1. Rau má mang lại giá trị gì đối với sức khỏe?
Rau má (tên khoa học là Centella Asiatica) là một loại cây thảo dược thuộc họ Apiaceae, có nguồn gốc từ các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Rau má có đặc điểm là lá hình tròn, màu xanh tươi và mọc thành cụm, thường được sử dụng trong các món ăn hoặc chế phẩm y học.
Rau má nổi bật với khả năng cung cấp nhiều dưỡng chất như vitamin A, C, B, khoáng chất và các hợp chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức đề kháng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, rau má cũng được biết đến với công dụng làm đẹp, đặc biệt là trong việc làm sáng da và chữa lành vết thương nhờ khả năng kích thích sản sinh collagen.
Rau má mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe
Trong y học, rau má có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp cải thiện chức năng gan, thận, giảm căng thẳng, mệt mỏi và hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài việc sử dụng rau má tươi trong các món ăn như gỏi, xào hay nấu canh, rau má còn được chế biến thành nước ép, trà hay các sản phẩm bổ sung.
2. Rau má kỵ với gì?
Mặc dù rau má là một loại thảo dược rất tốt cho sức khỏe, nhưng cũng có một số loại thực phẩm hoặc dược liệu mà bạn nên tránh kết hợp với rau má để không làm giảm tác dụng hoặc gây tác dụng phụ không không mong muốn:
Sữa tươi
Sữa tươi chứa lượng canxi dồi dào, trong khi rau má lại có chứa axit oxalic. Khi kết hợp hai thành phần này, canxi và axit oxalic sẽ tạo thành oxalat canxi – một hợp chất có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa hoặc làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Do đó, bạn không nên pha sữa tươi vào nước ép hoặc sinh tố rau má. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng bột rau má kết hợp với sữa tươi để làm mặt nạ, giúp dưỡng da, làm sáng và giảm mụn.
Trà xanh
Trà xanh chứa tanin, một chất có thể khiến quá trình hấp thụ sắt bị hạn chế. Trong khi đó, rau má rất giàu sắt. Vì vậy, việc uống trà xanh ngay sau khi tiêu thụ rau má có thể làm hạn chế khả năng hấp thu sắt. Bên cạnh đó, trà và rau má đều có tính hàn, kết hợp chúng có thể gây lạnh bụng hoặc tiêu chảy. Tốt nhất, bạn nên uống trà sau khoảng 2 giờ kể từ khi ăn rau má để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Hải sản tươi sống
Hải sản tươi sống vốn mang tính hàn, nếu ăn cùng với rau má, có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, và tiêu chảy,… đặc biệt là đối với những người có hệ tiêu hóa yếu.
Hải sản tươi sống là nhóm thực phẩm không nên kết hợp cùng rau má
Gia vị cay nóng
Rau má có tính mát, trong khi gia vị cay nóng như tỏi, ớt, tiêu lại có tính nóng. Khi kết hợp có thể làm mất cân bằng nhiệt trong cơ thể, gây khó tiêu, đau bụng hoặc tiêu chảy. Vì vậy, khi chế biến món ăn từ rau má, bạn nên hạn chế sử dụng các loại gia vị này để tránh gây kích ứng dạ dày.
Thuốc chữa bệnh
Khi đang sử dụng thuốc trị bệnh, bạn cần lưu ý không kết hợp rau má với một số loại thuốc sau đây để tránh những tác dụng không mong muốn, cụ thể:
- Thuốc điều trị tiểu đường: Rau má có thể làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị tiểu đường;
- Thuốc giảm cholesterol: Rau má có thể tương tác với thuốc giảm cholesterol khiến tác dụng của thuốc không được phát huy tối đa.
3. Lưu ý khi sử dụng rau má
Ngoài việc tìm hiểu rau má kỵ với gì? Bạn có thể tham khảo thêm một số những lưu ý khi sử dụng rau má dưới đây để đảm bảo an toàn cho sức khỏe:
Dùng với lượng hợp lý
Các chuyên gia khuyến nghị chỉ nên tiêu thụ khoảng 40 gam rau má mỗi ngày, có thể chế biến thành món ăn hoặc ép thành nước, sinh tố. Tuy nhiên, bạn không nên uống nước rau má liên tục quá một tháng, nên tạm dừng khoảng nửa tháng rồi mới tiếp tục sử dụng.
Không thay thế nước lọc
Việc uống quá nhiều có thể gây ra hiện tượng đầy bụng, tiêu chảy và không tốt cho những người có thể trạng yếu, dễ bị lạnh bụng.
Cẩn thận khi ra nắng sau khi uống rau má
Nước rau má có tác dụng làm mát cơ thể và giải nhiệt. Tuy nhiên, bạn nên tránh ra nắng ngay sau khi uống rau má vì có thể dẫn đến cảm giác choáng váng hoặc thậm chí ngất xỉu nếu tiếp xúc trực tiếp với nắng.
Không nên pha đường vào nước rau má
Rau má có vị đắng nhẹ, đôi khi khó uống, vì vậy nhiều người thường pha thêm đường để giảm bớt vị này. Tuy nhiên, rau má đã chứa một lượng carbohydrate và đường tự nhiên, khi pha thêm đường, tác dụng giải nhiệt, thanh lọc của rau má sẽ bị giảm đi, thay vào đó, bạn dễ gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu hoặc nổi mụn.
Không nên pha đường vào nước rau má
Ngừng sử dụng khi gặp triệu chứng bất thường
Rau má là loại thực vật lành tính và thường ít gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải những dấu hiệu bất thường như đau bụng, buồn nôn hoặc phân có màu lạ sau khi sử dụng rau má, bạn nên ngừng ngay và đi khám bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Như vậy, thắc mắc rau má kỵ với gì đã được giải đáp chi tiết, bạn đọc nên tham khảo và lưu ý những thông tin này trong chế độ dinh dưỡng. Mọi thắc mắc có liên quan cần được giải đáp hoặc nhu cầu tư vấn chăm sóc sức khỏe, người dân hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.