Khi mới bắt đầu cầm vô lăng, lái xe số sàn là sự lựa chọn của gần như tất cả của mọi bác tài tương lai. Thế nhưng việc lái xe số sàn chưa bao giờ là dễ dàng đặc biệt đối với lái mới. Việc lái xe số sàn đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng từ rất nhiều thao tác cũng như là cần nhiều kỹ năng hơn so với việc lái xe số tự động.
Để có thể chủ động kiểm soát tình huống trên đường cũng như đạt mức tiêu hao nhiên liệu hợp lý hơn khi sử dụng một chiếc xe số sàn, bạn cần những kinh nghiệm, kỹ năng cơ bản nhất cũng như kinh nghiệm truyền miệng để đời của nghề lái xe.
Lái xe số sàn sao cho thật phiêu
Mệt mỏi, ngao ngán mỗi khi đánh vật với số sàn khó tính, cộng thêm việc xe số sàn khó sử dụng hơn xe số tự động và rất dễ bị hư hỏng nếu như không biết sử dụng đúng cách. Ấy vậy mà khi đã bén duyên nhiều bác tài lại “nghiện” và chẳng muốn lên đời. Khi bắt đầu mới “chập chững” cầm vô lăng, xe số sàn là lựa chọn của gần như tất cả mọi người, khi lái được xe số sàn thì cảm giác lại rất phiêu.
Tập rú ga
Bất cứ khi nào trong đầu nghĩ cần rú, chân chỉ cần tựa vào bàn đạp ga, vòng tua máy đạt 1.000 – 1.200 vòng/phút là đạt. Đó là mức tối thiểu để đi các số mà xe không giật. Nếu đường đông, không cần mức đấy hoặc hơn thế nữa thì chuyển sang chờ ở chân thắng là vừa.
Khi nào cần sang số
Tùy vào đời xe với thiết kế động cơ và hộp số mà có ngưỡng chuyển số khác nhau. Mẫu số chung khi leo lên xe lạ thường là tua máy.
Depa từ số 1: chả cần lên ga, cho côn bắt chầm chậm. Khi xe lăn bánh thì đệm ga là vừa, đó gọi là đi côn trước, khởi động dịu dàng. Đối với người chân côn chưa chuẩn, chỉ cần đi ga trước bằng cách cho mớm ga cho tua máy lên 1.000 vòng/phút rồi mới nhả côn, xe sẽ không chết máy.
Từ số 1 – 2: tua máy khoảng 1.400 – 1.800 vòng/phút chuyển sẽ được. Từ 2 – 3 tua khoảng 1.300 – 1.700. Khi ở số 2 nếu không khéo các bác tài sẽ cho những người đồng hành gật gù. Từ 3-4, 4-5 nói chung lên số khá êm, vòng tua để khoảng 1.200 – 1.600 vòng/phút.
Sau bước làm quen giúp tìm được điểm sang số thích hợp cho mỗi xe. Chỉ cần nhớ vận tốc tua máy ở 1.000 vòng/phút của số lớn sẽ là điểm êm ái tiếp nhận số nhỏ.
Về số là khi phanh lại, ga xuống 1.000 vòng/phút. Nếu đường đông, vẫn phải tiếp tục giảm tốc, bạn cần rà thắng, nhả côn để xe bắt êm ái. Nếu đường cho phép duy trì tốc độ ấy chứ không giảm hơn nhiều thì bỏ thắng giữ ga cao một tí (khoảng 1.200 vòng/phút) mới bắt côn để xe không khựng lại. Khi tăng tốc cũng thế, nhưng nếu lỡ rú ga cao hơn so với mức cần thiết, thì về côn để việc tăng số được êm ái.
Chân côn linh hoạt – thách thức tài non
Nổ máy, vào số và nhả côn, bạn sẽ thấy nó có 3 khoảng khác nhau. Khoảng đầu từ khi chân côn kịch sàn tới khoảng 1/4 hành trình, côn chưa bắt nên có thể chuyển số. Đây là khoảng “chết” của côn. Khoảng dài 1/2 hành trình tiếp theo, côn bắt tăng dần, xe tăng tốc theo mức tăng ga. 1/4 hành trình còn lại, dù nhả chân côn hay không thì xe vẫn thế. Đó là khoảng trượt dùng để “đỡ côn” khi qua đường xấu hoặc lỡ đi số cao mà vận tốc hơi thấp nhưng không tiện về số vì tăng tốc ngay sau đó. Nguyên tắc khi nhả côn là nhanh dần đều. Khi đang nhả chân côn mà cần cắt ngay thì đạp dứt khoát rồi sau đó tiếp côn lại chứ đừng ngập ngừng xe sẽ giật.
Rà phanh chứ đừng đạp
Trừ trường hợp có sự cố, còn bình thường nên rà thắng và cảm nhận sự giảm tốc chứ đừng đạp phanh ứ hự. Rà cho đến khi nào gần dừng hẳn xe thì nhả ra một tí cho xe tự dừng chứ đừng cầm cự đến phút cuối. Bạn cứ thử và cảm nhận sự khác biệt, làm thế nào mà hành khách trong xe không hề biết xe đã dừng là đạt.
Tăng ga, nhả côn và nghe xe tăng tốc
Ấn ga làm sao khi nhả côn đến khoảng chừng 1/2 hành trình là xe đạt ngưỡng chuyển số tiếp theo, đạp nhẹ côn nhưng dứt khoát chỉ cần vào khoảng chết là tiếp tục sang số và lại nhả côn. Cứ côn ra ga vào sao cho thật điều, thật nhịp nhàn
Nếu bạn nhả hết rồi lại đạp côn kịch sàn, bạn sẽ nghe tiếng khục khi bắt côn số mới, các vị khách đồng hành của bạn sẽ bị gật gù đấy
Nguyên tắc 10 giây trong phố
Đi trong phố, tài xế cần dựa vào tính huống giao thông và dự đoán tốc độ tối đa sẽ đi. Bạn chỉ có 10 giây để đạt tốc độ này. Sau đó bỏ hẳn chân côn, đường thoáng, có thể đi số 3 hoặc 4, đệm ga khoảng 1.500 vòng/phút.
Lái xe số sàn có rất nhiều nguyên tắc
So với xe số tự động, xe số sàn đòi hỏi người cầm lái phải có nhiều thao tác hơn, nhất là trong thành phố. Ngoài việc biết lái xe, bạn phải đi thế nào là tốt nhất cho xe như tránh mài côn, sang số khi máy còn yếu. Tuy nhiên, việc lái xe số sàn trong thành phố – nơi đông dân cư và thường xuyên tắc đường lại là chướng ngại lớn của người điều khiển xe
Chọn số phù hợp với tốc độ
Khi di chuyển trong thành phố, có những đoạn đường thông thoáng nhưng cũng có những đoạn đường thường xuyên bị ùn tắc. Do đó, tốc độ ở những đoạn đường sẽ có sự khác nhau.
Với việc di chuyển xe số sàn ở tốc độ khác nhau, việc bạn cần lưu ý đó là phải lựa chọn số phù hợp với tốc độ tương ứng. Bởi trong trường hợp xe chưa đủ tốc độ mà bạn chạy xe ở số cao thì sẽ gặp phải tình trạng ép số. Điều này có nghĩa là xe chạy bị ì khi ga và sẽ không có được tốc độ như bạn mong muốn. Lưu ý rằng, đây cũng là nguyên nhân khiến hộp số xe mau hỏng. Do đó tài xế cần điều chỉnh tốc độ phù hợp với số xe khi di chuyển trong đường thành phố.
Sử dụng chân côn hợp lý
Chân côn được xem là vấn đề khó khăn đối với mỗi người khi đi xe số sàn. Thế nhưng cũng chính chân côn sẽ giúp việc lái xe an toàn hơn rất nhiều so với xe số tự động.
Nếu muốn xe ô tô của bạn vận hành êm ái trong thành phố, hãy nhớ đạp côn phải vào hết. Cùng với đó, khi nhả côn gần hết hãy dừng lại khoảng 3 đến 5 giây cho xe bắt đầu chuyển bánh, sau đó mới nhả hoàn toàn côn ra.
Khi đạp côn mà xe không khựng lại hoặc vọt đi chứng tỏ tài xế đang dùng chân côn đúng cách. Đồng thời, côn tiếp xúc với bánh đà phù hợp không bị đột ngột còn giúp xe bền hơn.
Vào cua
– Nên vào cua ở ngã 4 vuông góc với vận tốc khoảng 50km/h trở xuống để có thể đạp côn trước. Chân phải để vào chân phanh nhằm mục đích rà phanh cho chậm lại và chuẩn bị nếu có trường hợp khẩn cấp. Khi bạn thoát ra khỏi cua mà xe bị giảm tốc độ nhiều, bạn nên về số, còn xe vẫn chạy nhanh thì bạn chỉ cần tăng ga và chạy tiếp.
– Nếu vào cua ở những đoạn đường con thì không nên đạp côn, nhất là ở vận tốc lớn. Bởi xe sẽ bị mất độ bám đường, gây nguy hiểm.
– Không nên về số trước khi ôm cua, tới khi cua xong nếu thấy xe bị chậm lại nhiều mới nên về số.
– Thời điểm vào cua tài xế không nên đệm thêm ga, trừ khi xe chạy chậm.
– Khi vào cua chân phải nên để ở chân phanh để phòng tình huống nguy hiểm và tránh bị bối rối khi đạp nhầm chân ga.
Côn khi tắc đường
Khi xảy ra tình trạng tắc đường, tài xế cứ để ga-răng-ti, chờ sẵn chân thẳng. Nếu thấy xe trước nhích thì nhả côn cho xe mình nhích theo. Nếu đi đều, chậm thì ra côn đến đâu bạn giữ nguyên đấy và thêm ga. Còn nếu ra hết côn ở số 1 được và ru ga 1.000 – 1.200 để đi đều sẽ tốt hơn.
Nếu thấy xe trước đỏ đèn, xe sau phải đạp côn kịch sàn một cách dứt khoát và cứ thế để xe trôi chậm. Thậm chí bạn nên nhả nhẹ một chút thay cho việc rà thẳng. Nếu xe trước lại di chuyển thì bạn bắt côn trở lại. Cho tới khi nào xe trước dừng hẳn bạn mới phải đạp phanh, ra côn nhẹ nhàng và cắt phải dứt khoát.
Nếu đường tốt, bạn có thể lên số 2 và cho tới khi thoát ra chỗ thông thoáng thì lên số 3 và bỏ chân côn.
Tránh về số N (số mo)
Việc điều khiển xe số sàn về số N được các chuyên gia xe khuyên không nên làm. Vì khi về số N xe sẽ chạy theo quán tính lao về phía trước khiến bạn không làm chủ được tốc độ, khó xử lý khi gặp chướng ngại vật.
Đặc biệt, khi xe đổ đèo tuyệt đối không được về số N. Xe lao xuống dốc mà không có sự hỗ trợ của hộp số, chỉ phanh trong thời gian quá lâu sẽ khiến phanh bị nóng, quá nhiệt dẫn đến mất tác dụng. Nhiều người vì tiết kiệm xăng mà về số N nên không kiểm soát được tình hình dẫn đến những sự việc không đáng có.
Vượt xe trên đường
Nếu muốn vượt một xe trên đường thì hãy về số thấp (khoảng số 3), trong lúc về số để vượt cần đệm chân phanh, tránh hỏng động cơ và ly hợp. Trong lúc vượt kết hợp còi, xi-nhan và đèn passing sẽ giúp bạn và những xe xung quanh an toàn. Sau đó, có thể bỏ qua số 4 trung gian mà sang ngay số 5 để tiết kiệm nhiên liệu.
Đừng để số khi dừng đèn đỏ
Về số N sẽ có lợi nhất cho xe khi phải dừng đèn đỏ hoặc lúc kẹt xe. Bởi lẽ, dù ổ bi kết nối trực tiếp với bố ly hợp có tuổi thọ khá dài, tuy nhiên không phải là nó sẽ hoàn toàn bền bỉ khi người lái sử dụng xe sai cách. Về N sẽ tách ly hợp khỏi hộp số giúp vòng bi không tiếp xúc với các lò xo trên bộ ly hợp, điều này làm tăng tuổi thọ cho hệ truyền động của xe.
Không gác chân lên bàn đạp côn
Nhiệm vụ của bàn đạp côn là ngắt ly hợp, tách hộp số khỏi động cơ để xe có thể chuyển số. Bố ly hợp là bộ phận có trách nhiệm kết nối động cơ và hộp số để truyền lực đến các bánh răng dẫn động, hơn nữa, bố ly hợp cũng có khả năng cắt đường truyền lực khi cần thiết.
Khi gác chân lên bàn đạp côn, không ít thì nhiều cũng sẽ tác dụng lực, nhất là những xe có bàn đạp côn rất nhẹ. Điều này sẽ làm bố ly hợp không ăn khớp hoàn toàn với động cơ, gây ra tình trạng trượt ly hợp. Hậu quả dẫn đến hộp số sẽ không truyền tải đủ 100% công suất từ động cơ, gây tiêu hao nhiên liệu và bố ly hợp cũng nhanh bị ăn mòn. Chính vì vậy, nếu người lái liên tục tì lên chân côn, bộ phận này sẽ hoạt động “nửa vời” và nhanh chóng bị bào mòn. Khi bố ly hợp sắp hỏng, xe sẽ mất độ bốc và ì hơn bình thường.
Không dùng côn để giữ xe trên dốc
Đây là cách hại hộp số “mọi phần” khi các chi tiết như bố ly hợp, bánh răng dẫn động, ổ bi sẽ phải chịu lực ma sát rất lớn để giữ cả khối lượng xe đứng yên trên dốc, trong khi thắng ở 4 bánh có thể đảm nhận trách nhiệm này một cách nhẹ nhàng.
Thực tế tính năng này chỉ cho phép giữ xe đứng yên trong 1 – 2 giây để người lái có thời gian chuyển từ bàn đạp thắng sang bàn đạp ga. Hãy sử dụng thắng tay khi đậu xe lâu hơn 5 giây, nếu sợ xe bị trượt dốc khi di chuyển, bạn hãy thả bớt chân côn, dậm thêm ga và từ từ nhả thắng tay để xe bò lên dốc.
Đừng ép số để tăng tốc
Số cao trên cần số có vai trò giúp xe đi nhanh nhưng vẫn giữ vòng tua máy thấp, giúp tiết kiệm nhiên liệu và các chi tiết máy được hoạt động với áp lực thấp nhất. Khi muốn tăng tốc, các bác tài thường về 1 số, tăng ga, sau đó mới lên lại số cũ, điều này giúp xe tăng tốc rất nhanh nhưng cũng hại hộp số hơn so với cách nhấn thêm ga để tăng tốc.
Ngoài ra, chỉ sang số khi xe đạt đủ vận tốc, hạn chế thói quen sang số khi vòng tua máy chạm đến vạch đỏ. Bắt hộp số phải làm việc dưới sức ép lớn lâu ngày, tuổi thọ của nó chắc chắn sẽ bị giảm và việc phải móc hầu bao cho chi phí sửa chữa là điều tất nhiên.
Ra vào số đúng tốc độ
Ngoài việc biết lái xe, bạn phải đi thế nào là tốt nhất cho xe như tránh mài côn, sang số khi máy còn yếu. Có một thực tế là hầu hết bác tài ở Việt Nam thường sang số khi máy chưa đủ vòng tua, khiến xe bị ì, không thoát máy. Nếu bạn chưa đạt đủ tốc độ đã vào số cao sẽ làm cho xe ì, đạp ga xe không tăng tốc được (chạy ép số).
Thông thường các hãng xe đều có ngưỡng sang số hợp lý không giống nhau, nhưng trung bình vào khoảng 2.500 vòng/phút khi từ số 1 vào số 2. Nếu vào số hợp lý, xe sẽ khỏe để vào các số sau và giữ cho máy bền hơn, cộng với thao tác sang số nhanh (giảm ga và cắt côn nhanh – sang số – nhả côn từ từ kết hợp tăng ga), xử lý chướng ngại vật trên đường tốt, bạn sẽ đi được nhanh và êm hơn.
Chú ý khi dùng thắng tay đúng cách
Nhiều tài xế thường sử dụng thắng tay khi đề-pa ngang dốc và nếu có dấu hiệu tụt dốc lại xiết phanh tay. Thật ra, thắng tay không được thiết kế cho khả năng dừng khi xe đang chạy, mà chỉ yêu cầu là giữ xe đứng yên khi xe đã dừng. Nếu cố gắng dừng xe mà chỉ dùng thắng tay thì sẽ thấy nó không thích hợp và nguy hiểm như thế nào.
Nếu thắng tay không nhả ra hoàn toàn khi xe đang chạy sẽ dẫn đến sớm bị mòn, bố thắng láng bóng do hiện tượng trượt bố thắng, nhưng điều nguy hiểm hơn là nhiệt phát sinh có thể làm sôi dầu thắng, dẫn đến hậu quả là thắng mất tác dụng. Bạn nên dùng cách đề-pa truyền thống lúc học lái xe, sẽ an toàn và dễ sử dụng hơn.
Những điều cần biết khi mới lái xe ô tô
Có rất nhiều thách thức dành cho người mới lái ô tô và hầu hết họ phải lái xe nhiều để quen tay xử lý và tiến bộ. Khi di chuyển trên đường sẽ xảy ra nhiều khó khăn cho người lái. Dưới đây là những điều căn bản nhất sau khi bạn đã cầm được tấm bằng lái trong tay.
Cư xử như một người trưởng thành
Lời khuyên là hãy cư xử như một người có trách nhiệm. Hãy chắc chắn rằng bạn thể hiện sự tin cậy khi cầm giấy phép lái xe trên tay, và không trở thành một tấm gương xấu khi tham gia giao thông. Cố gắng hết mình để tạo nên những chuẩn mực cho xã hội.
Hãy nhớ rằng bạn không phải chứng tỏ điều gì với những người tham gia giao thông khác. Đường phố không phải dành cho việc đua xe, và bạn bè sẽ không ấn tượng nếu bạn bị tai nạn trong khi cố gắng chứng minh kỹ năng lái xe của mình.
Trong một số trường hợp, việc này có thể dẫn đến tử vong hoặc bị thương nghiêm trọng. Do đó, cố gắng đừng trở thành một trong số những người đó.
Giữ bình tĩnh khi lái xe
Trong cuộc sống thường ngày, bạn có thể dễ dàng tức giận và xả cơn bực tức vào những người xung quanh. Mọi người đều có thể làm điều này tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, người lái xe phải giữ bình tĩnh như không có vấn đề gì xảy ra. Bởi sự tức giận không bao giờ đem lại điều tích cực cho bất kể tình huống nào. Hãy học cách kiểm soát bản thân, và bạn sẽ trở thành một người lái xe chuyên nghiệp.
Không lái xe khi sử dụng chất kích thích
Đã uống rượu bia thì không lái xe. Tuy nhiên, nhiều tài xế chủ quan rằng họ có thể làm chủ được khi di chuyển trên đoạn đường ngắn hoặc đã có kinh nghiệm lái xe lâu năm hoặc cho rằng đã tỉnh táo khi ngủ một giấc.
Song, trong bất kỳ tình huống nào, bạn cũng cần rời xa vô lăng khi đã có chất cồn trong máu. Nếu xảy ra va chạm, chắc chắn bạn là người phải chịu phạt. Tệ hơn, sự ảnh hưởng của rượu bia sẽ khiến bạn xử lý kém nhanh nhạy hơn dẫn tới các tai nạn không đáng có.
Không sử dụng điện thoại khi lái xe
Những chiếc xe hiện đại có sẵn hệ thống Bluetooth cho phép kết nối điện thoại của bạn với hệ thống âm thanh của xe. Nhờ vào những tùy chọn kết nối, bạn có thể sử dụng điện thoại an toàn trong khi lái xe. Ngoài ra còn có bộ dụng cụ rảnh tay hoặc tai nghe để hỗ trợ người điều khiển lái xe an toàn trong khi sử dụng điện thoại.
Tuy nhiên, dùng điện thoại khi lái xe dù ở chế độ nào cũng chỉ nên hiểu ở mức “cực chẳng đã”. Cho dù cuộc gọi có quan trọng thế nào, hãy bình tĩnh tìm chỗ đỗ an toàn để nghe. Nếu không có, bạn có thể không nghe máy và gọi lại sau khi đã dừng, đỗ xe an toàn.
Hãy nhớ rằng sự an toàn của bạn, của những người trên xe và cả những người tham gia giao thông khác còn quan trọng hơn cả cuộc gọi đó!
Tập trung nhìn vào hướng lái
Lời khuyên này là một nguyên tắc cơ bản cho việc lái xe an toàn mà thậm chí áp dụng cho các tay đua. Nó rất dễ dàng. Bạn chỉ nên hướng mắt về nơi mà mình định đi tới.
Thông thường, con người hay có xu hướng bị thu hút bởi thứ gì đó lạ mắt xuất hiện trong tầm nhìn như một cô gái xinh xắn trên đường, một ngôi nhà đẹp, một cửa hàng đang sale mạnh,… Đây là một cái bẫy rất nguy hiểm với những lái xe.
Do đó, hãy nhớ rằng bạn đang lái xe và cầm trong tay mạng sống của rất nhiều người. Nếu phải đi qua một thắng cảnh, hãy chia buồn với chính bản thân mình bởi chỉ các hành khách được chiêm ngưỡng chúng.
Làm gì khi gặp tai nạn, va chạm
Không ai mong muốn tai nạn! Nhưng ai cũng phải chuẩn bị tâm lý cho điều này. Khi đó, việc làm cần thiết trước hết là tắt máy và rút chìa khóa để chắc chắn rằng chiếc xe của bạn không bị cháy. Hãy nhớ kéo phanh tay để xe không lăn bánh khi bạn thoát ra.
Nếu bạn có thể rời khỏi ghế ngồi và không bị thương tích nặng, hãy kiểm tra tình trạng của các hành khách khác. Hãy ra khỏi chiếc xe và xem xét tình hình giao thông. Nếu va chạm với một xe khác, hãy nói chuyện với người tài xế kia để dàn xếp vụ việc. Bình tĩnh luôn là điều quan trọng nhất.
Sau đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã chụp ảnh hiện trường trước khi di chuyển xe. Nếu lời giải thích của bạn về tai nạn không chính xác, hoặc nếu người tài xế kia cố gắng đánh lừa bạn để đòi bồi thường thiệt hại, những bức ảnh sẽ là nhân chứng tốt nhất cho bạn.
Hiểu rõ các bộ phận trên xe
Cho dù bạn đang sở hữu một mẫu xe bình dân hay một chiếc xe sang trọng, thậm chí siêu xe hay xe siêu sang thì nhìn chung, chúng cũng được cấu thành bởi những bộ phận cơ bản nhất của một chiếc ô tô. Do đó, khi mới lái ô tô, bạn cần làm quen với chiếc xe của mình, và nắm vững các bộ phận cơ bản của xe.
Điều đó có nghĩa, một tay lái mới phải có trách nhiệm hiểu hết chức năng của từng nút nhấn và kiểm soát được phương tiện một khi ngồi lên xe. Bạn cũng cần nhớ được vị trí của từng bộ phận trên xe nhằm tránh những rủi ro không đáng có khi di chuyển trên đường.
Đồng hồ hiển thị các thông số gì? Các thông số đó có ý nghĩa gì? Nắp bình xăng ở đâu, mở như thế nào? Đó là xe số sàn hay xe số tự động, cần gạt số hay dạng núm xoay?,… Có vô vàn câu hỏi mà bạn cần trả lời trước khi trở thành một người lái xe an toàn.
Tất cả những kiến thức này không thể học trong 1 hay 2 ngày. Bạn sẽ có thể mất tới vài ngày, vài tuần, hay vài tháng tùy theo sự nhạy bén của mình. Sách hướng dẫn, tài liệu online, hay “từ điển sống” là những đàn anh đi trước chính là những nguồn tham khảo hữu ích nhất.
Sửa chữa cơ bản
Sau khi bạn nắm được kiến thức về việc chiếc xe của mình hoạt động như thế nào, bạn cần biết được một số thao tác sửa chữa cơ bản nhất. Bởi trong một vài trường hợp, bạn chưa thể hoặc không thể gọi cứu hộ. Khi đó, chính bạn chứ không phải ai khác trở thành thợ sửa xe bất đắc dĩ nếu không muốn mắc kẹt ở trên đường.
Những thao tác cơ bản như thay lốp dự phòng, thăm dầu máy, chăm nước làm mát,… là điều mà những người mới lái ô tô nên biết. Hoặc ít nhất, họ cũng nên học được cách dự đoán “bệnh” của xe qua các tiếng lạ phát ra từ động cơ. Khi đó, bạn sẽ có thể miêu tả chính xác cho người thợ.
Mang giày cao gót khi điều khiển xe
Những đôi giày có gót của cả nam và nữ sẽ khiến người lái không thể điều khiển chính xác với chân ga và chân phanh. Thực tế, có rất nhiều những vụ tai nạn nguy hiểm đã phát sinh vì người điều khiển xe sử dụng giày cao gót và không giảm tốc kịp trước những tình huống nguy hiểm.
Để chai nước xuống sàn
Nhiều người có thói quen đặt các chai nước hoặc vật dụng khác xuống sàn xe. Hành động này có thể tiềm ẩn nguy hiểm bởi những đồ vật đó có thể lăn vào vị trí của chân ga, chân phanh, gây tình trạng kẹt chân ga hoặc chân phanh. Do vậy, người điều khiển xe tuyệt đối không nên đặt bất kỳ đồ vật nào xuống sàn xe.
Những kinh nghiệm truyền miệng để đời của nghề lái xe
Dù bạn có lái xe giỏi cỡ nào nhưng thiếu đi kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống đôi khi sẽ làm bạn rơi vào tình huống rắc rối. Dưới đây là những kinh nghiệm để đời trên đường bạn cần biết để tránh được nguy hiểm cho mình và người tham gia giao thông.
1. Lên số nào, xuống số đó
Quy tắc khi đi đường đèo, không chỉ áp dụng cho xe số sàn mà cả số tự động. Khi lên dốc cần đi ở số thấp để tận dụng lực kéo, ngược lại khi xuống dốc cũng về số thấp để phanh động cơ ghìm xe đúng tốc độ. Nếu để số cao đổ dốc, xe theo quán tính trôi xuống rất nhanh, độ bám của lốp xe giảm, tài xế phải rà phanh liên tục, có thể dẫn tới nguy cơ mất phanh.
2. Đầu xuôi đuôi lọt
Đây là nguyên tắc khi vào đường hẹp. Nếu đầu đã qua thì chắc chắn đuôi cũng sẽ qua vì đầu rộng hơn do có hai gương chiếu hậu. Tuy nhiên, bắt buộc phải để vô-lăng thẳng hợp lý. Nguyên tắc này không áp dụng cho xe tải vì có nhiều xe thùng rộng hơn nhiều so với đầu.
3. Nhất chạng vạng, nhì rạng đông
Đây là thời điểm mà ánh sáng đèn không phát huy tác dụng, người lái xe dễ gây tai nạn nếu chạy quá tốc độ và thiếu tập trung. Chạng vạng là khi cơ thể con người chuyển đồng hồ sinh học từ chế độ làm việc sang nghỉ ngơi, nếu có tập trung làm việc sẽ bị tình trạng “quáng gà” (nhìn gà hóa cuốc hoặc bị mù tạm thời). Còn rạng đông (khoảng 3-4h sáng) là giờ người ta chìm vào giấc ngủ sâu nhất. Thực tế cho thấy tai nạn thường xảy ra vào các khung giờ này
4. Tiến bám lưng, lùi bám bụng
Điều này không phải lái xe nào cũng nắm được nhuần nhuyễn, đặc biệt là các “tài non”. Chính vì vậy, không ít lái xe bị quệt sườn xe vào chướng ngại vật khi ôm cua trong không gian hẹp. Nếu nắm bắt được kinh nghiệm “Tiến bám lưng, lùi bám bụng” thì bạn sẽ thấy thật đơn giản. Muốn biết đâu là “lưng” và đâu là “bụng”, chỉ cần nhớ vô-lăng xoay về bên nào thì bên đó là “bụng”.
5. Chó tránh đầu, trâu tránh đuôi
Khi bất ngờ gặp trâu, bò hay chó băng qua đường, tài xế nên đi chậm, không nên sử dụng còi và chủ động nhường đường. Theo đó, chó khi gặp xe lao tới thường sẽ quay đầu chạy về nơi xuất phát còn bò thì ngược lại, sẽ lồng lên cố chạy tới. Vì thế, thấy chó mà tránh phía đuôi sẽ đâm hoặc thấy bò mà tránh về phía đầu cũng vậy.
6. Côn ra, ga vào, phanh tay thả
Theo đúng hướng dẫn (áp dụng đối với xe số sàn) bạn bắt đầu với chân trái từ từ nhả chân côn, cùng lúc chân phải mớm ga đồng thời nhớ hạ phanh tay.
7. Mưa tránh trắng, nắng tránh đen
Đây là kinh nghiệm chọn mặt đường tùy thời tiết. Khi trời mưa, nếu mặt đường có ổ gà, nơi đó sẽ đọng nước, phản xạ ánh sáng tạo thành mặt gương lấp loáng, không nên đi vào nơi đó. Khi trời nắng, mặt đường sẽ sáng đều, những nơi tối (đen) hơn có thể là ổ gà hoặc có chất khác đổ trên mặt đường, nên tránh.
8. Buông chân ga, qua chân thắng
Tài xế mới luôn phải nhớ trong đầu, bất cứ khi nào không ga, phải chuyển sang để lên chân thắng, khi cần thiết sẽ đạp thắng được ngay. Thói quen này nên tập bằng cách đặt cố định gót chân phải, xoay kiểu chữ V di động giữa hai bàn đạp thắng và ga.
9. Ba giây xanh thì bỏ, ba giây đỏ thì đi
Ba giây đèn đỏ, không giúp chúng ta nhanh hơn, trong đời thường, đặc biệt trong việc tham gia giao thông, ba giây đèn đỏ chỉ khiến chúng ta rơi vào những hiểm họa tiềm ẩn. Chúng ta có thể bị phạt nếu phía trước là anh cảnh sát giao thông yêu nghề, chúng ta có thể bị tai nạn nếu đằng kia cũng một người tranh thủ hết tốc để kịp giây đèn vàng. Sâu xa, chúng ta thành thói quen xấu khó bỏ.
Mặt lợi, chẳng có gì, muộn 3 giây vẫn được vào cơ quan không bị phạt, vẫn được vào thi, vẫn kịp online facebook bình thường, vẫn không bị người yêu giận dỗi… Ấy vậy nên tranh thủ kiềm chế, đừng rồ ga, đừng bấm còi inh ỏi khi còn ba giây đèn đỏ, hãy thể hiện mình là người có văn hóa giao thông. Trân trọng thời gian một cách chính đáng, chứ không phải cắp chổ này, phí phạm chổ kia. Đừng đánh đổi ba giây đèn đỏ lấy tư cách và tính mạng của mình.
Đừng nên cố gắng chạy đèn đỏ khi sắp hết số giây, nhiều khi chạy nhanh quá chưa tới ngã tư đã va chạm với ông nào đó rồi (vì cùng vội chạy đèn đỏ). Cứ bình tĩnh, hụt một hai cái đèn đỏ cũng không làm chậm lộ trình đi bao nhiêu mà rất an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
10. Xuống phà xe trước người sau, lên phà người trước xe sau an toàn
Nhắc nhở các bác tài về ý thức khi lên xuống phà, có nhiều bác coi thường việc này.
11. Nhanh một giây, chậm một đời
Đây là một “slogan” khá nổi tiếng về bảo đảm an toàn giao thông. Hiểu đơn giản là nếu vội vã thiếu quan sát, đi quá tốc độ, chưa chắc đã nhanh hơn mà còn có thể mất mạng.
“Nhanh một giây, chậm một đời”. Câu nói như một lời cảnh tỉnh với tất cả những người tham gia giao thông. Bạn sẵn sàng bỏ ra vài phút để chờ một người bạn đến muộn hay thêm một vài phút đợi đến lượt mình gọi một ly trà sữa mình yêu thích, vậy tại sao không thể chờ thêm vài giây nữa trước khi đèn tín hiệu chuyển từ đèn đỏ qua xanh rồi mới chuyển bánh? Hãy đừng chỉ xem việc chờ đèn tín hiệu ấy là việc đối phó mà hãy xem nó như một hành động cần thiết.
Ðược sinh ra trên đời là hạnh phúc, hãy biết quý trọng nó. Sự sống đôi khi bị cướp mất chỉ vì một phút nông nổi, một giây bất cẩn, một tích tắc chủ quan, một quyết định sai lầm. Ðừng bỏ phí cuộc đời mình và người thân vì những tai nạn giao thông không đáng có. Hy vọng những chia sẻ vừa rồi của Anycar sẽ giúp ích cho các bác tài trong quá trình cầm lái.