Có gần 7% dân số người trưởng thành Mỹ, tương đương với 16 triệu người, bị trầm cảm lâm sàng mỗi năm. Trên khắp thế giới, gần 350 triệu người sẽ phải đối mặt với chứng trầm cảm mỗi năm. Phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn nam giới.
Trong khi độ tuổi trung bình mắc phải chứng bệnh này là 32, thì những người trẻ tuổi và người già cũng có nguy cơ đối mặt với chứng trầm cảm. Trầm cảm là một căn bệnh khó khăn, mãn tính, nhưng cũng có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc, phương pháp trị liệu, sự hỗ trợ và tự chăm sóc.
1. Trầm cảm là gì?
Trầm cảm, còn được biết là trầm cảm lâm sàng và rối loạn trầm cảm, là một loại rối loạn tâm trạng do các suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực. Trầm cảm gây ra những nỗi buồn dữ dội kéo dài, cơn đau thể chất cho người bệnh, làm cho họ thay đổi thói quen ăn – ngủ, trở nên cáu kỉnh, khó suy nghĩ, khó tập trung, đưa ra quyết định, luôn lo lắng, có suy nghĩ và hành vi tự tử.
Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán được. Nó là một căn bệnh mãn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng với sự chẩn đoán và điều trị chính xác, thì có thể kiểm soát được chứng bệnh này và làm giảm các triệu chứng, cho phép người bệnh tiếp tục cuộc sống của mình và tham gia các hoạt động bình thường. Việc chẩn đoán nên được thực hiện bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần, tốt nhất là một bác sĩ tâm thần.
Trầm cảm là bệnh lý tâm thần phổ biến trên thế giới (Nguồn: understandingsociety.ac.uk)
Có rất nhiều phương hướng điều trị trầm cảm. Phương pháp thường thấy là sử dụng thuốc chống trầm cảm, nhưng phác đồ điều trị bệnh hiệu quả nhất cũng bao gồm một số loại điều trị bệnh lý. Ngoài trị liệu và sử dụng thuốc, bệnh nhân trầm cảm nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm hỗ trợ, từ bạn bè, gia đình và các liệu pháp thay thế hay tự chăm sóc bản thân. Rất khó khăn khi phải sống chung với căn bệnh này, nhưng có được chẩn đoán chính xác cũng giúp ích khá nhiều cho bệnh nhân. Điều trị chuyên sâu có thể giúp họ cảm thấy khá hơn và kiểm soát được cuộc sống. Dưới đây là một số thống kê quan trọng về trầm cảm ở Hoa Kỳ:
– 16 triệu người Mỹ trưởng thành, tương đương với 6,9% dân số, đã trải qua ít nhất một giai đoạn của chứng trầm cảm.
– Rối loạn cảm xúc, bao gồm trầm cảm, là một trong ba nguyên nhân dẫn đến nhập viện đối với người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 44 ở Hoa Kỳ.
– Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra sự ốm yếu ở Hoa Kỳ cho những người trong độ tuổi từ 15 đến 44.
– Tuổi trung bình khởi phát trầm cảm là 32.
– Khoảng 1,5% dân số Hoa Kỳ đang phải đối mặt với chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng, nhưng chỉ có khoảng 60% những người này được điều trị.
– Nữ giới có khả năng mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn 70% so với nam giới.
2. Thanh thiếu niên và người lớn tuổi cũng đang phải đối mặt với bệnh trầm cảm
Độ tuổi trung bình khởi phát trầm cảm là 32, nhưng thanh thiếu niên, người già, thậm chí trẻ em cũng có thể mắc và phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể khác nhau, trẻ em bị trầm cảm có khả năng phải trải qua những nỗi buồn, cơn đau về thể chất, bị sút cân. Các dấu hiệu trầm cảm có thể biểu hiện thông qua các hành vi của chúng, chẳng hạn như không chịu đến trường hoặc luôn bám lấy cha mẹ, anh chị em.
Thanh thiếu niên bị trầm cảm trải qua nhiều triệu chứng giống như người lớn, nhưng cũng rất khó để phân biệt chúng với những cảm giác lo lắng bình thường ở tuổi mới lớn. Một số dấu hiệu cho thấy thanh thiếu niên bị trầm cảm bao gồm việc sử dụng ma túy hoặc rượu, mất hứng thú với các hoạt động, tự làm hại bản thân, tự cô lập mình với xã hội, thành tích học tập kém và trở nên nhạy cảm quá mức. Ở người lớn tuổi, trầm cảm có thể gây đau đớn về thể chất, vấn đề về trí nhớ, thay đổi tính cách và cách ly khỏi xã hội.
– Có đến 1/8 thanh thiếu niên bị trầm cảm.
– Cứ 33 trẻ em sẽ có một bé sẽ phải đối mặt với chứng trầm cảm.
– Trầm cảm không được điều trị là nguy cơ lớn nhất dẫn đến tự tử ở thanh thiếu niên.
– Những người có nguy cơ tự tử cao nhất là những chàng trai trẻ từ 15 đến 24 tuổi.
– 6 triệu người Mỹ trưởng thành đang mắc chứng trầm cảm, nhưng chỉ 10% được điều trị.
– Đàn ông cao tuổi có ý nghĩ tự tử nhiều hơn phụ nữ.
– Hơn một nửa số người chăm sóc người già trong gia đình có triệu chứng trầm cảm.
3. Phân biệt chủng tộc, sắc tộc tồn tại trong chẩn đoán và điều trị trầm cảm
Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên chứng bệnh trầm cảm, đó có thể từ di truyền, lịch sử gia đình cho đến sức khỏe thể chất và sự căng thẳng. Nghiên cứu cũng cho thấy có nguyên nhân do sự phân biệt chủng tộc và sắc tộc, mặc dù những sự phân biệt này không hoàn toàn chính xác hoặc rõ ràng. Các vấn đề tạo ra sự phân biệt có thể bao gồm sự kỳ thị, thiếu tiếp cận với chăm sóc sức khỏe hoặc bảo hiểm y tế, vô cảm về văn hóa hoặc rào cản ngôn ngữ trong môi trường chăm sóc sức khỏe và đến bác sĩ bình thường để chăm sóc sức khỏe tâm thần thay vì tìm đến bác sĩ chuyên khoa.
– Tỷ lệ trầm cảm theo chủng tộc hoặc sắc tộc cho thấy 6,4% người Mỹ da trắng được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm so với 7,2% người gốc Tây Ban Nha và 4,2% người Mỹ gốc Phi.
– 73% người da trắng được chẩn đoán cần phải điều trị trầm cảm, so với chỉ 63% người gốc Tây Ban Nha và 60% người Mỹ gốc Phi.
– Người da màu ít có được sự chăm sóc sức khỏe tâm thần chất lượng cho bệnh trầm cảm.
4. Trầm cảm thường xảy ra cùng với các tình trạng sức khỏe khác
Không có gì lạ khi một người bị trầm cảm cũng phải đối mặt với tình trạng sức khỏe tâm thần, tình trạng sức khỏe thể chất hoặc cả hai. Trong một số trường hợp, một căn bệnh có thể gây ra chứng trầm cảm, mặt khác, trầm cảm cũng có thể dẫn đến các biến chứng, vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần khác. Bất kỳ căn bệnh nghiêm trọng, mãn tính hoặc đã đến giai đoạn cuối nào cũng có thể khiến bệnh nhân bị trầm cảm. Một số bệnh phổ biến gây ra trầm cảm là ung thư và bất kỳ căn bệnh nào gây ra đau mãn tính hoặc tàn tật như hội chứng đau cơ xơ, đa xơ cứng.
Một vài căn bệnh mãn tính có thể khiến bệnh nhân mắc trầm cảm (Nguồn: verywellhealth.com)
Các bệnh sức khỏe tâm thần thường xảy ra bao gồm rối loạn lo âu, rối loạn chức năng cơ thể, rối loạn ăn uống và rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Không phải lúc nào cũng có thể xác định liệu trầm cảm có gây ra tình trạng bệnh khác, nhưng vẫn có ngoại lệ, đặc biệt khi người bệnh bị trầm cảm nhưng không được điều trị. Ví dụ, trầm cảm có thể dẫn đến rối loạn sử dụng chất gây nghiện vì một số người sử dụng các chất gây nghiện để tự điều trị. Các chỉ số cho thấy chứng trầm cảm và một số tình trạng bệnh khác cùng gây tác động đến rất nhiều người:
– 1/4 bệnh nhân ung thư bị trầm cảm.
– 1/3 những người sống sót sau cơn đau tim sẽ phải vật lộn với chứng trầm cảm.
– 1/2 số bệnh nhân mắc bệnh Parkinson có thể bị trầm cảm.
– 50 đến 75% bệnh nhân rối loạn ăn uống sẽ bị trầm cảm.
– Hơn 1/4 số người bị rối loạn sử dụng chất gây nghiện bị trầm cảm.
5. Đàn ông và phụ nữ trải qua chứng trầm cảm theo cách khác nhau
Phụ nữ có khả năng được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn nam giới, nhưng khi đàn ông đối mặt với các giai đoạn trầm cảm, họ thường có một trải nghiệm khác. Có nhiều triệu chứng chồng chéo nhau như buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động, thay đổi chế độ ăn uống, giấc ngủ, nhưng cũng có một số triệu chứng đàn ông bị trầm cảm gặp phải mà phụ nữ không phải trải qua. Những triệu chứng này thường bị bỏ qua và có thể giải thích cho một số khác biệt trong chẩn đoán giữa đàn ông và phụ nữ như: đau đầu, khó tiêu, tức giận, có những hành vi liều lĩnh, bốc đồng.
Một khác biệt là phụ nữ có xu hướng cảm thấy tội lỗi, xấu hổ hơn đàn ông và có nhiều khả năng tự trách mình vì những khó khăn. Nữ giới cảm thấy lo lắng nhiều hơn, trong khi nam giới trở nên đa nghi nhiều hơn. Phụ nữ bị trầm cảm có xu hướng tránh va chạm xung đột, trong khi đàn ông tìm đến nó.
Phái mạnh cũng có thể gặp phải nhiều sự kỳ thị liên quan đến trầm cảm nên họ ít tìm đến sự giúp đỡ hoặc không muốn thừa nhận mình có các triệu chứng trầm cảm. Dưới đây là một số thống kê khác về trầm cảm và giới tính:
– 12% phụ nữ Mỹ bị trầm cảm tại một số thời điểm trong cuộc sống.
– Phụ nữ có khả năng bị trầm cảm sau khi ly hôn nhiều hơn so với đàn ông.
– Phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn đàn ông.
– Từ 10 đến 15% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
– Trầm cảm ở phụ nữ làm tăng nguy cơ gãy xương.
– Phụ nữ có thể bị trầm cảm trong thời kỳ tiền kinh nguyệt và tiền mãn kinh.
6. Trầm cảm là một vấn đề toàn cầu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trầm cảm là một vấn đề lớn trên toàn thế giới và là một trong những bệnh tâm thần phổ biến nhất. Người dân ở một số quốc gia phải đối mặt với những rào cản để có thể tiếp cận với việc điều trị: sự thiếu hụt các nguồn lực, các chuyên gia y tế được đào tạo chuyên sâu. Ở một vài quốc gia, nó còn bao gồm sự kỳ thị và chẩn đoán sai.
Tất cả bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm đều có nhu cầu được điều trị bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần (Nguồn: alternet.org)
Trầm cảm có ảnh hưởng lớn đến kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Nó gây ra sự ốm yếu nhiều hơn bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác, làm giảm khả năng làm việc ở người lớn và ảnh hưởng đến việc học hành, các hoạt động ở những người trẻ tuổi. Trầm cảm gây ra sự thất thoát hàng tỷ đô la và làm giảm năng suất trong giờ làm việc trên toàn thế giới. Dưới đây là một số thống kê bổ sung về trầm cảm trên toàn cầu:
– Trên toàn thế giới, trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tật.
– Hơn 300 triệu người ở mọi lứa tuổi trên thế giới đang sống chung với bệnh trầm cảm.
– Gần 800.000 người chết vì tự tử trên toàn thế giới mỗi năm.
– Chưa đến một nửa số người mắc bệnh trầm cảm được điều trị.
– Ở một số quốc gia, dưới 10% người bệnh được điều trị.
– Gánh nặng về tất cả các bệnh tâm thần, bao gồm trầm cảm, đang gia tăng.
Các thông tin về trầm cảm chứng minh rằng đây là một vấn đề sức khỏe tâm thần đang phổ biến ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Mặc dù các nhóm người khác nhau có những trải nghiệm khác nhau với bệnh trầm cảm, nhưng tất cả đều có chung nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, chẩn đoán chính xác, tiếp cận các chuyên gia sức khỏe tâm thần và kế hoạch điều trị hiệu quả.
Bài viết được dịch theo Depression Facts and Statistics trên trang Bridges To Recovery.