vời. Nhưng đôi khi thứ ta cần là có một người để có thể chia sẻ nỗi lòng mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào. Tuy việc tới gặp một tư vấn viên hoặc một bác sĩ tâm lý trị liệu sẽ khiến bạn tốn thêm một khoản chi phí nhưng sẽ giúp bạn giải tỏa đáng kể những trầm cảm, lo lắng và xung đột dai dẳng với các mối quan hệ xung quanh và thậm chí là những khó khăn trong quá trình thực hiện IVF. Bởi vậy nên các biện pháp trị liệu tâm lý thực sự là một khoản đầu tư rất đáng giá.
Bài viết được dịch theo Anxiety, Stress and IVF – How to Navigate Fertility Treatment xuất bản 23/05/2019 trên Harley Therapy Counselling Blog.