2 phương pháp điều trị hội chứng ADHD ở trẻ em không cần dùng thuốc

Các nhà tâm lý học hiện đang sử dụng biện pháp can thiệp hành vi dựa trên nghiên cứu nhằm điều trị hội chứng ADHD một cách hiệu quả.

Mắc phải hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), một cậu bé 10 tuổi hiếm khi trả lời các bảng câu hỏi về toán học và ngôn ngữ khi được giáo viên yên cầu. Không những vậy, cậu còn thường xuyên phá rối các bạn học sinh khác làm bài.

Điều trị hội chứng ADHD bằng thuốc kích thích rất phổ biến nhưng chúng ta vẫn chưa biết rõ những tác dụng phụ cụ thể khi sử dụng thuốc trong thời gian dài

Điều trị hội chứng ADHD bằng thuốc kích thích rất phổ biến nhưng chúng ta vẫn chưa biết rõ những tác dụng phụ cụ thể khi sử dụng thuốc trong thời gian dài  (nguồn: pbs.org)

Sau đó, giáo viên của cậu đã thực hiện một thay đổi quan trọng trong bảng câu hỏi của cậu: Cô dùng bút hết mực để viết ký hiệu ở các đáp án đúng, và cậu có thể nhận ra câu trả lời đúng khi tô màu đè lên nét bút hết mực để hoàn thành câu trả lời.

Kế đến, cô còn vẽ thêm ngẫu nhiên các ngôi sao để cậu có thể nhận ra khi tô màu, và bảo rằng cậu sẽ được thưởng nếu đạt được 4 ngôi sao. Kết quả của sự thay đổi ấy chính là: Cậu bé nhanh chóng trả lời tất cả các câu hỏi, với tỷ lệ trả lời đúng đạt 84%.

Đưa ra phản hồi ngay lập tức chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận hành vi hiệu quả và đơn giản nhằm cải thiện khả năng tập trung của trẻ em, Tiến sĩ Nancy A. Neef, Nhà Tâm lý học, cho biết. Bà cũng là người đã miêu tả lại thí nghiệm sử dụng các bút hết mực trong một chương về điều trị hội chứng ADHD mà Tiến sĩ là đồng tác giả, nằm trong quyển “Cẩm nang của APA về Phân tích Hành vi” (APA Handbook of Behavior Analysis) năm 2012.

Hội chứng ADHD có ảnh hưởng lên đến 7% tổng số trẻ tại Mỹ trong độ tuổi từ 3 đến 17. Chính vì thế, các nhà tâm lý học đã phát triển những biện pháp can thiệp hành vi mà từ phụ huynh, giáo viên, cho đến bất kỳ ai cũng có thể thực hiện để giúp trẻ nhỏ có thể giữ tập trung và kiểm soát sự kích động của bản thân. Số khác lại thực hiện các nghiên cứu về việc giúp trẻ bằng cách tăng cường hoạt động thể chất và kéo dài giấc ngủ.

Đây chính là những thông tin tốt đối với trẻ nhỏ, Tiến sĩ Neef nói. Đôi khi, phụ huynh, giáo viên và các bác sĩ nhi khoa tỏ ra quá vội vã khi chỉ định cho trẻ sử dụng thuốc điều trị hội chứng.

“Đặc biệt là trong trường hợp sử dụng thuốc kích thích – phương pháp điều trị hội chứng ADHD phổ biến nhất, chúng ta vẫn chưa biết rõ những tác dụng phụ cụ thể là như thế nào khi sử dụng thuốc trong thời gian dài,” Tiến sĩ Neef, Giáo sư Đào tạo đặc biệt tại Trường Đại học Bang Ohio, nhấn mạnh

Thuốc không thể chữa khỏi được các vấn đề liên quan đến khả năng học tập, khả năng giao tiếp với người thân trong gia đình, bạn bè và những người xung quanh. “Ngay cả khi nó tỏ ra hiệu quả và hữu ích, đây vẫn không phải là loại thuốc trị được bách bệnh.” Tiến sĩ Neef bổ sung.

1. Biện pháp can thiệp hành vi

Đáng ngạc nhiên, cách tiếp cận không sử dụng đến thuốc lại gây ra tranh cãi, đặc biệt là trong giới y khoa.

“Nếu bạn đọc hướng dẫn chuyên môn dành cho bác sĩ tâm thần, hoặc đôi khi là dành cho bác sĩ nhi khoa, phương pháp điều trị đối với trẻ mắc phải hội chứng ADHD vẫn là phương pháp sử dụng thuốc,” Tiến sĩ Gregory A. Fabiano, Phó Giáo sư về tư vấn, trường học và tâm lý giáo dục, Đại học Bang New York tại Buffalo, cho biết.

Các phương pháp ưu tiên việc sử dụng thuốc xuất phát từ một nghiên cứu có quy mô lớn được thực hiện bởi Nhóm hợp tác Điều trị Hội chứng ADHD đa phương thức (MTA), đăng trên Tạp chí Lưu trữ về Tâm thần học (Archives of Psychiatry) vào năm 1999.

Bản nghiên cứu thực hiện so sánh các phương pháp sử dụng thuốc, điều trị hành vi chuyên sâu, phương pháp kết hợp tiếp cận và chăm sóc theo tiêu chuẩn cộng đồng, sau đó có kết luận rằng phương pháp sử dụng thuốc là hiệu quả nhất. “Mọi người đã bám vào kết luận ấy và cứ thế mà sử dụng.” Tiến sĩ Fabiano nói.

Nhưng kể từ lúc đó, rất nhiều bài báo tiếp tục theo dõi những người tham gia vào nghiên cứu ban đầu. “Họ nhận ra rằng một vài kết luận đó có thể đúng khi bạn chỉ nhìn vào kết quả tức thì sau khi điều trị”. Tiến sĩ cho biết “Nếu như bạn nhìn thấy  được họ đã làm tốt như thế nào trong suốt quá trình, mọi sự khác biệt đều trở nên mờ nhạt.”

Tiến sĩ lấy một ví dụ trong bài báo đăng trên Tạp chí của Học viện Tâm thần Trẻ em & Vị thành niên Hoa Kỳ (Journal of the Academy of Child and Adolescent Psychiatry) vào năm 2007.

Sau 3 năm theo dõi cuộc nghiên cứu của nhóm MTA, báo cáo đã chỉ ra rằng dù phương pháp sử dụng thuốc và phương pháp kết hợp có lợi ích đáng kể tại tháng thứ 14 và tháng thứ 24, nhưng lợi ích đó dần biến mất theo thời gian. Và tại thời điểm tháng thứ 36, nhóm điều trị không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào giữa các phương pháp điều trị.

Lợi ích của phương pháp sử dụng thuốc và phương pháp kết hợp dần biến mất sau 36 tháng điều trị

Lợi ích của phương pháp sử dụng thuốc và phương pháp kết hợp dần biến mất sau 36 tháng điều trị (nguồn: additudemag.com)

Nghiên cứu của riêng Tiến sĩ Fabiano, bản phân tích tổng hợp đăng trên Tạp chí Đánh giá Tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychology Review) vào năm 2009, đã tìm ra phương pháp điều trị hành vi cho hội chứng ADHD đạt hiệu quả cao. Tiến sĩ cùng các cộng sự thực hiện kiểm tra 174 nghiên cứu về các phương pháp điều trị hành vi trong 114 tài liệu. Các phương pháp điều trị này được chia thành 3 nhóm chính:

Nhóm chương trình dành cho phụ huynh: Các biện pháp can thiệp tập trung vào việc giảng dạy phụ huynh những phương pháp để giúp trẻ điều trị bệnh thành công. Một cách tiếp cận điển hình là khiến trẻ trở nên ngoan ngoãn. “Với một đứa trẻ mắc phải hội chứng ADHD điển hình, chúng luôn muốn được chú ý mỗi khi gây rối,” Tiến sĩ Fabiano phát biểu.

“Một trong số các bài học mà chúng tôi muốn truyền đạt đến các phụ huynh là hãy luôn chú ý đến con trẻ khi chúng làm được những việc tốt, và sau đó ghi lại, nhận xét, để chúng dần trở nên chú tâm đến việc cư xử sao cho thật tốt.”

Nhóm chương trình dành cho giáo viên: Giống như ví dụ về việc sử dụng dấu tích tàng hình, các biện pháp can thiệp trong nhóm này là những cách ứng xử của giáo viên trong lớp học, từ việc đưa ra những lời hướng dẫn trực tiếp, từng bước một, cho đến việc giải thích với học sinh những hậu quả từ việc không chịu tập trung từ ban đầu. Một phương pháp tiếp cận hiệu quả khác là giám sát dự phòng. Với phương pháp này, trẻ sẽ nhận được những tấm thiệp hàng ngày, trong đó ghi chép lại việc trẻ đã thực hiện các mục tiêu như thế nào, ví dụ như phát biểu khi đến lượt, hay hoàn thành bài tập về nhà và mang đến lớp. Khi hoàn thành được tất cả các mục tiêu trên, trẻ sẽ được thưởng.

Nhóm chương trình giải trí trị liệu: Trong nhóm chương trình này, trẻ mắc bệnh được giao lưu với những đứa trẻ khác tại trại hè hoặc các địa điểm tương tự. Các hoạt động được đề xuất bao gồm cắt dán thủ công, chơi các trò chơi thể thao, hoặc thực hiện cắm trại truyền thống, bên cạnh những biện pháp can thiệp hành vi. Trái ngược với phương pháp trị liệu hội chứng ADHD thông thường, các biện pháp này kéo dài cả ngày trong nhiều tuần liên tục. Nội dung chương trình thường bao gồm các buổi giảng dạy ngắn gọn về kỹ năng xã hội cùng với các trò chơi theo nhóm, kết hợp với phương pháp giám sát dự phòng. Ngoài việc học các kỹ năng xã hội, các trẻ em khi tham gia còn được học cách chơi các môn thể thao và kỹ năng làm việc theo nhóm.

“Các cách làm này không khó để thực hiện” Tiến sỹ Fabiano thừa nhận. “Nhưng công đoạn khó nhất là việc duy trì các biện pháp can thiệp này.”

Điều quan trọng chính là thực hiện can thiệp sớm, Tiến sĩ George J. DuPaul, Nhà Tâm lý học, đồng tác giả cuốn “Trẻ nhỏ mắc phải hội chứng ADHD: Xác định và can thiệp sớm” (Young Children with ADHD: Early Identification and Intervention) năm 2011, cho hay. Thậm chí trong hướng dẫn điều trị năm 2011 của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, các phương pháp hành vi nên được ưu tiên số một trong việc điều trị trẻ mắc bệnh.

“Đặc biệt là với những trẻ học mẫu giáo, hoặc mới vào lớp 1 đã có dấu hiệu thụt lùi trong học tập và cư xử, khó bắt kịp với bạn bè,” Tiến sĩ DuPaul, Trưởng phòng Giáo dục và Dịch vụ con người tại Trường Cao đẳng Giáo dục, Đại học Lehigh, tiếp tục nói. “Can thiệp sớm trong những năm học mẫu giáo sẽ giúp trẻ mắc bệnh khởi đầu thuận lợi hơn trong việc thu hẹp khoảng cách với bạn bè.”

Chính vì thế, các biện pháp can thiệp hành vi nên được áp dụng trước khi trẻ bắt đầu đi học, Tiến sĩ khẳng định. Các bậc phụ huynh có thể dạy cho con mình những bài học về con số và chữ cái ngay từ khi trẻ còn đang học mẫu giáo, để giúp các em có được sự khởi đầu thuận lợi hoặc nhận tư vấn điều trị tâm lý từ bác sĩ giỏi chuyên môn. Bởi các nhà tâm lý học cũng có thể hướng dẫn các gia đình làm thế nào để xác định nguyên nhân vấn đề về hành vi ở trẻ mắc bệnh, và phương hướng xử lý. Ví dụ như, một cậu bé tảng lờ đi những lời chỉ dẫn khi được yêu cầu bỏ đồ chơi sang một bên để ăn tối, có thể cậu đang thể hiện rằng mình muốn được tiếp tục chơi đồ chơi. Phụ huynh cần được học cách điều chỉnh lại những hành vi đó ở trẻ bằng cách dạy cho trẻ nói rõ ra mong muốn của mình, và cảnh báo về những hậu quả nếu trẻ không nghe theo lời hướng dẫn – đây cũng là những kỹ thuật có hiệu quả đối với trẻ không mắc phải hội chứng ADHD.

Các biện pháp can thiệp hành vi nên được áp dụng trước khi trẻ bắt đầu đi học

Các biện pháp can thiệp hành vi nên được áp dụng trước khi trẻ bắt đầu đi học (nguồn: khn.org)

Các nhà tâm lý học cũng có thể hướng dẫn những người sống xung quanh trẻ cách áp dụng các kỹ thuật trên, Tiến sĩ DuPaul chia sẻ. Ví dụ, các giáo viên trường mầm non khi đang kể chuyện có thể khen ngợi những trẻ không nói chuyện riêng với các bạn bên cạnh. Và khi trẻ đang nói chuyện riêng kia chợt nhận thấy những lời khen, và ngừng nói chuyện lại, giáo viên hãy quay sang khen ngợi đứa trẻ đó.

2. Thay đổi lối sống

Lối sống lành mạnh cũng giúp trẻ mắc phải hội chứng ADHD – cũng như tất cả mọi người – duy trì sự tập trung. Và không giống như việc sử dụng thuốc, phương pháp này chẳng tốn một xu nào.

Tập thể dục là một biện pháp can thiệp có hiệu quả tốt, Tiến sĩ Matthew B. Pontifex, Trợ lý Giáo sư nghiên cứu về chuyển động cơ thể, Đại học Bang Michigan, cho biết. Trong một nghiên cứu của ông, chỉ cần tập thể dục vài phút mỗi ngày cũng giúp trẻ mắc bệnh quên đi những phiền nhiễu xung quanh, tập trung vào bài vở, từ đó giúp cải thiện thành tích học tập.

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nhi khoa (Journal of Pediatrics) vào năm ngoái, Tiến sĩ Pontifex cùng các cộng sự đã để 40 học sinh tiểu học – với một nửa trong số đó mắc hội chứng ADHD – tập bước trên máy chạy bộ, hoặc đọc thầm trong vòng 20 phút. Dù có mắc bệnh hay không, sau khi tập thể dục, kết quả trong các bài kiểm tra toán học và đọc hiểu của các em học sinh đều trở nên tốt hơn. Những trẻ mắc bệnh nhưng tập thể dục thường xuyên cũng thể hiện khả năng làm chậm, tránh lặp lại lỗi tốt hơn khi chơi các trò chơi điện tử.

Tiến sĩ cho hay, với các nhà tâm lý học, kết quả của công trình nghiên cứu này là rất rõ ràng. “Ít nhất, tập thể dục sẽ trở thành biện pháp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh.”

Ngoài ra, còn có những kết quả mang tính chính sách khác, Tiến sĩ bổ sung. Các trường học luôn phải chịu áp lực trong việc cắt giảm giờ nghỉ và tiết học thể dục để dành thời gian cho các môn học chính, từ đó giúp trẻ thực hiện các bài kiểm tra học thuật tốt hơn. “Nghiên cứu đã cung cấp những cơ sở thực nghiệm cho thấy lợi ích tiềm năng từ các bài tập thể dục trong giờ học trên trường”

Tập thể dục sẽ trở thành biện pháp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh

Tập thể dục sẽ trở thành biện pháp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh (nguồn: handicareinc.com)

Giấc ngủ cũng là một biện pháp can thiệp không mất chi phí khác, Tiến sĩ Reut Gruber, Nhà Tâm lý học, Trợ lý Giáo sư Tâm thần học, Trưởng Phòng nghiên cứu về Sự tập trung, Hành vi và Giấc ngủ, Đại học McGill nói. Nghiên cứu của Tiến sĩ thực hiện trên các trẻ mắc phải hội chứng ADHD điển hình cho hay chỉ cần ngủ thêm 30 phút có thể giúp trẻ tránh được trạng thái kích động khi học trên lớp, và cải thiện hành vi bản thân.

Trong một tài liệu đăng trên Tạp chí Nhi khoa (Pediatrics) năm 2012, Tiến sĩ cùng các cộng sự nghiên cứu về tác động của giấc ngủ đối với các trẻ trong độ tuổi từ 7 đến 11. Trong đó, cha mẹ của một nửa số trẻ được yêu cầu cho phép các em ngủ thêm 30 phút, và số khác yêu cầu rút ngắn thời gian ngủ của trẻ xuống đi 1 tiếng. Các thiết bị đeo trên tay của trẻ, được gọi là “actigraph”, cho thấy với nhóm được ngủ thêm giờ, thời gian ngủ thêm trung bình chỉ ở mức 30 phút, nhưng sự thay đổi nhỏ đó lại đem đến những kết quả đáng ghi nhận. Theo đánh giá của giáo viên, những trẻ được ngủ thêm giờ thể hiện hành vi, ứng xử tốt hơn, trái ngược so với những trẻ phải ngủ ít đi.

Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra trẻ mắc phải hội chứng ADHD có xu hướng bị kích động mạnh, Tiến sỹ Gruber nói. Không giống như người lớn, khi cảm thấy mệt mỏi thường tỏ ra chậm chạp, trẻ em dù mắc bệnh hay không vẫn thường biểu hiện sự mệt mỏi bằng cách tăng động.

“Nhìn từ bên ngoài, trông trẻ có vẻ rất năng động, nhưng thực tế lại không phải là như vậy.” Tiến sĩ tiếp tục cho biết “Một trong những lý do của hiện tượng kích động có thể là nhằm giúp trẻ luôn trong trạng thái tỉnh táo.”

Bài viết được dịch theo Easing ADHD without meds xuất bản trên tờ American Psychological Association